Truyền cảm hứng đọc sách

Thứ Bảy, 13/04/2019, 08:26
Có những con số mà báo chí đưa ra làm ta lo lắng và có những con số làm ta lo sợ. Ví dụ ta lo lắng về con số tai nạn giao thông, về những chuyến xe chở đầy ắp chất ma túy. Nhưng con số về số đầu sách mỗi người Việt Nam đọc trong một năm nghe tưởng không nguy hiểm gì lại làm ta lo sợ...


Những con số đáng... lo sợ

Nguyễn Quang Thiều

Cả xã hội đang nỗ lực tuyên truyền và tìm các giải pháp để giảm bớt các vụ tai nạn giao thông và ngăn chặn các đường dây buôn bán ma túy một cách quyết liệt. Nhưng làm thế nào để người dân yêu những cuốn sách và đọc sách ngày ngày hình như lại quá ít người quan tâm, kể cả các cơ quan liên quan đến chính những người dân.

Khi một xã hội không đọc sách là một xã hội đang rời xa cuộc sống tinh thần, một xã hội đang đi ngược lại con đường làm nên văn hóa và văn minh nhân loại. Con đường hình thành nên văn hóa nhân loại cũng là con đường sách. Và tôi có thể nói, sách là một trong những di sản lớn nhất của loài người.

Khi cuộc cách mạng công nghệ tràn vào nước ta, có không ít người đã cho rằng, với các phương tiện nghe, nhìn và đọc, con người sẽ dần dần không cần tới những cuốn sách nữa. Nhận định ấy là một sai lầm nhưng lại chứa đựng trong nó sự cảnh báo. Nó cảnh báo cho chúng ta về một thời đại mà các tiện ích sẽ giết dần giết mòn những vẻ đẹp nền tảng và truyền thống.

Độc giả xếp hàng trong mưa lạnh để xin chữ ký của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là hình ảnh gây xúc động về những chuyển biến trong văn hóa đọc.

Nó sai lầm bởi tôi tin rằng, cuối cùng những cuốn sách vẫn sẽ là một giá trị lớn lao làm nên đời sống tinh thần của nhân loại. Tôi đã từng ở trong gia đình của những người Mỹ, người Nauy, người Ailen…. Đó là những nước có nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới và cũng là nơi những thành tựu của công nghệ được áp dụng đầu tiên. Nhưng ở đâu tôi cũng thấy họ cầm trên tay một cuốn sách. Có thời gian là họ đọc sách. Trong khi đó ở Việt Nam thì ngược lại.

Hễ có thời gian là người Việt Nam chúi mặt vào màn hình ipad, iphone… để “lướt” mạng. Quá nhiều người Việt Nam đã lãng quên những cuốn sách. Trong một bài báo viết cách đây nhiều năm, tôi viết: “Để vứt một cọng rác hoặc để chửi bậy một câu ở nơi cộng cộng chỉ cần một giây, nhưng để cúi xuống nhặt một cọng rác và nở một nụ cười nơi công cộng, con người phải mất “một trăm năm”.

Một trăm năm ở đây là thời gian để hình thành nên một hành vi văn hóa. Đọc sách là một trong những yếu tố trong quá trình hình thành những hành vi văn hóa của một con người. Một điều chúng ta cần nhớ rằng: đọc sách thực sự là một nghi lễ văn hóa. Khi đọc một cuốn sách, người ta sẽ chọn một thời gian thanh thản nhất, một nơi thanh bình nhất… và ngồi xuống mở cuốn sách ra.

Năm 2005, tôi tham dự hội chợ sách ở Thụy Điển. Một buổi chiều ngồi uống cà phê ở bên ngoài trung tâm hội chợ sách, tôi gặp một gia đình nông dân Thụy Điển. Hằng năm cứ đến ngày hội chợ sách, cả gia đình họ lái xe gần 500 cây số đến để mua sách. Số sách họ mua để đọc trong một năm chờ tới hội chợ sách năm sau.

Với họ, đó là một ngày hội, một nghi lễ mà họ đợi chờ và không bao giờ bỏ lỡ. Cho đến giờ, tôi vẫn mang ơn những người Hà Nội sơ tán về làng tôi trong những năm chiến tranh. Họ đã mang theo về làng tôi một thứ thay đổi cuộc đời tôi. Đó là sách. Những năm tháng đó, nông thôn không có sách. Lũ trẻ con như tôi sống không biết gì ngoài làng mình. Nhưng rồi một buổi tối, tôi được những cậu bé cô bé Hà Nội sơ tán ở nhà mình cho mượn một cuốn sách. Tôi đã đọc cuốn sách đó và tôi thay đổi.

