Nhạc kịch đương đại: Nuôi mầm hy vọng

Thứ Bảy, 03/02/2018, 08:49
“Thay mặt các anh chị em nghệ sỹ trong đoàn, xin chân thành tỏ lòng biết ơn quý vị khán giả đã dành thời gian quý báu để tới đây thưởng thức nghệ thuật thay vì tìm đến những địa điểm giải trí khác. Rất mong quý vị giới thiệu với người thân, bạn bè của mình để vở nhạc kịch này có tuổi thọ lâu hơn nữa”.


Đó là những gì nghệ sỹ Thành Lộc đã nói để chào tạm biệt khán giả trên sân khấu Nhà hát Bến Thành, TP Hồ Chí Minh cách đây ít lâu sau khi vở Tiên Nga nhạc kịch mà anh làm đạo diễn hạ màn. Lời cảm ơn ấy được cất lên trong tiếng vỗ tay rền vang của những khán giả còn cố nán lại để tri ân những nghệ sỹ đã mang lại cho họ một vở diễn mãn nhãn, mãn nhĩ.

Nhưng lời chào của Thành Lộc không khỏi khiến nhiều người chạnh lòng khi nghĩ đến bối cảnh hiện nay. Nhạc kịch hay, hấp dẫn, giá vé chỉ 350 ngàn đồng, chưa bằng phụ thu phòng trà, với dàn diễn viên ngôi sao, với ban nhạc sống giỏi nghề cùng một nhạc trưởng có tên tuổi (Đức Trí), vẫn phải chờ đợi khán giả lưu tâm đến hơn nữa, ngõ hầu mong muốn vở diễn có thể kéo dài tuổi thọ của mình.

Phải thừa nhận, nhạc kịch đương đại (comtemporary musical) hiện đang rất được giới làm nghề quan tâm, mà điển hình là đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh ở Hà Nội với chuỗi dự án Hope (Mộng ước - gồm các vở “Góc phố danh vọng”, “Đêm hè sau cuối” và “Mộng ước không xa vời”) và Thành Lộc với vở “Ngàn năm tình sử” cách đây gần chục năm và vở “Tiên Nga” đang được trình diễn thời gian này.

Một cảnh trong vở Tiên Nga, trong ảnh: NSƯT Thành Lộc trong vai Nguyễn Đình Chiểu, người dẫn chuyện.

Nhưng nếu như nhìn vào chuỗi dự án “Mộng ước” với chỉ vài buổi diễn cho mỗi vở và “Ngàn năm tình sử” cũng chỉ kéo dài vỏn vẹn được vài suất, chúng ta sẽ không thấy hi vọng cho nhạc kịch đương đại Việt Nam. Song, mọi nghi ngại có thể sẽ được hóa giải từ hôm nay nếu ta chứng kiến sức sống mãnh liệt của “Tiên Nga”, với thời gian diễn kéo dài đã hơn 1 tháng (mỗi tuần 4 suất từ thứ 5 tới chủ nhật) và có khả năng sẽ còn kéo dài thêm nữa.

Lẽ ra, dự án “Tiên Nga” của Thành Lộc đã kết thúc sau 1 tháng ra mắt nhưng nhu cầu của khán giả đã giữ chân Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga ở lại với sân khấu Nhà hát Bến Thành thêm nữa, khi bắt đầu có những trường học đặt riêng suất diễn cho học sinh của mình và cũng có vài tập đoàn muốn đặt hàng để diễn phục vụ nhân viên cũng như khách hàng. Từ một dự án bị ngờ vực khi chưa ra mắt, “Tiên Nga” đã cháy vé, bắt đầu có lãi, dù rất khiêm tốn, và nó trở thành động lực cho những nghệ sỹ sáng tạo theo đuổi con đường nghệ thuật nghiêm túc.

