Độc đáo nghệ thuật múa rối bóng

Thứ Hai, 08/04/2019, 08:09
Nếu ai đó trong số đông chúng ta có sự băn khoăn về bộ môn múa rối bóng, thì xin hãy vui lòng nhìn vào cái bóng của chính bản thân trên bức tường trước mặt. Vâng, đó chính là nguồn gốc cổ xưa nhất của bộ môn rối bóng nói riêng và nghệ thuật múa rối nói chung. 


Nếu như từ nhiều đời nay, người dân nước Việt mình luôn tự hào và kiêu hãnh bởi được sở hữu bộ môn nghệ thuật múa rối (rối nước và rối cạn) - thứ “của để dành” vô giá mà từ hơn 1.000 năm trước các thế hệ cha ông thay phiên nhau nhẫn nại nhọc công tinh luyện chưng cất để lại cho con cháu hôm nay và ngày mai - độc nhất vô nhị bởi chất thuần Việt riêng có của nó thì một số nước trên thế giới, mà đặc biệt là các quốc gia trong cùng khu vực lại có quyền về bộ môn nghệ thuật múa rối bóng mang phong vị riêng của họ.

Nếu ai đó trong số đông chúng ta có sự băn khoăn về bộ môn múa rối bóng, thì xin hãy vui lòng nhìn vào cái bóng của chính bản thân trên bức tường trước mặt. Vâng, đó chính là nguồn gốc cổ xưa nhất của bộ môn rối bóng nói riêng và nghệ thuật múa rối nói chung.

Nghệ sỹ điều khiển rối và dàn nhạc trình diễn một vở múa rối bóng tại Indonesia.

Chuyện xưa tích cũ kể lại rằng, vào một giờ khắc thiêng liêng của một ngày trọng đại nọ, những tổ tiên nguyên thủy của loài người bỗng trở nên kinh ngạc khi bất ngờ nhận ra rằng ánh lửa trước mặt lại có thể làm hiện cái bóng của họ lên trên vách trong cái hang đá lạnh lẽo tối tăm của sự sơ khai tranh tối tranh sáng.

Từ chỗ sợ hãi bởi giây phút bàng hoàng đầu tiên thuở hồng hoang sơ khai trong hang tối ấy, thời gian đã giúp cho loài người dần dần trở nên quen thuộc với cái bóng của chính mình. Nhưng trí tưởng tượng, thứ công năng mà chỉ riêng loài người mới có, đã khiến họ tiến thêm một bước tiếp theo. Đó là việc người tiền sử liên hệ hóa, hình tượng hóa cái bóng của mình thành những nhân vật, sự kiện,… rồi từ đó xâu chuỗi chúng lại thành một câu chuyện hoàn chỉnh một cách có kịch bản với những lớp lang chương hồi cụ thể.

Cho đến nay, hầu hết các thể loại kịch nói chung vẫn còn sử dụng cái bóng của con người trong biểu diễn như người tiền sử đã làm nhằm minh họa cho câu chuyện mình cần kể. Tuy vậy, bộ môn múa rối bóng khác ở chỗ, người nghệ sĩ sử dụng con rối thay vì chính cơ thể mình để biểu diễn.

Một con rối bóng thường chỉ là vài mảnh giấy hay miếng da thuộc cắt thành hình rồi ghép lại, nhưng lại được điều khiển bằng hệ thống dây và que không khác gì loại rối mà chúng ta vẫn quen thuộc chứng kiến. Các nghệ sỹ đứng giữa một tấm màn lớn và những ngọn đuốc, nến, hay ngày nay là đèn pha. Cái bóng của con rối được người nghệ sỹ điều khiển sẽ di chuyển trên tấm màn để trở thành nhân vật trong vở diễn mà chuyển tải nội dung câu chuyện tới người xem.

