Trào lưu nghệ sĩ Hải ngoại tham gia truyền hình thực tế

Chủ Nhật, 29/01/2017, 08:01
Đời sống văn hóa năm 2016 vừa qua vẫn là sự nở rộ của các game show từ đài địa phương đến đài Trung ương. Xu hướng này chắc chắn còn tồn tại trong năm 2017, bởi lẽ tần số dày đặc của các kênh phát sóng trên màn ảnh nhỏ đã tạo ra cuộc cạnh tranh giữa những trò chơi tương tác. Sau khi các người mẫu và ca sĩ được trưng dụng tối đa thì truyền hình thực tế đã mời mọc nghệ sĩ hải ngoại về nước làm giám khảo để hấp dẫn công chúng.


Không khó để kể tên những nghệ sĩ hải ngoại được ngồi ghế nóng trên truyền hình như Thái Châu, Phương Dung, Họa Mi, Vũ Khanh, Ngọc Huyền, Phi Nhung, Thanh Hà, Vân Sơn, Tuấn Ngọc, Trường Vũ, Mạnh Quỳnh, Huy Trần… Thậm chí, có chương trình như "Solo cùng bolero" thì cả bốn vị giám khảo đều là nghệ sĩ hải ngoại. Ngoài sự gắn kết giữa người Việt trong nước và ngoài nước, trào lưu này còn cho thấy điều gì?

Làm giám khảo các sân chơi tương tác trên truyền hình hoàn toàn không phải một nghề đơn giản. Bên cạnh yếu tố chuyên môn, thì khả năng ăn nói của người ngồi ghế nóng cũng rất quan trọng. Nhiều nhân vật hội đủ điều kiện như nhạc sĩ Trần Tiến hoặc đạo diễn Lê Hoàng chỉ sau vài lần thử sức đã chấp nhận bỏ cuộc vì không thể có kiểu đong đưa ngọt lạt để chiều chuộng thị hiếu khán giả đương thời.

Những gương mặt trẻ hơn như diễn viên Thành Lộc, ca sĩ Siu Black hoặc ca sĩ Hồng Nhung thì chỉ một hoặc hai mùa thi đã không còn sức quyến rũ với công chúng luôn đòi hỏi sự mới mẻ. Để thay thế những nghệ sĩ loay hoay giữa scandal như Hồ Ngọc Hà, Thu Minh hoặc Đàm Vĩnh Hưng, phương pháp có vẻ khôn ngoan nhất là lôi kéo các nghệ sĩ hải ngoại về nước.

Ca sĩ hải ngoại Phi Nhung.

Bà Phan Kim Dung - Giám đốc Công ty Sen Vàng chia sẻ: "Mời nghệ sĩ hải ngoại về nước mất khá nhiều thời gian. Có khi vài tháng họ mới nhận lời sau khi nghiên cứu qua kịch bản. Phần nan giải nhất là sắp xếp lịch cho họ sao cho phù hợp với các thành viên khác trong ban giám khảo. Về cátsê, cũng không thể nói thù lao nghệ sĩ hải ngoại cao hơn trong nước, mà tùy vào sức hút của nghệ sĩ đó với đối tượng khán giả của chương trình. Với Minh Tuyết và nghệ sĩ Thanh Hằng mà tôi mời về, theo tôi phần cátsê của họ phù hợp, tương xứng với công sức và sức hút của họ".

Danh hài Hoài Linh là nghệ sĩ hải ngoại gia nhập show biz Việt sớm nhất. Từ cái duyên sân khấu, danh hài Hoài Linh rất đắt show làm giám khảo các chương trình truyền hình thực tế. Suốt mấy năm qua, hình ảnh danh hài Hoài Linh phủ sóng hầu hết các game show.

Cứ bật tivi lên là thấy Hoài Linh, từ "Gương mặt thân quen", "Người bí ẩn", "Tôi là người chiến thắng", "Tìm kiếm tài năng Việt Nam" đến "Ơn giời cậu đây rồi", "Bí mật đêm chủ nhật", "Bước nhảy ngàn cân...". Có những game show, danh hài Hoài Linh không phô diễn được kiến thức nhưng lại tạo được tiếng cười vui nhộn cho người xem. Khả năng ứng biến của danh hài Hoài Linh thì những đàn em như Trấn Thành, Trường Giang hoặc Xuân Bắc còn lâu mới có thể theo kịp!

Cũng nối gót danh hài Hoài Linh, danh hài Chí Tài và danh hài Việt Hương cũng từ sân khấu hải ngoại chiếm lĩnh show biz Việt. Con đường của Chí Tài và Việt Hương thể hiện qua các chương trình "Biến hóa hoàn hảo" và "Làng hài mở hội" chứng tỏ họ còn mở rộng biên độ trong nghề giám khảo truyền hình.

Câu hỏi đáng quan tâm: Vì sao các nghệ sĩ hải ngoại lũ lượt về nước tham gia các sân chơi tương tác trên màn ảnh nhỏ? Trước hết, sòng phẳng mà đánh giá, chính việc ngồi ghế nóng đã giúp tên tuổi nghệ sĩ sẽ được nhiều người biết đến hơn. Lấy chính các nghệ sĩ trong nước để phân tích.

