Truyền thống trong dòng chảy đương đại
- Người đưa thổ cẩm truyền thống vươn ra thế giới
- Một sắc màu trong đời sống đương đại
- Bức tranh âm nhạc Việt Nam đương đại
Nối dài đời sống của các giá trị truyền thống
Chúng ta luôn tự hào khi sở hữu một kho tàng các giá trị văn hóa truyền thống giàu bản sắc. Nhưng truyền thống chỉ thực sự có giá trị khi nó được tiếp nối và hiện diện trong đời sống hôm nay.
Viết tiếp câu chuyện truyền thống như thế nào là trăn trở của nhiều nghệ sĩ trẻ. Họ là những người yêu truyền thống, hiểu được các giá trị văn hóa truyền thống chính là hồn cốt của một đất nước, nó định vị chúng ta là ai, chúng ta đến từ đâu trong xu thế toàn cầu hóa.
Vì thế, đã manh nha có những dự án, những con đường tìm hướng đi cho các giá trị truyền thống. Đó là những sáng tạo của các cá nhân dựa trên chất liệu dân gian như triển lãm “Không có gì ở đằng sau” của họa sĩ Bùi Thanh Tâm lấy chất liệu từ tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng...
Mới đây là dự án “Từ truyền thống đến truyền thống” của các nghệ sĩ trẻ do họa sĩ Nguyễn Thế Sơn làm giám tuyển. Ở Việt Nam, xu hướng đưa các họa tiết của nghệ thuật truyền thống vào ứng dụng của nhà thiết kế Trịnh Thu Trang đã bắt đầu đi vào cuộc sống. Hanoia - một nhà chế tác thủ công cao cấp đã thiết kế những hộp trà, bình hoa, đồ sơn mài mang hình ảnh lồng chim ở Hà Nội, chõ đồ xôi miền núi phía Bắc hay cả những khung cửa sắt Hà Nội xưa...
Vẽ tiếp tinh hoa “Từ truyền thống đến truyền thống” được nhiều bạn trẻ quan tâm. |
Ở lĩnh vực âm nhạc, truyền thống cũng đã hồi sinh trong một diện mạo mới, mang hơi thở đương đại. Đó là những sáng tác mới lấy chất liệu văn hóa dân gian - một hướng đi của các bạn trẻ như Hoàng Thùy Linh, Hà Lê, Ngô Hồng Quang...
Ở lĩnh vực thời trang, nhiều năm qua, họa tiết truyền thống được đưa lên áo dài. Nhà thiết kế Minh Hạnh đưa thổ cẩm và những họa tiết độc đáo trong kho tàng mỹ thuật truyền thống Việt Nam lên áo dài và quảng bá khắp thế giới; nhà thiết kế Hòa Nguyễn đưa tranh tố nữ lên áo dài, váy dạ hội...
Có thể nói, chưa tạo nên trào lưu nhưng đó là xu hướng tất yếu cho con đường bảo tồn và phát triển các giá trị truyền thống trong xã hội hiện đại. Đó cũng là con đường bảo tồn “động” để di sản thực sự sống và có giá trị.
Nhà thiết kế Trịnh Thu Trang: Đó là cuộc chuyển giao cần thiết
- Bảy năm - một hành trình khá dài để theo đuổi con đường tìm kiếm chất liệu cho những ứng dụng thiết kế. Đến nay, hành trình của chị đã nhận được những kết quả như thế nào?
+ Trong hành trình tìm kiếm chất liệu cho những thiết kế ứng dụng mang đậm bản sắc Việt, chúng tôi chưa bao giờ hết ngạc nhiên và hết thán phục trước nền tảng văn hóa đồ sộ cha ông ta để lại. Nền tảng văn hóa ấy chính là chất liệu quý giá cho thiết kế sản phẩm ứng dụng nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm Việt và đồng thời lan tỏa văn hóa một cách mới mẻ và cuốn hút. Chúng tôi có kết hợp với nhiều công ty để xây dựng hình ảnh mang giá trị Việt Nam như “Sông Cái”, “Mật ong Tây Bắc”, các nhãn hàng bánh kẹo...
