Ngành Xuất bản trong “cơn lốc” 4.0
- Ngành xuất bản: Trong cái khó có “ló” cái khôn?
- Quy hoạch lại ngành xuất bản: Muộn còn hơn không
- Vì sao ngành xuất bản còn nhiều vi phạm và khó xử lý?
- Cần cơ chế hỗ trợ thích hợp để “cứu” ngành xuất bản
- Ngành xuất bản đang "quá tải"?
Công nghệ thay đổi ngành Xuất bản
Mai Quỳnh Nga
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không còn là khái niệm xa lạ ở trời Tây. Nó cũng chẳng phải là khái niệm trừu tượng vĩ mô xa tầm với mà hiện hữu ngay trong những cuốn sách độc giả cầm trên tay. Trong một buổi làm việc với Hội Xuất bản Việt Nam mới đây, bà Claudia Kaiser, Phó Chủ tịch Hội sách quốc tế Frankfurt (Đức) – hội sách lớn nhất thế giới – khẳng định: Tiến vào thời 4.0, chưa bao giờ nền xuất bản thế giới nói chung và Đông Nam Á nói riêng phát triển mạnh mẽ như hiện nay, nhưng đồng thời cũng biến đổi mạnh mẽ như lúc này.
Ở kỷ nguyên của thế giới số và trí tuệ nhân tạo, ngành Xuất bản bị cạnh tranh khốc liệt bởi các loại hình giải trí mạng. Bà Kaiser cho hay, top bảy nước có nền xuất bản lớn nhất thế giới (chiếm đến 2/3 tổng lượng xuất bản toàn cầu) là Mỹ, Trung Quốc, Đức, Nhật Bản, Anh, Pháp, Ấn Độ đang phải gánh chịu sự sụt giảm doanh số mỗi năm.
Các tập đoàn xuất bản chính thống không còn đóng vai trò chủ đạo mà vai trò này đã thuộc về Facebook, Google, Amazon, Apple... - các tập đoàn truyền thông xã hội. Facebook, Google, Amazon nghiễm nhiên trở thành những nhà xuất bản lớn thế giới. Họ có ưu thế về nguồn vốn, khả năng phát hành mạnh mẽ và đặc biệt nhanh nhạy khi đưa ra các dịch vụ về sách ngày càng hấp dẫn hơn.
Thị trường xuất bản Việt Nam đang “lột xác” để thích ứng với thời đại 4.0 (Trong ảnh: Một góc Hội sách TP Hồ Chí Minh 2018). |
Sách điện tử (ebook) cũng đang mất dần thế mạnh dù nó được kỳ vọng là phiên bản hoàn hảo của sách giấy trong thời đại 4.0. Tại Mỹ vào cuối những năm 2009 - 2010, ebook chiếm đến 50% doanh số thị trường sách. Thế nhưng, đến nay ebook chỉ còn chiếm từ 5% -10% doanh số sách bán ra. Ebook mất dần thị phần bởi nó chỉ răm rắp thực hiện đúng sứ mệnh “phiên bản hoàn hảo của sách giấy” mà chưa hề có sự thay đổi mới mẻ nào để trở thành một sản phẩm số riêng biệt, tích hợp nhiều chức năng như độc giả mong muốn.
Theo bà Claudia Kaiser, bên cạnh thách thức, thời đại 4.0 cũng mang đến cho xuất bản những cơ hội lớn. Đó là dân số thế giới tăng nhanh với số người biết đọc biết viết tăng cao. Độc giả trẻ đọc sách nhiều hơn thế hệ trước và số lượng sách dành cho đối tượng này cũng phát triển.
Ngoài ra, một trong những xu hướng quan trọng nhất hiện nay chính là việc nhà xuất bản và độc giả tương tác trực tiếp mà không cần qua khâu phân phối trung gian nào. Điều này có được nhờ thành tựu kết nối mọi khoảng cách của công nghệ. Từ đó, thị trường xuất bản giữ được nguồn độc giả tiềm năng, ổn định, bắt kịp nhu cầu, thị hiếu của họ. Việc tác giả tự xuất bản dựa trên nền tảng công nghệ cũng là một xu hướng tạo ra thách thức không nhỏ cho xuất bản truyền thống.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường xuất bản Việt Nam những năm gần đây đã chứng minh khả năng nắm bắt nhanh nhạy những cơ hội trên. Từng mùa hội sách kết thúc, từng năm tổng kết đường sách, doanh thu năm sau luôn cao hơn năm trước ít nhất 15%. Số lượng giới trẻ đọc sách tăng mạnh, các tác giả trẻ có sách bán chạy ngày càng nhiều.
