Ngôn ngữ trên các phương tiện truyền thông đại chúng

Chủ Nhật, 04/12/2016, 08:02
Lĩnh vực thông tin đại chúng là một lĩnh vực mà tiếng Việt được sử dụng với nhiều dung lượng, mức độ cũng như sắc thái khác nhau. Và điều quan trọng hơn, nó tác động mạnh mẽ, liên tục, sâu sắc tới đông đảo công chúng. Nói ngôn ngữ báo chí, truyền thông là nói tới những sản phẩm ngôn ngữ được thể hiện qua các kênh như báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử...


Sự thay đổi mạnh mẽ

Lâu nay chúng ta vẫn thường tự hào vì vốn tiếng Việt giàu và đẹp. Cùng với sự phát triển của đời sống văn hóa - xã hội và các lĩnh vực khác, tiếng Việt ngày càng khẳng định giá trị, bản sắc, tinh hoa và khả năng phát triển ngày càng phong phú của nó. Trong suốt quá trình phát triển của lịch sử, ngay cả khi dân tộc đứng trước giai đoạn cam go liên quan tới vận mệnh dân tộc nhưng chưa khi nào trách nhiệm "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt" bị lơ là.

Lĩnh vực thông tin đại chúng là một lĩnh vực mà tiếng Việt được sử dụng với nhiều dung lượng, mức độ cũng như sắc thái khác nhau. Và điều quan trọng hơn, nó tác động mạnh mẽ, liên tục, sâu sắc tới đông đảo công chúng. Nói ngôn ngữ báo chí, truyền thông là nói tới những sản phẩm ngôn ngữ được thể hiện qua các kênh như báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử...

Bên cạnh những yêu cầu chung thì ngôn ngữ truyền thông cũng chứa đựng trong đó những đặc trưng riêng như chính xác, nhanh nhạy và hấp dẫn. Ngôn ngữ báo chí vì vậy luôn vận động, phát triển sinh động, tươi mới nhưng không xa lạ với con người. Thậm chí nếu không muốn nói, vì sự ảnh hưởng sâu rộng của nó, một yêu cầu đặt ra với ngôn ngữ truyền thông đại chúng phải thông dụng, chuẩn mực và mang tính văn hóa.

Sự phát triển của đời sống, công nghệ thông tin đã kéo theo sự phát triển như vũ bão của các phương tiện truyền thông đại chúng. Có thể thấy mặt trận truyền thông ngày càng đa dạng về chủng loại: báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử, trang thông tin điện tử...

Hội thảo thu hút được nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các nhà báo.

Thông tin vì thế cũng đến với người đọc, người nghe và người xem nhanh hơn, đa chiều và sâu hơn. Qua báo chí và qua sự phát triển của các loại hình, các cơ quan báo chí chúng ta có thể thấy sự thay đổi, mạnh mẽ, sinh động của ngôn ngữ tiếng Việt.

Các cơ quan báo chí luôn chú ý đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung thông tin, đặt tiêu đề độc đáo, sử dụng ngôn ngữ ngắn gọn, dễ đọc, dễ hiểu...Tuy nhiên, cùng với sự phát triển như vũ bão của các phương tiện truyền thông ấy cũng đặt ra một yêu cầu cấp bách về việc sử dụng ngôn ngữ của những nhà báo.

Thời gian gần đây, có khá nhiều vấn đề nổi cộm liên quan đến ngôn ngữ báo chí đang được dư luận quan tâm, lo lắng. Có thể tóm lược ở những vấn đề như việc dùng từ, câu văn tùy tiện, cẩu thả, cách đặt tiêu đề, rút tít vì ham "hấp dẫn" mà thiếu cân nhắc, sai thực tế, thậm chí sa vào tình trạng giật gân câu khách. Một số bài viết của phóng viên trẻ sử dụng tiếng nước ngoài vô tội vạ, thiếu nhất quán (khi nào thì dịch nghĩa, phiên âm hay để nguyên dạng).

Tâm lý sính chữ, chuộng ngoại vẫn còn khá phổ biến, ngôn ngữ và cách trình bày của không ít phát thanh viên trên Đài phát thanh, truyền hình chưa có sự trau dồi, chưa hướng tới sự chuẩn mực cần thiết... Điều đáng lo ngại là những sai sót, lệch chuẩn về ngôn ngữ, về sử dụng tiếng Việt trên báo chí, truyền thông sẽ tác động tiêu cực, nhanh chóng và rộng khắp đến đông đảo giới trẻ, trở thành những hiệu ứng lan truyền.