- Rõ ràng, chúng ta đang sở hữu một nguồn chất liệu truyền thống rất đa dạng, nhưng đó lại là một khoảng trống chưa được khai thác. Vậy theo chị, tiềm năng của con đường đưa văn hóa truyền thống ứng dụng trong đời sống đương đại như thế nào?
+ Truyền thống nếu bê nguyên vào đời sống hôm nay thì ít người dùng, chẳng hạn như tranh thờ cúng, bây giờ, các gia đình chủ yếu dùng bàn thờ nhỏ xinh, ít dùng tranh thờ như ngày xưa. Tết không phải nhà nào cũng treo tranh Tết. Nếu chỉ dùng tranh thì chúng ta không chia sẻ các giá trị truyền thống với nhiều người.
Nhưng thông qua các mẫu bao bì, sản phẩm, tem nhãn có họa tiết truyền thống sẽ nhắc nhở chúng ta rằng truyền thống xuất hiện khắp nơi, nó còn có giá trị về giáo dục nữa. Thông qua bao bì, chúng tôi muốn chia sẻ câu chuyện về truyền thống của ông cha.
Đối với các sản phẩm Việt Nam đi ra quốc tế, chúng ta, không chỉ cần tốt về nội dung, giá thành mà còn phải đảm bảo về mặt thẩm mỹ nữa. Chúng ta có rất nhiều tiềm năng bởi bây giờ người Việt bắt đầu có xu hướng quay trở về với các giá trị truyền thống và các sản phẩm được đón nhận nhiệt tình, mọi người có ý thức cao hơn về những sản phẩm mang giá trị Việt Nam.
Tôi cho rằng, đó là sự chuyển giao cần thiết. Tranh Hàng Trống thịnh hành 400 năm rồi nhưng cuộc sống đã thay đổi, giờ chúng ta ít khi dùng tranh để trang trí. Nhưng khi đưa các họa tiết của tranh Hàng Trống lên sản phẩm bao bì, khăn lụa truyền thống, chúng ta có thể nhìn thấy nó hiện diện ở khắp nơi, chúng ta có thể cùng nhau thưởng thức giá trị văn hóa chứ không chỉ dăm ba người mua và ngắm các bức tranh do nghệ nhân vẽ trên giấy dó.
- Chị từng đi nhiều nước trên thế giới, chị thấy cách họ ứng xử với các giá trị truyền thống như thế nào?
+ Việt Nam chúng ta làm quá muộn. Tôi biết, ở Hàn Quốc, Nhật Bản, đó là chiến lược của quốc gia. Hàn Quốc có chiến lược xây dựng thương hiệu quốc gia từ mấy chục năm trước. Họ có cả một trang web và kho dữ liệu cho thiết kế, cung cấp 500 ngàn họa tiết cho người dân Hàn Quốc, từ kiến thức thiết kế lẫn chất liệu truyền thống.
Còn ở Nhật, họ làm từ 70 năm trước, có một thư viện mở 24/ 7 chỉ chuyên về họa tiết truyền thống. Họ nghiên cứu rất kỹ, không chỉ văn hóa bản địa Nhật Bản mà còn nghiên cứu cả sự kết nối trong toàn châu Á, sách nghiên cứu của họ dày hàng nghìn trang. Họ có nhiều phương thức để truyền bá văn hóa trong nội bộ đất nước họ. Còn ở nước ta, đó chỉ là nỗ lực của từng cá nhân vì yêu và trân quý các giá trị truyền thống mà thôi.
- Vậy để đi con đường này một cách lâu dài, chị có đề xuất gì từ phía quản lý nhà nước?
+ Tôi mong muốn có quỹ tài trợ hay một chính sách đồng bộ từ phía Nhà nước. Dự án của tôi được nhiều người chia sẻ nhưng chưa nhận được sự quan tâm từ phía Nhà nước. Bởi nếu không có một chiến lược mang tầm quốc gia mà chỉ là nỗ lực của từng cá nhân thì chúng ta không thể đi đường dài.
