Phim Tết có còn khả năng hốt bạc không?

Thứ Sáu, 27/01/2017, 08:10
Dường như đã thành một thói quen, nhiều nhà sản xuất dồn sức để làm phim hài chiếu Tết, với mong muốn sẽ đạt được doanh thu như ý. Thế nhưng, trái ngược thực trạng hệ thống rạp chiếu ngày càng hiện đại, phim hài chiếu Tết không còn dễ dàng hốt bạc như những nhà đầu tư lầm tưởng. Dịp Tết, số lượng khán giả đến rạp chiếu đông đúc hơn, song họ có nhiều chọn lựa khác! Đó chính là lời cảnh tỉnh nghiêm khắc cho những nhà làm phim nước ta.


Cách đây khoảng một thập niên, sự thắng lợi ngoạn mục của các bộ phim như "Gái nhảy", "Khi đàn ông có bầu" hoặc "Lọ Lem hè phố" đã khiến thị trường phim Tết trở thành một miếng bánh béo bở mà nhiều đạo diễn mong muốn được chia phần. Đáng tiếc, thái độ ủng hộ phim nội của công chúng đã có tác dụng ngược.

hay vì thực hiện những bộ phim thật hay để chiếu Tết thì những nhà làm phim vội vàng tung ra các thứ phẩm vụng về để cạnh tranh với nhau. Nhiều bộ phim Tết không khác gì tấu hài được ghi hình. Cứ đẩy hết danh hài nọ đến danh hài kia vào ống kính mà trình diễn chiêu trò để gây cười. Khán giả chỉ thấy thú vị dăm lần, rồi lập tức ngán ngẩm.

Mỗi năm, con số phim hài chiếu Tết chiếm khoảng 1/3 lượng phim của cả nền điện ảnh. Ai cũng muốn làm phim hài chiếu Tết, nhưng không ai hy vọng có được những tác phẩm có tuổi thọ dài hơn một kỳ nghỉ Tết. Do vậy, phim hài chiếu Tết cứ từng ngày tụt giảm uy tín.

Hoài Linh trong phim “Nhà có 5 nàng tiên”.

Đạo diễn Lê Bảo Trung, người từng có nhiều phim chiếu Tết trước đây đã không còn mặn mà chen chân vào dịp Tết Đinh Dậu 2017: "Năm nay tôi rút khỏi thị trường tết. Ai cũng nhào vào mà thật sự không dễ để lấy tiền khán giả nếu phim không tốt. Khán giả mình giờ xem phim quanh năm, tôi để dành phim mình cho mùa hè!".

Theo kế hoạch chiếm lĩnh các rạp chiếu của những nhà sản xuất lạc quan, thì phim Tết Đinh Dậu có các bộ phim như "Chạy đi rồi tính" của đạo diễn Namicito- Bảo Nhân, "Rừng xanh kỳ lạ truyện" của đạo diễn Khương Ngọc, "Nàng tiên có năm nhà" của đạo diễn Trần Ngọc Giàu, "Lục Vân Tiên - Tuyệt đỉnh kungfu" của đạo diễn Hoàng Phúc, "Vali tình yêu" của đạo diễn Bùi Minh Hoàng - Lê Quang Thanh Tâm và "Bạn gái tôi là sếp" của đạo diễn Hàm Trần.

Nếu thực sự chinh phục được người xem thì 6 bộ phim trên cũng phủ sóng các rạp chiếu suốt tháng giêng. Đáng tiếc, không ai dám khẳng định bộ phim của mình có thể bán được vé khoảng một tuần lễ. Khi chính những người dàn dựng còn cảm thấy tác phẩm của mình chỉ đáp ứng thị hiếu nhất thời thì công chúng không thể nào thỏa mãn nhu cầu thưởng thức một bộ phim hấp dẫn tương xứng với không khí mùa xuân yên vui!

Cũng giống những năm trước, phim Tết Đinh Dậu vẫn có màu sắc chủ đạo là hài hước. Tên tuổi danh hài được xem như một giải pháp hữu hiệu bảo đảm doanh thu. Trong 6 phim chiếu Tết, thì danh hài Hoài Linh đã đảm nhận vai chính cho hai bộ phim "Rừng xanh kỳ lạ truyện" và "Nàng tiên có năm nhà". Còn danh hài Việt Hương được xác định là át chủ bài cho bộ phim "Chạy đi rồi tính".

Lần đầu tiên thử sức với phim Tết, đạo diễn Hoàng Phúc chọn một câu chuyện gần gũi với đời sống. "Lục Vân Tiên - Tuyệt đỉnh kungfu" quy tụ khá nhiều diễn viên ăn khách như Thành Lộc, Kim Tuyến, Kiều Mai Lý, Diệp Lâm Anh…

Poster phim “Quý tử bất đắc dĩ”.

Tác phẩm của cụ Nguyễn Đình Chiểu từng được làm phim truyền hình, nên khi chuyển sang điện ảnh không hề đơn giản. Hơn nữa, ngay cái tựa "Lục Vân Tiên - Tuyệt đỉnh kungfu" đã chia ra làm hai vế rõ ràng, hình ảnh Lục Vân Tiên chắc chắn phải tuân thủ tuồng tích có sẵn, còn "tuyệt đỉnh kungfu" lại là lĩnh vực nằm ngoài khả năng của các diễn viên hôm nay. Nếu những ai đã từng xem bộ phim "Tuyệt đỉnh kungfu" lừng lẫy của ngôi sao Châu Tinh Trì thì dĩ nhiên sẽ khắt khe hơn với "Lục Vân Tiên - Tuyệt đỉnh kungfu".

