Thị trường điện ảnh Việt Nam

Chủ Nhật, 18/09/2016, 08:02
Thị trường điện ảnh phát triển thực sự là một cú hích để các nhà làm phim trong nước cho ra đời những sản phẩm ăn khách. Đã có không ít những bộ phim Việt đạt được doanh thu đáng mơ ước, thậm chí có những thời điểm, phim Việt đánh bại cả phim ngoại tại phòng vé...


Phát triển "nóng" nhưng cần bền vững

Khánh Thảo

Có thể nói, 5 năm trở lại đây, với sự ra đời của các rạp chiếu hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhiều bộ phim nhập khẩu cũng như sản xuất trong nước hấp dẫn và sự xuất hiện ngày càng nhiều công ty kinh doanh trong lĩnh vực phát hành và phổ biến phim... đã giúp cho thị trường điện ảnh Việt Nam ngày càng sôi động và phát triển nhanh về doanh thu với tốc độ lên tới 30 - 40%/ năm…

Theo đó, tổng doanh thu từ các phòng vé năm 2014 đạt khoảng 83 triệu USD thì đến năm 2015, Việt Nam lọt vào danh sách thị trường điện ảnh "hơn 100 triệu USD". Tỷ suất tăng trưởng từ doanh thu bán vé phim của Việt Nam cũng được xếp cao nhất trong số 13 thị trường điện ảnh "nóng" trên thế giới. Dự kiến mức tăng trong năm 2016 tiếp tục ở mức cao từ 25 đến 30%.

Bên cạnh sự xuất hiện của nhiều cụm rạp, chủ trương mở cửa thị trường nhập khẩu phim, tạo thông thoáng trong khâu kiểm duyệt đã tạo tiền đề cho thị trường điện ảnh có những bước tiến dài. Nếu như trước đây, thay vì phải mất vài tuần, thậm chí vài tháng sau khi phim ra mắt ở thị trường lớn mới có mặt ở Việt Nam thì giờ đây, chỉ sau vài ngày.

Đặc biệt giờ đây, ngày càng có nhiều nhà sản xuất phim bom tấn trên thế giới chọn thị trường Việt Nam là một trong những nơi ra mắt đầu tiên cho tác phẩm của mình. Khán giả Việt cũng trở thành những người được xem những suất chiếu đầu tiên trên thế giới.

Nhiều bộ phim nước ngoài và trong nước đã tạo được những cơn sốt phòng vé ngay tại thị trường Việt Nam. Đạt được doanh thu khủng từ phòng chiếu đã khiến thị trường điện ảnh Việt trở thành "miếng bánh ngon" với các nhà đầu tư nước ngoài. Riêng ở phân khúc rạp chiếu, hai tập đoàn đến từ Hàn Quốc là CGV và Lotte đang chiếm thế thượng phong. Tính đến hết năm 2015, chỉ riêng CGV đã sở hữu 32 cụm rạp với 196 phòng chiếu tại 11 thành phố lớn trong cả nước. Tiếp sau đó là Lotte Cinema với 25 cụm rạp, BHD 6 cụm, Galaxy 6 cụm, Platium Cineplex với 5 cụm rạp...

Hy vọng có nhiều bộ phim Việt đoạt doanh thu lớn như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”.

Thị trường điện ảnh phát triển thực sự là một cú hích để các nhà làm phim trong nước cho ra đời những sản phẩm ăn khách. Đã có không ít những bộ phim Việt đạt được doanh thu đáng mơ ước, thậm chí có những thời điểm, phim Việt đánh bại cả phim ngoại tại phòng vé.

Theo con số thống kê, 7 năm trước, bộ phim ăn khách nhất của năm là "Giải cứu thần chết" (2009) đạt mốc 20 tỷ đồng, sau đó, "Long ruồi" (2011) đạt 42 tỉ đồng, "Tèo em" (2013)  tăng lên tới 80 tỉ đồng. Năm 2014, lần đầu tiên kỷ lục được thiết lập bởi đạo diễn Charlie Nguyễn với "Để Mai tính 2" cán mốc hơn 100 tỷ đồng.

