Nghệ sĩ và sự tự trọng nghề nghiệp

Thứ Hai, 22/08/2016, 08:04
Nghệ thuật đang đứng trước vấn nạn đạo nhái trắng trợn khi người ta mặc định rằng, lộng giả thì thành chân. Bao nhiêu ca khúc thuộc diện “nghi án đạo” của Sơn Tùng vẫn ra rả hằng ngày. Chưa kể năm ngoái, nhân vật được báo chí Hàn Quốc gọi là “kẻ ăn cắp chuyên nghiệp” này đàng hoàng lên nhận giải “Ca sĩ của năm” tại một chương trình uy tín hẳn hoi...


Đạo, nhái hay “tiếng thét” của nghệ thuật

Ai đã từng xem bức “Tiếng thét” của danh họa người Na Uy Edvard Munch đều ám ảnh bởi những hình khối méo mó tuyệt vọng, tiếng thét vỡ vụn không biết là của con người hay của thiên nhiên điên đảo, rực lửa. Bây giờ, nghệ thuật nước ta cũng đang cất tiếng thét chói tai bi thảm như thế giữa hỗn độn các giá trị thật giả.

“Vết thương” của giới yêu nghệ thuật chưa kịp lành vì 17 bức tranh giả tại triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” nghiễm nhiên rời khỏi Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh như không có chuyện gì xảy ra sau mọi ồn ào thì nó sớm nhói buốt khi làng nhạc rộ lên “nghi án” đạo nhạc của Sơn Tùng M-TP.  Ca khúc “Chúng ta không thuộc về nhau” mới ra lò bị tố là “anh em sinh đôi” với ca khúc “We dont talk anymore”. Chưa kể, rất nhiều chi tiết như đoạn đọc rap, một số phân cảnh của MV bị dân sành sỏi chỉ ra là chôm chỉa của chỗ này một ít, chỗ kia một ít.

Ca khúc “Chúng ta không thuộc về nhau” của Sơn Tùng M-TP bị tố đạo nhạc.

Nghệ thuật đang đứng trước vấn nạn đạo nhái trắng trợn khi người ta mặc định rằng, lộng giả thì thành chân. Bao nhiêu ca khúc thuộc diện “nghi án đạo” của Sơn Tùng vẫn ra rả hằng ngày. Chưa kể năm ngoái, nhân vật được báo chí Hàn Quốc gọi là “kẻ ăn cắp chuyên nghiệp” này đàng hoàng lên nhận giải “Ca sĩ của năm” tại một chương trình uy tín hẳn hoi.

Riêng chuyện đạo thơ, đạo văn cũng như cơm bữa với người cầm bút. Chỉ khi tên tuổi kẻ cắp và nạn nhân quá lớn thì mọi chuyện mới ầm ĩ. Lĩnh vực nhiếp ảnh còn thê thảm hơn vì khâu “sáng tác” y chang đàn anh là quá dễ khi có máy xịn.

Với người kém hiểu biết, nghệ thuật với họ trừu tượng và cảm tính lắm. Thế nên, đau không khi có người tuyên bố “xanh rờn”: “Ai đạo mặc kệ, miễn tôi thấy tác phẩm đó hay là được”. Họ không chịu hiểu cho rằng nghệ thuật là lĩnh vực của sự sáng tạo. Mà đã là sản phẩm của sáng tạo thì nó phải khác tác phẩm của người khác.

Thế nhưng, đây là lĩnh vực mà việc xử lý đạo, nhái khó hơn bao giờ hết. Bởi nó cảm tính nên không thể cứng nhắc cân đo đong đếm được. Tuy nhiên cũng không phải cảm tính là không thể biết nó có đạo hay không, những đôi mắt, tai nghe có nghề dễ dàng phát hiện cái giả đội lốt.

Nhà sản xuất âm nhạc DJ người Azerbaijan – Heyder Eliyev đăng đàn lên tiếng Sơn Tùng MTP đạo nhạc của mình.