Một thế giới kỳ diệu mở ra trong tâm hồn trẻ thơ của tôi. Tôi đã gặp những điều mà tôi chưa bao giờ gặp. Cuốn sách đã mở rộng tâm hồn tôi và gieo vào tâm hồn tôi những hạt giống của cái đẹp và nhân tính. Trong tâm hồn tơ non của tôi đã dựng lên những lâu đài của trí tưởng tượng và những giấc mơ đẹp.

Nhưng bây giờ, tôi mang cảm giác về một thế giới hoang vu trong tâm hồn bao đứa trẻ của chúng ta. Bởi ngày ngày chúng ngập chìm trong các trò chơi điện tử, trong những câu chuyện và hành vi đầy tính thực dụng của người lớn. Ngày ngày, bao người lớn chúng ta săn tìm các thực đơn để nuôi lớn thân xác những đứa trẻ mà quá ít người tìm kiếm những thực đơn để nuôi lớn tâm hồn chúng. Có bao nhiêu bà mẹ và ông bố hằng tuần tìm mua một cuốn sách nào đó cho con mình?

Lúc này tôi lại nhớ một bộ phim của Hollywood và thường nghĩ về câu chuyện mà bộ phim đề cập. Bộ phim nói về một nhóm người đi khắp thế gian kể những câu chuyện tốt đẹp để đánh thức lương tri con người. Nếu những người ấy ngừng kể thì trục trái đất sẽ ngừng quay và bóng tối sẽ phủ ngập thế gian.

Bởi vậy, một thế lực hắc ám đã tìm mọi cách ngăn cản những người kể chuyện kia không thể tiếp tục được sứ mệnh của họ. Chúng muốn đẩy thế gian ngập chìm trong bóng tối vĩnh viễn để thống trị loài người. Chính vì lý do đó mà chúng đã dùng mọi ma thuật để làm biến mất miệng của những người kể chuyện. Nhưng những người kể chuyện đã đi qua mọi thách thức bởi họ hiểu rằng: Nếu họ ngừng kể thì thế gian sẽ kết thúc. Và mỗi cuốn sách là một câu chuyện của người kể chuyện. Nó không phải là chuyện cổ tích. Nó là hiện thực ngày ngày trong đời sống của chúng ta.

Một trong những hình ảnh đẹp nhất của thế gian là hình ảnh một con người cầm trên tay một cuốn sách, mở ra và đọc. Đấy cũng chính là hình ảnh của một nghi lễ văn hóa mà con người đã dựng lên trong suốt chiều dài của mình.

Dịch giả Nguyễn Bích Lan: Tôi đã được những cuốn sách “cứu rỗi”

Nguyệt Hà (ghi)

Tôi muốn kể với các bạn có rất nhiều câu chuyện đằng sau những cuốn sách liên quan đến chuyện “vượt khó” trong cuộc đời tôi. Tôi vốn là một đứa trẻ khỏe mạnh nhưng chỉ học đến lớp 8 thì phải nghỉ học vì tôi không may mắc phải căn “bệnh lạ”, bác sĩ lúc đó nói tôi khó có thể sống qua được tuổi 18. Tôi có thể đã phải chấp nhận là một cái bóng trong nhà. Nhưng mà tôi lại nghĩ khác: Tôi nghĩ rằng tôi không thể ra đời để làm cái bóng được.

Vào một ngày em trai tôi lên học lớp 10 và bắt đầu được học tiếng Anh, tôi nghe em tôi phát âm những từ tiếng Anh vọng ra từ căn buồng, tôi cảm thấy như một thế giới khác và tôi bắt đầu học theo em. Tôi học ròng rã trong suốt 6 năm, với tất cả các nguồn tư liệu để học rất khó khăn khi đó cho đến khi tôi có thể mở được một lớp học mà người ta gọi là “Lớp cây táo” để dạy tiếng Anh cho trẻ làng. Tôi vui và cảm thấy ấm lòng bởi vì 8-9 học sinh của tôi đã trở thành giáo viên tiếng Anh cấp 3 của các trường mà tôi là cô giáo dạy cho họ những chữ tiếng Anh đầu tiên.

