Chuyện ca khúc “Còn gì để mất”

Thứ Năm, 07/05/2020, 07:13
“Còn gì để mất” được thể hiện bởi Đặng Mai Phương, một cái tên cũng mới tinh, và là một sáng tác của Taylor Eros, một nhạc sỹ Việt kiều. Phải chăng, nhạc nhẹ Việt Nam đã vươn tầm?


Có một sự kiện âm nhạc vừa diễn ra khiến nhiều người trong giới giải trí Việt Nam ngỡ ngàng. Đó là chuyện ca khúc “Còn gì để mất” (với bản tiếng Anh là “Ill give my soul”) bất ngờ đứng thứ 21 trên bảng xếp hạng Billboard Adult Contemporary Indicator Chart thuộc hệ thống xếp hạng của Billboard. Vị trí ấy còn vượt qua cả ca khúc “Everything I wanted” của nữ danh ca đang nổi là Billie Ellish.

“Còn gì để mất” được thể hiện bởi Đặng Mai Phương, một cái tên cũng mới tinh, và là một sáng tác của Taylor Eros, một nhạc sỹ Việt kiều. Phải chăng, nhạc nhẹ Việt Nam đã vươn tầm?

“Còn gì để mất” là một ca khúc rất hấp dẫn, bắt tai, giai điệu đẹp và rất hào hùng (epic). Nó là ca khúc trong dự án phim về Trưng Vương, tên tiếng Anh là “She Kings”. Được phát hành bởi Sony Music, “Còn gì để mất” có một bệ phóng quá tốt, chuyện đạt một vị trí trong bảng xếp hạng Billboard cũng không lạ.

Hơn nữa, Billboard Adult Contemporary Indicator Chart là bảng xếp hạng radio nên nó không đủ để khẳng định rằng khán giả toàn cầu đang thực sự say mê và tìm kiếm ca khúc này. Có thể nói, đặt chân vào bảng xếp hạng radio của Billboard là một bước PR hoàn hảo cho bộ phim “She Kings” trước khi phim được phát hành.

Thành công trên bảng xếp hạng radio của nó, cho dù là bước PR cho phim đi nữa, cũng là một thành quả đáng khen ngợi. Nhưng từ thành quả đáng ghi nhận ấy, chúng ta cũng phải nhận thấy một thực trạng đáng buồn của ngành công nghiệp giải trí Việt Nam hôm nay trong chặng đường gian nan chinh phục thị trường quốc tế. Đó là sự rời rạc của các “mảnh ghép quan trọng” và sự ảm đạm của một thị trường tiêu thụ có sức mua yếu và thiếu chiều sâu.

Rất nhiều sản phẩm điện ảnh trên thế giới bắt đầu bằng việc mua lại quyền khai thác kịch bản từ một cuốn tiểu thuyết ăn khách (best seller). Điều đó cho thấy sự kết nối giữa độc giả với khán giả giải trí. Đó chính là nền tảng của một thị trường tiêu thụ các sản phẩm văn hoá. Rất tiếc, ở Việt Nam gần như không tồn tại một liên hệ như thế. Nói thẳng, ở Việt Nam không có sách văn học “bán chạy” (best seller) suốt nhiều năm qua, trừ hiện tượng Nguyễn Nhật Ánh, chưa đủ bảo chứng cho việc tồn tại một thị trường sách văn học bán chạy ở Việt Nam.

Với số lượng xuất bản luôn nghèo nàn, chừng dăm ba ngàn cuốn, sách văn học Việt Nam không đủ sức đẩy để tạo đà cho các sản phẩm phái sinh khác như điện ảnh, kịch nghệ, phim truyền hình… Tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh có thể tạo thành phim trăm tỷ cũng xuất phát từ tính “không tuổi” của chúng, khi các thế hệ kế tiếp nhau cùng thích những câu chuyện tuổi mới lớn của ông. Các nhà sản xuất phim ở Việt Nam đều không ai dám khẳng định 100% đầu sách của Nguyễn Nhật Ánh đều có thể làm thành các bộ phim có doanh thu lớn, có lợi nhuận lớn.

Không có một thị trường đọc đủ sức làm đòn bẩy, thị trường nghe nhìn cũng bị ảnh hưởng nhiều. Người Việt không có thói quen tiếp nhận đa dạng các xu hướng, phong cách nghệ thuật, giải trí khác nhau. Họ bị đóng khung vào đúng một thể loại mình thích và do đó, chuyện phổ cập đại chúng một sản phẩm là rất khó.

Quay lại với “Còn gì để mất”, dù nó có leo lên top 21 bảng xếp hạng toàn cầu của Billboard đi nữa, số người biết đến nó vẫn quá ít. Lượt nghe của nó đến bây giờ vẫn chưa đạt con số triệu như những sản phẩm (thậm chí lăng nhăng) đang nở rộ suốt thời gian qua.

Bước PR của “She Kings” cũng nhiều khả năng là để nhắm đến chuyện phát hành phim ở nước ngoài nhiều hơn là chinh phục thị trường trong nước, một thị trường thụ động và khó nhằn. Nếu không muốn lỗ, thoả hiệp với cái lăng nhăng, dễ nghe, dễ xem kiểu “Trạng Quỳnh” thì “có ăn”. Nhưng làm kiểu ấy, nhiều nhà sản xuất lại tự thấy xấu hổ.

Một bài toán nan giải!
Văn Đoàn
.
.