Thực tế, cái lãi mà “Tiên Nga” bắt đầu nhận được không thấm vào đâu bởi có những phần nghệ sỹ tham gia, nhà đầu tư tham gia không tính vào chi phí, coi như để thỏa mãn khát vọng và đam mê của mình. Cũng chính vì bỏ qua những phần “công không tính vào của” ấy, “Tiên Nga” định giá vé rất thấp, ngõ hầu mong mỏi khán giả bình dân cũng có thể tới thưởng thức.

Và lựa chọn ấy đã cho kết quả, khi có nhiều khán giả không chỉ đến với “Tiên Nga” một lần cho biết, mà họ quay lại vở diễn ấy vài lần để thỏa mãn nhu cầu thưởng thức thực sự, một nhu cầu mà lâu rồi người Việt bỏ quên với các sân khấu kịch, cải lương, tuồng, chèo hay nghệ thuật đương đại.

Sau khi xem “Tiên Nga”, không ít người đã cảm thấy tiếc nuối khi nó không được trình diễn ở một không gian đẹp hơn, trang trọng hơn nữa. Nhiều người cũng tiếc rằng tại sao Nhà hát Bến Thành lại lấp đi cái “hố nhạc” (chỗ ngồi của nhạc công) để đến nỗi ban nhạc, dàn hợp xướng và nhạc trưởng phải ngồi ở ngay hàng ghế đầu của khán phòng.

Cái tiếc ấy của họ là có lý. Nhiều nhà hát rất đẹp của Việt Nam vốn được thiết kế có “hố nhạc” đàng hoàng nhưng sau một thời gian dài thỏa hiệp với thị trường trình diễn ca nhạc, ca kịch không cần ban nhạc sống, cái chỗ ngồi ấy của nhạc công đã bị khai tử. Để đến lúc này, khi cần một chỗ ngồi thực sự cho họ thì đã không còn nữa.

Điều đó cho thấy, đã từ lâu rồi nhạc kịch đương đại không còn đất sống và việc đầu tư cho một dự án nhạc kịch đương đại là liều lĩnh và khó khăn như thế nào. Nhưng trong sự liều lĩnh và khó khăn ấy, cơ hội cũng đã mở ra, khi chọn cách làm đúng.

Thành Lộc và êkip của mình muốn vươn tới cái đích mà nhạc kịch đương đại thế giới đang làm được là duy trì các suất diễn kéo dài quanh năm. Nhưng để vươn tới ước mơ đó không dễ chút nào khi họ phải đương đầu với những câu chuyện về doanh thu, về thù lao nghệ sỹ, về việc xây dựng đội ngũ nghệ sỹ dự bị để dự phòng những người có vai chính bận đi đóng phim, đi show ở tỉnh v.v…

Nhưng vượt trên tất cả vẫn là khán giả. Nhạc kịch đương đại cũng như bất kỳ loại hình nghệ thuật nào đều cần khán giả để nuôi dưỡng mình. Khán giả phải coi nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của mình là ưu tiên hàng đầu chứ không phải chỉ đi một lần cho biết.

Hơn nữa, khán giả cũng phải tự hào rằng nhạc kịch đương đại là một đặc sản của thành phố họ cư ngụ, giống những gì đang diễn ra ở Paris, New York, Boston… Có như thế, nhạc kịch đương đại mới có đất sống và những nghệ sỹ sáng tạo mới có động lực và quyết tâm để làm dày kịch mục của mình, có trên tay vài đầu kịch để trình diễn xoay tua từ năm này qua năm khác.

Có thể nói, “Tiên Nga” là tiếng gọi kích thích của đầu năm 2018 và tất cả đều mong câu trả lời của những người đam mê nhạc kịch đương đại khác, như Nguyễn Phi Phi Anh, với khát vọng muốn được trình diễn kéo dài bộ 3 tác phẩm của mình, hay như Quốc Bảo, với mong muốn biến thanh xướng kịch Lụa của mình thành nhạc kịch đương đại thực thụ, trên sân khấu lớn chứ không phải chỉ là vài buổi diễn nho nhỏ ở một phòng trà.

Hà Quang Minh
.
.