Sau khi tôi không thể dạy học được nữa thì tôi mới bắt đầu chuyển sang công việc dịch sách văn học và nơi đầu tiên cho tôi cơ hội dịch cuốn sách đầu tiên chính là NXB Phụ nữ. Vì sao mà cho đến bây giờ, khi đã nhận được rất nhiều lời mời, cũng có thể gọi là “đắt hàng”, thì tôi vẫn gắn bó với NXB Phụ nữ, vì họ là cái nơi đã không hỏi rằng tôi trình độ bao nhiêu, xuất thân thế nào mà lại muốn dịch sách? Họ đã đưa tôi một bản thảo, nhận bản dịch và thẩm định tác phẩm trên chất lượng bản dịch. Họ đã không ngần ngại trao cho tôi một cơ hội có tính chất bước ngoặt trong cuộc đời tôi.

Đến hôm nay, tôi có thể nói rằng, tôi đã được những cuốn sách cứu sống cả về thể xác lẫn tinh thần. Những ngày dài tôi sống trong bệnh viện, tôi đã đọc không biết bao nhiêu cuốn sách và cho đến giờ tôi cảm thấy biết ơn những ngày tháng ấy, vì nhờ nó mà tôi đã có thời gian để đọc những cuốn sách hay đến thế. Những cuốn sách, thế giới sách đối với tôi nó tựa như và hơn một người bạn thân đã xoa dịu tôi, khiến tôi trở nên mạnh mẽ.

Thế giới sách thực sự đã đánh thức, khơi dậy và kích thích tôi, nuôi dưỡng tinh thần của tôi. Tôi muốn nói một điều rất quan trọng, khi hiện nay trong xã hội rất nhiều người có cảm giác không đủ an toàn, không đủ vui vẻ, không đủ yên tâm thì thế giới sách sẽ làm được việc đó. Khi bạn đọc một cuốn sách hay, nó sẽ khiến cho bạn yên tĩnh và khi bạn yên tĩnh, bạn sẽ bớt cho xã hội một con người manh động. Thế giới sách sẽ điều hòa tâm hồn chúng ta.

Tôi đã từng thử lướt mạng suốt 1 ngày, xong tôi có một cảm giác rã rời, tinh thần của mình mệt mỏi. Nhưng khi tôi gạt máy tính, điện thoại sang một bên và đọc những cuốn sách văn học hay, dù câu chuyện trong sách có dữ dội, thì tôi vẫn cứ cảm thấy mình yên tĩnh. Sách văn học luôn có tác dụng xoa dịu tinh thần, bồi dưỡng tinh thần, giữ cho chúng ta ở cái vạch nhân văn.

Chính vì thế, tôi mong muốn, khuyến khích người lớn đọc sách, để cho tâm hồn an - tĩnh - hiểu biết - giàu cảm thông, yêu thương để có thể có phương pháp giáo dục, cách dạy dỗ trẻ con một cách đầy yêu thương, khích lệ. Bây giờ, nếu người lớn không đọc sách, các bạn trẻ - các bạn sinh viên không đọc sách, sau này các bạn có thể nghĩ rằng các bạn xây dựng một gia đình sẽ có những đứa con chúi đầu vào những cái ipad, điện thoại, máy tính để chơi game? Và bạn quát tháo nó: “Không được chơi nữa, chơi cái này có hại!”. Nhưng bạn có đặt câu hỏi, nếu không chơi nó sẽ làm gì trong cái thành phố mà mỗi nơi ở chỉ như một cái hộp và bố mẹ nó cũng mỗi người một cái điện thoại thông minh?

Tôi khuyên các bạn trẻ cả nam lẫn nữ, hãy rèn luyện cho mình có thói quen đọc sách để sau này có thể truyền cho con mình, gia đình của bạn trong tương lai có thể giữ các con của bạn trong ranh giới an toàn, của sự yên tĩnh và nuôi cái mầm nhân văn; để xã hội bớt đi những đứa trẻ mới chỉ chưa qua 15 tuổi đã lột đồ, hành hạ bạn; bớt đi những đứa trẻ cô đơn, bị bắt nạt, là nạn nhân nhưng im lặng không biết cách chia sẻ, không bấu víu được vào đâu; để bớt đi rất nhiều người lớn chán nản, sa vào nghiện ngập... Chính như thế, chúng ta đã làm cho xã hội tốt lên từng ngày một, từng góc một chứ đừng đợi những chương trình nào khác cả. Tôi tin như vậy.

Bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc NXB Phụ nữ: Cam kết đồng hành cùng “khuyến đọc”

Ngày sách Việt Nam ra đời đến nay đã được 5 năm, đến nay thói quen đọc sách của người Việt đã có những thay đổi, chuyển biến đáng mừng. Trước đây chúng ta có thể thấy việc đọc sách rất tự phát, ai thích đọc thì đọc, gia đình nào có thói quen đọc sách thì bố mẹ cũng ảnh hưởng thói quen tốt đó cho con.

Từ khi Thủ tướng quyết định ngày 21-4 hằng năm sẽ là “Ngày sách Việt Nam” thì các cấp, các ngành, các trường học chúng ta cùng quan tâm. Cùng với đó là các nhóm đọc sách trong cộng đồng phát triển khá mạnh mẽ với những người đứng đầu là người viết sách, dịch sách nhưng cũng đồng thời là người truyền cảm hứng đọc sách trong cộng đồng. Những người này đóng vai trò hết sức quan trọng, là những minh họa vô cùng sống động, có sức hút, sức lan tỏa. Nhiều bố mẹ đã đọc sách cho con nghe từ lúc mang thai, gọi là “thai giáo”, cùng chia sẻ cách đọc sách, dạy con đọc sách.

Các bạn trẻ bây giờ bị chia thời gian đọc sách ra rất nhiều vì còn có các nhu cầu khác trong cuộc sống, giải trí, tiếp nhận thông tin và có nhiều lựa chọn. Điều đáng lo ngại với giới trẻ Việt Nam hiện nay chính là kỹ năng đọc sách còn chưa có, cách vận dụng những trải nghiệm trong sách vào cuộc sống vẫn đang thiếu rất nhiều. Nếu ai đã từng đi du học sẽ biết một điều rằng, đọc sách là chương trình bắt buộc đối với sinh viên trước khi bắt đầu một môn học nào chứ không thuần túy là chỉ đọc giáo trình phục vụ việc thi cử.

NXB Phụ nữ chúng tôi với tư cách là một đơn vị làm xuất bản sẽ cam kết đồng hành với các chương trình truyền cảm hứng đọc sách tới bất kỳ gia đình nào, nhóm cộng đồng nào và trường học nào, bất kỳ một tỉnh thành nào, một thư viện nào, một nhóm bạn đọc nào có nhu cầu. Chúng tôi cũng cam kết sẽ phối hợp thực hiện mọi chương trình khuyến đọc tại tất cả các trường đại học, trường phổ thông nếu các trường ấy có lời mời....

“Người bán sách rong” Nguyễn Quốc Vương: Mong ước thay đổi văn hóa đọc của người Việt

Linh Linh (ghi)

Tôi có những khó khăn là tôi sinh ra ở nông thôn, cũng trải qua tuổi thơ nghèo khó, thường xuyên đi học cách nhà 7 cây số trong tình trạng bụng đói cồn cào. Tôi thi đỗ Đại học Sư phạm Hà Nội và được giữ lại trường, nhưng lúc đó tôi lại xin về quê dạy học và bị các thầy cô mắng cho một trận vì được giữ lại trường mà lại đòi về quê dạy học là vô lý. Vậy là tôi ở lại trường và thi đỗ được học bổng của Nhật và đã sang Nhật du học tháng 10-2006, sau khi học xong tôi về lại trường công tác và lại sang Nhật học lần thứ 2 vào năm 2011.

Hai năm cuối trước khi rời Nhật Bản, tôi làm công việc phiên dịch và hỗ trợ cho những người Việt bị tạm giam, tạm giữ, bị hỏi cung ở các trại tạm giam, tạm giữ. Vậy là tôi được nhìn xã hội Nhật ở một nơi tối tăm nhất - đó chính là nhà tù. Và ở đó xuất hiện những cuốn sách. Bởi vì ở Nhật khi một luật sư làm việc họ sẽ có mấy lời nói với phạm nhân: Đầu tiên là việc phạm nhân đó có quyền giữ im lặng, thứ hai phạm nhân có cần giúp đỡ gì không và thứ ba là phạm nhân có nhu cầu đọc sách hay không.

Bởi vì ở nơi đó, họ có thư viện cho phạm nhân đọc sách và thú vị nhất khi tôi phát hiện ra là rất nhiều trong số những thanh niên Việt Nam bị bắt giữ ban đầu chưa đọc sách bao giờ, nhưng khi được cung cấp sách để đọc đã phát hiện ra việc đọc sách hay và thú vị đến thế.