Nếu không làm giám khảo "Vũ điệu đam mê" thì tên tuổi biên đạo múa Trần Ly Ly chỉ quẩn quanh sàn múa. Nếu không làm giám khảo "Thử thách cùng bước nhảy" thì hình ảnh biên đạo múa Tuyết Minh cũng không mấy ai chú ý. Thậm chí, nhờ sức lan tỏa của nghề làm giám khảo mà kiện tướng dance sport Khánh Thy sau khi rời sân chơi "Bước nhảy hoàn vũ" đã tự tin chuyển sang làm… ca sĩ!

Ở cái thời những tiếng vỗ tay huyên náo có thể san bằng và đảo lộn mọi chuẩn mực nghệ thuật thì chỉ cần một tí cơ duyên sẽ gặp lắm phen "bắt cua được ếch"! Đắn đo như vậy để thấy rằng, những nghệ sĩ hải ngoại không có gì phải quá băn khoăn để dự phần. Bởi lẽ, đời sống văn nghệ ở hải ngoại rất ít show diễn, thu nhập khá bấp bênh.

Trong khi đó, chỉ cần ngồi ghế nóng một game show sẽ nhận được thù lao trên dưới 500 triệu đồng. Nghệ sĩ hải ngoại vừa có tiếng vừa có… miếng trước cơn sốt live show trong nước, nên đứng tuổi như ca sĩ Ý Lan hoặc trẻ tuổi như ca sĩ Minh Tuyết đều hứng thú!

Nghệ sĩ hải ngoại đang làm mới ghế nóng game show, nhưng vai trò của họ thỏa mãn sự chờ đợi của khán giả không? Ca sĩ Thanh Lam từng thổ lộ chút ái ngại về nghề giám khảo trên truyền hình: "Thực ra, những chương trình gameshow thì họ phải tính tới tính thị hiếu là quan trọng nhất.

Chính vì vậy, những chương trình đó chọn những nghệ sĩ nào mang tính giải trí cao nhất, thời trang nhất để cuốn hút khán giả. Khi làm huấn luyện viên dạy cho một bạn trẻ có triển vọng thì phải dạy bằng cái nghề của mình chứ không thể dạy bằng công nghệ được. Các bạn ấy không có tiền, không có cuộc sống để làm những thứ to tát thì phải dạy họ bằng thực lực.

Tuấn Ngọc ngồi ghế nóng chương trình: “Tiếng Hát Mãi Xanh”.

Tôi nghĩ rằng đào bới khả năng của các bạn trẻ thì phải bằng những giá trị đích thực. Có bột mới gột nên hồ. Phải có trình độ mới dạy được!". Do đó, ca sĩ Dương Triệu Vũ ngồi ghế nóng "Tuyệt đỉnh song ca", ca sĩ Bằng Kiều ngồi ghế nóng "Thần tượng âm nhạc Việt Nam" hoặc ca sĩ Thu Phương ngồi ghế nóng "Giọng hát Việt", ca sĩ Tóc Tiên ngồi ghế nóng "Giọng hát Việt nhí" chủ yếu vẫn đáp ứng đòi hỏi "món lạ" hơn là "món ngon".

Chính ca sĩ Minh Tuyết thú nhận rằng: "Nói thật, tôi hay lo lắng, không biết mình nhận xét như thế đã đúng chưa, có hợp lý trong cuộc thi không. Sau buổi ghi hình, tôi hay hỏi mọi người mình nói vậy có bị "lố" không để còn điều chỉnh cho phù hợp trong các buổi sau".

Nếu không quá khắt khe thì có thể thấy các chương trình tương tác đang giúp nhiều nghệ sĩ hải ngoại được đánh bóng lại tên tuổi đang dần xế chiều của họ. Ví dụ, khi diện mạo Ngọc Huyền đã gần như không còn mấy ấn tượng với giới mộ điệu cải lương thì việc ngồi ghế nóng "Đường đến danh ca vọng cổ" đã khiến người xem hồi tưởng lại nét đẹp cô đào có má lúm đồng tiền một thời.

Thế nhưng, nhiều nhà tổ chức vẫn hồn nhiên tin rằng nghệ sĩ hải ngoại có sức thu hút mãnh liệt hơn nghệ sĩ trong nước bởi xu hướng "sính ngoại" của đám đông. Bằng chứng là chương trình "Tình Bolero" mời cả 5 nghệ sĩ hải ngoại là Phương Dung, Họa Mi, Trường Vũ, Thanh Hà, Giao Linh cùng ngồi ghế giám khảo.

Nghệ sĩ hải ngoại chắc chắn tiếp tục chiếm sóng các chương trình thực tế trên truyền hình năm 2017. Trào lưu này ít nhiều thay đổi màu sắc giao lưu của các game show, nhưng không hề cải thiện chất lượng giám khảo. Thậm chí, về mặt chiêu trò để tạo hiệu ứng trái chiều trong dư luận, các nghệ sĩ không dám bất chấp mọi giới hạn thẩm mỹ để… tát thí sinh như siêu mẫu Thanh Hằng ở chương trình "Người mẫu Việt Nam" hoặc không thể sụt sùi khóc lóc như ca sĩ Văn Mai Hương ở chương trình "Giọng hát Việt nhí".

Xuân Đinh Dậu 2017

Tuy Hòa-Xuân 2017
.
.