Nhạc kịch hiện đại thuần Việt:Bước đầu khẳng định chỗ đứng
- Nhạc kịch đương đại: Nuôi mầm hy vọng
- Vở diễn đoạt giải ‘Osca nhạc kịch” lần đầu trình diễn tại Việt Nam
- Nhạc kịch “Lá đỏ” viết tiếp trang sử hào hùng
- Tái diễn vở nhạc kịch “Cây sáo thần” của thiên tài Mozart
Năm 2013, nhạc kịch broadway chính thức tiếp cận công chúng Việt bằng vở Việt hóa "Chicago" của đạo diễn trẻ Nguyễn Khắc Duy. Nhạc kịch Broadway là dòng nhạc kịch nổi tiếng của Mỹ với phong cách kết hợp giữa âm nhạc, ca khúc, lời thoại, diễn xuất và vũ đạo thành một chỉnh thể. Nó khác với nhạc kịch cổ điển ở chỗ tập trung cân bằng giữa lời thoại, ca khúc, đồng thời phối hợp nhiều thể loại âm nhạc hiện đại như pop, rock, RnB, dance… và ca khúc đại chúng thịnh hành. Những yếu tố trên khiến nhạc kịch broadway được lòng khán giả trẻ.
Ở Việt Nam, số lượng các vở nhạc kịch Broadway khá ít ỏi nhưng hầu hết đều đắt khách. Có thể kể đến các vở của nhóm Buffalo do Nguyễn Khắc Duy đạo diễn như "High shool musical", "Tuyết Sài Gòn", "Vũ nữ", chương trình "Broadway in Saigon" Việt hóa những vở nhạc kịch kinh điển thế giới như "Những người khốn khổ", "Mamma Mia","Cabaret"…
"Tiên Nga" là nhạc kịch hoàn toàn thuần Việt từ cốt truyện cho đến âm nhạc, vũ đạo. |
Nhóm HOPE ở Hà Nội thì gây sốt với loạt tác phẩm độc đáo: "Góc phố danh vọng", "Đêm hè sau cuối", "Mộng ước không xa vời"… Tuy nhiên các vở diễn trên vẫn là nhạc kịch nước ngoài được Việt hóa hoặc nhạc kịch Việt nhưng mang màu sắc Tây phương, dùng giai điệu trích từ các vở nhạc kịch kinh điển hoặc ca khúc quốc tế thời thượng.
Phải chờ đến năm 2016, nhạc kịch Broadway thuần Việt mới xuất hiện. Nếu đầu năm có "Tấm Cám musical" của nhóm Buffalo thì cuối năm có "Chuyện tình nàng Giáng Hương" của đạo diễn Thiên Hương. Khai thác câu chuyện cổ tích Việt nên nội dung, hình thức, trang phục, âm nhạc… của cả hai vở đều rất Việt Nam.
Phong cách Broadway phối các sáng tác mới và cũ cùng vũ đạo hiện đại giúp vở trẻ trung, lôi cuốn. Tác phẩm khai thác câu chuyện quen thuộc nhưng cách xây dựng nhân vật đều có sự đột phá. Chẳng hạn Tấm và nhà vua không còn là những nhân vật thụ động mà chủ động đấu tranh cho tình yêu của mình. "Tấm Cám musical" không chỉ thành công với doanh thu gần một tỷ đồng mà còn giành giải Mai Vàng ở hạng mục "Vở diễn được yêu thích nhất" năm 2016.
Được cho là chơi trội khi đầu tư lên đến nửa triệu đô, "Chuyện tình nàng Giáng Hương" khai thác cốt truyện dân gian "Từ Thức gặp Tiên". Vì vậy, từ cảnh trí, trang phục, âm nhạc cho đến các điệu múa đều thuần Việt dù vở được dàn dựng hoành tráng, bắt mắt theo chuẩn sân khấu Broadway.
