Để chính sách thu hút nhân tài đi vào cuộc sống

Thứ Năm, 07/06/2018, 17:31
Tài năng không được phát huy và trọng dụng đúng lúc, đúng chỗ sẽ bị mai một, tàn lụi nhanh chóng. Người có tài cần được hưởng chế độ đặc cách trong công việc, trong bổ nhiệm và trong lương bổng, trao cơ hội thăng tiến cho họ, giúp họ có quyền thực hiện thành công các ý tưởng...


Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở Đà Nẵng triển khai từ năm 2006. Đến nay, 460 người tham gia đã tốt nghiệp, trong đó 375 người đang công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố. Tuy nhiên, mới đây có 40 người xin thôi việc, trong đó có những học viên phải bồi hoàn kinh phí đào tạo do chưa đủ thời gian cống hiến 7 năm như cam kết.

Vất vả ở nước ngoài để có được tấm bằng từ khá trở lên, về nước, các học viên không có quyền lựa chọn vị trí, công việc phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ; kèm đó chính sách đãi ngộ chưa xứng đáng đã khiến một số người tài nản lòng và đành rũ áo ra đi.

Cũng cần thấy thực trạng đáng buồn ở một số cơ quan, địa phương diễn ra nghịch lý khi xây dựng Đề án thu hút trí thức trẻ, thu hút người tài về cống hiến cho quê hương đã có tình trạng mấy "sếp" lớn nương vào đề án này để đưa con cháu, người nhà đi học tập ở nước ngoài bằng tiền ngân sách, tiếp đó "đi tắt" trong bố trí, sắp xếp việc làm và rồi tiếp tục "đón đầu" trong bổ nhiệm.

Từ những bệ phóng được chuẩn bị sẵn, ở tuổi 30, Trần Văn Mẫn (con trai ông cựu Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng) nhanh chóng trở thành Trưởng Phòng Đấu thầu, thẩm định và giám sát đầu tư thuộc Sở Kế hoạch - Đầu tư Thành phố Đà Nẵng và là ứng viên của chức Phó Giám đốc sở này. Ông Lê Phước Hoài Bảo (con trai nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam) đã trở thành một hiện tượng hiếm thấy khi trở thành Giám đốc Sở trẻ nhất Việt Nam vừa tròn 30 tuổi.

Chính sách thu hút nhân tài ở Việt Nam mới chỉ là hình thức.

Sự trưởng thành nhanh chóng của một vài học viên trong "Đề án" đã khiến nhiều học viên khác nản lòng. Vì họ là người biết rõ nhất học lực, năng lực cũng như trí tuệ của những bạn đồng môn. Nếu một người không thấy được cơ hội trong cuộc sống và công việc của mình, mà chỉ luôn nghĩ rằng mình có thể làm được tốt hơn nếu được ở nơi khác, một môi trường khác có rất nhiều cơ hội kiếm tiền hoặc giúp họ thành công, thì người đó sẽ cảm thấy vô cùng thất vọng và sẽ không thể làm tốt công việc của mình.

Để xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, Nghị quyết số 26 - NQ/TW ngày 19-5-2018 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã đặt ra mục tiêu: Đối với cán bộ cấp chiến lược từ 40 - 50% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tổng cục, cục, vụ, phòng và tương đương ở Trung ương từ 50 - 60% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý ở địa phương từ 25 - 35% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế…

Như vậy, cần phải tập trung phát hiện được người tài và phải tích cực bồi dưỡng họ. Ngay cả những người có được những thành công ban đầu và được đưa vào nguồn quy hoạch cán bộ thì đây cũng chỉ là mầm mống của nhân tài. Nếu không được tiếp tục bồi dưỡng, các mầm mống đó sẽ bị thui chột đi. Một đất nước không những cần phải đẩy mạnh phát triển giáo dục, coi trọng bồi dưỡng, đào tạo nhân tài mà còn phải áp dụng các biện pháp giữ lại nhân tài, thu hút nhân tài và sử dụng tốt nhân tài.

Tài năng không được phát huy và trọng dụng đúng lúc, đúng chỗ sẽ bị mai một, tàn lụi nhanh chóng. Người có tài cần được hưởng chế độ đặc cách trong công việc, trong bổ nhiệm và trong lương bổng, trao cơ hội thăng tiến cho họ, giúp họ có quyền thực hiện thành công các ý tưởng. Làm sao chọn được đúng người để tạo điều kiện hợp lý khuyến khích nhân tài làm việc trung thành? Đó là việc không đơn giản.

Thực tế trong nhiều cơ quan nhà nước, tinh thần "chiêu hiền đãi sĩ" cũng được đề cập rất nhiều trên báo chí cũng như diễn đàn Quốc hội, nhưng để dụng người tài vào những vị trí quan trọng thì vẫn phải kèm theo những tiêu chí như phải là đảng viên, phải có trong danh sách quy hoạch cán bộ, phải đủ bằng cấp lý luận chính trị... đã cản trở nhiều người có tài phát huy năng lực và sức cống hiến của họ cho đất nước, cho dân tộc. Đã tới lúc phải dỡ bỏ các rào cản để người tài có thể tham gia giữ những chức vụ quan trọng ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước. Con người Việt Nam vốn thông minh, nhân tài nước ta thời nào cũng có.

"Hiền tài là nguyên khí của quốc gia" được khắc trên văn bia tiến sĩ tại Quốc Tử Giám do Tiến sĩ Thân Nhân Trung viết năm 1484 đã phân tích vai trò của người hiền tài đối với vận mệnh của đất nước: Khi yếu tố này dồi dào thì đất nước phồn thịnh. Khi yếu tố này kém cỏi thì đất nước suy yếu. Những người tài giỏi là một sức mạnh đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của quốc gia, dân tộc.

Cù Tất Dũng
.
.