Cũng có người ngụy biện kiểu: “Ý tưởng lớn gặp nhau”. Nhưng “gặp nhau” gì mà nhiều lần quá vậy? Mà có “gặp nhau” thì cũng không thể trùng từ cái ý tứ đến từng dấu chấm, dấu phẩy, xuống hàng trong thơ văn; vòng hòa âm, bản nhạc phối hay giai điệu trong âm nhạc; một động tác, bố cục trong nhiếp ảnh. Lần thứ nhất, người ta còn chép miệng cho qua vì có thể tác giả bị ảnh hưởng bởi “những người khổng lồ”.

Lần thứ hai, người ta thở dài bực mình vì có thể tác giả không biết lấy tác phẩm người khác để “xào nấu” thành của mình là vi phạm bản quyền. Lần thứ ba, người ta phải nhảy cẫng lên mà chỉ thẳng mặt: “Đích thị thằng ăn cắp”!

Nếu phát hiện một tên trộm đang khuân chiếc xe máy của ai đó thì dám chắc 99% hắn bị tẩn cho một trận và giải ngay lên đồn Công an. Còn 99% tên trộm trong nghệ thuật ở nước ta thì ung dung tự tại. Nếu có xử lý cũng chỉ dừng lại ở mức xử lý nội bộ như loại khỏi giải thưởng theo kiểu cảnh cáo, đạo chích lên tiếng xin lỗi (đương nhiên là chống chế vòng vo tam quốc) rồi im chuyện. 

Tại sao kẻ trộm trong nghệ thuật lại được mọi người cho qua nhẹ hều như vậy? Họa sĩ Đào Hải Phong từng kêu lên rằng: Một dân tộc, một đất nước mà đến văn hóa cũng có sự giả dối thì quá nguy, người ta không coi trọng văn hóa nữa.

Thật ra, nói như một nhà phê bình nghệ thuật thì nước ta chưa bao giờ đầu tư đúng mức cho văn hóa nghệ thuật trong khi nó là nền tảng bồi đắp tâm hồn, xây dựng nên nhân cách, giá trị của một dân tộc. Phần đông vẫn coi nghệ thuật là thứ “mua vui cũng được một vài trống canh” chứ không phải là một tài sản, một loại hàng hóa mang giá trị tinh thần cao được định giá và trao đổi công bằng, rõ ràng. Nên chuyện bản quyền là cái gì nghe xa vời như tận Sao Hỏa.

Thị trường nghệ thuật Việt Nam khác gì cái chợ tạm manh mún mà hàng giả áp đảo hàng thật. Tất nhiên, chuyện nâng cao trình độ thẩm mỹ, cảm thụ nghệ thuật cho công chúng cũng xa vời nốt. Hệ quả là phần lớn công chúng bị những tên đạo chích nghệ thuật dắt mũi.

Rất dễ nhận thấy hễ xảy ra vụ đạo văn thơ, nhạc họa nào đó, người ta lại kêu gọi lòng tự trọng của giới nghệ sĩ. Nhưng khốn nỗi, kẻ cắp có là nghệ sĩ đâu mà tự trọng. Nghệ sĩ có bao giờ đi ăn cắp? Gọi vậy, trách sao giới nghệ sĩ không đau lòng?

Nhạc sĩ Trần Minh Phi: Vì sao việc đạo nhạc hiện nay luôn …ổn định?

Nhạc Việt đương đại trong hơn một thập niên này có một chu kỳ rất quen thuộc và có cùng một kịch bản... ổn định, đó là: Hàng năm, khi mà showbiz không còn chuyện gì đáng nói thì nó lại rộ lên cái chuyện ai đó dính "nghi án đạo nhạc". Nó mãi là nghi án vì dư luận có ồn ào thế nào, báo chí có lên tiếng ra sao thì cuối cùng như cơn bão, nó cũng tan trong êm đẹp không gợn chút hổ thẹn như trời xanh mây trắng nhởn nhơ. Và, những "bị cáo" chợt vụt lên hoặc tiếp tục là những ngôi sao sáng của showbiz! Để rồi xuân thu nhị kỳ, "điệp khúc" đạo nhạc lại nổi lên cao trào rồi trở về dấu lặng, rồi lại cao trào...