Các bài hát bất hủ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Văn Cao, Phạm Duy, Ngô Thụy Miên đan xen khéo léo cùng những bài hát mới được viết theo thể loại dân ca cổ truyền, pop, rock, rap, Latin… giúp vở vừa mang màu sắc truyền thống, vừa lãng mạn, sang trọng nhưng không kém phần tươi mới. Đến năm 2017, phiên bản hai của "Chuyện tình nàng Giáng Hương" được khen ngợi nhiều hơn khi tái diễn. Các ca khúc cũ bị lượt bớt và thêm thắt bằng 20 ca khúc mới của nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Anh.
Đạo diễn Thiên Hương cho biết: "Làm nhạc kịch rất khó. Tôi mất nhiều năm để nghĩ xem mình nên làm cái gì. Giữa câu chuyện cổ tích quen thuộc và câu chuyện hiện đại phù hợp với cuộc sống hôm nay, tôi chọn cổ tích. Bởi nó giúp khán giả dần quen với nhạc kịch. Phiên bản đầu, tôi đưa những bài hát Việt quen thuộc đến khán giả rồi thay đổi dần bằng sáng tác mới sôi động, tinh tế hơn. Sự thay đổi này nhằm hướng đến khán giả trẻ".
Thành công với "Tấm Cám musical", mới đây nhóm Buffalo tiếp tục trình làng vở nhạc kịch thuần Việt thứ hai mang tên "Thủy Tinh - Đứa con thứ 101". Dựa trên truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ, Sơn Tinh - Thủy Tinh, nhóm hòa trộn để cho ra đời một tác phẩm mang cái nhìn độc đáo, đầy tính nhân văn.
Chuyện kể rằng khi sinh 100 trứng, Âu Cơ mang 50 con lên núi, Lạc Long Quân mang 50 con xuống biển. Họ không ngờ bọc trứng còn sót lại một quả. Quả trứng thứ 101 chính là Thủy Tinh và được Long Thần Bà Bà - mẹ của Lạc Long Quân - mang về nuôi nấng. Thủy Tinh trở thành một vị thần ấm áp, giàu lòng thương người, hy sinh vì người khác nên được Mỵ Nương đem lòng yêu mến. Thế nhưng vua cha lại cho rằng Thủy Tinh là loài thủy quái nên ông thách lễ vật thiên vị Sơn Tinh…
Vở quy tụ hơn 30 diễn viên, được đầu tư lớn về trang trí, trang phục. 17 bài hát trong vở được viết mới hoàn toàn và sử dụng âm điệu cồng chiêng của núi rừng Tây Nguyên làm chủ đạo. Đang diễn ra tại Nhà hát Quân đội, TP Hồ Chí Minh, vở liên tục cháy vé.
Cũng xây dựng nhạc kịch thuần Việt nhưng NSƯT Thành Lộc lại chọn hướng đi hoàn toàn khác. Mến mộ nhạc kịch Broadway, song Thành Lộc muốn nhạc kịch "Tiên Nga" phải là nhạc kịch 100% Việt Nam. Khai thác truyện thơ "Lục Vân Tiên" của cụ Đồ Chiểu nên ông yêu cầu ngay cả âm nhạc, vũ đạo cũng phải thuần Việt hoàn toàn chứ không chọn các loại hình âm nhạc, vũ đạo hiện đại. Do vậy, vở "Tiên Nga" dựa trên âm hưởng của âm nhạc tài tử và thang âm ngũ cung do nhạc sĩ Đức Trí sáng tác.
Vũ đạo của các diễn viên cũng toát lên phong thái của người Nam Bộ xưa. Tất cả nhằm lột tả cốt cách người Nam Bộ hào sảng, một lòng trung hiếu, không chịu cường quyền áp bức, quyết hy sinh gìn giữ giang sơn.
NSƯT Thành Lộc chia sẻ: "Tôi là nghệ sĩ Việt Nam, làm nhạc kịch Việt Nam cho khán giả Việt Nam xem. Truyện xưa của người Việt thì phải mang phong cách, văn hoá Việt. Thật ra, muốn "Tiên Nga" hát nhạc hiện đại như nhạc Mỹ, nhạc Pháp cũng được nếu ai có gan dám làm và làm hay. Tôi không chọn cách đó. Bảy nốt nhạc vẫn là từ phương Tây, nhưng chìa khoá của tôi là thang âm ngũ cung mang đậm hồn của người Việt.
