Từ hiện tượng phim Việt gây sốt phòng vé: Không phải là ăn may
- Phim Việt: “Khát” biên kịch vàng?
- Phim Việt Nam cùng ồ ạt ra rạp: Điện ảnh Việt liệu có làm nên chuyện?
- Xuất khẩu phim Việt: Mộng ước không quá xa vời
- Phim Việt thua trong nước, thắng ngoài nước vì sao?
Ngay từ khi bắt đầu ra mắt khán giả, "Em chưa 18" đã tạo nên cơn sốt tại khắp các phòng vé. Ngoài danh hiệu là phim có doanh thu cao nhất hiện nay thì phim cũng đã cán mốc nhiều kỷ lục: Phim Việt có doanh số 3 ngày cuối tuần công chiếu cao nhất (36,2 tỷ đồng/ 3 ngày); Phim Việt có doanh số một ngày cao nhất (15,6 tỷ đồng). Điều đáng ngạc nhiên là sự thành công của "Em chưa 18" không nằm trong công thức chung mà người ta vẫn thường hình dung từ trước đến nay: ngôi sao phòng vé, đạo diễn tên tuổi, chiêu trò quảng bá hay kịch bản được mua từ nước ngoài...
Bộ phim của bộ đôi nhà sản xuất Charlie Nguyễn, đạo diễn Lê Thanh Sơn nhận được những phản hồi tích cực từ phía khán giả nhờ kịch bản trẻ trung, logic, dàn diễn viên nhập vai ăn ý, đặc biệt là truyện phim dí dỏm, đánh trúng tâm lý giới trẻ...
Sự thành công của phim cũng khiến cho dàn diễn viên trẻ Kiều Minh Tuấn, Kaity Nguyễn, Will 365, Châu Bùi... trở thành những nghệ sĩ được đông đảo khán giả biết tới. Không chỉ có vậy, "Em chưa 18" trở thành phim Việt đầu tiên được một số đối tác của Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ mua bản quyền để làm lại.
“Em chưa 18” thu hút khán giả bằng kịch bản trẻ trung vui nhộn hợp thị hiếu khán giả. |
Có thể nói, thời gian cuối năm 2016, đầu năm 2017 đã đánh dấu sự khởi sắc của điện ảnh Việt Nam. Không chỉ minh chứng bằng việc những bộ phim ra rạp ngày một nhiều hơn mà bằng những cơn sốt phòng vé từ những bộ phim ấy. Một loạt những bộ phim ra rạp nhận được nhiều khen ngợi từ phía khán giả cũng như doanh thu luôn ở mức vừa đến mức kỷ lục.
Giờ đây, nhiều người đã quen với hình ảnh rạp chiếu không trống một ghế nào cũng như tình trạng cháy vé không chỉ diễn ra với những bộ phim "bom tấn" của nước ngoài mà hoàn toàn có thể thuộc về những bộ phim Việt.
Sự thành công về mặt doanh thu của một số bộ phim Việt thời gian gần đây là do đâu và liệu có phải do các nhà làm phim ăn may là những câu hỏi luôn được đặt ra từ những khán giả yêu điện ảnh. Nhưng, sự phản hồi của chính khán giả từ mỗi bộ phim là những câu trả lời chính xác nhất cho những thắc mắc này. Một điều dễ nhận thấy là những bộ phim thu hút được khán giả thời gian gần đây đều có kịch bản rõ ràng, mạch lạc và logic.
Câu chuyện của "Em chưa 18" bắt đầu với Hoàng, một tay chơi sành điệu, sống cùng quan niệm "không có đêm thứ 2" với bất kỳ cô nàng nào. Cuộc sống của Hoàng đã hoàn toàn thay đổi khi gặp Linh Đan - cô nữ sinh thông minh, tinh quái. Khi Hoàng phát hiện ra bạn gái mới của mình chưa 18 tuổi cũng là lúc cả thế giới đào hoa của anh chàng này chỉ xoay xung quanh cô học trò xinh đẹp. Cốt truyện nhẹ nhàng cũng giống như câu chuyện được kể trong "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh".
Một tuổi thơ hoa mộng, đầy kỷ niệm, những rung động tinh khôi đầu đời được diễn ra trên mảnh đất ven biển miền trung hiền hòa với những con người lam lũ, bình dị nhưng đã làm nên sức hút khó cưỡng với bộ phim này.
Tương tự như vậy, mặc dù là bộ phim mang hơi hướng giả tưởng nhưng những chi tiết trong "Em là bà nội của anh" lại dí dỏm, đời thường và vô cùng gần gũi. Khác hẳn với những đề tài "nửa nạc nửa mỡ" tràn lan thời gian vừa qua hay những đề tài quá lớn lao nhưng làm không tới, những bộ phim ăn khách thời gian vừa qua đều có cốt truyện giản dị nhưng được làm kỹ lưỡng từ những chi tiết nhỏ.
Những bộ phim gần đây cũng cho thấy, các nhà sản xuất đã tập trung vào những đề tài xã hội với những vấn đề đang được nhiều người quan tâm. "Lô tô", "Dạ cổ hoài lang", "Hotboy nổi loạn 2"... là những phim phản ánh những góc khuất xã hội về cuộc sống những người đồng tính, nỗi niềm của những người Việt xa quê hay những số phận những người lang thang dưới đáy xã hội. Điều đáng nói là tính cách nhân vật khắc họa rõ nét và xuyên suốt, ít để lộ những vô lý khó chấp nhận trong xây dựng tính cách nhân vật.