Muốn hiểu tại sao như vậy, phải xem lại hơn một thập niên, kể từ cột mốc "Tình thôi xót xa". Lúc đó, vụ đạo nhạc này đã được xử lý đến nơi đến chốn bởi Hội Nhạc sĩ Việt Nam và sau đó là "Tuổi 16" do Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh giải quyết. Tuy nhiên, không hiểu sao hàng loạt vụ đạo nhạc khác được khui ra tiếp theo lại rơi vào im lặng. Rồi một thời gian sau, trong những "bị cáo" đó có người đã trở thành “sao”, người nghiễm nhiên trở thành giám khảo ngồi chấm điểm bài hát của người khác trong những gameshow và những cuộc thi tầm cỡ quốc gia!

Một tờ báo lớn của cả nước còn rầm rộ làm một chuyên đề nhiều kỳ để nhằm mục đích gỡ tội và minh oan về chuyện đạo nhạc năm xưa, như gửi đi một thông điệp rằng: Hãy trả lại danh dự cho người bị kết án oan trong vụ đạo nhạc mang tính lịch sử: “Tình thôi xót xa”! Điều đó như một lời động viên và cổ vũ rằng: Đạo nhạc ư? Không có gì quan trọng. Nó chỉ là sự ảnh hưởng thôi, mà trong bất kỳ giai đoạn âm nhạc nào, tác giả kỳ cựu nào cũng đều có thể có. Cái gọi là "đạo nhạc" được quy kết bởi những bộ óc bảo thủ hay định kiến mà thôi.

Đạo nhạc còn được... "vinh danh"! Đó là khi, một giải thưởng được cho là "Grammy của Việt Nam" đã trao giải “Ca sĩ của năm" cho một ca sĩ - nhạc sĩ mà từ phong cách trình diễn, tạo hình cho đến các "sáng tác" hầu hết đều là bắt chước, sao chép và "đạo" một cách ung dung và ngạo nghễ, mặc cho anh này là nhân vật chính của liên tiếp hai, ba vụ bê bối về đạo nhạc gây dư luận lùm xùm cả nước trước đó!

Chính quan niệm và cách tôn vinh lệch lạc này đã làm vấn nạn đạo nhạc trở nên "kháng thuốc", nhất là trong các tác giả trẻ sau này. Họ nhìn những tấm gương đạo nhạc của người đi trước, là dù có bài đạo nhạc thế nào thì con đường công danh sự nghiệp vẫn vùn vụt đi lên, tiền tài danh vọng vẫn mỉm cười. Thế là mượn chiếc áo "học hỏi, tiếp thu tinh hoa thế giới", các nhạc sĩ bắt đầu cho phép mình dễ dãi và ăn sẵn trong sáng tác, từ mượn beat, vòng hoà âm đến mượn câu nhạc, đoạn nhạc của người khác một cách bừa bãi nhưng vẫn ung dung cho rằng đó là chuyện bình thường hoặc nguỵ biện: “Với 7 nốt nhạc, bao nhiêu người viết thế nào cũng phải trùng".

Phải nhìn nhận rằng, mỗi thời đại đều phải có một ngôn ngữ âm nhạc riêng của nó và nền âm nhạc chúng ta là một nền âm nhạc chỉ luôn đi sau người khác và học hỏi họ là chính. Tất cả, từ nền tân nhạc Việt ra đời cách đây gần 90 năm cho đến nay, âm nhạc chúng ta chịu ảnh hưởng từ rất nhiều nền âm nhạc khác: Tây, Tàu, Hàn, Nhật đều đủ cả, theo từng mức độ khác nhau. Nhưng có những thời kỳ mà âm nhạc Việt vẫn mang được cá tính và bản sắc trong những yếu tố vay mượn từ bên ngoài, bên cạnh đó là những cảm xúc chân thành đã làm nên một diện mạo nhạc Việt ít nhiều đều có đường nét và có hồn.

Nhưng giai đoạn hơn một thập niên trở lại đây thì khác. Sự vay mượn, sao chép quá đậm đặc đã xoá mờ đường nét và hồn vía Việt trong âm nhạc. Rồi nó bước một bước sa lầy hơn là ăn sẵn cái của người ta bằng những quan niệm sáng tác dễ dãi và thiếu tự trọng.