Năm 2015, doanh thu khủng thuộc về "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" và "Em là bà nội của anh". Và những ngày tháng 8 vừa qua, mặc dù gặp một số trục trặc ở khâu ra mắt nhưng "Tấm Cám - Chuyện chưa kể" cũng đã đạt được doanh số đáng mơ ước với bất kỳ một nhà sản xuất phim nào.

Những doanh thu khủng ấy đã tạo thành một cuộc đua, một khát vọng bùng cháy trong lòng những đạo diễn trẻ trong nước là chinh phục phòng vé. Nhiều đạo diễn đã xác định làm phim để khán giả bỏ tiền ra xem chứ không chỉ để thỏa mãn đam mê của mình. Số lượng phim nội từ đó cũng tăng mạnh theo từng năm. Không chỉ tập trung vào dịp Tết mà đã rải rác quanh năm. Cũng không bó hẹp ở thể loại hài, hành động mà có thêm sự xuất hiện của nhiều dòng phim khác.

Thị trường điện ảnh phát triển cũng đồng nghĩa với việc một cuộc cạnh tranh mới đã xuất hiện và phần thua thiệt dường như nghiêng về các doanh nghiệp nhà nước, những đơn vị không có lợi thế về đầu tư cơ sở vật chất. Vừa qua, việc không tìm được tiếng nói chung giữa CGV và nhà sản xuất phim "Tấm Cám - Chuyện chưa kể", khiến bộ phim này không chiếu ở các cụm rạp CGV là một điều đáng tiếc. Chính vì thế, làm thế nào để có được sự công bằng hợp lý giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước là điều cần thiết hơn bao giờ hết.

Trong sự phát triển "nóng" của thị trường điện ảnh thì một vấn đề quan trọng nữa được đặt ra là làm thế nào để phim Việt được ủng hộ, được quảng bá để đến với đông đảo khán giả hơn. Thị trường điện ảnh Việt Nam chỉ phát triển bền vững khi ngày càng có nhiều tác phẩm điện ảnh "made in Vietnam"  đạt chất lượng cao.

Ông Nguyễn Văn Nhiêm - Chủ tịch Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam: Cần tạo sự công bằng, hợp lý

Tuấn Phong (thực hiện)

- Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim ra đời trong hoàn cảnh ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia kinh doanh trong lĩnh vực điện ảnh. Ông đánh giá thế nào về thị trường phim Việt Nam hiện nay?

+ Nhìn chung, thị trường điện ảnh Việt Nam là một thị trường điện ảnh cởi mở và có tiềm năng phát triển rất lớn. Sự cởi mở ở đây không chỉ thể hiện qua việc khán giả Việt luôn hào hứng chờ đón những bộ phim của điện ảnh thế giới mà thể hiện cụ thể ở sự thông thoáng trong những chính sách, bộ luật của nhà nước trong quản lý, điều hành thị trường điện ảnh nói chung.

Hiện nay, với tốc độ phát triển 600%, thị trường điện ảnh Việt Nam đang là một trong những thị trường tiềm năng và mạnh mẽ phát triển nhất trên thế giới. Tốc độ phát triển rất cao này là điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước khai thác.

Tuy nhiên, thị trường cởi mở, Nhà nước trải thảm đỏ nhưng điện ảnh là sản phẩm đặc thù, gắn liền với tính nhân văn, với bản sắc văn hóa dân tộc. Nếu đơn vị nào có ý đồ thôn tính, độc quyền thì không chỉ những người làm nghề mà Nhà nước cũng sẽ lên tiếng.

Khi quyết định kinh doanh ở bất kỳ nước nào thì ngoài sự tuân thủ luật pháp (những quy định có sẵn trên văn bản), chúng ta cũng cần tôn trọng những luật bất thành văn, đó là đạo đức nghề nghiệp. Nhất là kinh doanh điện ảnh là kinh doanh một sản phẩm văn hóa gắn liền với yếu tố con người nên bắt buộc phải có sự tinh tế của người làm văn hóa. Hay nói cách khác "nhập gia tùy tục" là quy tắc ứng xử đầu tiên phải tôn trọng. Dù kinh doanh không phạm luật nhưng gây mất ổn định, xáo trộn tình hình cũng sẽ bị nhắc nhở.