Nghe kỹ những ca khúc mà các nhân vật thể hiện, ta sẽ thấy nó vẫn hoàn toàn là nhạc mới, nhưng phảng phất đâu đó rất gần gũi với người miền Tây. Những giai điệu mang tính dân tộc nhưng vẫn mới, vẫn hiện đại. Đó chính là thế mạnh của nhạc kịch hiện đại, dù đề tài có cổ xưa đến mấy".
Nhạc kịch phong cách Broadway "Thủy Tinh - Đứa con thứ 101" của nhóm Buffalo thu hút đông đảo khán giả vì góc nhìn mới lạ, nhân văn. |
Từ thành công rực rỡ của bậc lão làng Thành Lộc, đạo diễn Trần Đăng Nhân cho rằng: "Khán giả bắt đầu có xu hướng chuyển thị hiếu thưởng thức nghệ thuật sân khấu. Chắc chắn chúng ta phải lưu tâm để phát triển nhạc kịch Việt vừa hiện đại nhưng đồng thời gắn kết với nhạc dân tộc". Đây là điều mà những gương mặt triển vọng như đạo diễn Nguyễn Khắc Duy, Thiên Hương, Vũ Hoàng Quân… tâm huyết theo đuổi. Mượn phong cách Broadway nhưng họ vẫn ấp ủ một về thể loại nhạc kịch Việt mang màu sắc hoàn toàn Việt Nam mà vẫn hút khán giả.
Đạo diễn Nguyễn Khắc Duy bộc bạch: "Phải đến khi dựng "Tấm Cám musical", tôi vỡ ra một điều là sao mình không theo đuổi nhạc kịch thuần Việt? Hàn Quốc có quá trình 10 năm để khán giả làm quen với nhạc kịch và họ chỉ dựng những vở thuần với dân tộc mình. Tôi tin nếu mình làm tốt thì 10 năm nữa, chúng ta có quyền hy vọng Việt Nam cũng có sân khấu nhạc kịch đúng nghĩa".
Hạn chế mà nhạc kịch Việt đang mắc phải chính là dàn diễn viên và nguồn kịch bản thuần Việt. Để đảm nhận vai diễn, diễn viên phải hội tụ đủ ba yếu tố: diễn xuất, vũ đạo và hát live tốt. Các nhóm kịch đều có các thành viên xuất thân là diễn viên hoặc ca sĩ chuyên nghiệp nhưng không phải ai cũng hội tụ đủ ba yếu tố đó.
Điều đáng tiếc là hiện nay ở nước ta chưa có khóa đào tạo chính quy diễn viên nhạc kịch nên nguồn nhân lực rất khan hiếm. Phải đến năm nay, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP Hồ Chí Minh mới mở đợt tuyển sinh khóa đào tạo diễn viên tài năng, trong đó có chuyên ngành nhạc kịch do sự đòi hỏi cấp bách về nguồn lực. Riêng nguồn kịch bản thuần Việt thì còn khan hiếm gấp bội. Đặc biệt phần âm nhạc vẫn chưa có những ca khúc thực sự xuất sắc, đẩy cảm xúc người xem lên cao trào. Tìm kiếm một địa điểm cố định phù hợp để nhạc kịch sáng đèn thường xuyên cũng là thử thách không nhỏ.
Gây dựng 5 năm, lỗ gần 10 tỉ đồng, khó khăn chồng chất nhưng nhóm Buffalo vẫn miệt mài dựng vở nhạc kịch mới. Bởi bên cạnh những vở không như mong đợi, họ vẫn làm nên cơn sốt với "Tấm Cám musical" và "Thủy Tinh - Đứa con thứ 101". Dù chỉ là những đốm sáng nhỏ trong đêm nhưng đốm sáng ấy cũng đủ tiếp cho họ niềm tin để đi đến cùng với nhạc kịch thuần Việt. "Nhạc kịch Việt đang dần xây dựng được chuẩn mực và phong cách riêng. Tôi tin nó là loại hình ăn khách nếu chúng ta biết cách làm và làm tử tế" - đạo diễn Nguyễn Khắc Duy tự tin.