Đầu tháng 11 vừa qua, cuộc Hội thảo khoa học quốc gia: "Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng" do Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và các cơ quan nghiên cứu, cơ quan báo chí tổ chức đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cơ quan thông tấn, báo chí, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.

Sau 3 tháng phát động, đã có tới 300 báo cáo khoa học, gần 100 bài viết, ý kiến của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà giáo, nhà văn, nhà báo và công chúng báo chí trên cả nước. Điều đó đã minh chứng cho thấy ngôn ngữ báo chí nói riêng và ngôn ngữ trên các phương tiện truyền thông đại chúng đang thu hút được sự quan tâm đông đảo của dư luận.

Các nhà báo, các nhà nghiên cứu khoa học bằng những nghiêm cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng và thực tế sinh động của mình đã cho thấy ngôn ngữ báo chí đang đứng trước một sự thay đổi mạnh mẽ, chứa đựng cả những yếu tố tích cực và nguy cơ đáng lo ngại

Như bất kỳ sự vật, hiện tượng nào, tiếng Việt đổi mới, phát triển là tất yếu nhưng làm sao đảm bảo sự phát triển này diễn ra một cách vững chắc trên cơ sở vốn cũ, làm cho tiếng Việt ngày càng giàu có nhưng vẫn giữ được phong cách, tinh hoa và bản sắc của nó là điều cần thiết.

Truyền thông và báo chí là một lĩnh vực tác động mạnh mẽ tới xã hội và việc sử dụng ngôn ngữ. Báo chí vừa là nơi thực hành ngôn ngữ, vừa giữ vai trò tiên phong trong định hướng sử dụng ngôn ngữ, báo chí với văn học và  giáo dục góp phần làm giàu có, phong phú, nâng cao ngôn ngữ quốc gia. Đồng thời các cơ quan báo chí, các nhà báo phải tích cực, chủ động, đấu tranh phê phán những hành vi sử dụng tiếng Việt không đúng, lệch lạc, yếu kém, làm hỏng tiếng Việt.

Nhạc sĩ Dân Huyền: Đừng quen đi đường mòn mà quên mất đường chính

- Thưa nhạc sĩ Dân Huyền, không chỉ là nhạc sĩ, ông còn là một nhà báo gắn bó cả sự nghiệp với Đài Tiếng nói Việt Nam. Vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt không phải bây giờ mới được đặt ra, đúng không ạ?

+ Mỗi khi nói chuyện về âm nhạc, về dân ca với sinh viên và học sinh các trường ở Hà Nội và một số tỉnh, tôi thường nhận được những câu hỏi về ngôn ngữ trên các phương tiện truyền thông mà họ phản ánh lại. Thực sự những lúc ấy tôi rất muốn có một nhà ngôn ngữ ở bên cạnh trả lời giúp tôi.

Trong những năm chống Mỹ cứu nước, ông Phạm Tuân, Trưởng ban Văn nghệ và tôi có mặt trong các buổi họp giao ban buổi sáng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Có điều gì cần lưu ý, cần sửa chữa, trong đó có ngôn ngữ, mà Ban biên tập nhắc nhở, chúng tôi đều lấy phấn trắng viết lên bảng đen ở phòng làm việc để mọi người xem, kể cả cộng tác viên nếu đến cũng xem được hàng ngày.

Về việc đưa tin, các nhà báo như Xuân Thủy, Hoàng Tùng có lần nhắc chúng tôi: Khi chưa nắm rõ con số chính xác thì nên cẩn thận mà lưu ý khi viết. Ví dụ: Số người chết trong vụ tai nạn là trên 90 người, đừng nói là gần 100 người. Hoặc năng suất tăng hơn 190%, đừng nói tăng gần 200%… để cho khách quan hơn và không bắt bẻ được mình khi đưa tin.

Vài năm gần đây chúng ta đang lẫn lộn giữa ngôn ngữ báo nói (phát thanh) và báo giấy. Ví dụ: "Cháy vé", "Chặt chém khách", "Trên bảo dưới không nghe"... Những từ này đăng ở báo giấy, báo điện tử đều được để trong ngoặc kép, khi đọc ta dễ nhận biết. Nhưng biên tập viên hoặc phóng viên cứ bê nguyên xi những chữ trong ngoặc kép ấy đọc trên truyền hình và phát thanh thì không thể được. Vì người nghe hiểu theo nghĩa đen của nó. Nó làm "méo mó" sự trong sáng của tiếng Việt, bởi không phân biệt được giữa viết và nói.