Mơ ước của chúng tôi là làm những điều tương tự như thế với những vùng văn hóa khác nhưng rất khó khăn, bởi quy mô dự án nhỏ, của một vài cá nhân, nó không thành chiến dịch bài bản như các nước, họ truyền thông thương hiệu quốc gia của đất nước qua văn hóa, nghệ thuật, một chiến lược thông minh và khôn ngoan.
- Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị.
Nhạc sĩ Ngô Hồng Quang: Cần những không gian mới cho âm nhạc truyền thống
- Anh là người mạnh dạn làm mới các giá trị truyền thống bằng một màu sắc mới, mang hơi thở đương đại. Anh có thể chia sẻ về điều này?
+ Tôi tốt nghiệp Khoa Nhạc cụ truyền thống của Học viện Âm nhạc Quốc gia và nhận được học bổng sang Hà Lan học. Có đi xa, tôi mới nhận ra các giá trị truyền thống rất quý giá, nhưng nó sẽ quý giá hơn khi được kết nối với đương đại.
Luận án tốt nghiệp thạc sĩ của tôi nghiên cứu về âm nhạc của người Mông, đó là một chất liệu bản địa của Việt Nam và nó thực sự thú vị khi được kết hợp với những âm sắc hiện đại.
Tôi hiểu rằng, khi đi ra thế giới, âm nhạc dân tộc giúp tôi định vị mình là ai, mình đến từ đâu. Nhưng nếu tôi chỉ bê nguyên truyền thống, biểu diễn các bản nhạc của đàn nhị, đàn môi thì tôi chỉ là một nghệ nhân, tôi muốn đi con đường khác hơn, sáng tạo ra một không gian âm nhạc mới dựa trên các chất liệu truyền thống đó.
- Và anh đã có “Nam nhi” - cuộc đối thoại giữa dàn nhạc dây phương Tây và quan họ, có “Hanoi duo”- kết hợp với nghệ sĩ Nguyên Lê, và mới đây nhất là “Tình đàn”- một không gian mang đậm màu sắc truyền thống nhưng là những sáng tác mới dựa trên chất liệu âm nhạc dân tộc?
+ Âm nhạc dân tộc Việt Nam rất phong phú, mang màu sắc riêng không trộn lẫn, vì thế, tôi thấy đáng tiếc khi chúng ta đang mai một các giá trị truyền thống. Có hai xu hướng cần được quan tâm, một bên là bảo tồn các giá trị nguyên bản của truyền thống và một bên là phát triển, kết nối với đương đại dựa trên chất liệu đó.
Chúng ta không thể đóng cửa và bảo thủ giữ khư khư cái của mình và cho rằng chúng ta giàu có. Bản địa Việt Nam cần được chung sống và hòa đồng với các bản địa khác, có sự kết nối, giao thoa, đó là một xu hướng tất yếu. Càng kết nối, giao thoa với thế giới, chúng ta càng phải có cái riêng của mình.
- Vậy theo anh, để truyền thống vẫn sống trong dòng chảy đương đại, chúng ta cần làm gì?
+ Chúng ta cần thay đổi tư duy về các giá trị truyền thống. Trong âm nhạc nói chung và văn hóa cổ truyền nói riêng, chúng ta có một kho tàng giàu có, nhưng không thể bê nguyên cái truyền thống đó vào cuộc sống hôm nay, công chúng sẽ thờ ơ vì nó không còn hơi thở của thời đại.
Cần các nghệ sĩ dấn thân cho những sáng tạo mới, dám đi con đường đầy thử thách để tạo nên các không gian mới cho âm nhạc truyền thống. Có như thế, chúng ta mới có thể đi ra thế giới, không chỉ bằng con đường giao lưu văn hóa mà với tư cách là những nghệ sĩ độc lập.
- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.
(Việt Hà - thực hiện)
Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn: Cần viết tiếp truyền thống bằng những sáng tạo mới mang dấu ấn cá nhân
- Anh là giám tuyển cho dự án “Từ truyền thống đến truyền thống”, một dự án được cộng đồng chú ý trong thời gian gần đây bởi cách tiếp cận các giá trị cổ truyền. Anh có thể chia sẻ về dự án này?