Đáng buồn hơn, lại có những nhạc sĩ kỳ cựu đang ngồi trên những cái ghế đánh giá và định hướng nhạc Việt lại có những lý luận ngụy biện vô tình làm bình phong cho đạo nhạc phát triển ổn định: “Cảm giác giống nhau nhưng chúng không giống nhau, bởi vì cái giống nhau đó là do đặc tính của mỗi loại nhạc quy định".

Trong thực tế, với mỗi hình thức âm nhạc, chúng luôn luôn có một đặc trưng riêng về giai điệu, tiết nhịp, hoà âm. Nhờ vậy, chúng ta nghe qua là phân biệt được nhạc này là Jazz, nhạc kia là Rock, nhạc nọ là Dance...

Nhưng cũng giống như người da vàng, da trắng hay đen, mỗi chủng tộc đều có những nét chung mà con người trong chủng tộc đó vẫn có nhưng mỗi cá nhân họ là không thể giống nhau như hai anh em sinh đôi. Sự giống nhau mang tính cá biệt đó nếu có cũng chỉ là vô cùng hi hữu, có một không hai.

Trong mỗi thể loại âm nhạc cũng vậy. Chỉ cần dựa trên những nét chủ đạo của giai điệu, vòng hoà âm cá biệt, cấu trúc riêng, tiết nhịp nằm ngoài mẫu số chung và mô hình vận hành các tuyến giai điệu là người ta có thể nhận ra sự lấy cắp lẫn nhau trong cùng một nét đặc trưng riêng của mỗi thể loại nhạc.

Vì thế, sự giống nhau ở trong âm nhạc của mỗi thể loại là nằm trong tính phổ quát. Còn về cá tính để có độc sáng là không thể giống nhau được. Những người viết nhạc theo "chủ nghĩa ăn sẵn" thường cố tình đánh đồng hai phạm trù đó để ngụy biện hoặc tung hoả mù.

Nói cho công bằng, việc đạo nhạc ngoài cố tình ra, một phần là do đạo mà không biết. Tức là người viết nhập tâm một bản nhạc, giai điệu nào đó rồi trong vô thức nó bật ra một "sáng tạo" mà cứ ngỡ là của chính mình. Nhưng sau đó - phần nhiều - sự thiếu chính trực cũng như là không biết hổ thẹn, họ vẫn lờ đi và cố "chịu đấm ăn xôi" để bảo toàn danh lợi mình nhờ đó mà có.

Tóm lại, chính cái thế kiềng ba chân: Đạo đức nghề, sự dung túng của một bộ phận truyền thông và thị hiếu nghe nhạc xuống cấp của đa phần giới trẻ đã giúp cho đạo nhạc “vững vàng” trong các cơn bão dư luận. Từ đó nó luôn... ổn định và trở nên bình thường trong tư duy của một số nghệ sĩ và một bộ phận công chúng tự cho mình là một thế hệ viết và nghe nhạc mới, tiên tiến chứ không phải là "hỏng" hay "đạo" như "lực lượng bảo thủ" quy kết!

Có lẽ, khi ba chân kiềng trên còn hiệp đồng tồn tại, đã đến lúc nhạc Việt phải thoả hiệp sống chung với "đạo", và đó cũng là bản sắc của nhạc Việt đương đại chăng?

Họa sĩ, Nhà giáo nhân dân  Huỳnh Văn Mười, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh: Chống nạn đạo ranh cần sự vào cuộc từ nhiều phía

Nguyễn Trang (ghi)

Vụ tranh giả tại triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” vừa qua chỉ là một vụ việc điển hình cho nạn đạo tranh nhức nhối trong nhiều thập kỷ ở Việt Nam. Nó không chỉ làm giảm uy tín của các bảo tàng mỹ thuật trong nước, xúc phạm họa sĩ quá cố mà còn làm tổn hại ghê gớm đến uy tín của thị trường mỹ thuật nước ta vốn đã xuống cấp trầm trọng.

