Ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam trên con đường cạnh tranh
- Điện ảnh Việt Nam và những niềm hy vọng
- Thị trường điện ảnh Việt Nam
- Điện ảnh Việt Nam – Hy vọng vào tuổi trẻ
- Điện ảnh Việt Nam: Ì ạch bởi tư duy bao cấp
Khi nhận được thông tin phim đầu tay trong vai trò đạo diễn của nghệ sỹ Hồng Ánh đoạt một loạt giải lớn tại Liên hoan phim (LHP) ASEAN 2017 (AIFFA 2017), chắc hẳn không ít người yêu thích bộ môn nghệ thuật thứ bảy sẽ cảm thấy vui mừng.
"Đảo của dân ngụ cư", phim chuyển thể từ truyện ngắn của nhà văn Đỗ Phước Tiến, đã được đề cử 8 hạng mục và thắng giải ở 3 hạng mục: Phim xuất sắc nhất, Nam diễn viên chính xuất sắc nhất và Quay phim xuất sắc nhất. Dù AIFFA chưa phải là một LHP đình đám nhưng nó cũng là một LHP uy tín ở tầm vóc khu vực.
Và nên nhớ, ở Đông Nam Á, ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam thực sự không vượt trội bất kỳ quốc gia nào cả. Điều đó chứng tỏ, "Đảo của dân ngụ cư" là một phim xuất sắc trong mắt giới phê bình khu vực và hứa hẹn sẽ được đón nhận nồng nhiệt bởi những người làm điện ảnh nước nhà.
Tại sao lại chỉ dám đặt ra mục đích "Đảo của dân ngụ cư" chỉ hứa hẹn được đón nhận bởi giới làm nghề trong nước mà không phải là đông đảo những người hâm mộ điện ảnh, những người bỏ tiền ra mua vé vào rạp xem phim?
Ngành công nghiệp điện ảnh, dù là làm phim nghệ thuật hay phim giải trí thương mại, mỗi phim suy cho cùng đều là một dự án đầu tư và nhà sản xuất luôn mong có thể sinh lời từ dự án ấy và do đó, người xem mới là đối tượng quan trọng nhất. Và khi bài viết chưa dám đặt kỳ vọng vào khán giả, điều đó không có nghĩa là ta chưa dám tin vào nhu cầu thưởng thức của họ mà quan trọng hơn, ta chưa dám tin vào một môi trường cạnh tranh lành mạnh thực sự.
Phim “Thầu Chín ở Xiêm” là bộ phim Việt Nam thứ 2 có mặt tại Liên hoan phim (LHP) ASEAN 2017 cùng với "Đảo của dân ngụ cư". |
Bắt đầu từ chủ nhật vừa rồi, ngày 7-5, sân khấu kịch Idecaf TP Hồ Chí Minh công diễn trở lại vở kịch "Dạ cổ hoài lang" vốn đã được ngưng diễn một thời gian. Vở kịch được đông đảo khán giả yêu mến sân khấu ủng hộ, nhắc nhớ và vẫn quay lại rạp để xem mỗi khi có dịp ấy được ngưng diễn một thời gian vì lý do rất "tình người".
Những nhà sản xuất sân khấu né thời gian công chiếu phim "Dạ cổ hoài lang", vốn dĩ dựa trên kịch bản sân khấu, để tránh một sự so sánh có thể xảy ra giữa phiên bản phim và kịch trong lòng mỗi khán giả và cũng để khuyến khích khán giả đến rạp xem phim. Việc né phim có cùng cốt truyện này cũng đã từng được Idecaf thực hiện một lần với vở "Tấm Cám" khi bộ phim "Tấm Cám chuyện chưa kể" của Ngô Thanh Vân ra rạp.
Cách hành xử ấy không chỉ đáng nể, mà còn rất khôn ngoan bởi nó cũng giúp cho lượng khán giả của sân khấu kịch tránh được việc suy giảm chỉ vì trình diễn một vở kịch có nội dung tương tự với bộ phim đang công chiếu.
Nhưng hành động đẹp kiểu sân khấu kịch Idecaf ấy lại không mấy khi được thực hiện ở ngành công nghiệp điện ảnh. Trong giới điện ảnh hôm nay, vẫn có sự phân định rõ rệt giữa dòng phim thương mại và dòng phim nghệ thuật.
Những chủ rạp không mấy mặn mà với phim nghệ thuật bởi họ cho rằng, phim ấy chắc chắn không ăn khách, khán giả cần đến rạp để xả hơi chứ không phải để thưởng thức và suy ngẫm. Bởi vậy, các bộ phim nghệ thuật không được xếp vào giờ chiếu đẹp, trừ phi nhà đầu tư cho phim và chủ rạp là một hoặc có mối quan hệ làm ăn mật thiết như một, tương tự như trường hợp BHD nới thêm các suất chiếu "Dạ cổ hoài lang" cho đạo diễn "con cưng" của mình là Nguyễn Quang Dũng dù rằng phim ấy BHD không hề dính phần.
Điển hình của việc phim nghệ thuật không được xếp giờ tốt chính là phim "Cha cõng con". Nhiều người không thể đi xem phim ấy chỉ vì nó chỉ được chiếu vào các khung giờ "phụ", không phù hợp với lịch sinh hoạt chung của số đông. Và "Đảo của dân ngụ cư" có thể cũng sẽ không phải là ngoại lệ. Khả năng nó bị xếp bào các giờ "trái khoáy" và dẫn đến không tối ưu hoá được nguồn thu là rất lớn khi các chủ rạp ưu ái phim nhập khẩu (mà chính họ là nhà nhập phim) cùng các phim giải trí "gà nhà" hơn.
Tất nhiên, nếu người ta đầu tư làm phim, đầu tư chuỗi rạp, người ta sẽ có lý của mình và không ai có thể bắt họ chiếu phim của người khác trong khi chính phim của họ đang có nhu cầu thu hút thêm khán giả càng nhiều càng tốt. Nhưng khi nhớ lại những lúc chính các nhà sản xuất phim nội phản ứng mạnh mẽ với một cụm rạp đầu tư nước ngoài với lý do "chèn ép phim Việt", chúng ta sẽ cảm thấy có điều gì không ổn ở đây.
Rõ ràng, người cùng một "chiến tuyến" với nhau còn không thể đoàn kết tương trợ nhau thì làm sao ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam có thể cạnh tranh nổi với các đối thủ đến từ nước ngoài, với các "trang bị" tối tân và hiện đại hơn rất nhiều.
Bởi thế, xưa nay, nhiều nhà sản xuất phim nghệ thuật cứ phải lầm lũi đi theo con đường rất ngược, tức là mang đi tham dự các triển lãm phim quốc tế trước, hi vọng có giải thưởng, có tiếng vang rồi mới mang về nước công chiếu. Nhưng thực tế, các giải thưởng ấy cũng không giúp gì nhiều được cho họ. Với thị trường Việt Nam hôm nay, trừ phi có giải Cannes hay Oscar thì mới mong nhận được sự thỏa hiệp từ những người cầm nắm sinh mệnh phim, tức là những chủ đầu tư các cụm rạp.
Suy cho cùng, những người làm điện ảnh nghệ thuật Việt Nam hôm nay không khác gì những ngụ cư dân, đang cố vật lộn giữa hoang đảo, không một điểm tựa, không một chỗ dựa. Chỉ có điều, họ không phải nông dân, nên không ai giải cứu họ, như người ta đang giải cứu lợn rần rần…