- Hoạt động được gần một năm, theo ông thì những thành viên trong Hiệp hội đã chia sẻ, với nhau trong kinh doanh hay vẫn rơi vào tình trạng mạnh ai nấy làm?

+ Cho đến thời điểm này, Hiệp hội có trên 50 hội viên, chiếm trên 50% lực lượng đơn vị chiếu bóng trên cả nước và những doanh nghiệp Việt Nam lớn hầu hết đều là thành viên. Chúng tôi xây dựng mục tiêu tôn chỉ tối cao: đoàn kết, tập hợp lực lượng và bảo vệ quyền lợi cho hội viên.

Trong thời gian vừa qua, hiệp hội đã phát huy được vai trò là một hiệp hội tự nguyện. Thời gian tới, chúng tôi phải nỗ lực hơn nữa: cập nhật hơn nữa về các quy định mới của luật pháp và tăng cường hội viên để Hiệp hội là tổ chức bao trùm, là nơi gửi gắm tâm tư, có được tiếng nói chung để hướng đến mục tiêu phát triển lâu dài của điện ảnh Việt Nam.

Khi mới thành lập, chúng tôi rất lo vấn đề này. Chúng ta không nói là các doanh nghiệp Việt Nam không đoàn kết mà vì sau bao năm hoạt động chưa từng có mô hình này nên cần thời gian để thích nghi. Tôi rất mừng vì qua từng giai đoạn, qua từng vụ việc cụ thể thì vai trò của hiệp hội được phần lớn doanh nghiệp nhận thức lại.

Có những điều gì chưa thống nhất thì cần đưa ra hiệp hội bàn bạc để tìm được tiếng nói chung. Chúng ta không thể đổ thừa chúng ta không đứng vững được là do các doanh nghiệp nước ngoài xuất hiện mà quan trọng là các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động như thế nào ở thị trường này. Vì ngoài luật còn có lệ. Trách nhiệm của hiệp hội là bảo vệ quyền lợi chính đáng, công bằng của các hội viên.

- Nhiều nhà làm phim cho rằng công tác phát hành và phổ biến phim ở nước ta còn có nhiều vấn đề cần giải quyết?

+ Nếu nói về chủ trương thì tôi cho rằng Cục Điện ảnh đã rất cố gắng tạo được một hành lang pháp lý thông thoáng. Chính điều này đã giúp điện ảnh vượt qua được giai đoạn khó khăn mỗi năm chỉ sản xuất 1 - 2 phim giờ đây đã lên tới con số 30 - 40 phim/ năm, có phim có doanh thu lớn. Nhưng trách nhiệm của những người làm nghề phải nâng cao nghệ thuật lẫn kỹ thuật để theo kịp sự phát triển của điện ảnh thế giới.

Thậm chí, tôi còn cho rằng, trong chính sách với các nhà đầu tư nước ngoài, đôi lúc chúng ta còn dễ dãi. Vấn đề đặt ra là kinh doanh điện ảnh phù hợp với những cam kết quốc tế nhưng trên nền tảng phát triển của nền điện ảnh dân tộc, chống tất cả mọi sự xâm lăng văn hóa. Ranh giới giữa giao lưu văn hóa và xâm lăng văn hóa rất mong manh. Trách nhiệm của chúng ta là điều tiết bằng luật và bằng tiếng nói của những người làm nghề.

- Gần đây, sự việc giữa CGV và nhà sản xuất phim "Tấm Cám - Chuyện chưa kể" tốn khá nhiều giấy mực của báo giới. Là người đứng đầu hiệp hội, quan điểm của ông về sự việc này như thế nào?