+ Lấy cảm hứng sáng tạo từ dòng tranh dân gian Hàng Trống từng xuất hiện và dần mai một ngay trên chính con phố Hàng Trống, dự án "Từ truyền thống tới truyền thống" là một nỗ lực đối thoại và viết tiếp giá trị từ dòng tranh truyền thống bằng những chất liệu truyền thống khác trong nền hội hoạ Việt Nam, đó là chất liệu sơn mài và lụa.
Dự án là một cơ hội để nhóm sinh viên được tuyển chọn từ chuyên ngành sơn mài và lụa thuộc Khoa Hội hoạ, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam có thể tiếp xúc trao đổi và học hỏi từ kỹ thuật tới tình yêu nghề, yêu văn hoá bản sắc bản địa từ nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh Hàng Trống - nghệ nhân Lê Đình Nghiên.
Mỗi tác phẩm trưng bày lần này là những phương án ứng tác, từ những tác phẩm mang xu hướng thiết kế cho đến những tác phẩm mang tính thử nghiệm có khả năng tương tác cao, chứa đựng những suy tư về giá trị di sản của văn hoá truyền thống trong đời sống hiện đại.
Hi vọng với thời gian trưng bày gần 2 tháng (từ ngày 30/10 đến 20/12), sẽ có thể kích thích sự quan tâm của giới trẻ cũng như của cộng đồng trước những vấn đề sống còn của các giá trị di sản văn hoá nói chung cũng như của nghệ thuật tranh dân gian Hàng Trống nói riêng.
Đồng thời khơi gợi tình yêu và sự trân quý các di sản văn hoá truyền thống không những của Việt Nam mà của các nền văn hoá khác. Phần tiếp theo của dự án chúng tôi sẽ kết nối di sản văn hoá của tranh khắc gỗ truyền thống Nhật Bản với chất liệu truyền thống sơn mài và lụa trong hội hoạ Việt Nam.
Cuộc trưng bày lần này cũng là dịp để cổ vũ và tôn vinh những sáng tạo cá nhân của những sinh viên, những nghệ sỹ trẻ trên con đường sáng tác độc lập phía trước luôn quan tâm đến các giá trị di sản văn hoá truyền thống, văn hoá bản địa để đưa vào các thực hành nghệ thuật, viết tiếp nên những giá trị sáng tạo mới, cũng là một cách bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản một cách có tính sáng tạo hơn.
- Qua hai cuộc trưng bày các tác phẩm tại đình Nam Hương, anh nhận thấy sư đón nhận của công chúng như thế nào với các sản phẩm mới của các bạn trẻ lấy chất liệu từ truyền thống?
+ Qua 2 cuộc trưng bày của dự án “Từ truyền thống đến truyền thống” đã thu hút được sự quan tâm đông đảo của công chúng. Hàng nghìn lượt khách tham quan, gần 10 trường học và trung tâm nghệ thuật đã tổ chức tham quan học tập tại không gian trưng bày dự án. Nhiều đài, báo và chuyên gia nước ngoài đã quan tâm và tích cực quảng bá triển lãm trong cộng đồng suốt nhiều tháng nay. Đặc biệt, rất nhiều bạn trẻ đã hứng thú và quay lại xem triển lãm nhiều lần.
Có thể dự án đã giúp cho công chúng từ trẻ tới già, từ những người dân sống quanh khu phố cổ cho đến những du khách tham quan gần xa hiểu biết thêm về chính dòng tranh dân gian Hàng Trống cũng như thấy được khả năng sáng tạo và ứng biến của một thế hệ các hoạ sỹ trẻ, các sinh viên mỹ thuật ngày hôm nay.
Triển lãm đã có nhiều tác phẩm được các nhà sưu tập trong và ngoài nước mua, mang lại cảm hứng thành công và thúc đẩy tình yêu nghề, tình yêu sáng tạo nghệ thuật từ những di sản văn hoá của cha ông.
