Tranh cãi cách đặt tên ca khúc độc, lạ

Thứ Sáu, 26/06/2020, 08:02
Tên ca khúc khác thường, dị biệt là cách để các ca sĩ trẻ hiện nay thu hút khán giả ngay khi ra mắt. Người sử dụng cách viết tắt, người đặt cái tên dài lê thê, thậm chí không ít ca khúc có cái tên dễ gây hiểu nhầm, khó hiểu hoặc thô thiển.


Một thời gian dài, các ca sĩ dùng chiêu viết tắt để "nhá hàng", khiến khán giả đoán già đoán non trước khi sản phẩm âm nhạc trình làng chính thức. Ca sĩ Tóc Tiên được coi là người khởi xướng trào lưu này với cụm từ CATENA - viết tắt bài hát "Có ai thương em như anh".

Ngay sau đó, cả làng âm nhạc dậy sóng bởi gần như bài hát nào ra đời cũng có tên viết tắt như thế. Hương Giang có bài ADODDA (Anh đang ở đâu đấy anh) hay EDTACNA (Em đã thấy anh cùng người ấy), Đông Nhi có GVS (Giả vờ say), Chi Pu - ESRAXLED (Em sai rồi anh xin lỗi em đi), Trúc Nhân - SMC (Sáng mắt chưa)…

"Mốt" viết tắt bây giờ đã dần lạc hậu. Xu hướng thời thượng phải là đặt tên ca khúc dài lê thê. Nếu tên ca khúc ngày trước thường gói gọn tầm 7 chữ đổ lại để khán giả dễ nhớ thì hiện nay, tên ca khúc có độ dài từ 10 từ trở lên rất nhiều. Nguyễn Trần Trung Quân vừa ra mắt MV theo phong cách hoạt hình có tên "Anh cần thời gian để trái tim mau lành lại".

Ca sĩ Bích Phương sở hữu nhiều ca khúc có cái tên độc lạ.

HuyR sau khi nổi lên với bài "Cô gái mét 52" và "Anh thanh niên" cũng chạy theo xu hướng khi viết bài hát "Một ngụm cà phê đắng giống như chúng mình". Bộ ba nghệ sĩ Marzuz, Gill và Onionn thì có "Và thế giới đã mất đi một người cô đơn". Cặp đôi Phan Ngân và Hải Sâm không kém cạnh với cái tựa dài như dòng sông: "Em không muốn mình cao thêm tí nào nữa đâu nhé".

"Quán quân" đặt tên MV dài ngoằng phải thuộc về Bích Phương. Ngoài bài hát "Nói thương nhau thì đừng làm trái tim em đau", mới đây Bích Phương khiến dư luận được một phen tranh cãi nảy lửa khi cô liên tục chào sân các MV âm nhạc trên YouTube với cái tên siêu dài và cố tình không viết hoa ở những cụm từ đáng lẽ phải viết đúng ngữ pháp.

Có thể kể đến các MV như: "em bỏ hút thuốc chưa - người yêu cũ nhắn tin hỏi nhưng bích phương không muốn trả lời", "nhận một cú lừa nhưng bích phương không quá buồn như anh nghĩ đâu"… Học tập theo, Chi Pu cũng lấy nguyên một câu hát lô tô để đặt cho teaser (đoạn giới thiệu) ca khúc mới: "Lẳng lặng mà nghe Chi Pu kêu con cờ ra, cờ ra con mấy, số gì đây số gì đây?".

Trái với sự phê phán của những khán giả khó tính, phe ủng hộ lại chỉ rõ những cái tên dài dòng kia không phải là tên chính thức của bài hát. Đó chỉ là dòng diễn giải cho nội dung ca khúc, tạo sự mới lạ cho khán giả, còn tên gốc bài hát của Bích Phương là "Em bỏ hút thuốc chưa?", "Một cú lừa", của Chi Pu là "Cung đàn vỡ đôi".

Tuy nhiên, câu từ dài dòng trên chỉ khiến nhiều khán giả tò mò, thích thú chứ nó chẳng liên quan mấy đến nội dung bài hát, thậm chí tréo ngoe, không truyền tải được thông điệp gì. Cuộc chiến xoay quanh cái tên bài hát càng khiến các ca khúc trên được chú ý, nhanh chóng lên top thịnh hành.

Nhạc Việt thời gian gần đây còn có vô số bài hát có tựa đề hiểm hóc, khó hiểu như: "Hongkong1", "Hongkong2", "Yêu thì yêu không yêu thì yêu", "Đi đu đưa đi"… Những ai chịu khó tìm hiểu hoặc phải am hiểu tiếng lóng, ngôn ngữ mà giới trẻ hay nhắn tin với nhau thì mới vỡ lẽ ý nghĩa ca khúc là gì. Chẳng hạn "Hongkong1" là cách viết biến tấu của cụm từ "Hổng còn gì". "Đi đu đưa đi" có thể hiểu nôm na là "Đi nhảy đi" hay "Đi bar đi".

Cũng dùng chiêu thu hút ngay từ cái tên ca khúc, nhiều nghệ sĩ đặt những tựa đề gây sốc, dễ gây hiểu lầm, thậm chí là quá suồng sã, tục tĩu. Giới underground (hoạt động ngầm) thường xuyên có những ca khúc dạng này. Hồi mới nổi tiếng, rapper Đen Vâu bị phản ứng trái chiều khi dùng từ "đếch" để đặt tên bài hát "Anh đếch cần gì ngoài em".

