"Đạo nhạc": Chuyện chưa có hồi kết

Thứ Năm, 27/11/2014, 10:20
"Vấn đề đạo đức trong văn học nghệ thuật hiện nay" là tên Hội thảo khoa học toàn quốc do Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương tổ chức trong hai ngày 11&12 tháng 11/2014 tại TP HCM. Tại hội thảo lần này, nhiều vấn đề được đưa ra bàn thảo, mổ xẻ, phân tích, trong đó âm nhạc là lĩnh vực được nhiều tham luận đề cập tới với những vấn đề khá bức xúc. Trong khi vấn đề đạo nhạc đang được hội thảo nhắc tới như một căn bệnh mãn tính của một bộ phận người viết nhạc trẻ, thì ở bên ngoài, những tranh cãi xung quanh việc ca khúc "Chắc ai đó sẽ về" của ca sĩ, nhạc sĩ trẻ Sơn Tùng M-TP được cho là "đạo nhạc một cách tinh vi" vẫn chưa đi đến hồi kết.

Tại Hội thảo "Vấn đề đạo đức trong văn học nghệ thuật hiện nay", đã có 84 tham luận với nhiều vấn đề nóng bỏng, bức xúc xung quanh vấn đề đạo đức trong văn học nghệ thuật đã được nêu ra phân tích, mổ xẻ. Có 24 tham luận đã nêu ra giải pháp cho tình trạng xuống cấp về đạo đức trong văn học nghệ thuật. Con số này đủ cho thấy "độ nóng" của vấn đề mà hội thảo đưa ra cùng với thái độ đấu tranh khá "cứng rắn", kiên quyết của các văn nghệ sĩ, các học giả, nhà quản lý. Tuy nhiên, không phải đợi đến khi Hội thảo "Vấn đề đạo đức trong văn học nghệ thuật hiện nay" được tổ chức với sự tham gia của trên 200 nhân sĩ trí thức... thì vấn đề "đạo nhạc" mới nóng lên, nó là một vấn đề âm ỉ trong dư luận đã lâu, đã nhiều lần được đề cập đến với sự lo ngại, thậm chí là xấu hổ.

Trở lại câu chuyện đạo nhạc của ca sĩ, nhạc sĩ trẻ Sơn Tùng M-TP với những tranh cãi chưa có hồi kết xung quanh ca khúc "Chắc ai đó sẽ về" được cho là "giống y đúc" bản phối ca khúc "Because I miss you" của nhạc sĩ Hàn Quốc Jung Yonghwa. "Chắc ai đó sẽ về" do Sơn Tùng M-TP sáng tác và thể hiện là ca khúc chính trong bộ phim "Chàng trai năm ấy" do Công ty cổ phần Truyền thông thế giới giải trí tổ chức sản xuất. Bị dư luận lên án gắt gao vì đạo nhạc, nhưng nhạc sĩ Sơn Tùng M-TP vẫn một mực khẳng định ca khúc "Chắc ai đó sẽ về" là sáng tác... độc lập của mình. Đạo diễn Nguyễn Quang Huy - Giám đốc công ty cổ phần Truyền thông thế giới giải trí còn tự tin gửi đơn tới Cục Điện ảnh và Cục Bản quyền tác giả để xin ý kiến thẩm định về ca khúc được sử dụng trong phim. Liên quan đến sự việc, Cục Bản quyền tác giả đã đề nghị thành lập một Hội đồng thẩm định bao gồm các nhạc sĩ có uy tín như Phó Đức Phương, Dương Ngọc Linh, Trương Ngọc Ninh, Lê Minh Sơn... Các nhạc sĩ này đã thống nhất xác nhận việc Sơn Tùng M-TP đã "đạo nhạc một cách tinh vi, có tính toán" ca khúc "Because I miss you", đặt thành lời Việt với tỉ lệ giống lên tới 80%. Thậm chí, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh còn trả lời báo chí rằng nếu bỏ phần lời Việt đi thì hai bản phối này gần như "trùng khít". Với những vi phạm nghiêm trọng và có hệ thống chứ không phải lần đầu của Sơn Tùng M-TP, nhạc sĩ Phó Đức Phương còn có đề nghị cấm lưu hành ca khúc "Chắc ai đó sẽ về".