Lâu nay, không ít người cho rằng muốn phim ăn khách phải có ngôi sao. Nhưng sự thành công của những bộ phim gần đây đã hoàn toàn xóa bỏ quan niệm trên. Thay vì sự xuất hiện tràn lan của các hotboy, hotgirl, hoa hậu người mẫu nhưng diễn xuất nhạt nhẽo là những nghệ sĩ kỳ cựu hay những diễn viên trẻ có thực tài.
Và dàn diễn viên ấy đã làm nên chất lượng cho những bộ phim này. "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" thu hút khán giả hoàn toàn bằng diễn xuất của dàn diễn viên nhí lần đầu tiên xuất hiện trên màn ảnh. Sự chân thực, hồn nhiên nhưng không kém phần tinh tế trong diễn xuất của những diễn viên nhí này đã thực sự khiến khán giả bị cuốn hút vào câu chuyện.
Ở "Em chưa 18" cũng vậy, Kiều Minh Tuấn, Kaity Nguyễn, Will... trước đó chưa hề là ngôi sao trong quan niệm của nhiều người nhưng họ đã chinh phục được khán giả bằng lối diễn xuất vô cùng tự nhiên, ăn ý. Đáng chú ý nhất là gương mặt trẻ Kaity Nguyễn, ngay lần chạm ngõ đầu tiên trong phim "Em chưa 18" đã gây ấn tượng đặc biệt và kỳ vọng sẽ trở thành ngôi sao sáng của điện ảnh trong thời gian tới.
Ngoài những gương mặt mới thì những tên tuổi nghệ sĩ như Hoài Linh, Chí Tài vẫn luôn khẳng định được đẳng cấp của mình bằng lối diễn tự nhiên như không nhưng lôi cuốn và xúc động. Rõ ràng, tới xem phim là khán giả muốn chứng kiến khả năng diễn xuất của diễn viên tới đâu. Vì thế ngoại hình, nhan sắc sẽ chỉ là điểm cộng chứ không phải là yếu tố chính quyết định sự thành công của nhân vật nữa.
Nhập vai xuất thần của Miu Lê góp phần làm nên thành công cua phim: “Em là bà nội của anh”. |
Bởi vậy, nhắc tới "Em là bà nội của anh" khán giả nhớ tới khả năng nhập vai tới mức xuất thần của Miu Lê chứ không đơn thuần chỉ là một cô ca sĩ biết đóng phim. Có một thời, phim chiếu rạp chủ yếu theo mùa vụ vào dịp tết nên phim có ngôi sao thường thắng lớn nhưng giờ đây, tình hình đã thay đổi. Phim thắng hay thua phụ thuộc chính vào dàn diễn viên, chất lượng phim và thị hiếu khán giả.
Một trong những yếu tố khiến phim Việt thu hút được khán giả chính là việc bộ phim đáp ứng được yêu cầu của nhiều lứa tuổi, đặc biệt là thanh niên. Theo một điều tra mang tính xã hội học của Trung tâm chiếu phim Quốc gia thì lứa tuổi từ 16 đến 25 chiếm tỷ lệ rất lớn trong tổng số khán giả tới rạp xem phim. Vì thế, phim đánh trúng vào tâm lý lứa tuổi này tức là đã phần nào nắm được sự thành công.
"Em chưa 18", "Em là bà nội của anh", "Bạn gái tôi là sếp"... đều là những bộ phim đề cập đến vấn đề tình yêu, tâm lý của lứa tuổi mới lớn vì thế nhận được sự hưởng ứng tích cực của khán giả ở lứa tuổi này.
Mặc dù "Em chưa 18" nằm trong mô típ của hằng hà sa số những bộ phim ngôn tình tuổi teen nhưng đã thành công nhờ kịch bản hiện đại và bắt trúng gu khán giả. Và sự thật đã chứng minh, một số bộ phim bị giới hạn về độ tuổi khán giả, mặc dù được làm công phu kỹ lưỡng nhưng kết quả doanh thu lại không được như các nhà sản xuất kỳ vọng, nếu không muốn nói là có những phim rơi vào tình trạng thất bại thảm hại.
Có thể nói, những bộ phim mới ra mắt nhanh chóng phá vỡ kỷ lục doanh thu bán vé của phim trước là một tín hiệu vui cho nền điện ảnh nước nhà. Điều này đã phá vỡ thế "thua trên sân nhà" của điện ảnh Việt tồn tại trong một thời gian khá dài. Không có một công thức chính xác cho sự thành công của mỗi bộ phim, nhưng chắc chắn không phải là sự "ăn may" bởi nói như đạo diễn Phạm Hữu Tuấn "không thể lừa khán giả tới rạp".
Điện ảnh Việt Nam đang ngày một đi lên về chất lượng dù vẫn còn đó những tranh cãi cho rằng các bộ phim chỉ thành công về doanh thu chứ chưa đạt được hiệu quả cao về nghệ thuật. Dù vậy, chúng ta cũng phải công nhận rằng các phim trong nước ngày càng cuốn hút khán giả tới rạp không thua kém gì những bộ phim bom tấn nhập ngoại chính vì các nhà làm phim đã thực sự chú trọng tới những yếu tố cốt lõi của một tác phẩm điện ảnh chứ không chạy theo những yếu tố hào nhoáng khác.