Nghệ thuật múa nỗ lực tiếp cận khán giả trên không gian số

Thứ Bảy, 28/03/2020, 08:15
Gần đây, thông tin đạo diễn, biên đạo múa Lê Việt, Đoàn trưởng vũ đoàn Phương Việt ra mắt kênh Youtube "Múa cùng Lê Việt" nhận được sự quan tâm của nhiều khán giả, nhất là vào thời điểm các chương trình giải trí lắng xuống vì dịch COVID-19. Không chỉ Lê Việt, nhiều nghệ sĩ múa trẻ cũng đã thành lập kênh Youtube riêng với mục đích tiếp cận nhiều hơn với khán giả.


Hướng đến khán giả trẻ

Điều đặc biệt của kênh Youtube "Múa cùng Lê Việt" là tại đây, nghệ sĩ múa tài năng này sẽ hướng dẫn các bài tập, kỹ thuật các thể loại múa dân gian dân tộc cũng như trang phục đặc trưng của từng dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Ở tập đầu tiên lên sóng thời gian gần đây, Lê Việt và các cộng sự giới thiệu đến khán giả những động tác nhập môn cơ bản trong múa dân gian dân tộc Kinh như hướng, tư thế tay, chân… Cách phân tích rõ ràng, cụ thể cùng sự minh họa chi tiết giúp khán giả dễ theo dõi và thực hành theo.

Là người sáng lập vũ đoàn Phương Việt (nay là Đoàn nghệ thuật múa dân tộc hiện đại Ngọc Trai Việt), Lê Việt có kiến thức, kinh nghiệm trong huấn luyện, đào tạo cũng như dàn dựng các tác phẩm múa dân gian dân tộc. Chia sẻ với báo giới, nghệ sĩ Lê Việt cho biết, ý tưởng ra đời của kênh Youtube "Múa cùng Lê Việt" xuất phát từ thực tiễn làm nghề cho thấy, nhiều biên đạo trẻ khi dàn dựng tác phẩm múa dân gian dân tộc thường có sự nhầm lẫn giữa dân tộc này với dân tộc khác, đem động tác múa của dân tộc này gắn vào âm nhạc của dân tộc khác hay lấy âm nhạc của dân tộc khác đưa vào tác phẩm với trang phục của dân tộc khác nữa… Điều này vô tình phản ánh sai những giá trị đặc sắc, tính đặc trưng riêng biệt của từng dân tộc và cả sự đúng đắn mang tính thực tiễn của tác phẩm múa.

Đạo diễn, biên đạo múa Lê Việt (giữa) và các cộng sự đang nỗ lực quảng bá múa dân gian các dân tộc Việt Nam.

Một số bạn trẻ cho hay, thực tâm rất muốn dựng đúng, múa đúng nhưng lại không có tư liệu nào để học tập, tham khảo. Đạo diễn, biên đạo múa Lê Việt kỳ vọng, kênh Youtube "Múa cùng Lê Việt" sẽ là một kho tài liệu cần thiết và hữu ích dành cho bạn trẻ say mê nghệ thuật múa, biên đạo trẻ theo đuổi nghề múa. Thông qua những video múa được đưa định kỳ, đều đặn lên Youtube, sẽ giúp các bạn trẻ hiểu đúng, múa đúng nghệ thuật múa dân gian dân tộc, qua đó cùng chung tay góp sức quảng bá nét đẹp đặc sắc, độc đáo của văn hóa nghệ thuật truyền thống các dân tộc Việt Nam trong đời sống xã hội.

Ý tưởng và mục đích tốt đẹp mà "Múa cùng Lê Việt" hướng tới nhận được sự cổ vũ của nhiều nghệ sĩ múa bởi câu chuyện tiếp cận khán giả và gìn giữ vốn múa dân gian dân tộc là hai trong số rất nhiều vấn đề đang đặt ra của ngành múa. Nhiều người làm nghề kỳ vọng rằng, kênh Youtube "Múa cùng Lê Việt" sẽ mang đến những kiến thức bổ ích, thiết thực, là nơi gặp gỡ, trao đổi về múa dân tộc cũng như truyền bá vốn múa này đến thế hệ trẻ.

Trước Lê Việt, một số nghệ sĩ trẻ đã khá nhanh nhạy trong việc thành lập kênh Youtube riêng để quảng bá nghệ thuật múa cũng như khẳng định "thương hiệu cá nhân". Là cái tên gây chú ý tại mùa thi "Thử thách cùng bước nhảy - So you think you can dance" những mùa đầu tiên, Quang Đăng đã thành lập kênh Youtube riêng của mình.

Tại đây, anh thường xuyên đăng tải những tác phẩm múa mới cũng như dạy múa phong cách hiện đại. Gần đây nhất, Quang Đăng "nổi đình nổi đám" với video múa vũ điệu rửa tay chống dịch Covid-19. Không chỉ là một biên đạo, diễn viên múa, Quang Đăng còn "lấn sân" sang một vài lĩnh vực nghệ thuật khác nên có sức hút với công chúng. Youtube của Quang Đăng là một trong những kênh "hot" nhất của nghệ sĩ múa. Mỗi video clip được đăng tải nhận được nhiều phản hồi tích cực của khán giả.

