Sách giáo khoa mới: Phá vỡ thế độc quyền hay cải cách giáo dục?
Làm sao để giáo dục thực sự được đổi mới đúng nghĩa
Dư luận đặt ra câu hỏi, dù các cơ sở giáo dục thành lập hội đồng khoa học lấy ý kiến biểu quyết của giáo viên thì việc chọn bộ sách nào trong 5 bộ sách, tỉ lệ lớn vẫn thuộc về NXB Giáo dục Việt Nam. Nhiều người ví von, trước đây NXB Giáo dục có một nồi cơm để bán ra, nay nồi cơm này chia thành bốn nồi cơm nhỏ cho các anh em đứng tên rồi bán ra, nguồn thu vẫn về một mối.
Chưa kể, tới đây, NXB Giáo dục có thể tăng giá sách. Vẫn còn một bộ sách để người dân có thể lựa chọn, nhưng vấn đề đặt ra là, trong quá trình cơ sở giáo dục lựa chọn và sau này là UBND tỉnh lựa chọn theo đúng quy định của Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực từ 1-7-2020, liệu có chắc chắn tránh được sức ép hay tránh được câu chuyện cấu kết tư lợi, để công tâm đưa ra phương án của mình?
Thêm nữa, theo dự thảo Thông tư hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, các cơ sở chỉ có khoảng thời gian 2 tháng từ đầu tháng 2/2020 đến cuối tháng 3/2020 phải đưa ra phương án lựa chọn SGK. Liệu thời gian này có đủ để các cơ sở giáo dục thành lập hội đồng khoa học, đọc, thẩm định và bỏ phiếu quyết định phương án SGK của mình trong khi các giáo viên vẫn phải đứng lớp giảng dạy?
Thay đổi SGK, lần đầu tiên cả nước áp dụng 1 chương trình nhiều bộ SGK được xem là một cải cách trong giáo dục, nhưng liệu cải cách có chất lượng hay không khi khoảng trống cho các trường tự chủ phương án SGK không đủ rộng?
Chưa kể đến, hiện tại phương án lựa chọn SGK hiện tại đang được giao thẩm quyền cho các cơ sở giáo dục lựa chọn theo Nghị Quyết 88 của Quốc hội nhưng đến 1-7-2020, khi Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực, thẩm quyền lựa chọn SGK lại thuộc về UBND tỉnh, liệu điều này có gây ra những xáo trộn cho năm học mới?
Chủ động trong lựa chọn SGK mới. |
Thời gian quá gấp rút, làm sao để giáo dục được cải cách đúng nghĩa, và đối tượng con em học sinh trên toàn cả nước được hưởng lợi từ chính sách cải cách này mới là điều thực sự quan trọng và có ý nghĩa nhất.
Bà Đào Thị Thuỷ - Phó Hiệu trưởng Trường dân lập Đoàn Thị Điểm: Thời gian để chọn SGK mới gấp gáp quá
- Quốc hội vừa quyết định nhà trường, phụ huynh có quyền trực tiếp lựa chọn SGK mới? Bà nghĩ gì về điều này?
+ Với tôi, đây là bước tiến mang tính đột phá về quản lý SGK ở Việt Nam và phù hợp với xu hướng quốc tế. Chúng ta đều biết, Chương trình là Pháp lệnh, còn SGK là tài liệu tham khảo. Để dạy một nội dung chương trình nào đó, nhà trường cần dựa vào nhiều nguồn khác nhau (Internet, SGK, thực tiễn cuộc sống...).
Mặc dù các bộ SGK được biên soạn trên quan điểm dạy học định hướng phát triển năng lực người học nhưng mỗi bộ sách lại mang thêm những tư tưởng riêng của nhóm tác giả viết sách. Ngoài chương trình quy định của Bộ GD-ĐT, mỗi trường (đặc biệt đối với các người ngoài công lập như chúng tôi), còn có chương trình Nhà trường riêng phù hợp với định hướng chiến lược phát triển của Nhà trường. Chính vì vậy việc lựa chọn SGK cần thiết phải do nhà trường trực tiếp lựa chọn. Chúng tôi cần có quyền lựa chọn những quyển SGK có tư tưởng phù hợp với định hướng chiến lược phát triển của nhà trường.
