Phim Việt bùng nổ với web drama
- Liên hoan Phim Việt Nam "cấm cửa" phim "thảm họa"
- Phim Việt: “Khát” biên kịch vàng?
- Xuất khẩu phim Việt: Mộng ước không quá xa vời
- Phim Việt thua trong nước, thắng ngoài nước vì sao?
Bộ phim truyền hình "Glee" phiên bản Việt - chuyển thể từ series phim truyền hình cùng tên đình đám của Mỹ - vừa ra mắt tập 1 vào ngày 18-8. Dàn diễn viên gồm những ngôi sao trẻ nổi tiếng như Angela Phương Trinh, Rocker Nguyễn, Hữu Vi, Đỗ An, Hoà Minzy… cộng với thước phim lung linh, hình ảnh hiện đại không kém gì phim điện ảnh khiến công chúng ngây ngất.
Điều làm khán giả trẻ nức lòng nữa còn bởi phim chỉ phát hành trực tuyến trên các kênh online quen thuộc như YouTube chứ không phát sóng trên tivi. Trong vòng 3 ngày, tập 1 của web drama này đã thu hút hơn 300.000 lượt xem trên mỗi kênh chiếu.
Nhiều phim ngắn hoặc series phim được đầu tư mạnh tay thời gian gần đây cũng chọn hình thức web drama để tiếp cận công chúng chứ không ra rạp, phát trên nhà đài hoặc ra DVD. Có thể kể đến như phim ngắn "Giải mã NT56" của người mẫu Ngọc Trinh. Cô chi bộn tiền làm bộ phim online đậm chất điện ảnh và âm nhạc này để thỏa mãn sở thích cá nhân. Phim ngắn gồm 3 tập mang tên "Tấm Cám - chuyện Huỳnh Lập kể" do Huỳnh Lập bạo tay đầu tư hơn 2 tỷ cũng tạo nên một cơn sốt nho nhỏ trên YouTube. Gần đây xuất hiện các dự án web drama thu hút sự quan tâm của dư luận như "Love At 1st Sight" khai thác chủ đề tình yêu từ thế giới ảo bước ra ngoài đời thực. Phim dự kiến được trình chiếu trên trang mạng Yeah1Movies và kênh BanhTV trên YouTube.
"Glee" có thể coi là bộ phim truyền hình Việt đầu tiên chọn hình thức phát hành trực tuyến thay vì phát sóng trên tivi. |
Lấy cảm hứng từ những scandal của showbiz Việt, "Biệt đội 1-0-2 - Lật mặt showbiz" cũng là web drama được đón chờ vì quy tụ nhiều diễn viên tên tuổi của làng giải trí. Phim chính thức bấm máy vào tháng 7 và sẽ ra mắt cuối năm nay. Thành công từ series "Cô giáo Khánh" với con số khủng 60 triệu lượt xem cho 15 tập phim khiến Duy Khánh quyết tâm theo đuổi dòng web drama với những sản phẩm mới, được đầu tư chỉn chu từ kịch bản, diễn xuất đến đạo diễn, bối cảnh…
Trước hiện trạng số lượng phim ngày càng gia tăng trong khi rạp chiếu và các khung giờ phát sóng luôn kín chỗ thì internet là mảnh đất vàng để nhà làm phim quảng bá đứa con tinh thần. Từ đây, họ nhận thấy web drama có nhiều cái lợi. Số tiền đầu tư cho một web drama luôn ít tốn kém hơn so với TV drama (phim truyền hình chiếu trên tivi) và phim điện ảnh.
Một tập web drama thường ngắn, cùng lắm tối đa 20 phút chứ không dài 45 phút như TV drama hay cả hai giờ đồng hồ như phim điện ảnh. Quy trình mua bán phim cho các trang mạng cũng diễn ra nhanh chóng, gọn lẹ hơn so với đài truyền hình hay rạp phim. Chưa kể nếu phát trên đài hoặc rạp phim, tác phẩm phải chịu lưỡi kéo kiểm duyệt, đứng trước nguy cơ bị cắt hoặc hoãn chiếu.
Nếu không bán bản quyền cho các trang mạng thì chính các nhà sản xuất tự đăng tải tác phẩm của mình trên YouTube bằng tài khoản riêng mà không tốn đồng cắc nào, không cần xin phép cũng chẳng sợ bị kiểm duyệt gắt gao. Vì vậy, internet được coi là thiên đường để các nhà làm phim tung tẩy sáng tạo, thử nghiệm đủ loại đề tài, hình thức thể hiện. Đây là cách mà các web drama đang áp dụng khi sự phổ biến của YouTube ngày càng rộng rãi.
Khi điện thoại di động và mạng wifi miễn phí phủ khắp thì việc xem phim trên mạng tiện lợi hơn rất nhiều. Không những khán giả chủ động được lịch xem phim, xem ở bất cứ đâu mà họ còn được xem miễn phí, cùng nhau bình luận rôm rả về bộ phim đó…
Xưa nay, vấn đề bản quyền trên mạng luôn bị liệt vào vấn nạn nhức nhối. Nhà sản xuất hay nghệ sĩ không ngại chỉ thẳng mặt khán giả "xài chùa" là kẻ tiếp tay nạn xâm phạm bản quyền. Nhưng từ khi lợi ích ba bên được định hình rõ thì câu chuyện đã bớt ầm ĩ. Đó là phim được mở cửa miễn phí cho khán giả. Tác phẩm càng hay thì càng thu hút nhiều người xem. Lượt xem càng cao càng mời gọi các doanh nghiệp đặt vấn đề quảng cáo sản phẩm trên web drama đó. Và doanh thu béo bở mà nhà làm phim được nhận là từ đây.
