Từ chuyện tâm sáng đến thu hút nhân tài

Thứ Sáu, 08/01/2021, 10:40
Trong những ngày đầu năm 2021, Bộ Nội vụ đã lấy ý kiến góp ý về dự thảo Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài, với mục tiêu từ 2026, ít nhất 2% lãnh đạo, quản lý cấp bộ là "nhân tài". Thêm một lần nữa câu chuyện về xây dựng nền kinh tế trí thức, trọng dụng nhân tài, phát huy trí tuệ Việt lại sôi nổi trong dư luận.


Một chủ đề không mới, luôn ám ảnh nhưng có lẽ, ở thời điểm bản lề khi chúng ta vừa bước sang năm mới, tiễn biệt 2020 đầy khó khăn, thử thách, chủ đề này lại đem đến cho chúng ta những suy cảm thú vị.

Trong quan niệm truyền thống của người Việt, tài và tâm là hai phạm trù có quan hệ mật thiết được đúc kết trong câu thơ của đại thi hào Nguyễn Du: “Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” (Truyện Kiều). 

Vì sao “tâm” lại được đề cao với sự so sánh chênh lệch với “tài”? Liệu có phải đấy là sản phẩm của ý thức hệ Nho giáo đã ăn sâu vào tiềm thức người Việt, trở thành quan niệm mang nặng ý nghĩa giáo huấn chăng? 

Xin thưa rằng đó là sự gắn kết từ gốc gác trong “thiện căn” - một khái niệm chưa bao giờ cũ. Trong một năm đầy nguy nan, thử thách, câu chuyện về “thiện căn” ấy vô tình như một sự trùng hợp với câu chuyện người tài, nhân tài hôm nay.

Các trí thức trẻ Việt Nam luôn được trân trọng - Nguồn Báo Thanh niên.

Năm 2020, một năm với đầy những khó khăn: “Ngay sáng mùng 1 Tết Canh Tý đã xảy ra mưa đá diện rộng ở 7 tỉnh miền núi phía Bắc; nửa đầu năm hạn khắc nghiệt ở cả 3 vùng Bắc, Trung, Nam; mặn, kiệt ở Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn cả mốc lịch sử năm 2016; và bão chồng bão, lũ chồng lũ ở các tỉnh miền Trung trong tháng 10 và 11, vượt xa các mốc lịch sử quan trắc trước đó” (theo Báo Dân tộc). 

Nhưng, từ trong gian khó ấy, chúng ta có những minh chứng hùng hồn của lòng yêu nước, tình đoàn kết, niềm tự hào dân tộc, niềm tin của nhân dân vào Đảng, chính quyền và đặc biệt tính ưu việt của chế độ XHCN. Vàng thử lửa, trước nguy nan, đâu chỉ “tính ưu việt”, “lòng yêu nước”, “tinh thần đoàn kết”, mà còn có cả trí tuệ, tài năng, bản lĩnh…

Điều này đã được các chính khách, các chuyện gia kinh tế khẳng định. Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink cho rằng: “Việt Nam đã xuất sắc khi đương đầu với đại dịch COVID-19 bằng những biện pháp chủ động, hợp tác và minh bạch” (theo Báo Lao động). 

Trước việc kinh tế Việt Nam năm 2020 vẫn duy trì tăng trưởng, đạt mức 2,91% mặc dù phải đối mặt với đại dịch COVID- 19, chúng ta có thể nhìn nhận lại những nguyên nhân sâu sa, đó cũng là sự nỗ lực, sáng tạo như: tận dụng tốt các cơ hội và khả năng đa dạng hoá, thích ứng linh hoạt của nền kinh tế; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả. Các trọng tâm cơ cấu lại về đầu tư công, hệ thống các tổ chức tín dụng, hệ thống doanh nghiệp nhà nước; cơ cấu giữa các ngành và nội ngành tiếp tục chuyển dịch tích cực, đúng hướng…

Với một đất nước, để duy trì được đà tăng trưởng cũng như ổn định và phát triển, phải chăng cần đòi hỏi sự nỗ lực bổ sung thường xuyên và liên tục những cá nhân xuất sắc cũng như cơ chế hợp lý. Vậy thực trạng thu hút và sử dụng nhân tài của chúng ta như thế nào?

 Mục tiêu: “Từ năm 2026 đến 2030, 100% các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bảo đảm khung tỷ lệ tối thiểu từ 2% đến 5% trở lên nhân tài trong cơ cấu lãnh đạo, quản lý; từ 10% đến 15% trở lên trong cơ cấu chuyên môn, nghiệp vụ” có thực tế, khả thi hay không? 

Thạc sĩ Hà Công Hải trong bài viết “Thực trạng và kiến nghị về chính sách thu hút, sử dụng nhân tài ở Việt Nam” (đăng trên Tạp chí Tổ chức Nhà nước), từng chỉ rõ những bất cập như: “Chính sách tuyển dụng nhân tài nặng về bằng cấp; chính sách thu hút, sử dụng nhân tài thiếu tính đồng bộ; chính sách đãi ngộ về vật chất đối với nhân tài còn thấp so với mặt bằng xã hội…”. 