+ Tôi cho rằng, vì bất kể lý do gì thì để sự việc xảy ra như vậy là đều không nên. Nó giống như việc đẩy sự việc đến giờ phút cuối khiến người ta không thể quay lại được, người ta chỉ có thể đi. Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra sự việc như thế này.

Sự bức xúc đã có từ lâu. Vấn đề với CGV là vấn đề hoàn toàn có thể giải quyết được nhưng anh nào cũng có tự trọng của mình. Người Việt nhường nhịn, bao dung, hiếu khách nhưng đối tác cần phải hiểu thế nào là đạo đức kinh doanh, hợp lòng người. Tự khán giả sẽ biết lựa chọn đâu để xem.

Quan điểm của hiệp hội là giữ vững tôn chỉ mục đích, mọi việc đều giải quyết một cách thiện chí, hết lòng, chân thành để tìm ra một giải pháp công bằng, hợp lý. Tôi rất tin người Việt Nam mình càng khó khăn càng đoàn kết. Điều đó là điều chúng ta phải gìn giữ và phát triển.

- Xin cảm ơn ông!

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng: Với đạo diễn, quan trọng là bộ phim thế nào?

Tuấn Thành (ghi)

Tôi cho rằng, những con số thống kê của rạp chiếu cho thấy số lượng rạp trong nước tăng, tức là thị phần điện ảnh tăng, cơ hội để những bộ phim Việt có lãi nhiều hơn. Tuy nhiên, tỷ lệ phim lỗ nhiều gấp bội phim lãi khiến bất kì ai cũng nghĩ thị phần trong nước nhiều rủi ro. Tuy nhiên, để phát hành vươn ra thế giới ngày càng khó. Hạn mức đầu tư sản xuất thấp khiến phim không đủ để chất lượng để chiếu quốc tế. Thị phần thế giới ngày càng xa vời và phim Việt càng ít có cơ hội hơn vì yêu cầu chất lượng phim của họ ngày càng cao hơn. Chính vì vậy, tôi điềm đạm nhìn thị trường chứ không vui.

Tôi nghĩ rằng nhiều lĩnh vực đang gặp phải những vấn đề bất cập và vẫn đang phải tự điều chỉnh mỗi ngày chứ không phải riêng phát hành phim. Việc tự hoàn thiện mọi cơ cấu nó chứng tỏ một xã hội năng động. Tôi sợ nhất là một mô hình quan liêu luôn tự tin rằng mình đã hoàn hảo rồi và chả cần phải thay đổi gì.

Một số bộ phim Việt gần đây đạt được doanh thu khủng như: "Để Mai tính", "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh"... Theo góc nhìn của tôi thì nguyên nhân khiến những bộ phim này đạt được doanh số mơ ước như thế vì nhà đầu tư và phát hành đã đánh trúng thị hiếu và quảng cáo tốt chứ không phải chỉ đơn giản do chất lượng phim. Mà gu của khán giả Việt thì thất thường như thời trang nên cũng khó đoán.

Tôi là kẻ làm thuê chuyên nghiệp và tôi phục vụ ý đồ của nhà sản xuất, dù là tư nhân hay Nhà nước. Nhà sản xuất họ cần một phim tử tế  để chiếu phục vụ và người dân được xem miễn phí. Nếu phim bán vé chắc họ sẽ yêu cầu tôi làm kiểu khác. Mỗi bộ phim chỉ có 1 tiêu chí thôi và tôi, đơn giản là phục vụ tiêu chí của nhà sản xuất.

Tôi luôn đặt tính hấp dẫn của bộ phim lên hàng đầu nên việc chuyển sang thị trường chắc cũng không quá khó khăn. Tôi đã từ chối một số phim đặt hàng của Nhà nước gần đây, ngưng làm phim một thời gian để thay đổi. Tôi tin vào bản thân và tôi đang cố hiểu thị trường này. "Đạo diễn triệu đô" hay không dường như không chỉ phụ thuộc vào tôi mà còn do nhà sản xuất và phát hành nữa. Tuy nhiên với tư cách là đạo diễn, thì quan trọng là bộ phim thế nào, nó mang lại lợi ích gì cho nhà đầu tư, sản xuất và phát hành. Tôi nghĩ kiếm tiền chỉ là một trong những mục đích của nhiều nhà sản xuất lớn hiện nay nhưng không phải tiền là tất cả.