Ngoài đường sách, chúng ta còn các thành phố sách khai trương ở Bình Dương, TP Hồ Chí Minh. Các hình thức tương tác với sách như lì xì bằng sách, tặng quà sinh nhật bằng sách...; độc giả tương tác với nhà xuất bản bằng tem thông minh, ứng dụng công nghệ; tương tác với tác giả bằng những buổi ký tặng, hỏi đáp trên fanpage, giao lưu gặp gỡ... ngày càng được đầu tư nhân rộng.
Thế nhưng sự tăng trưởng đáng mừng này chưa hẳn tỉ lệ thuận với sự đi lên của khuynh hướng thẩm mỹ. Thời đại 4.0 gấp gáp, bận rộn thường đi kèm với văn hóa “fast food”. Độc giả trẻ có xu hướng xem nhanh, đọc nhanh nên chọn lựa những sản phẩm “mì ăn liền” dễ đọc, dễ hiểu.
Điều này đã được minh chứng bằng những tựa sách best-seller trong những năm gần đây. Văn hóa ngoại lai xâm lấn, cạnh tranh nguồn độc giả cũng là một thách thức không nhỏ. Để nâng cao chất lượng hình thức lẫn nội dung, nâng cao thị hiếu của độc giả, ngành Xuất bản Việt Nam phải nỗ lực thay đổi không ngừng, mở ra các mô hình kinh doanh mới thích ứng với thời đại mới.
Bà Ngô Phương Thảo, Giám đốc Công ty sách Anbooks: Ứng dụng công nghệ để hiểu độc giả cần gì
Triết lý kinh doanh của chúng tôi là lấy người đọc làm trung tâm. Chúng tôi không bắt đầu bằng việc tìm hiểu xem độc giả yêu thích cái gì mà xem độc giả cần cái gì. Bởi đôi khi có những thứ người ta rất cần nhưng người ta không hề biết mình cần nó. Chúng tôi tự hỏi xã hội Việt Nam cần gì? Xã hội Việt Nam hiện nay có sự đứt gãy rất lớn giữa các thế hệ. Những thế hệ không hiểu nhau, không nói chuyện được với nhau, không tương tác được với nhau.
Trong quá trình toàn cầu hóa, nước ta du nhập nhiều dòng văn hóa ngoại lai và chạy theo rất nhanh các trào lưu thế giới mà đánh mất đi rất nhiều giá trị bản sắc cốt lõi. Điều đó rất nguy hiểm. Khi Internet xóa nhòa mọi ranh giới thì con người có thể làm việc ở bất kỳ quốc gia nào trong tương lai. Vậy sự khác biệt của một công dân toàn cầu người Việt và một công dân toàn cầu người Mỹ là gì? Tất cả những điều này phải được trả lời rõ ràng trước khi chúng ta bước ra thế giới.
Tôi cho rằng giới trẻ Việt Nam bắt đầu đứng trước một thách thức quá lớn, đó là khi công nghệ phát triển và quá trình toàn cầu hóa phủ sóng, đông đảo người nước ngoài vào sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Người nước ngoài làm việc ở những vị trí cao hơn, được trả lương nhiều hơn các bạn trẻ Việt Nam vì họ giỏi hơn, tự tin hơn giới trẻ nước ta. Vậy giới trẻ Việt phải nhìn lại mình, tại sao số lượng người Việt làm việc ở đất nước khác không nhiều như họ? Tại sao mình không được trả lương cao như họ?
Đến lúc này các bạn buộc phải thay đổi, đòi hỏi các bạn phải tìm tòi và đọc những cuốn sách có giá trị sâu sắc, mở rộng tầm nhìn, khai thác tư duy và năng lực chứ không đơn giản gói gọn trong truyện ngôn tình, tản mạn.