Người cho rằng nó rất đời thường, thể hiện sự bất cần, bụi bặm. Kẻ lại bảo nó quá thô thiển, không phù hợp với một tác phẩm âm nhạc đậm màu sắc ngôn tình. Một rapper khác cũng khiến dư luận dậy sóng khi tung ra MV mang tên "Thu dẩm".

Những tưởng kiểu nói lái thô tục này chỉ tồn tại trong cộng đồng underground, vậy mà nó cũng ngang nhiên xuất hiện ở dòng chính thống như một trào lưu nóng sốt. Nhạc sĩ Phạm Toàn Thắng có "Nắng cực", Khắc Hưng thì có "Như cái lò". Ca sĩ Bảo Anh cũng gây náo động một thời gian với ca khúc "Như lời đồn". Dưới phần giới thiệu ca khúc, cô còn cất công đế thêm một câu dặn dò như đổ thêm dầu vào lửa: "Đề nghị các bạn trẻ ngưng đọc lái tên bài hát dưới mọi hình thức".

Ca sĩ Nguyễn Trần Trung Quân tung bài hát có tựa đề dài đến 10 chữ "Anh cần thời gian để trái tim mau lành lại".

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho hay các nhạc sĩ ngày nay thường viết theo thị hiếu giới trẻ. Do vậy, họ sẽ dùng những ngôn ngữ, câu từ, xu hướng đang lên của giới trẻ để lôi cuốn đối tượng khán giả này. Tuy nhiên, bản thân nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung không đồng tình với cách đặt tên ca khúc gây sốc, phản cảm hoặc rối rắm, tối nghĩa.

"Cái tên là một phần rất quan trọng đóng góp vào sự hoàn thiện, toàn vẹn thẩm mỹ của bài hát. Bài hát là một tác phẩm nghệ thuật nên người sáng tác phải có trách nhiệm miêu tả cái đẹp, tôn vinh và gìn giữ cái đẹp để hướng tâm hồn của chính mình và của mọi người đến với những điều tích cực, làm giàu cho cuộc sống. Khi tiếp cận một bài hát nào đó, cái tên là điều đầu tiên ghi dấu ấn trong lòng khán giả. Vì vậy, để có một cái tên hay, đẹp, ấn tượng và cô đọng, nhạc sĩ phải dốc công sức rất nhiều. Tên càng dễ nhớ và mang cái tứ sâu sắc, giàu chất văn học thì càng tốt" - anh phân tích.

Nhiều nhạc sĩ trẻ thừa nhận mình biết vậy nhưng những cái tên ngắn gọn vừa khó đặt, vừa dễ trùng lắp với các bài khác. Vậy nên họ sáng tạo ra đủ cách để bài hát của mình có tên gọi độc, lạ, không bị đụng hàng. Nhạc sĩ Trang Pháp nêu quan điểm không nên đặt ra những quy củ gò bó người sáng tác nghệ thuật, việc đặt tên ca khúc cũng không ngoại lệ.

Theo cô, mỗi thời kỳ sẽ có cách sáng tác khác nhau, bắt kịp xu hướng thời đại. Ngày nay, nhạc sĩ đặt tên ca khúc không đơn thuần chỉ là tóm tắt nội dung bài hát, hay thể hiện cảm xúc mà còn phải gây tò mò cho khán giả trong thời buổi hiệu ứng truyền thông lên ngôi. Đó là cách làm mới mẻ, sáng tạo, tạo cho đứa con tinh thần diện mạo khác biệt giữa hàng trăm bài hát, nhất là khi cuộc cạnh tranh giữa làng nhạc ngày càng khốc liệt.

Ca sĩ phòng trà Thụy Uyên lại cho rằng dường như với nhạc sĩ bây giờ, những câu từ mang tính ẩn dụ, ước lệ… bị họ xem lỗi thời, sến súa mà phải là những câu từ thẳng thắn, chất đời. Song tạo cho mình sự khác biệt, đời thường gần gũi thì phải có sự chừng mực, có tính thẩm mỹ. Bởi tên ca khúc méo mó, gây sốc hoặc đánh đố ít nhiều làm ảnh hưởng đến cái nhìn của khán giả về nội dung bài hát dù đó là một sản phẩm tốt.

Nhạc sĩ Dương Cầm từng tuyên bố: "Tôi không bao giờ đồng tình với kiểu đặt tên ca khúc kích động như vậy. Nó làm mất đi sự đẹp đẽ, trong sáng của âm nhạc lẫn sự trong sáng của tiếng Việt". Đồng thời, có những tựa đề cố tình diễn giải dài dòng, gây chú ý các kiểu nhưng không hề ăn nhập với bài hát thì cũng chẳng khác gì trò đùa với lửa. Đây là điều mà những ca khúc như "Như cái lò", "Một ngụm cà phê đắng giống như chúng mình", "Thu dẩm"… vấp phải.

Một số nhanh chóng chìm vào quên lãng vì quá nhạt nhòa, số khác nhận về lượt dislike (không thích) khủng và bị tẩy chay do nội dung bài hát vô nghĩa, nhảm nhí. Bởi như nhạc sĩ Đình Phúc phân tích: "Có bài tên rất dài, có những bài tên rất độc lạ dễ gây chú ý nhưng khi nghe cả bài hát không nổi bật thì người ta sẽ nhanh chóng quên và chẳng đọng lại điều gì. Có bài dù tên ngắn, thậm chí "không tên" vẫn để lại ấn tượng. Tiêu biểu nhất là những tình khúc không tên của nhạc sĩ Vũ Thành An".

Phan Thi Uyên
.
.