- Nhà trường chỉ có chưa đầy 2 tháng để chuẩn bị chọn SGK, bà thấy thời gian này có quá gấp gáp hay không?
+ Thực ra là rất gấp. Nhưng đến thời điểm này mà Nhà nước còn thăm dò và chưa công bố các nội dung SGK đã được Bộ phê duyệt thì không biết đến bao giờ chúng tôi mới được tiếp cận các bộ SGK này để lựa chọn. Lựa chọn SGK theo tiêu chí của từng trường, đặc biệt ở những trường dân lập như chúng tôi rất tôn trọng học sinh, tôn trọng phụ huynh và tính đến bài toán đảm bảo chất lượng nhà trường để thu hút học sinh nên việc lựa chọn không hề dễ dàng.
Thêm nữa, theo nguồn tin chúng tôi được biết, thì SGK đã được Bộ GD - ĐT lựa chọn nhưng sách hướng dẫn để giảng dạy cho từng bộ sách thì vẫn chưa được in, điều này càng khiến chúng tôi lo lắng hơn.
- Có nhiều người cho rằng, một chương trình nhiều bộ SGK chỉ để phá vỡ thế độc quyền SGK của nhà xuất bản chứ chưa thực sự thể hiện tính chất cải cách giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục, ý kiến của cá nhân bà?
+ Khi triển khai bất kì một chủ trương, chính sách mới nào đó thì cũng khó để có kết quả hoàn hảo ngay từ đầu, chúng ta cần thời gian để hoàn thiện. Cá nhân tôi và Tập thể giáo viên trường tôi mong muốn được tự chọn cho mình những loại SGK phù hợp với cách dạy, cách học của nhà trường. Bởi vì trường ngoài công lập như chúng tôi vừa đảm bảo chương trình GD-ĐT của Bộ vừa phải có những hướng đi riêng biệt đảm bảo mục tiêu chiến lược phát triển của nhà trường trong lâu dài.
Khi bàn luận về một chủ trương chính sách nào đó, bao giờ cũng có nhiều ý kiến trái chiều với nhau. Tất cả những ý kiến từ bên ngoài mà có liên quan đến sự lựa chọn của chúng tôi, chúng tôi chỉ dùng để tham khảo. Việc nâng cao chất lượng giáo dục phụ thuộc vào chất lượng đội ngũ và chất lượng quản lí lãnh đạo của nhà trường. SGK chỉ là tài liệu hỗ trợ cho nhà trường đảm bảo chất lượng giáo dục chứ không có tính chất quyết định.
- SGK mới dựa trên tinh thần tiếp cận năng lực học sinh, điều này có gần với tư duy giáo dục của nhà trường hay không?
+ Trên cơ sở những lớp Tiểu học song ngữ tiếng Pháp đầu tiên những năm 1993 - 1994, chúng tôi đã được tiếp cận, triển khai mô hình giáo dục tiên tiến của Cộng hòa Pháp. Từ những ngày đầu đi vào hoạt động, việc Bồi dưỡng giáo viên, đổi mới phương pháp dạy học là hoạt động chính không thể thiếu của nhà trường. Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng trên tinh thần dạy học tiếp cận năng lực học sinh rất phù hợp với tư duy giáo dục của nhà trường.
Tuy nhiên nội dung SGK có truyền tải được tinh thần đó hay không hay truyền tải được bao nhiêu % của tinh thần đó thì chúng tôi chưa được biết.Việc lựa chọn SGK có nội dung phù hợp với tư duy giáo dục của nhà trường đối với chúng tôi là rất quan trọng.
- Xin trân trọng cảm ơn bà.
Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường Đoàn Thị Điểm: “Tôi ủng hộ phương án nhà trường chọn sách giáo khoa để phù hợp với năng lực từng trường. Nhưng vấn đề ở đây là, nhà trường lựa chọn sách giáo khoa vì học sinh, vì phụ huynh hay tư lợi, kèm mục đích cá nhân trong đó? Điều này cần được giám sát”. Bà Lê Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bà Triệu - Hà Nội: “Với việc thành lập Hội đồng khoa học lựa chọn SGK, nhà trường sẽ phải cân nhắc lựa chọn kĩ từng thành viên. Vì mỗi thành viên đều phải có trình độ, kinh nghiệm và chịu trách nhiệm khi đưa ra quyết định lựa chọn bộ SGK phù hợp. Hiện nay, nhà trường cũng chưa có hướng dẫn cụ thể để triển khai thực hiện thành lập Hội đồng nên nhà trường sẽ có những quyết định cụ thể khi có hướng dẫn của các cấp”. |
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành: Việc lựa chọn SGK đảm bảo công bằng, minh bạch
- Ông có cho rằng, việc lựa chọn SGK mới của Bộ GD-ĐT và sắp tới là của từng nhà trường sẽ đảm bảo tính công bằng, minh bạch?
+ Dự thảo Thông tư quy định quy trình lựa chọn SGK như sau:
- Tổ chuyên môn tổ chức nghiên cứu, thảo luận và đánh giá sách giáo khoa của các môn học thuộc chuyên môn phụ trách theo tiêu chí lựa chọn SGK, đề xuất với Hội đồng bằng văn bản danh mục lựa chọn SGK.
- Hội đồng họp, thảo luận, đánh giá đề xuất danh mục lựa chọn SGK của các tổ chuyên môn theo các nguyên tắc quy định tại Điều 2 Thông tư này và tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa do Sở GD-ĐT và đào tạo địa phương quy định để bỏ phiếu lựa chọn SGK bằng hình thức bỏ phiếu kín; SGK được lựa chọn phải được trên 50% số thành viên của Hội đồng bỏ phiếu đồng ý lựa chọn. Hội đồng tổng hợp kết quả thành biên bản, có chữ ký của Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thư ký và các thành viên tham dự.
Thực hiện đúng quy trình này, việc lựa chọn SGK sẽ bảo đảm công bằng, minh bạch bởi chính giáo viên là người quyết định. Ngoài ra, Thông tư cũng quy định trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát, kiểm tra, thanh tra của các cơ quan quản lý tại địa phương để việc lựa chọn SGK được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật.
- Dư luận băn khoăn 4/5 bộ SGK thuộc về NXB Giáo dục, vì sao lại có câu chuyện này, thưa ông?
+ NXB Giáo dục Việt Nam có tới 4.000 người tập trung các công việc liên quan làm sách giáo dục nên phần lớn số sách được công nhận thuộc NXB này là dễ hiểu.
- SGK mới dựa trên tinh thần tiếp cận năng lực học sinh, ông có thể nói rõ hơn vấn đề này?
+ Để đạt được mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh cần phải đổi mới "cách dạy, cách học". Chúng ta có thể hình dung một cách đơn giản là trong quá trình dạy học chúng ta tổ chức cho học sinh được "làm" như thế nào thì phẩm chất, năng lực của các em sẽ được hình thành và phát triển như thế ấy.
Vì thế, SGK được sử dụng như là phương tiện dạy học chính để giáo viên tổ chức cho học sinh thực hiện các hoạt động tìm tòi, nghiên cứu để tiếp nhận và vận dụng kiến thức, qua đó học sinh được hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực.
Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT đã quy định cụ thể về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, thẩm định SGK để đáp ứng yêu cầu trên. Mỗi bài học trong SGK bao gồm các thành phần cơ bản (mở đầu, kiến thức mới, luyện tập, vận dụng) tương ứng với các hoạt động học được giáo viên tổ chức trong quá trình dạy học theo các phương pháp dạy học tích cực.