Bên cạnh Quang Đăng, một số nghệ sĩ múa trẻ khác cũng đã có kênh Youtube riêng của mình như Khánh Thi - Phan Hiển, Lâm Vinh Hải, Huỳnh Mến… Ngoài việc là nơi thông tin, giúp nghệ sĩ kết nối với người hâm mộ, quảng bá sản phẩm nghệ thuật mới, thì xét ở góc độ nào đó, kênh Youtube của nghệ sĩ múa đã giúp quảng bá nghệ thuật múa, đưa nghệ thuật múa đến gần hơn với công chúng.

Vẫn nóng câu chuyện quảng bá nghệ thuật múa

Trong thời kỳ công nghệ số, việc nghệ sĩ sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để tiếp cận với công chúng là xu thế tất yếu, trong đó có nghệ sĩ múa. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, đưa nghệ thuật múa đến gần hơn với công chúng vẫn là bài toán chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Trong các loại hình nghệ thuật, múa vốn được coi là "kén" khán giả vì đặc trưng mang tính hình tượng, trừu tượng cao. Khán giả khó có thể yêu múa nếu không có một "phông" kiến thức về múa đủ để hiểu những gì đang diễn ra trên sân khấu.

Dự án tâm huyết của Lê Việt và các cộng sự cũng sẽ khó tiếp cận phần đông khán giả vì múa dân gian dân tộc là "hướng đi hẹp", không phải là những gì mang tính thời thượng, xu hướng mà các bạn trẻ tìm kiếm. Có thể, "Múa cùng Lê Việt" sẽ là nguồn tư liệu quý giá cho người làm nghề, bạn trẻ yêu thích hoặc có định hướng theo đuổi nghệ thuật múa nhưng đó sẽ không phải số đông.

So với những MV ca nhạc, video clip hài, nhạc chế… thì những đoạn video clip về múa kém xa về độ "hot". Chính điều này khiến nghệ sĩ múa cảm thấy nản chí. Một số kênh Youtube của nghệ sĩ múa trẻ lúc mới xuất hiện rất rầm rộ, "trình làng" video clip liên tục nhưng sau thưa dần, thậm chí chỉ còn lác đác đăng tải những video vui nhộn về cuộc sống của nghệ sĩ. Đây thực sự là điều đáng tiếc.

Làm thế nào để quảng bá nghệ thuật múa? Làm thế nào để nghệ thuật múa đến gần hơn với công chúng… vẫn là trăn trở của nhiều nghệ sĩ múa. Vài năm trước đây, sự vào cuộc mạnh mẽ của truyền hình với những chương trình thực tế về nhảy múa như "Thử thách cùng bước nhảy", "Vũ điệu đam mê", "Vũ điệu xanh", "Bước nhảy hoàn vũ", "Bước nhảy ngàn cân"… đã đem đến những tín hiệu lạc quan về công tác quảng bá nghệ thuật múa.

Vào thời điểm đó, những chương trình về nhảy múa mang đến một món ăn tinh thần mới lạ cho khán giả truyền hình cả nước. "Thử thách cùng bước nhảy" đã có thời điểm trở thành một trong những gameshow ăn khách nhất. Không ít tiết mục biểu diễn được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên mạng internet. Cuộc thi trở thành "bệ đỡ" thành công cho nhiều gương mặt nghệ sĩ trẻ tài năng, đam mê nhảy múa.

Thu Phương và Đình Lộc trong chương trình "Thử thách cùng bước nhảy" năm 2017.

Khán giả chia sẻ rằng, lần đầu tiên, thông qua các chương trình truyền hình về nhảy múa, họ cảm nhận được sự vất vả, khổ luyện phải đánh đổi bằng mồ hôi và nước mắt của người nghệ sĩ để có được vài phút thăng hoa ngắn ngủi trên sân khấu. Đằng sau mỗi tác phẩm múa là những ý tưởng, câu chuyện mà người xem có thể cảm nhận được thông qua chuyển động, tạo hình múa.

Tất nhiên, đó là câu chuyện của vài năm về trước. Không hiểu vì lý do gì, những chương trình truyền hình thực tế về nhảy múa đã không còn xuất hiện khi "làn sóng" truyền hình thực tế qua thời kỳ đình cao. Có lẽ, sau vài mùa lên sóng, các chương trình truyền hình thực tế về nhảy múa không còn là món ăn "lạ" nên không còn hấp dẫn. Nhà tài trợ cũng không mặn mà vì đó sẽ là sự đầu tư mạo hiểm, không mang lại lợi nhuận như mong muốn.

Nhiều người nói vui rằng, sau một thời gian rộn ràng, công tác quảng bá nghệ thuật múa đã trở lại vạch xuất phát ban đầu. Sự quảng bá để khán giả "thẩm thấu" cần đến chiến lược dài hơi, một vài chương trình truyền hình, dẫu có rầm rộ tại thời điểm nào đó cũng vẫn chỉ như "muối bỏ biển". Tôi cho rằng, nghệ thuật múa, nhất là múa dân gian dân tộc là một thành tố tạo nên văn hóa, cốt cách của dân tộc. Giữ gìn, phát huy múa dân gian dân tộc là yêu cầu tất yếu trong sự phát triển hiện đại và để làm được điều đó, cần sự chung tay của cả cộng đồng. Tại thời điểm này, rất cần chiến lược quảng bá nghệ thuật múa, không cần rầm rộ nhưng cần có chiều sâu và lộ trình cụ thể.

Tường Phạm
.
.