Phim Tết có đủ vui hết tháng Giêng?
- Các nhà làm phim có còn “mặn mà” với phim Tết?
- Phim Tết 2018: Vẫn là gu yêu đương vui nhộn
- Phim Tết có còn khả năng hốt bạc không?
Gần như được mặc định thành một lễ hội, cứ dịp Tết là các nhà sản xuất đua nhau tung ra phim mới để chinh phục công chúng. Những bộ phim mới chen chúc giành lịch trình chiếu ở các rạp trong tháng giêng thường bằng phân nửa số lượng tác phẩm điện ảnh trong cả năm của nước ta. Lẽ ra, thị trường phim Tết là một cơ hội để nâng tầm cho nghệ thuật thứ bảy Việt Nam, nhưng đáng tiếc thay, những gì hiển thị trên màn bạc chỉ xoay quanh vài chi tiết cười cợt mua vui tạm bợ mà thôi.
Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, cũng có gần chục bộ phim Việt được đầu tư khá náo nức. Đáng kể nhất, phải nhắc đến bộ phim “789 Mười” của đạo diễn Dustin Nguyễn. Vốn là một diễn viên phim hành động, đạo diễn Dustin Nguyễn từng thành công với bộ phim “Trúng số” nên tiếp tục gắn bó với dòng phim khai thác đời sống tâm lý đô thị.
Bộ phim “789 Mười” xoay quanh bốn nhân vật cô 7 Cute lái taxi, chú 8 bán Bánh Tiêu, ông 9 mê đỏ đen và anh Mười hào hiệp. Đạo diễn Dustin Nguyễn vẫn rất chú trọng phát huy sở trường của mình, qua việc dàn dựng những pha rượt đuổi mạo hiểm trong phim.
Dù tên tuổi và kinh nghiệm không bằng đạo diễn Dustin Nguyễn, nhưng đạo diễn Nguyễn Hoàng Anh tự tin với bộ phim “Về quê ăn Tết” hợp tác với diễn viên Ngô Thanh Vân. Bộ phim “Về quê ăn Tết” tập trung khắc họa nỗi niềm của những đứa con xa xứ luôn mong mỏi đoàn tụ với gia đình trong chiều cuối năm.
Hoài Linh trong bộ phim “Đích tôn độc đắc”. |
Những người thực hiện bộ phim “Về quê ăn Tết” thú nhận cái khó của một tác phẩm liên quan trực tiếp đến Tết: “Ban đầu nhận kịch bản, chúng tôi nghĩ phim này không khó nhưng đến khi bắt tay vào thực hiện thì... khó không tưởng. Mọi thứ phải được chú trọng đến từng chi tiết để làm sao lột tả được hết tính cách của từng nhân vật”.
Làm phim Tết có phải cầm chắc phần thắng ở hệ thống rạp chiếu hiện đại không? Chúng ta không thể nhân danh bất cứ điều gì để kêu gọi khán giả phải thưởng thức phim nội khi họ chưa thể hài lòng với giá trị thẩm mỹ trên màn bạc. Nếu có một cuộc điều tra xã hội học, sẽ không khó để nhận ra vài yếu tố ngăn cản giới mộ điệu đến với điện ảnh như nhịp sống quá bận bịu hay e ngại giao thông bất tiện. Vì vậy, khoảng thời gian phù hợp nhất để người xem cởi mở hơn với phim nội, có lẽ phải kể đến dịp Tết.
Được nghỉ lễ dài ngày cộng với không khí linh thiêng hướng về nguồn cội, công chúng sẽ không quá lưỡng lự để khám phá tình cảm người Việt Nam hôm nay được phản ánh trên từng bộ phim. Đáng tiếc, từ một sự tính toán khôn ngoan nào đó, hoặc từ một tư duy khuôn mẫu nào đó, những người làm phim tự tin định hướng phim Tết theo lối phim hài, càng cười cợt càng ăn khách, càng hời hợt càng bội thu. Cuộc cạnh tranh giữa các hãng phim có chung mục đích - tay này thọc lét tay kia đếm tiền, đã khiến chất lượng phim Tết ngày càng giảm sút.
Thử điểm lại dăm ba bộ phim Tết từng tuyên bố kiếm được hàng chục tỷ đồng từ quầy bán vé như “Phát tài” hoặc “Giải cứu thần chết” mới ngộ ra rằng những tác phẩm ấy không mang lại gì cho đời sống văn hóa ngoài mấy câu… quảng cáo hoa mỹ! Có phải đã đến lúc chúng ta cần thành tâm lắng nghe một chút chua chát khi trình độ cảm thụ của xã hội đã cao hơn rất nhiều, mà nền nghệ thuật thứ bảy vẫn hồn nhiên theo đuổi công thức chân dài + hài hước = phim Tết? Đành rằng ở thương trường, ai bỏ ra một đồng vốn cũng muốn bốn đồng lời.
Tuy nhiên, điện ảnh không phải chốn dễ dàng di dưỡng cho sự sáo rỗng của son phấn và tấu hài. Đã vang lên trầm bổng không ít ngôn ngữ về tính sáng tạo trong các bộ phim Tết, chỉ nhận lại những nét cười xót xa trên môi những người yêu điện ảnh thực lòng thực dạ. Bởi lẽ, thị trường băng đĩa trăm hồng ngàn tía và hàng chục kênh phim quốc tế trên truyền hình cáp thời hội nhập đã góp phần mở rộng biên độ tiếp nhận của khán giả hôm nay.