- Trân trọng cảm ơn ông.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa: Một sự thay đổi lớn trong tư duy làm giáo dục
- Thưa bà, hiện nay, Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện việc lựa chọn SGK và dư luận băn khoăn về tính ổn định của bộ sách nếu chuyển đổi thẩm quyền lựa chọn sách từ các cơ sở giáo dục theo Nghị quyết 88 của Quốc hội sang UBND tỉnh theo quy định của Luật Giáo dục mới có hiệu lực từ 1.7.2020. Bà có ý kiến gì về vấn đề này?
+ Tôi nghĩ, bất cứ sự đổi mới nào cũng sẽ gặp khó khăn, nhất là trong lĩnh vực GDĐT; và càng khó khăn hơn khi quy định về thẩm quyền lựa chọn SGK có sự điều chỉnh giữa Nghị quyết 88 của Quốc hội (hiện đang thực hiện, giao thẩm quyền cho cơ sở giáo dục) với Luật Giáo dục mới (có hiệu lực từ 1.7.2020).
Rõ ràng, băn khoăn trong dư luận là điều khó tránh. Lý do điều chỉnh đã được Quốc hội khóa XIV thảo luận kỹ trên cơ sở cân nhắc các phương án trước khi thông qua Luật Giáo dục sửa đổi.
Mặt khác, tôi cho rằng, điều này có thể gây khó khăn ban đầu nhưng về lâu dài sẽ hợp lý đối với chủ trương thống nhất một chương trình, nhiều SGK; đảm bảo việc lựa chọn SGK ổn định, phù hợp vùng miền, điều kiện từng địa phương, đối tượng.
Tôi được biết hiện nay, Bộ GD-ĐT đã căn cứ bối cảnh giao thời giữa thực hiện Nghị quyết 88 và thực hiện Luật Giáo dục mới để xây dựng văn bản hướng dẫn theo từng phương án; đồng thời đưa ra quan điểm tuân thủ nguyên tắc kế thừa và chuyển tiếp để tạo được sự đồng bộ với phương án điều chỉnh thẩm quyền lựa chọn SGK khi Luật Giáo dục mới có hiệu lực, hạn chế thấp nhất sự xáo trộn trong hoạt động dạy học và tránh lãng phí. Còn các địa phương và cơ sở Giáo dục cũng đang trong tâm thế sẵn sàng triển khai thực hiện. Đó là sự chủ động cần thiết để tháo gỡ những khó khăn trong quá trình triển khai công tác chuẩn bị thực hiện đổi mới lớp Một bắt đầu từ năm học 2020-2021.
Tôi chỉ xin nói thêm rằng, những băn khoăn của xã hội sẽ là một kênh quan trọng để Bộ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện văn bản hướng dẫn có tính khả thi cao hơn; đồng thời các cơ sở giáo dục cũng cẩn trọng hơn trong việc thực hiện quy trình chọn SGK cho năm học tới.
- Theo dự thảo Thông tư, các nhà trường chỉ có khoảng thời gian 2 tháng (từ đầu tháng 2/2020 đến cuối tháng 3/2020) để đọc, thẩm định, chọn SGK lớp Một mới, dư luận cho rằng thời gian như vậy quá gấp gáp?
+ Đúng là quá gấp gáp. Tất cả đang theo quy trình, nhưng tiến độ thì chưa đảm bảo. Hầu như các bước ban đầu đều bị chậm trễ so với thời hạn, từ các khâu xây dựng, thẩm định, phê duyệt chương trình tổng thể, chương trình bộ môn đến các khâu xây dựng, thẩm định, phê duyệt SGK nên áp lực thời gian đang dồn lên khâu lựa chọn, tập huấn, triển khai SGK mới. Nếu khâu lựa chọn chậm nữa thì khó hoàn thành các bước còn lại để đón năm học mới 2020-2021. Vì vậy, tôi cho rằng Bộ GD-ĐT cần đẩy nhanh tiến độ tiếp thu, hoàn thiện, ban hành Thông tư; còn các địa phương, các cơ sở Giáo dục thì chủ động, linh hoạt, chuẩn bị tốt các điều kiện để sẵn sàng triển khai thực hiện. Cần phát huy vai trò hội đồng tuyển chọn, người đứng đầu cơ sở Giáo dục; làm rõ trách nhiệm của các phòng Giáo dục, sở Giáo dục trong việc triển khai, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện. Bên cạnh đó, phải quan tâm nhiều tới việc chia sẻ thông tin, làm tốt công tác truyền thông; phát hiện vướng mắc, khó khăn để có giải pháp tháo gỡ kịp thời. Và quan trọng là trong hệ thống ngành Giáo dục cần có sự phối hợp nhịp nhàng, thông suốt, đồng thuận, quyết tâm cao.