- Một trong những nguyên nhân khiến người ta nói sai, viết sai mãi mà không nhận ra là do thói quen, đúng không nhạc sĩ?

+ Tôi rất tâm đắc với quan điểm cho rằng: Chuyện ngôn ngữ như con đường nhiều người đi quá, hoá ra đường mòn mà quên mất con đường chính to rộng. Thói quen nói theo nhau nên không phân biệt được chữ sai, lặp. Ví dụ, anh A nói "tối ưu nhất", chị B cũng bắt chước nói theo mà không biết thừa chữ "nhất". Ông C nói "Chúc bà lên đường thượng lộ bình an", bà D cũng bắt chước nói theo mà không biết rằng chỉ cần nói "Chúc bà lên đường bình an", hoặc "Chúc bà  thượng lộ bình an" là đủ…

Hiện nay, tại Đài phát thanh - Truyền hình đang có tình trạng "chêm" nhiều tiếng nước ngoài không cần thiết. Người ở Hà Nội khi nghe còn lớ ngớ thì bạn nghe đài ở vùng xa vùng sâu làm sao mà hiểu được. Ta cũng nên thống nhất một số tên gọi để khỏi "lủng củng" trên sóng phát thanh và truyền hình: như "Việt ten" hay "Việt theo" (Viettel), máy bay hay tàu bay, Valentin hay Valenthai...

Gần đây, Đài Truyền hình Việt Nam có nhắc nhở về việc cần chấn chỉnh bảng hiệu tiếng nước ngoài dày đặc tại thành phố Nha Trang. Người bình luận nói một câu mà tôi nghe rất đau xót: Người Việt sống trên đất Việt mà không có tiếng Việt để đọc.

Tôi xem chương trình "Giọng hát Việt nhí" thấy các giám khảo trong chương trình này đều là thầy, lại nói với các em là "tụi con". Ví dụ như "Tụi con cần cố gắng hơn", "Tụi con hát cho đúng nhịp" v.v…Sao không dùng chữ "các con" thay cho từ "tụi con", mới đúng nghĩa và đúng vị trí của người thầy nói với trò. Về trò, khi phát biểu lại nói "chào mọi người" thì cũng không ổn về lễ phép của người Việt. Đó là cách nói tắt, nói kiểu "cá mè một lứa".

Hơn 20 năm nay báo và sách tin học mà thường ngày tôi đọc, phần lớn là cho lớp trẻ. Vậy mà họ vẫn biết viết kèm giải thích cho người đọc, kể cả những chữ thông dụng như:Yes (có), No (không)… để nhiều người biết. Bác Hồ của chúng ta biết nhiều ngoại ngữ, nói và viết thông thạo 3 ngoại ngữ, nhưng khi nói và viết Bác đều dùng tiếng Việt.

- Một điều đáng lo ngại là dường như hiện nay, một số nhà báo trẻ ít chú tâm tới trau dồi ngôn ngữ như các thế hệ cha anh trước đây?

+ Chúng ta thừa nhận và khâm phục các bạn trẻ hiện nay rất thông minh, rất giỏi về nhiều mặt, nhất là áp dụng công nghệ mới. Nhưng về ngôn ngữ nhiều bạn còn coi nhẹ, hoặc cố tình không cần biết. Những người đi trước cũng không nhắc nhở họ.

Mới đây nhà báo Nguyễn Văn Thế kể chuyện trong một chương trình truyền hình, một phóng viên nói rằng "Một cặp trâu đã đẻ ra được một con Bê". Đây là hậu quả của việc không tìm hiểu, không chịu học, không chịu hỏi ở một số bạn trẻ. Trong khi các phương tiện truyền thông phải là nơi viết và nói "chuẩn" tiếng Việt để mọi người noi theo, trong đó có con cháu chúng ta.

Tôi cho rằng, đã đến lúc cần có một thể chế trong việc sử dụng ngôn ngữ. Quốc hội nên nhanh chóng có luật về ngôn ngữ Việt Nam. Không chỉ là tiếng nói chữ viết được thống nhất, mà còn cả trong việc đặt tên, quảng cáo… Điều này cần được phổ biến trong cả nước. Đã ­­đến lúc các Đài Phát thanh - Truyền hình cần có một bộ phận chuyên về ngôn ngữ để góp phần chuẩn hóa ngôn ngữ ở loại hình báo chí này.

Tôi nghĩ, lâu nay ta có cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", vậy đã đến lúc cũng cần có cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên nói tiếng Việt Nam" để góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

- Xin cảm ơn nhạc sĩ!