Chưa biết kết luận cuối cùng của Cục Bản quyền tác giả ra sao, nhưng với một Hội đồng thẩm định toàn những... "cây đa cây đề" như đã nói ở trên, chắc hẳn ý kiến của họ sẽ được các nhà quản lý tôn trọng, cân nhắc. Liên quan tới việc có thể bị cấm lưu hành ca khúc đạo nhạc, bộ phim "Chàng trai năm ấy" đã phải tạm thời rời ngày chiếu (trước đó dự kiến ra rạp ngày 14/11). Nếu như ca khúc "Chắc ai đó sẽ về" bị cấm lưu hành đồng nghĩa với việc Công ty cổ phần Truyền thông thế giới giải trí và Sơn Tùng M-TP sẽ phải chịu những tổn thất nặng nề khi phải làm lại phần nhạc trong phim nếu như muốn phim được công chiếu. Trước đó, Văn Prodution - công ty quản lý của ca sĩ này cũng đã đưa ra hình phạt với chính "người nhà" của mình, đó là cấm diễn 6 tháng và rút toàn bộ hình ảnh, âm nhạc của Sơn Tùng M-TP khỏi các trang web nghe nhạc trực tuyến, mạng xã hội...

Chỉ trong vòng một năm qua, Sơn Tùng M-TP đã liên tục dính vào các xì căng đan đạo nhạc. Cách đây vài tháng, bằng việc thừa nhận đã sử dụng những bản phối có sẵn ở nước ngoài để sáng tác các ca khúc đang có trong bản xếp hạng chương trình "Bài hát yêu thích" là "Em của ngày hôm qua", "Đừng về trễ" và "Cơn mưa ngang qua", các bài hát này của Sơn Tùng M-TP đã bị gỡ khỏi bảng xếp hạng. Đồng thời MV nổi tiếng vì cán mốc 40 triệu lượt xem của Sơn Tùng M-TP là "Em của ngày hôm qua" đã bị Youtube gỡ bỏ. Tuy nhiên, việc Hội đồng tuyển chọn chương trình "Bài hát yêu thích" đã không thu hồi giải thưởng "Bài hát của tháng" (10-2012) với "Em của ngày hôm qua" và "Bài hát của tháng" (2-2014) với bài hát "Cơn mưa ngang qua" dường như đã khiến Sơn Tùng M-TP "ngựa quen đường cũ" tiếp tục tái diễn những sai phạm mà trước đó anh ta từng phát biểu rằng "Đó là việc bình thường!". Rút kinh nghiệm trường hợp của Sơn Tùng M-TP, mới đây nhất, Ban tổ chức chương trình Bài hát Việt đã tước giải "Bài hát của tháng" với ca khúc "Tương tư" của ban nhạc FB Boiz sau khi phát hiện ban nhạc này đã sử dụng cách viết lời dựa trên một bản phối sẵn có của Hàn Quốc mà không xin phép, không đề tên tác giả phần nhạc. Đây là việc rất nên làm của các đơn vị tổ chức khi phát hiện sai phạm. Việc xử lý nghiêm không chỉ đảm bảo một môi trường âm nhạc lành mạnh, công bằng mà còn có tính chất răn đe đối với những cá nhân tác giả đang có ý đồ nhăm nhe bước chân vào thị trường ca khúc nhạc Việt bằng con đường "bất minh", "lập lờ đánh lận con đen"...

