Đổi mới sách giáo khoa: Đừng để “bình mới rượu cũ”

Thứ Năm, 12/12/2019, 08:57
Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 mới đã được dư luận quan tâm đánh giá là bước cải tiến quan trọng cho nền giáo dục nước nhà. Nhưng làm sao để biết sách giáo khoa nào có giá trị để chọn cho học sinh và con em mình dễ học, dễ hiểu là băn khoăn của nhiều nhà trường, giáo viên và các bậc phụ huynh?


Ngày 30-11-2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa mới ở lớp 1 trong năm học 2020-2021. Theo đó, năm học tới các nhà trường tự thành lập hội đồng lựa chọn sách giáo khoa cho đơn vị mình.

Hội đồng bao gồm: người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục (sau đây gọi chung là môn học) có sách giáo khoa lựa chọn, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh trường.

Năm học 2020- 2021 cả nước sẽ áp dụng bộ sách giáo khoa mới ở lớp 1 hệ tiểu học.

Cả nước có trên 15.000 trường tiểu học thì sẽ có bấy nhiêu hội đồng và theo Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực vào ngày 1-7-2020, tại điểm c Khoản 1 Điều 32 quy định "Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc lựa chọnsách giáo khoa sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn". Như vậy, sang năm học 2021-2022, 64 tỉnh, thành lại thành lập 64 hội đồng nữa… Chỉ để lựa chọn sách giáo khoa, chắc chắn số tiền chi cho việc này sẽ không phải là một con số nhỏ!

Công việc chọn sách giáo khoa cho năm học 2020-2021 sẽ phải hoàn tất trong tháng 3/2020 để còn kịp thời gian cho các khâu chuẩn bị. Trên thực tế thì để chọn sách, giáo viên không chỉ cần có đầy đủ các bản mẫu để được xem, mà còn phải có thời gian để được dạy thử, rồi thảo luận về tính ưu việt, phù hợp của từng sách và tạo thành bài giảng của riêng mình để đưa ra quyết định lựa chọn chính xác.

Bên cạnh đó, có tới 4/5 bộ sách giáo khoa mới là của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, chỉ có 1 bộ của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Như vậy thì đâu có nhiều lựa chọn khi thị phần chủ yếu của sách giáo khoa mới là của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Chúng ta thấy rằng chủ trương “một chương trình nhiều sách giáo khoa” vừa công bố, khi mới nghe, đọc qua thì thấy hay, thấy mới và thấy khách quan, nhưng liệu có phải là “bình mới, rượu cũ” hay không khi thị phần lớn sách vẫn là của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Không chỉ có người dân quan tâm, lo lắng về việc này mà ngay cả Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã nêu ra những băn khoăn của mình tại Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tháng 3/2019): "Làm sao cha mẹ học sinh nói nên chọn sách nào? Rồi lại có xu hương “chạy” để bộ sách của mình sử dụng ở trường này, tỉnh nọ. Có lãng phí không khi Nhà nước bỏ tiền cho Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn?".

Nhìn vào giáo dục của các nước tiên tiến, Nhà nước không chỉ định tác giả tham gia soạn sách mà chỉ ban hành khung chương trình chung. Các tác giả muốn viết sách giáo khoa sẽ dựa vào đó để biên soạn. Do đó, ai cũng có thể tham gia viết sách, biên soạn sách hoàn toàn độc lập và tự do. Những quyển sách được viết sáng sủa, ví dụ hay, cập nhật cái mới, được giáo viên sử dụng và giới thiệu cho học trò. Học trò không chỉ mua một cuốn mà có thể mua nhiều cuốn để đọc và so sánh chúng với nhau. Thầy dạy cũng không phụ thuộc vào một cuốn sách nào ngoài giáo án. Tác giả nào viết khi in ra mà dở quá, giáo viên và học sinh không dùng, tất sách sẽ không bán được và tự nhiên sẽ bị đào thải.

Một điều quan trọng nữa, những quyển sách giáo khoa luôn có tính cập nhật sẽ được người dạy và người học đón nhận nhiều nhất. Như vậy, sẽ tạo ra môi trường học thuật sôi động và luôn tiếp cận những trào lưu, khuynh hướng nghiên cứu mới nhất của thế giới. Do đó, các tác giả biên soạn sách sẽ hơn nhau ở chỗ sách của ai giàu tính cập nhật hơn sẽ thuyết phục người dùng hơn.

Một bộ sách giáo khoa hay thì văn phong phải sáng rõ, diễn đạt lôi cuốn hấp dẫn, lập luận, trích dẫn, ví dụ dễ hiểu và cập nhật được những cái mới, cơ bản giải quyết được khối lượng kiến thức cần và đủ mà mỗi học sinh phải lĩnh hội và đúng kiến thức theo chương trình khung của bộ giáo dục. Về tiêu chí đúng, tức phải đảm bảo tính khoa học, chính xác, khách quan, vô tư. Sách đề cập đủ, tức đủ những điều mà Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định cần trang bị cho học sinh từng lớp ở các bậc học chứ không phải nhồi nhét những kiến thức xa vời, phức tạp, không sát với đối tượng mình đang viết sách.

Như vậy, tiêu chí chọn một bộ sách cho học sinh sẽ trở nên đơn giản, khi nó hợp túi tiền của gia đình các em; đồng thời, sách in đẹp, hình ảnh sinh động, cách trình bày dễ hiểu, dễ tiếp thu và đặc biệt phải phù hợp với trình độ của học sinh.

Đừng để lo lắng của Chủ tịch Quốc hội trở thành hiện thực. Dù ai là người chọn và chọn sách nào, thì điều quan trọng nhất và đặt lên trên hết phải là lợi ích của học sinh, lợi ích của sự nghiệp "trồng người".

Cù Tất Dũng
.
.