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Vân (Viện Nghiên cứu văn hóa - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam): Ngôn ngữ lai căng tràn lan, có đáng lo?

Ngôn ngữ tuổi teen xuất hiện ngày càng phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là mạng Internet và điện thoại di động trong xã hội Việt Nam hiện nay cho thấy ngôn ngữ Việt đang có nhiều biến động mạnh mẽ.

Ngôn ngữ tuổi teen thể hiện một phần phong cách của nền văn hóa tuổi trẻ. Đứng trước chuyển dịch, biến đổi mạnh mẽ của kinh tế - văn hóa - xã hội, giới trẻ Việt Nam là bộ phận có nhiều biến đổi về nhu cầu và lối sống nhất: từ nhu cầu dân chủ và tự do, khẳng định cá tính, nhân cách đến nhu cầu thông tin, giao tiếp, hưởng thụ văn hóa với xu hướng hướng ngoại, bị lôi cuốn bởi mốt, thị hiếu, giá trị mới. Việc sử dụng ngôn ngữ tuổi teen trong giao tiếp cũng là một cách để giới trẻ bộc lộ bản thân và cá tính riêng biệt.

Ngôn ngữ tuổi teen trên các phương tiện truyền thông có ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt hay không là tùy thuộc ý thức sử dụng của mỗi người. Ngôn ngữ không bao giờ là tĩnh, mà luôn biến đổi qua từng thời kỳ, từng giai đoạn. Ngôn ngữ liên tục xuất hiện và liên tục đào thải. Ngôn ngữ tuổi teen có tồn tại lâu dài và có ảnh hưởng đến ngôn ngữ trong đời sống như thế nào còn là những câu hỏi mở. Tuy nhiên, thực tế tồn tại của loại hình ngôn ngữ này đã và đang tạo nên nhiều điều thú vị trong ngôn ngữ.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh (Phó trưởng khoa Quan hệ Quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) : Ngôn ngữ báo chí trong sáng là phải đại chúng nhất có thể

- Thưa PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh, ngôn ngữ trên các phương tiện truyền thông đại chúng hiện nay đang có những thay đổi mạnh mẽ và nhiều người lo ngại rằng nó sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sự trong sáng của tiếng Việt. Là người luôn theo sát đời sống báo chí để phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu, ông có thường xuyên bắt gặp lỗi mà những người làm báo hiện nay hay mắc phải khi sử dụng ngôn ngữ?

+ Ngôn ngữ là vỏ của tư duy và quá trình báo chí sử dụng ngôn ngữ chữ viết, ngôn ngữ nói, ngôn ngữ hình ảnh... làm sao để đại đa số công chúng đọc, nghe, xem... và hiểu được thông điệp chính là yêu cầu của các loại hình báo chí. Các loại hình báo chí đều tiếp cận công chúng, tuy nhiên công chúng có nhiều trình độ khác nhau. Chính vì thế báo chí phải sử dụng ngôn ngữ đại chúng nhất có thể.

Một số lỗi mà các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là truyền hình hay mắc phải như sử dụng từ Hán - Việt thiếu chọn lọc, lạm dụng tiếng nước ngoài, phiên âm tiếng nước ngoài không chuẩn, dùng ngôn từ phi đại chúng, giọng nói, giọng đọc không chuẩn, phương ngữ theo vùng miền dẫn đến sai ngữ nghĩa, nói lắp, nói ngọng, nói nhịu, viết sai chính tả...

Người ta hay bị mắc lỗi khi sử dụng ngôn ngữ là vì khi viết, nói... không nghĩ đến công chúng. Mỗi loại hình có đối tượng công chúng và cách tiếp cận thông tin riêng. Mỗi đối tượng lại có cách tiếp nhận khác nhau...Trong giao tiếp với các loại đối tượng công chúng, khi chuyển tải thông tin viết, nói... luôn phải nghĩ tới đối tượng tiếp nhận cụ thể của mình là ai? Sử dụng loại ngôn từ nào cho người tiếp nhận hiểu một cách đầy đủ nhất.

Hiện nay ở Việt Nam mới có chuẩn chính tả cho ngôn ngữ viết mà chưa có chuẩn cho ngôn ngữ nói. Nếu nhà báo làm phát thanh - truyền hình ở một địa phương nào đó thì hoàn toàn có thể nói giọng địa phương vì họ đang chuyển tải thông tin đến cho công chúng vùng đó nghe và hiểu những gì họ nói. Nhưng nếu chương trình phát sóng trên sóng quốc gia phục vụ cho công chúng cả nước thì nên sử dụng loại giọng nói nào cho nhiều người nghe dễ hiểu nhất có thể.