Ông Nguyễn Mạnh Cường – Trưởng phòng Chiếu phim, Trung tâm Chiếu phim Quốc gia: Một trong những khâu quan trọng là tuyên truyền, quảng bá phim

Thảo Duyên (thực hiện)

- Thưa ông, Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (TTCPQG) giờ đây đã là một địa chỉ quen thuộc của nhiều khán giả yêu điện ảnh, từ góc độ một người hiểu khán giả từ góc độ phòng chiếu, ông đánh giá thế nào về phim Việt Nam hiện nay?

+ Tôi cho rằng, trong những năm gần đây, phim Việt Nam đã có những tín hiệu khởi sắc. Bên cạnh sự quan tâm của các cấp lãnh đạo thì một trong những lý do đó là có sự tác động của một cú hích từ bên ngoài, là sự xuất hiện của những đạo diễn, diễn viên Việt kiều. Họ là những người có chuyên môn, được đào tạo bài bản từ những nền điện ảnh lớn của thế giới, đoàn làm phim được trang bị những phương tiện làm phim hiện đại, có thể kể như Nguyễn Võ Nghiêm Minh, Trần Anh Hùng, Johnny Trí Nguyễn, Tony Bùi, Victor Vũ, Dustin Nguyễn...

Cùng với đó, bản thân sự nỗ lực của đội ngũ nghệ sĩ trong nước đã góp phần đưa diện mạo Điện ảnh Việt Nam có những sự thay đổi tích cực. Gần đây, có những bộ phim Việt hút khách, có doanh thu khủng như "Tèo em", "Long Ruồi", "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", "Tấm Cám - Chuyện chưa kể"... Từ quan sát của tôi thì khán giả xem phim Việt Nam luôn thấy gần gũi, thân thiết, hứng thú khi xem các phim Việt Nam!

- Một trong những điều quan trọng thúc đẩy điện ảnh nước nhà phát triển là tạo điều kiện để phim Việt đến được với đông đảo công chúng, TTCPQG đã cụ thể làm những gì đối với chủ trương này thưa ông?

+ Với gần hai mươi năm hoạt động, từ các thế hệ lãnh đạo đến toàn thể cán bộ TTCPQG đều chung một ý chí là quảng bá và ủng hộ phim Việt bằng mọi cách. Chúng tôi luôn là địa điểm ra mắt của hầu hết các phim Việt mới sản xuất. Bởi vì trong hệ thống rạp Nhà nước hiện nay, thì TTCPQG là một trong những đơn vị phát triển, tăng trưởng hằng năm, còn ở các địa phương, do sự hạn chế về cơ sở vật chất, trang thiết bị nên hệ thống rạp của Nhà nước rất khó khăn trong việc cạnh tranh được với các cụm rạp tư nhân hoặc của các tập đoàn nước ngoài đầu tư.

Với những phim sắp ra mắt, TTCPQG đã có chiến dịch quảng bá cụ thể. Trước 1 hoặc 2 tuần đã có trailer phát trên màn hình lớn trong rạp, treo áp phích, băng rôn tại những vị trí dễ quan sát. Buổi ra mắt phim đặc biệt, các hãng thường mời những ngôi sao điện ảnh, ngôi sao ca nhạc... đang được nhiều khán giả hâm mộ tới trò chuyện, giao lưu như Đàm Vĩnh Hưng, Trường Giang, Trấn Thành, Nhã Phương, Ninh Dương Lan  Ngọc...

TTCPQG cũng luôn dành những phòng chiếu lớn, âm thanh hình ảnh tốt nhất, giờ chiếu đẹp nhất cho các phim Việt Nam chiếu tại rạp.

- Là người có điều kiện hiểu rõ hơn ai hết "số phận" các bộ phim Việt khi ra rạp, theo ông, có một công thức chung cho những bộ phim Việt ăn khách không?