- Rõ ràng chúng ta phải thay đổi cách tiếp cận với truyền thống, không thể bê nguyên truyền thống vào xã hội đương đại mà phải làm mới nó, phả cho nó hơi thở của thời đại. Vậy theo anh, làm thế nào để vừa giữ gìn truyền thống mà vẫn phát triển nó trong đời sống hôm nay?
+ Đúng là khẩu hiệu “Gìn giữ phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc” nhiều khi chỉ mang tính hình thức và bị rập khuôn cứng nhắc. Đành rằng các giá trị di sản truyền thống, như câu chuyện tranh Đông Hồ đây chẳng hạn, luôn có giá trị, tuy nhiên nhiều khi nó chỉ trở thành một món đồ sưu tầm cho bảo tàng hay cho những nhà sưu tập hiểu biết.
Điều quan trọng, theo tôi nghĩ là cần phải chuyển hoá nó trở nên có ý nghĩa thực tế trong đời sống đương đại. Có nghĩa là cần viết tiếp nó bằng những sáng tạo cá nhân mới, chính nhờ vậy mà truyền thống mới có thể có chỗ đứng trong đời sống. Những bức tranh sơn mài, những tác phẩm kết hợp giữa sơn mài với lụa, kết hợp giữa lụa với công năng thiết kế như trong dự án ở đình Nam Hương đã bước đầu giải quyết tốt bài toán đó.
- Không chỉ là câu chuyện bảo tồn và phát triển, mà văn hóa truyền thống làm nên bản sắc của một dân tộc, một đất nước. Có vẻ như chúng ta vẫn chưa khai thác hết giá trị của mình. Trong thời gian tới, anh có những dự định phát triển dự án như thế nào?
+ Thực hiện các dự án nghệ thuật đương đại, với các phương thức và tư duy sáng tạo trong cách sử dụng các chất liệu mỹ thuật truyền thống, cũng như làm mới lại những câu chuyện cũ trong kho tàng văn hoá nghệ thuật dân gian có lẽ sẽ là một hướng đi tôi muốn các thế hệ sinh viên mỹ thuật tiếp theo dành những ưu tiên đặc biệt.
Tôi cũng muốn đồng hành cùng các thực hành của các hoạ sỹ trẻ để làm giàu có thêm các biểu đạt về vốn văn hoá truyền thống của ông cha. Mạch nguồn đó trong một thời gian khá dài đã bị đứt quãng trong các thực hành của nhiều thế hệ nghệ sỹ. Truyền thống có lẽ sẽ trở nên có sức sống hơn khi được tiếp sức bởi các dự án nghệ thuật lấy cảm hứng sáng tạo từ văn hoá truyền thống.
Mang các dự án nghệ thuật thực nghiệm theo quan niệm mới trưng bày trong các không gian truyền thống như đình, đền trong phố cổ có lẽ sẽ là một hướng đi mà thầy trò chúng tôi thực hiện trong những năm sắp tới. Cố gắng làm sống dậy cả những không gian, nơi chốn lẩn khuất đầy duyên dáng trong một đô thị hối hả ngày hôm nay.
- Ngày nay có nhiều bạn trẻ lấy chất liệu truyền thống để sáng tạo các sản phẩm mới, không chỉ trong mỹ thuật mà cả trong ứng dụng đời sống, làm các sản phẩm dựa trên chất liệu truyền thống để nối dài đời sống của văn hóa cổ truyền như đưa họa tiết tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ lên bao bì, vỏ kẹo... Anh chia sẻ gì về điều này?
+ Những hướng đưa các hoạ tiết truyền thống lên các đồ thiết kế ứng dụng là một hướng đi đúng đắn và sẽ rất hiệu quả khi tiếp cận với đại chúng và số đông. Tuy nhiên điều tôi muốn hướng tới là mỹ thuật và nghệ thuật đương đại có khả năng tiếp cận ở những sáng tạo cá nhân. Cả hai hướng này đều cần thiết và bổ trợ cho nhau để tạo nên sức hút của nghệ thuật truyền thống trong đời sống hiện đại.
- Cảm ơn những chia sẻ của anh.
(Lan Tường - thực hiện)