Những ghi chép của đại diện các thế hệ đi trước cho thấy, lịch sử của bộ môn múa rối bóng xuất hiện đầu tiên là ở khu vực Trung Á và Ấn Độ. Tiến hành hàng loạt cuộc thám sát và khai quật, các nhà khảo cổ học đã tìm ra những con rối bóng làm từ da muông thú có niên đại khoảng 1.000 năm trước Công nguyên. Bắt đầu từ đó múa rối bóng dần dần lan truyền ra theo hai con đường. Một là đến Trung Quốc ở phía Đông, rồi từ đó đi xuống Đông Nam Á. Hai là, qua khu vực Trung Đông, sau đó lan ra khắp Bắc Phi và Nam Âu.

 Cùng với sự biến thiên của thời gian, những địa phương khác nhau dần hình thành loại hình rối bóng mang màu sắc của riêng mình. Ở Ấn Độ có Tholu Bommalata; Indonesia có Wayang. Tại Thái Lan thì có Nang Sbek Thom. Riêng với đất nước Trung Quốc có Bì Ảnh Hí v.v… Từ đó dẫn đến sự phức tạp hóa và đa dạng hóa của múa rối bóng. Con rối không chỉ còn đơn thuần được làm từ da thuộc nữa, mà còn là từ vải, giấy dó, gỗ v.v…

Từ chỗ đơn giản thuở ban đầu, kịch bản sân khấu của các vở diễn rối bóng cũng từng bước không ngừng được sáng tạo và “nâng cấp” trở nên công phu hơn, tạo được cảm hứng liên hoàn cho người xem. Thế nên mới có sự kỳ diệu chưa từng thấy, đó là, ngay cả những bộ sử thi đồ sộ như “Ramayana” cũng đã được nghệ thuật rối bóng đưa lên tấm màn để công chúng có cơ hội thưởng lãm.

Sau những gì thô sơ ban đầu thì việc các diễn viên chuyên lồng tiếng và dàn nhạc phụ họa cho vở diễn cũng bắt đầu xuất hiện. Ngay cả về mặt ánh sáng thì những nghệ sỹ múa rối cũng đã sáng tạo ra các thiết bị và thủ thuật điều khiển ánh nến, ánh đuốc,… để làm cho màn ảnh như có thêm một chiều không gian thứ ba.

Tại châu Âu, múa rối đã có lịch sử tồn tại hằng trăm năm, đặc biệt là ở các nước như Đức, Pháp, Anh. Vào thế kỷ thứ 19, người ta coi múa rối bóng cũng là một bộ môn nghệ thuật cao quý như kịch nói và opera vậy.  Ấy thế  nên mới có chuyện, đại văn hào Johann Wolfgang von Goethe từng góp công xây dựng hẳn một nhà hát múa rối bóng ở thành phố Tiefurt thuộc nước Đức.

Các nghệ sỹ châu Âu liên tục thể nghiệm với rối bóng. Họ không ngừng cố gắng lồng ghép nó với những loại hình nghệ thuật khác như nhạc kịch, xiếc, ảo thuật v.v… và thậm chí là cả điện ảnh nữa. Về bản chất thì điện ảnh khác múa rối bóng ở điểm là thay vì con rối thì tấm phim lại nằm giữa ánh đèn và tấm màn. Có rất nhiều đạo diễn điện ảnh thuộc thế hệ đầu tiên ở Pháp và Ý trước đó từng xuất thân là những nghệ sỹ múa rối bóng hoặc là người hâm mộ bộ môn nghệ thuật này.

Rối bóng có mặt trong vở nhạc kịch “Vua sư tử” được chuyển thể từ tác phẩm hoạt hình cùng tên.