Thực trạng này nếu đem đối chiếu với các mục tiêu trong Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài của Bộ Nội vụ như: “Từ năm 2021 đến 2025, 100% các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành và triển khai thực hiện chính sách cụ thể thu hút, trọng dụng nhân tài phù hợp với chiến lược này và tình hình thực tiễn... Từ năm 2030 trở đi, phấn đấu mỗi năm tăng thêm ít nhất 1% trở lên với cơ cấu lãnh đạo, quản lý và 3% trở lên trong cơ cấu chuyên môn, nghiệp vụ” (theo Báo Thanh niên), có thật sự là một thách thức về tính khả thi chăng?

Biểu tượng thu hút nhân tài - Nguồn ảnh Vietnamplus.

Từ thực tiễn, tiềm năng của thể chế, truyền thống văn hóa, tâm lý xã hội, cũng như tiềm năng phát triển kinh tế, chúng ta có thể rút ra những suy ngẫm khá thú vị:

1. Tinh thần dân tộc là một phẩm chất nổi trội trong tầng lớp trí thức Việt Nam từ xưa đến nay, dẫu đất nước vẫn còn nhiều khó khăn, chính sách đãi ngộ chưa được cao (so với các nước phát triển). 

Không chỉ có các tấm gương trong quá khứ như Phạm Quang Lễ (Trần Đại Nghĩa), Trần Hữu Tước, Võ Quí Huân và Võ Đình Quỳnh… từng theo Bác Hồ về nước trong kháng chiến chống Pháp, mà những người trẻ hôm nay như Thạc sĩ Nguyễn Đức Tài (Đại học Boston College, Hoa Kỳ); TS Nguyễn Duy Tâm (Singapore); TS Hà Hoàng Thi (ĐH Harvard, Hoa Kỳ)… cũng đã và đang bắt tay vào sự kết nối để phát huy trí tuệ Việt vào công cuộc xây dựng đất nước. Có lẽ chính truyền thống văn hóa, niềm tự hào dân tộc là động lực để tạo nên sự gắn kết ấy.

2. Đã có những tín hiệu khởi sắc trong cơ chế tuyển dụng cán bộ, thi tuyển lãnh đạo hiện nay. Đó là tín hiệu vui, hứa hẹn những bước đột phá. Sau những năm thực hiện Đề án “Đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp phòng” của Bộ Nội vụ thí điểm tại 14 bộ, ngành và 22 tỉnh đã có những kết quả đáng mừng. 

Trong văn kiện Bộ Chính trị khóa XI khẳng định: “Nhiều cơ quan ở Trung ương, địa phương và doanh nghiệp đã xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể về tuyển chọn, đào tạo, đãi ngộ nhằm thu hút những người có trình độ cao, trong đó có sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ về cơ quan, đơn vị, địa phương công tác” (Theo webside Quanlynhanuoc).

3. Qua cuộc chiến với đại dịch COVID- 19, với những chính sách, giải pháp đầy hiệu quả nhằm ngăn chặn, khống chế đại dịch của chính phủ, nhiều tầng lớp nhân dân (đặc biệt là thế hệ trẻ đang sinh sống và học tập, làm việc ở trong và ngoài nước) càng nhận thức rõ hơn về tính ưu việt của chế độ. 

Không có bài phân tích, quan điểm lập luận về chính trị nào thuyết phục hơn chính thực tế đó. Người dân trở về nước để được xét nghiệm, chữa trị, được mắt thấy tai nghe từng chính sách nhân văn được thực thi. 

Sự kiện này cũng là một bài học với người trẻ. Dù bạn sống và lam việc ở đâu, quê hương, dân tộc vẫn là cội nguồn, là hậu phương vững chắc. Chỉ khi quê hương ấy, dân tộc ấy hùng mạnh, bạn mới thực sự có điểm tựa về mặt tinh thần, có một vị thế ngẩng cao đầu với bạn bè thế giới.

Từ chuyện tâm sáng đến thu hút nhân tài là một câu chuyện thú vị, biện chứng trong một năm mới đầy thách thức và hứa hẹn. Khó khăn đã và sẽ còn phía trước, ngay cả với những nước đang phát triển, việc tìm được nhân tài, để họ toàn tâm toàn ý cống hiến cho quốc gia, dân tộc là điều không hề đơn giản. 

Tuy nhiên, qua những gì đã và đang diễn ra, với những tiềm năng đã nhận diện, chúng ta có quyền hy vọng. Bởi, nhân tài “là nguyên khí quốc gia”, là sức sống trường tồn của một dân tộc đã từng chiến thắng những kẻ thù lớn nhất, vượt qua những thử thách, cam go nhất. Và, với mỗi chúng ta, tư duy, thái độ trân trọng người tài, trí tuệ cũng góp phần không nhỏ vào công cuộc ấy…

Lâm Việt
.
.