- Theo bà, một chương trình nhiều bộ SGK liệu có thực sự là con đường để cải cách giáo dục hay chỉ đơn thuần là cách để phá vỡ thế độc quyền SGK hiện nay?
+ Thực ra phải nói một cách đầy đủ theo tinh thần Nghị quyết 88/2014/QH13 là: “Thực hiện một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất nhưng mềm dẻo, linh hoạt” và “Thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK; có một số SGK cho mỗi môn học”.
Xét ở một khía cạnh nào đó, đúng là chủ trương này sẽ góp phần phá vỡ thế độc quyền trong việc in ấn và phát hành SGK hiện nay, bởi vì khi có nhiều bộ SGK cùng được đưa vào sử dụng thì sẽ tạo ra sự cạnh tranh nhất định; và về mặt lý thuyết, trong cuộc cạnh tranh ấy, bộ sách nào hay, nội dung tốt, hình thức đẹp thì bộ ấy chiếm ưu thế trong sự lựa chọn của giáo viên và học sinh.
Tuy nhiên, nhìn rộng ra, việc thực hiện một chương trình, nhiều SGK là một sự thay đổi lớn trong tư duy làm giáo dục của chúng ta nhằm hướng tới những mục tiêu khác lớn hơn trong công cuộc cải cách giáo dục. Đó là cơ hội để huy động trí tuệ của các nhà khoa học, các chuyên gia giáo dục, các nhà giáo tâm huyết đầu tư cho SGK; và cũng là tạo điều kiện cho các trường, các địa phương trong việc lựa chọn bộ sách phù hợp với điều kiện, văn hóa từng vùng miền. Nhiều bộ SGK sẽ tránh được kiểu tư duy “đồng phục” về nội dung dạy học, sẽ đảm bảo nguyên tắc thừa nhận và tôn trọng sự khác biệt.
Khi có sự đa chiều trong cách tiếp cận nội dung chương trình, giáo viên chắc chắn sẽ được rộng đường hơn để phát huy phẩm chất và năng lực sư phạm của mình trong công việc thiết kế nội dung dạy học, ưu tiên phát huy năng lực cá nhân của người học.
Đây là xu thế chung mà các nước có nền giáo dục phát triển đã và đang thực hiện. Tất nhiên, thay đổi tư duy, thay đổi phương thức làm không phải là điều dễ, nhưng đây là điều kiện cần thiết để chúng ta có được nền giáo dục thành công trong bối cảnh hội nhập và phát triển.
- Cùng với thay đổi SGK, chúng ta cần phải làm gì để cải cách, nâng cao chất lượng giáo dục trong thời gian tới?
+ Về cơ bản, có ba yếu tố quyết định chất lượng giáo dục là: Chương trình, SGK; đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. Nếu chương trình, SGK chuẩn bị tốt, nhưng đội ngũ giáo viên còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng; cơ sở vật chất trường lớp nhiều nơi chưa bảo đảm... thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới kết quả thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Do vậy, tôi cho rằng để nâng cao chất lượng giáo dục trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ cả 3 yếu tố ấy mới tạo được thế kiềng ba chân mới có kết quả bền vững.
- Trân trọng cảm ơn bà.