Trong nhiều năm gần đây, múa rối bóng có phần bị “lấn sân” bởi những loại hình giải trí khác. Dù thế thì ở Trung Quốc, Ấn Độ và Malaysia… vẫn liên tục tổ chức các festival múa rối bóng thường niên. Và, kế thừa truyền thống của các nghệ sỹ châu Âu xưa, các nghệ sỹ hiện nay đang mở rộng biên giới của nghệ thuật rối bóng. Vì thế nên người ta mới có cơ hội may mắn được thưởng lãm nghệ thuật múa rối bóng xuất hiện trong phim hoạt hình, trên sân khấu opera, v.v…

*

Quả là không ngờ khi mà chính cái sự đơn giản của múa rối bóng lại là điểm mạnh nhất của bộ môn nghệ thuật này. Thứ nhất, múa rối bóng có thể được biểu diễn ở bất kỳ đâu, chứ không nhất thiết phải yêu cầu là thủy đình như rối nước truyền thống của Việt Nam. Thứ hai, con rối bóng so với các loại rối khác có cấu tạo rất đơn giản, gần như ai cũng có thể tự làm được. Nhưng điểm thứ ba và quan trọng nhất là: rối bóng yêu cầu sự một tưởng tượng liên tục không được phép dừng lại của khán giả.

Đành rằng, để thưởng thức bất kỳ loại hình nghệ thuật nào, khán giả cũng phải sử dụng trí tưởng tượng của mình. Tuy vậy, lượng thông tin mà khán giả nhận được từ rối bóng ít hẳn hơn so với những bộ môn múa rối khác. Giữa hội họa và điêu khắc cũng tồn tại một sự khác biệt gần giống nhau như thế - người xem chắc chắn sẽ nhìn thấy nhiều điều hơn từ một bức tượng 3D so với tấm tranh 2D. Mà múa rối  bóng lại là một bộ môn nghệ thuật có tính chất kể chuyện theo tính chất chương hồi.

Do vậy, để nhận ra và xâu chuỗi được tất cả những chuyển động, sự kiện rời rạc đang diễn ra trên tấm màn rối bóng thành một câu chuyện có hệ thống lớp lang bài bản thì có nghĩa là, khán giả buộc phải dùng nhiều hơn đến trí tưởng tượng của mình để “lấp đầy” các chỗ trống.

Bao giờ cũng thế, đã thành lệ định, mỗi buổi trình diễn múa rối bóng đều có hai tấn trò diễn ra song song. Đó là một câu chuyện hiện lên trên tấm màn, và một câu chuyện khác nằm trong đầu khán giả bởi sự liên tưởng của chính họ. Thậm chí có thể còn nhiều câu chuyện khác, vì không khán giả nào có trí tưởng tượng giống khán giả nào. Cái độc đáo của nghệ thuật múa rối bóng không chỉ là để khán giả so sánh giữa thực tại bên ngoài với suy nghĩ nội tại, mà còn khuyến khích họ chiêm nghiệm về sự khác nhau đó để tìm ra những điều sâu kín nhất trong chính bản thể của họ.

Người nghệ sỹ của nghệ thuật múa rối bóng vì thế mà trở nên rất hãnh diện về sức sáng tạo và công năng lao động của mình. Và thế là, họ sung sướng và tự hào khi nhận ra rằng, hiếm có một bộ môn nghệ thuật nào mà lại tạo ra sự gần gũi giữa người xem và nghệ sỹ, giống như tâm hồn của tất cả mọi người đều rung động cùng một lúc với chung một thanh âm vậy. Thế là, nghệ sỹ và khán giả bỗng trở thành tri âm tri kỷ và người đồng hành đầy thân thiện. Thế rồi đến một lúc nào đó thì xuất hiện những người nghệ sỹ đi ra từ chính cộng đồng, trở thành tiếng nói đại diện cho cộng đồng, và kết tinh lại lịch sử của cộng đồng.

Khán giả Việt Nam đã từng hơn một lần có cơ hội thưởng thức rối bóng thông qua các dịp giao lưu với một số đoàn biểu diễn nghệ thuật của nước ngoài, đơn cử như Liên hoan Múa rối Quốc tế lần thứ 5 được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 10-2018. Vậy thì, tại sao chúng ta lại không tiếp thu những tinh hoa của nghệ thuật múa rối bóng của bạn bè ngoài biên giới để nó sớm có cơ hội góp mặt trên sân khấu nước nhà, nhằm góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của công chúng, bên cạnh ngành múa rối truyền thống thuần Việt xưa nay?

Lê Công Hội
.
.