+  Tôi cho rằng khâu quảng bá của phim vô cùng quan trọng. Hiện nay, nhiều nhà sản xuất phim đã rất chú trọng tới khâu này ngay từ khi phim bắt đầu bấm máy. Ở các nước có nền điện ảnh phát triển cũng vậy. Có khi họ dành tới 30 - 40% kinh phí cho quảng bá với rất nhiều hình thức khác nhau. Ví dụ phim "Trân Châu cảng", họ thuê cả một bến cảng, chiến hạm cùng các tàu bè với rất đông diễn viên, tổ chức bắn pháo hoa như bối cảnh trên phim. Nhiều phim thì tổ chức mời đạo diễn, diễn viên ngôi sao giao lưu, in hình diễn viên lên áo phông, mũ...

Để có được bộ phim hay thì kịch bản văn học phải hay. Vai trò của đạo diễn, diễn viên vô cùng quan trọng. Những diễn viên ngôi sao có sức hút riêng bởi họ có lực lượng fan đông đảo ví dụ như Hoài Linh, Thái Hòa, Trấn Thành... hoặc có những đạo diễn được mệnh danh là "ông vua phòng vé" như Victor Vũ...

"Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" là một trong những minh chứng rõ nét cho điều này. Chuyển thể từ một tác phẩm văn học nổi tiếng sang ngôn ngữ điện ảnh giúp phim chưa ra mắt đã gây chú ý, tò mò cho khán giả. Đạo diễn đã tạo dựng được những góc quay đẹp, diễn xuất của diễn viên rất tự nhiên, trong sáng. Phim đã đưa được một câu chuyện đẹp, trong sáng lên màn ảnh lớn với những phần sâu thẳm, đẹp đẽ nhất của tâm hồn, của ký ức tuổi thơ. Ai xem cũng thấy có mình trong đó. Bộ phim còn là sự kết hợp thành công giữa sự đầu tư của Nhà nước và hãng phim tư nhân.

- Tuy nhiên, vẫn có những bộ phim được quảng bá rầm rộ, có sự xuất hiện của những ngôi sao mà vẫn thất bại, thưa ông?

+ Đúng vậy, trong số những phim Việt Nam phát hành tại thị trường cả nước nói chung và ở TTCPQG nói riêng có một số bộ phim Việt Nam không đạt được doanh thu, lượng khán giả như kỳ vọng, ví dụ như "Truy sát". Bản thân Trương Ngọc Ánh cùng đoàn làm phim đã rất cố gắng nhưng kịch bản chưa được trau chuốt, một số tình tiết chưa hợp lý. Xét ở khía cạnh phim hành động trinh thám, võ thuật hấp dẫn thì cũng chưa tới.

Thời điểm ra mắt phim cũng rất quan trọng. Thường các hãng phát hành chọn thời điểm trước những dịp nghỉ lễ, Tết để ra mắt. Tuy nhiên có những trường hợp đặc biệt cho thấy thời điểm ra mắt không phải là yếu tố quyết định tất cả như "Để Mai tính" ra mắt vào tháng 3, tháng 4 hay "Tấm Cám - chuyện chưa kể" ra mắt đúng ngày mưa bão... nhưng khán giả vẫn đến xem rất đông.

- Ông nhìn nhận thế nào về thị trường phim Việt Nam trong tương quan với các phim nước ngoài đang ồ ạt chiếu cùng thời điểm?

Tôi cho rằng, điện ảnh là thị trường rất tiềm năng. Bằng chứng là hiện nay nhiều đơn vị vẫn tiếp tục đầu tư xây dựng nhiều cụm rạp trên khắp cả nước. Rõ ràng làm ăn tốt họ mới đầu tư. Và khi họ có số lượng cụm rạp lớn trong tay thì họ có tầm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phát hành, phổ biến phim tại Việt Nam.

- Xin cảm ơn ông!

Hy vọng có nhiều bộ phim Việt đoạt doanh thu lớn như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”.

PV
.
.