Đặc thù của Việt Nam là ngôn ngữ nói của vùng miền rất đa dạng. Ngôn ngữ nói thường ảnh hưởng tới ngôn ngữ viết. Tôi cho rằng, mỗi vùng miền đều có cách nói ngọng riêng khi phát âm. Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt thì cơ quan báo chí phải viết chuẩn chính tả, viết đúng ngữ, nghĩa của ngôn từ. Nhất là khi sử dụng những từ Hán Việt hay du nhập từ nước ngoài.

- Tại những cuộc hội thảo về ngôn ngữ báo chí gần đây, nhiều ý kiến cho rằng, do yêu cầu cấp thiết về mặt thời gian của thông tin nên dường như một số nhà báo trẻ hiện nay không thật sự chú trọng tới việc sử dùng ngôn ngữ cho đúng, hay?

+ Báo chí luôn yêu cầu nhanh nhưng phải đi đôi với chính xác. Ngay cả việc cho rằng, các nhà báo có lỗi, gây ảnh hưởng tới sự trong sáng của tiếng Việt cũng phải được đánh giá khách quan. Phải quan niệm thế nào là lỗi.

Muốn biết có lỗi hay không thì phải xác định được chuẩn mực. Có những thứ đúng là "lỗi" nhưng lại được chấp nhận. Ví dụ ở những tờ báo dành cho lứa tuổi mới lớn. Có những ngôn ngữ mà lớn tuổi một chút sẽ không hiểu được nhưng giới trẻ được sử dụng rất nhiều. Rõ ràng, có thể nó chưa chuẩn với ngôn ngữ chung của tiếng Việt, nhưng nó lại được giới trẻ chấp nhận và hiểu. Và phải sử dụng ngôn ngữ ấy thì độc giả mới mua báo.

- Có ý kiến cho rằng, dường như hiện nay, trong công tác đào tạo báo chí cũng nghiêng nhiều vào việc dạy người làm báo lấy tin cho nhanh thay vì rèn cho các em sự trau dồi vốn ngôn ngữ... Là người làm công tác giảng dạy nhiều năm nay, quan điểm của ông như thế nào?.

+ Những kiến thức mà người ta học trong trường Đại học về báo chí là hệ thống của những vòng tròn đồng tâm. Ở cấp học nào chúng ta cũng được học về ngôn ngữ nhưng ở mỗi cấp học thì vòng tròn đó được mở rộng ra. Kỹ năng sử dụng ngôn ngữ được rèn qua nhiều môn học, cho tới khi sinh viên học sáng tạo tác phẩm báo chí. Họ phải sử dụng tư duy sáng tạo và sử dụng ngôn ngữ phù hợp để chuyển tải thông tin họ muốn đến công chúng. Giảng viên sẽ giúp họ rèn luyện kỹ năng này.

Vậy thì vấn đề ở đây là khả năng sáng tạo, khả năng học tập và tiếp thu của từng cá nhân cần được kết hợp chứ không phải chỉ có chương trình đào tạo hay công tác giảng dạy của giảng viên.

Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí khi tuyển người thì cũng cần có tiêu chí, phải tuyển chọn những người đủ tiêu chuẩn, sử dụng ngôn ngữ giỏi mới đáp ứng được yêu cầu công việc. Trí tuệ của nhà báo bộc lộ trong từng câu chữ, lời nói. Bản thân tôi nhận thấy có nhiều em sinh viên rất chịu đọc, chịu học và chọn lọc câu chữ, ngôn từ để diễn đạt tác phẩm.

Ngôn ngữ tiếng Việt của chúng ta luôn không ngừng được bồi đắp, sáng tạo và cũng đào thải. Có những từ cũ "chết" vì không được sử dụng nữa, ngược lại ngày càng có nhiều từ mới được bổ sung. Tiếng Việt là ngôn ngữ luôn sống và phát triển cùng với đời sống với xã hội. Cái nào được xã hội chấp nhận sẽ tồn tại.

Làm báo là nghề của ngôn từ, câu chữ nên chúng tôi thường xuyên đưa vào bài giảng những kiến thức về sử dụng ngôn ngữ trên các phương tiện truyền thông đại chúng một cách phù hợp nhất. Cái trong sáng nhất của việc sử dụng tiếng Việt là phải làm cho công chúng dễ hiểu nhất có thể.

- Xin cảm ơn ông!

Thảo Duyên - Tuấn Phong (Thực hiện)
.
.