Ở trại giam mà tôi làm việc, có một bức hoành phi to được viết bằng chữ thư pháp để ở lối ra vào, mà bất cứ ai ra khỏi trại giam đều nhìn thấy bức đó với dòng chữ: “Làm người thì không thể không sai lầm nhưng không để sai lầm lặp lại mới chính là người” và nó làm cho tôi rất suy nghĩ.

Đối với tôi, việc sống ở đâu không quan trọng bằng việc mình thuộc về đâu và được làm việc mình thích. Vì thế, tôi quyết định trở về Hà Nội làm việc và bắt đầu công việc dịch sách của mình từ năm 2014 và cho đến nay tôi đã xuất bản được gần 50 đầu sách. Tự dưng tôi cảm thấy rằng, tôi có nhu cầu được làm công việc tôi thích nhất hồi nhỏ, đó là đọc sách.

Tôi thấy ở Việt Nam mình có hiện tượng là coi việc đọc sách là một thứ cao siêu, thuộc tầng lớp trên; hoặc là coi thường việc đọc sách, việc đọc sách là của mấy thằng lông bông dở hơi. Khi tôi bắt đầu công việc dịch sách, nhiều người nói với tôi là: “Anh dịch nhiều sách như vậy thì anh có bán cho tôi một cuốn không?”. Ban đầu thì tôi không bán kiểu như vậy mà phó mặc công việc ấy cho bên phát hành. Nhưng sau đó tôi lại nghĩ, tại sao mình không tự bán những cuốn sách của mình và thế là tôi trở thành người bán sách rong: Ai cần sách của tôi thì tôi sẵn sàng mang đến tận nhà hoặc một nơi nào đó trao cho họ.

Và thú vị ở chỗ, có những người trước kia chưa hề đọc sách, sau khi tôi bán sách và họ đọc thì lại phát hiện ra: “Ồ, hóa ra đọc sách cũng rất thú vị! Từ khi tôi đọc sách tôi bỏ được rượu chè, cờ bạc, cảm thấy yêu cuộc đời hơn!”.

Xét cho cùng, nếu sách không hấp dẫn như vậy thì nhân loại biết làm ra sách từ 5.000 năm trước, nghề đó đã không thể tồn tại lâu như vậy. Dịch sách là công việc không ra nhiều tiền, thậm chí là rất cô đơn, nhưng tôi rất muốn dịch những cuốn như cuốn “Hướng dẫn học tập bản tổng quát” được coi là cuốn sách tinh hoa giáo dục của nước Nhật, được Bộ Giáo dục Nhật xuất bản từ năm 1947, nhưng đến nay đọc vẫn không có một chữ nào lạc hậu.

Ở Việt Nam, đa số người dân không có thói quen đọc sách, nhiều gia đình Việt Nam không có tủ sách trong nhà. Có nhiều lý do để người ta không đọc sách, có nhiều người biết đọc sách là tốt nhưng vẫn không đọc. Tôi cho rằng từ 2-6 tuổi là giai đoạn vàng, nếu không làm cho con thích sách ở giai đoạn này được thì vào tiểu học chỉ còn 50%, sau tiểu học cơ hội chỉ còn 20%, đến sinh viên cơ hội chỉ còn 10% và đến 30 tuổi không đọc cơ hội chỉ còn 1%. Làm sao để tạo ra thói quen đọc sách tự nhiên như cơm ăn nước uống hằng ngày. Vì thế, tôi mong ước có thể thay đổi văn hóa đọc của người Việt Nam.

Nhiều người nói với tôi rằng, bao giờ giàu có đi đã rồi hẵng nghĩ đến văn hóa, đó là một quan điểm rất sai lầm. Chúng ta đều biết, hiện nay mỗi năm Nhật Bản thu hút một lượng khổng lồ khách du lịch và thu về rất nhiều tiền, nhưng người ta đến Nhật không phải để ngắm các công trình kỳ vĩ mà vì muốn biết về văn hóa Nhật Bản xem nó là gì mà khiến nước Nhật trở nên hùng mạnh như vậy? Có nhiều người đặt câu hỏi với tôi là: “Đọc sách có ra tiền không?”, tôi trả lời là: “Có. Có điều không biết mắt anh có đủ tinh để nhìn thấy nó ra tiền hay không mà thôi!”.
.
.