Đã hàng chục năm nay, nhạc Việt trẻ bị "xâm lấn" bởi hiện tượng lai căng như sáng tác lời Việt trên nền nhạc nước ngoài, sao chép phong cách, hình thức, giọng điệu của nước ngoài mà đỉnh cao là việc đạo nhạc đang diễn ra khá phức tạp, khó đoán định như đã nói ở trên. Chính vì thế, trong những năm qua, hiện tượng đạo nhạc đang được nhắc tới như một vấn đề nhức nhối của nhạc Việt mà chưa có cách nào để kiểm duyệt, phòng chống. Hiện tượng đạo nhạc cũng xảy ra ở nhiều cấp độ khác nhau: có khi chỉ là vay mượn ý tứ, giai điệu, có khi là "cầm nhầm" gần như toàn bộ tác phẩm. Thật khó tin khi trong môi trường sáng tác âm nhạc ở thế kỷ 21 này vẫn có chuyện tác giả Trịnh Minh Sơn ở Nhà hát Chèo Hưng Yên đã đạo trọn vẹn ca khúc "Bài ca núi Thúy" của nhạc sĩ La Thăng để biến thành ca khúc "Hưng Yên - Bài ca trong tim" khiến người bị xâm hại và dư luận bức xúc. Hay vụ ca khúc "U ủ lá bay" của nhạc sĩ Lê Mây đã bị tác giả trẻ Đinh Tùng Bách ở Hòa Bình "đạo" với tỉ lệ giống tới 90% rồi đưa đi dự một cuộc thi năm 2013 và còn đoạt... giả A. Khi dư luận và nhạc sĩ Lê Mây lên tiếng thì tác giả Đinh Tùng Bách có thái độ không hợp tác bằng cách nói: "Con thấy bài hát của chú hay quá nên con làm lại cho hay hơn. Lỗi của con là không đề tên chú mà lại đề tên con. Chú nhiều bài hát như thế rồi, nếu chú nhẹ tay thì con được hưởng, mà chú nặng tay thì con phải chịu!" đã khiến nhạc sĩ Lê Mây... ngao ngán. Nhưng sự việc cũng chỉ dừng ở đó, giải thưởng của Đinh Tùng Bách không bị thu hồi, không phải giải trình. Những hiện tượng như thế, vô hình trung đã tạo ra những tiền lệ xấu trong làng sáng tác âm nhạc.

Cũng liên quan tới chuyện "đạo" trong âm nhạc, năm ngoái, tác giả Phạm Hồng Phước cũng từng khiến dư luận quan tâm, bức xúc khi sử dụng gần như toàn bộ ý tưởng bài thơ "Khi chúng ta già" của tác giả Nguyễn Thị Việt Hà để phổ nhạc mà "quên" ghi tên tác giả thơ. Khi tác giả thơ lên tiếng "phản pháo", nhạc sĩ trẻ vẫn im lặng suốt một thời gian dài sau đó mới chính thức lên tiếng xin lỗi tác giả Nguyễn Thị Việt Hà và xin gỡ bỏ ca khúc này trên những mạng xã hội đã đăng tải. Tuy vậy, cũng từng có những trường hợp các nhạc sĩ dính vào các nghi án đạo nhạc oan như trường hợp ca khúc "Ước gì" của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh được cho là khá giống với ca khúc "Night prayer" hay "Chờ người nơi ấy" của nhạc sĩ Huy Tuấn từng bị "tố cáo" là có đoạn đầu khá giống với "Opera 1" của ca sĩ người Nga Vitas. Nhưng sau đó, theo thời gian những nghi án này đã dần được gỡ bỏ.

Mặc dù hoạt động trong môi trường nghệ thuật với các sáng tác nhạc luôn mang đậm màu sắc, dấu ấn sáng tạo cá nhân, có nghĩa là vấn đề bản quyền cần được tôn trọng triệt để, nhưng dường như nhiều ca sĩ, nhạc sĩ trẻ Việt đang cố tình "lờ" đi trách nhiệm phải tôn trọng bản quyền, sự nguyên vẹn với một tác phẩm sáng tạo của một ai đó. "Đạo" hay nói cách khác là "ăn cắp "nhạc nước ngoài về làm của mình một cách tinh vi, có tính toán có thể là cách một số người viết nhạc trẻ đạt được thành công nhanh chóng nhưng cũng chính là cách "tự sát", mà trường hợp của Sơn Tùng M-TP là một ví dụ điển hình

Hà Anh
.
.