Nhờ tài khoản ở YouTute mang tính bảo mật và tính chính chủ cao nên vấn nạn bị kẻ khác cuỗm sản phẩm về và đăng lại hòng kiếm lợi đã dần giảm. Khán giả thừa biết, những sản phẩm chôm chỉa ấy không đời nào có chất lượng âm thanh, hình ảnh hoàn hảo bằng sản phẩm do tài khoản chính chủ đăng lên. Được miễn phí thì dại gì "thượng đế" không chọn thứ tốt nhất? Nó không giống như băng đĩa, dù biết đây là băng đĩa lậu, chất lượng thấp nhưng khán giả thường nhắm mắt mua đại vì đỡ tốn tiền hơn khi mua đĩa gốc.
Trên sân chơi chuyên môn, web drama Việt cũng gặt hái không ít thành công. Tại Liên hoan WebTV Asia Award diễn ra tại Hàn Quốc hồi tháng 11-2016, series phim "Tỉnh giấc tôi thấy mình trong ai" đoạt giải "Phim online được ưa chuộng nhất năm 2016". Bộ phim dài 7 tập chiếu trên kênh YouTube "Chi Pu Official" và vlive.tv do Chi Pu đầu tư sản xuất, viết kịch bản đồng thời thủ vai chính. Phim khai thác đề tài tình bạn, tình yêu của những người trẻ trong làng giải trí và có sự góp mặt của nhiều gương mặt nổi tiếng như: hoa hậu Ngọc Diễm, B Trần, "hoàng tử sơn ca" Quang Vinh… với sự chỉ đạo diễn xuất của đạo diễn Mai Hoàng - người từng giành giải Cánh diều Bạc cho "Phim ngắn xuất sắc".
Dàn diễn viên của web drama “Biệt đội 1-0-2 – Lật mặt showbiz”. |
Web drama bắt đầu manh nha từ năm 2010 ở khu vực Châu Á mà trong đó Trung Quốc, Hàn Quốc chính là hai nước tiên phong. Mới đầu, đây chỉ là sân chơi cho những diễn viên nghiệp dư hoặc ngôi sao K-pop muốn thử khả năng diễn xuất của mình trước khi quyết định lấn sân điện ảnh. Có thể điểm danh thần tượng Sandara Park của nhóm 2NE1, EXO, Bora (nhóm Sistar), Ji Hyun (nhóm 4Minute) với các web drama gây "cuồng" như "EXO Next Door" (EXO nhà bên), "Love Cells" (Tế bào tình yêu), "On Sunny Days" (Một ngày nắng mới)…
Giai đoạn năm 2015, nhận thấy món lợi béo bở từ web drama cộng với sự xuất hiện liên tục của các diễn viên tên tuổi bước ra từ xu thế này, nhiều ông lớn ngành giải trí và nhà làm phim chuyên nghiệp Châu Á bắt đầu để mắt đến và cho lò hàng loạt các siêu phẩm như "Thần thám trứ danh Địch Nhân Kiệt", "Tôi là nam thần", "Thiên tài", "Truyền kỳ về thầy của tôi"…
Ở Việt Nam, web drama bắt đầu vào năm 2012 với các nhóm hài "BB&BG", "Dam TV", "Thích ăn phở", "Ghiền Mì Gõ"… Tuy nhiên, thời kỳ đầu của web drama không được đánh giá cao vì kinh phí đầu tư thấp, diễn viên nghiệp dư, các thiết bị kỹ thuật sơ sài nên phim làm ra mang nội dung hời hợt, chủ yếu bám vào đề tài nóng để khai thác dưới góc nhìn hài hước, mua vui là chính. Web drama Việt có độ sâu lắng hay thông điệp mang sức nặng quá hiếm hoi. YouTube cũng là nơi chống lưng cho phim ngắn tốt nghiệp của sinh viên. Do vậy, web drama vẫn bị xem như một dòng chảy không chính thức với đầy rẫy tác phẩm thử nghiệm thượng vàng hạ cám hoặc phim hài, phim sitcom "cười cho đã".
Phải chờ đến năm 2016, chúng ta mới hình thành dòng web drama đúng nghĩa. Hàng loạt bộ phim được chi tiền tỷ, đầu tư nghiêm túc, công phu về kịch bản, nội dung, trang phục… Êkip làm phim chuyên nghiệp dần thay thế cho kiểu thực hiện ngẫu hứng, tự phát. Dàn ngôi sao, diễn viên ăn khách thay máu cho đội ngũ diễn viên nghiệp dư. Nội dung phim ngày càng được lòng công chúng vì phong phú, khai thác mọi chủ đề từ tình yêu, tình bạn, đời sống xã hội… chứ không gói gọn trong hai chữ "hài bựa" như trước đây.
Đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng, Phó Giám đốc Hãng phim truyền hình TP Hồ Chí Minh (TFS) cho rằng web drama thực sự là đối thủ đáng gờm của các bộ phim truyền hình truyền thống phát sóng trên nhà đài. Ông dự đoán trong tương lai, xu thế TV drama biến thể sang web drama sẽ phát triển mạnh mẽ. Bởi theo báo cáo của Công ty Thông tin và Đo lường toàn cầu Nielsen, hiện nay có 92% người sử dụng Internet ở Việt Nam xem video trực tuyến hằng tuần. Đây là tỉ lệ cao nhất khu vực Đông Nam Á. Con số này đáng để cho những người thực hiện web drama kỳ vọng vào một tương lai tương sáng.