Chúng ta chưa có một thị trường mỹ thuật đúng nghĩa, nó tự phát và còn không ít chụp giật. Không ít người trong giới có khả năng sưu tầm, sở hữu tranh thì thiếu hiểu biết, am tường về nghệ thuật. Nhiều người mua theo tên tuổi tác giả, cứ nghĩ bức đó ký tên danh họa là mua mà không biết thẩm định. Không ít người chơi tranh không phải vì đam mê nghệ thuật mà chỉ đầu cơ sinh lời. Mà đã đầu cơ trục lợi thì dĩ nhiên sẽ có lừa đảo. Có người mua phải tranh giả thì lại nhắm mắt bán tháo để thu hồi vốn. Thành ra họ tiếp tay cho nạn đạo tranh. Chưa kể họa sĩ tự chép tranh của mình hoặc người nhà chép…

Giới sưu tập, kinh doanh tranh ở Việt Nam hiếm người hoạt động chuyên nghiệp. Họ mua tranh dựa vào cảm tính chứ chưa đầu tư bài bản, sưu tập có hệ thống, có nghiên cứu xu hướng phát triển của mỹ thuật Việt Nam, khu vực hay thế giới…

Đáng lẽ trước khi mua bán, người ta phải hiểu rõ tiểu sử của tác phẩm. Tác giả bán phải lập lý lịch tác phẩm với các thông tin như: Tên bức tranh, giá bán, kích cỡ, chất liệu, thời điểm bán, hoàn cảnh sáng tác, tranh sáng tác theo khuynh hướng nào cùng với cam kết đây là bức độc bản chứ không còn sao chép nữa, không có cái thứ hai…

Sau đó tác giả cam kết rằng bức tranh này do chính mình sáng tác và người mua sẽ là người lưu giữ thứ nhất. Tiểu sử sẽ được thêm vào và dài ra, người mua cuối cùng họ phải có bản lưu giữ này thì mới biết là thật hay giả. Khi người này chuyền tay, bán cho người tiếp theo cũng phải giao bản lý lịch này kèm bổ sung thông tin người bán – mua tiếp theo vào bản kê khai.

Chúng ta đã tham gia Công ước Berne, có Luật Sở hữu trí tuệ, có quy định quyền tác giả nhưng hầu như chỉ có những gallery tầm cỡ và nhà sưu tập, các nghệ sĩ tự trọng quan tâm. Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh đã nhiều lần lên tiếng về vấn nạn này nhưng hiện nay thật giả lẫn lộn và thiếu những định chế về pháp luật một cách mạnh mẽ để nghiêm cấm. Mà điều này gần như vượt ra tầm tác động và trách nhiệm của hội. Chúng tôi chỉ còn biết kêu gọi các hội viên phải tự bảo vệ mình bằng cách đăng ký bản quyền theo luật Sở hữu trí tuệ.

Khi mua bán, cần mời cả luật sư tư vấn, biên soạn hợp đồng ràng buộc chặt chẽ. Nhưng nhiều anh em thấy thủ tục rườm rà, lại vốn tính cách nghệ sĩ nên không xem trọng việc này. Đến khi xảy ra chuyện thì bức xúc nhưng cũng không thưa kiện vì sợ “được vạ thì má đã sưng”.

Muốn tạo nên thị trường mỹ thuật lành mạnh về lâu dài, cần sự vào cuộc của nhiều phía. Họa sĩ, giới sưu tầm, kinh doanh tranh… cần nâng cao lòng tự trọng. Bởi dung túng, tiếp tay cho nạn tranh giả chỉ khiến hình ảnh mỹ thuật Việt méo mó hơn trong mắt bạn bè quốc tế, phỉ báng các giá trị văn hóa của dân tộc. Phía quản lý nhà nước cần tăng cường sự quản lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho họa sĩ đăng ký bản quyền…

Bên cạnh việc bổ sung ngay những quy định còn thiếu trong quản lý mỹ thuật thì vẫn cần có sự phối hợp giữa cơ quan Công an và nhà quản lý văn hóa. Công chúng rất cần được giáo dục thẩm mỹ, cảm thụ nghệ thuật từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Như vậy chúng ta mới có số đông người dân hiểu biết, trân trọng và bảo vệ nghệ thuật đích thực. 

Mai Quỳnh Nga
.
.