Cũng được xem là một ứng viên cho thị trường phim Tết, có lẽ cần nhắc đến bộ phim "Lời nguyền gia tộc" của nữ đạo diễn Đặng Thái Huyền. Là một gương mặt trẻ từng gặt hái không ít thành công với các bộ phim "Mười ba bến nước" hoặc "Ngày trở về", nữ đạo diễn Đặng Thái Huyền hơi xa lạ với phim Tết.

Mặt khác, thể loại của "Lời nguyền gia tộc" là kinh dị, hoàn toàn không phải món khoái khẩu của khán giả nhàn rỗi ngày xuân. Đành rằng, so với 6 bộ phim vui vẻ trẻ trung kia thì "Lời nguyền gia tộc" có nét khác biệt, nhưng hãy nhớ lại, mùa phim Tết 2016 đã có một bộ phim kinh dị là "Ám ảnh" đưa ra rạp mấy ngày đã lặng lẽ rút lui "ngậm bồ hòn làm ngọt".

Nhìn vào hệ thống rạp chiếu hiện nay đã phát triển gấp dăm lần về số lượng lẫn tiện nghi, nhiều nhà sản xuất đã rời bỏ màn ảnh nhỏ để đầu tư phim chiếu rạp. Mỗi năm chỉ cần có một phim Tết ăn khách thì bằng doanh thu cả năm cặm cụi làm phim truyền hình. Ví dụ tiêu biểu nhất là Công ty Sóng Vàng từng sản xuất nhiều phim chiếm lĩnh giờ vàng của các kênh truyền hình, đã quay sang làm phim Tết.

Liên tục các Tết gần đây, Công ty Sóng Vàng đều gặt hái không ít thành quả với các bộ phim "Nhà có năm nàng tiên", "Năm sau con sẽ về", "Quý tử bất đắc dĩ"… Dẫu rất đắc ý về mặt doanh thu, nhưng chính Công ty Sóng Vàng cũng không dám tin vào chất lượng nghệ thuật của những bộ phim do mình sản xuất. Bằng chứng rõ nhất, là Công ty Sóng Vàng không bao giờ dám mang những bộ phim chiếu Tết để đi tranh tài ở các liên hoan phim.

Nếu như phim truyền hình đang lấy lại khán giả với thể loại hình sự và chính luận, mà năm vừa qua có thể kể đến "Đồng tiền quỷ ám" hoặc "Nguyệt thực", thì cái tư duy làm phim cũ kỹ lại dịch chuyển lên những thước phim tạm gọi là điện ảnh phục vụ Tết. Điện ảnh làm theo công thức của phim truyền hình thì rất khó tránh đơn điệu và tẻ nhạt.

Đạo diễn Trương Quang Thịnh khá sòng phẳng khi đánh giá: "Phim chiếu rạp hiện đang bị truyền hình hóa là một thực tế khá rõ ràng. Cụ thể những phim có doanh thu đều là phim quy tụ các nghệ sĩ hài nổi tiếng trên truyền hình. Khán giả mua vé xem phim để người ta coi danh hài Hoài Linh, Việt Hương hay Trấn Thành... chọc khán giả cười điều gì, chứ họ chẳng quan tâm lắm câu chuyện phim bởi nội dung rất dở. Và để đáp ứng nhu cầu ấy, hài trong phim Việt được nghiên cứu sao cho ngày càng dày hơn để giữ chân khán giả. Nhưng đến một lúc nào đó tiếng cười nhàm dần, không còn nặng ký, phim Việt sẽ lấy gì để hút khán giả đây?". 

Poster phim “Chạy đi rồi tính''.

Dù nồng nhiệt với phim Việt dịp Tết, nhưng khán giả bây giờ đã biết so sánh và chọn lựa. Nếu phim Tết chỉ quẩn quanh vài chi tiết chọc cười rẻ tiền thì công chúng thà coi phim hài của nước ngoài còn thoải mái hơn. Công nghệ làm phim Tết của điện ảnh Việt đang giậm chân tại chỗ, sau khi những nhà đầu tư như Hãng phim Phước Sang hoặc Hãng phim Galaxy không còn dự phần tích cực.

Những hãng phim nhỏ, với số tiền đầu tư dăm bảy tỷ, không thể có một chiến lược bài bản cho phim Tết, từ kịch bản cho đến quảng bá. Vài cách tiếp thị kiểu "trông giỏ bỏ thóc" như triển lãm ảnh trường quay hoặc clip ca khúc trong phim do tập thể diễn viên đồng ca, không đủ tác động đến giới trẻ đang ngày càng nhiều mô hình giải trí hơn trong thời đại internet.

Làm phim Tết, ai cũng muốn có tiếng cười. Thế nhưng, làm sao để có tiếng cười hài lòng của khán giả thì mới có tiếng cười thắng lợi của nhà làm phim. Nếu phim Tết chỉ trông chờ vào sự rộng lượng của công chúng thì không thể có được tác phẩm đạt được chất lượng và doanh thu.

Bà Bích Thủy, Giám đốc sản xuất Senafilm đúc kết kinh nghiệm: "Khán giả Việt Nam thay đổi nhanh, nhà đầu tư như chúng tôi phải chạy theo họ. Công thức làm  phim gom nhiều sao hài hoặc pha chút hài hước, kinh dị để thu hút khán giả đã qua rồi. Khán giả ngày nay đòi hỏi được xem tác phẩm điện ảnh đích thực. Đó là những phim tình cảm, pha chút hài hước, phải có thông điệp nhân văn".

Lê Thiếu Nhơn -Xuân 2017
.
.