Xem phim Tết của các nhà sản xuất hãnh tiến, không khó khăn gì để nhận ra phim này na ná thể loại phim nhảm kiểu Châu Tinh Trì của Hồng Kông còn phim kia mô phỏng thể loại phim ca nhạc kiểu High School của Mỹ. Bắt chước không phải thói xấu, nhưng nếu muốn bắt chước hãy bắt chước ở nơi kín đáo hơn, vì màn ảnh phim Tết luôn thu hút hàng triệu con mắt trông vào với tất cả sự tin cậy và hy vọng!
Poster hai bộ phim Tết “Về quê ăn Tết” và “789 Mười”. |
Phim Tết không có chỗ cho bi lụy, vì vậy các danh hài được trưng dụng triệt để. Thị trường phim Tết năm nay chứng kiến cuộc so găng giữa hai danh hài Hoài Linh và Trường Giang qua hai bộ phim cốt yếu chọc cười khán giả. Danh hài Hoài Linh vào vai đại gia mong có cháu trai nối dõi tông đường, trong bộ phim “Đích tôn độc đắc” của đạo diễn Trần Ngọc Giàu.
Còn danh hài Trường Giang vào vai một tài tử nổi tiếng phải khốn khổ trước sự bủa vây của người hâm mộ, trong bộ phim “Siêu sao siêu ngố” của đạo diễn Đức Thịnh! Sự chạm trán giữa hai danh hài Hoài Linh và Trường Giang liệu có đem lại chút dư vị thẩm mỹ nào cho công chúng không, hay chỉ là những mảng miếng tấu hài được ngắm nghía qua màu sắc ống kính máy quay?
Câu hỏi ấy thật không dễ trả lời trong xu hướng làm phim theo quan niệm “ăn tươi nuốt sống” hiện nay! Danh hài Hoài Linh cho biết anh có một sự đồng cảm với nhân vật trong bộ phim bởi anh vốn là người coi trọng giá trị con người hơn hết thảy và đặc biệt có cảm tình với những bộ phim với kết thúc có hậu, đoàn viên. Còn danh hài Trường Giang thì tự tiếp thị: “Xem phim “Siêu sao siêu ngố” chắc chắn khán giả sẽ bất ngờ vì Trường Giang ốm hơn nhiều, mặc đồ cũng ra dáng soái ca!”
Trong dòng phim Tết Mậu Tuất 2018 còn có một hiện tượng đáng buồn, đó là sự xuất hiện của những bộ phim remake làm lại từ kịch bản nước ngoài. Thật trớ trêu, khi tết cổ truyền mà phải thưởng thức sự hài hước của bộ phim “Yêu em bất chấp” của đạo diễn Văn Công Viễn dựa theo “My sassy girl” và bộ phim “Tháng năm rực rỡ” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng dựa theo “Sunny”! Hai bộ phim Tết dựa theo hai danh phẩm của Hàn Quốc, một lần nữa chứng minh những nhà làm phim Việt rất hạn chế ý tưởng và thích nương nhờ sáng tạo của thiên hạ!
Phim Tết tạo ra một thị trường có vẻ tiềm năng, nên các nhà sản xuất không ngần ngại bỏ vốn đánh cược với thị hiếu. Có những hãng phim, suốt cả mười hai tháng im hơi lặng tiếng thì đến Tết lại… công bố sản xuất phim. Dường như đã thành một thói quen, nhiều nhà sản xuất dồn sức để làm phim hài chiếu Tết, với mong muốn sẽ đạt được doanh thu như ý.
Thế nhưng, trái ngược thực trạng hệ thống rạp chiếu ngày càng hiện đại, phim hài chiếu Tết không còn dễ dàng hốt bạc như những nhà đầu tư lầm tưởng. Dịp Tết, số lượng khán giả đến rạp chiếu đông đúc hơn, song họ có nhiều chọn lựa khác! Năm ngoái, những bộ phim chiếu Tết như “Chạy đi rồi tính” của đạo diễn Namicito- Bảo Nhân, “Rừng xanh kỳ lạ truyện” của đạo diễn Khương Ngọc, “Nàng tiên có năm nhà” của đạo diễn Trần Ngọc Giàu, “Lục Vân Tiên – Tuyệt đỉnh kung fu” của đạo diễn Hoàng Phúc… đều không gặt hái được kết quả như mong muốn, vì công chúng nhận thấy sức hấp dẫn lớn hơn ở những bộ phim nước ngoài trình chiếu cùng thời điểm!
Mặt khác, vì cạnh tranh gay gắt, nên những hãng phim nhỏ, với số tiền đầu tư dăm bảy tỷ, không thể có một chiến lược bài bản cho phim Tết, từ kịch bản cho đến quảng bá. Vài cách tiếp thị kiểu “trông giỏ bỏ thóc” như triển lãm ảnh trường quay hoặc clip ca khúc trong phim do tập thể diễn viên đồng ca, không đủ tác động đến giới trẻ đang ngày càng nhiều mô hình giải trí hơn trong thời đại internet.
Không ai cấm những nghệ sĩ điện ảnh xem một tác phẩm như một cơ hội kinh doanh. Chỉ xin nhớ một điều rất nhỏ rằng, với một nền nghệ thuật thứ bảy đang tập tành chuyên nghiệp như chúng ta, thì phim Tết phải được đề cao như một cơ hội để phim nội chuyển mình.
Ngày Tết lôi kéo khán giả đến rạp đông đảo gấp bội thường nhật, nếu đây không phải là dịp may để chinh phục những trái tim hướng về phim nội thì sẽ giống như giây phút tiêu diệt tình yêu dành cho phim nội! Vì vậy, khẩn thiết mong những hãng phim nhạy bén hôm nay hãy giúp phim Tết phô diễn sức quyến rũ của phim nội, chứ đừng dùng phim Tết để phơi bày sự nao núng của phim nội!