Nhiệm vụ của chúng tôi tìm kiếm những người hiểu vấn đề này và sẵn sàng muốn truyền đạt lại kinh nghiệm cho các bạn trẻ, giúp họ hiểu chính mình, đất nước mình và nối gần khoảng cách thế hệ trong thời đại số. Mỗi tác giả mà chúng tôi lựa chọn là những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực của mình, đồng thời họ cũng sẵn sàng nâng đỡ thế hệ kế tiếp.
Do đó, ngay từ khi mới thành lập vào 2016, Anbooks đã tìm cách kết nối giữa tác giả và độc giả, rút ngắn khoảng cách địa lý - vật lý giữa tác giả - độc giả và nhà sản xuất. Đó là lý do mà ứng dụng giải pháp công nghệ Social Books (hay còn gọi là sách tương tác thông minh) của chúng tôi ra đời. Social Books là giải pháp cho phép cuốn sách có thể giúp độc giả nói – viết – chia sẻ cảm nhận và tương tác với nhiều đối tượng có liên quan đến cuốn sách, đồng thời nhận được nhiều ưu đãi hơn về những nội dung ngoài sách chỉ thông qua một biểu tượng (tem QR code) nhỏ dán trên bìa sách.
Nói cách khác, giờ đây, thay vì mua một cuốn sách và chỉ được đọc các thông tin trên sách, thì độc giả có thể nhận được nhiều hơn: kết nối với cộng đồng độc giả đang đọc cùng cuốn sách đó, kết nối với tác giả, nhà sản xuất - đơn vị phát hành, nhận thêm những ưu đãi nội dung và các quà tặng khác từ phía nhà sản xuất và đối tác phân phối.
Thị hiếu của bạn đọc không có lỗi. Vì giữa những đầu sách dễ đọc và khó đọc, giữa hấp dẫn và khô khan, người ta luôn chọn vế đầu. Quan trọng là nhà sản xuất có tạo ra được những đầu sách giá trị, bổ ích, đáp ứng đúng nhu cầu bạn đọc mà vẫn hấp dẫn, dễ đọc hay không?
Ứng dụng giải pháp Social Books vào những đầu sách, chúng tôi chỉ mong mỏi một điều duy nhất: Tạo điều kiện cho độc giả gặp được những tác giả có giá trị, có chuyên môn sâu để học hỏi từ các tác giả này nhiều hơn, từ đó giúp các bạn có cái nhìn rộng hơn, sâu hơn về đời sống xã hội; trang bị cho các bạn bản lĩnh, hành trang vào đời trong thời đại mới.
Về phía nhà sản xuất và tác giả, họ sẽ nhận được phản hồi của bạn đọc từ khắp mọi nơi (trong nước và nước ngoài) và xử lý vấn đề của bạn đọc, từ đó nhà sản xuất, tác giả đánh giá được thang đo hài lòng của độc giả và đem ra những cải thiện tốt hơn cho sản phẩm.
Chúng tôi rất vui mừng khi ứng dụng Social Books đã và đang bắt kịp một trong những xu hướng lớn của ngành Xuất bản thế giới hiện nay: nhà xuất bản - độc giả - tác giả tự tìm đường đến với nhau, tương tác trực tiếp với nhau để nâng cao nhu cầu và lợi ích của các bên. Đây là xu hướng mà thị trường xuất bản Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc dù tốc độ phát triển của chúng ta chưa thể sánh bằng các nước phương Tây.
Trương Thị Phương Thảo, sinh viên năm thứ 4 Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Văn Hiến: Quảng bá trên mạng xã hội, sách có giá trị cao sẽ thu hút nhiều người đọc
Mỗi lần TP Hồ Chí Minh khai mạc hội sách, sinh viên chúng tôi lại đi trẩy hội rất đông. Thế nhưng, đa số bạn bè tôi đến đây mua sách thì ít, ngắm sách và chụp ảnh để theo kịp phong trào thì nhiều. Ít nhất có cái hình về khoe: “Tao cũng đi hội sách nhá”. Có bạn cũng mua sách. Nhưng đa số chọn truyện ngôn tình, sách tản văn hoặc sách giải trí của mấy tác giả trẻ đang hot, ra mắt sách rầm rộ. Một số khác mua sách giá trị (vì ai đó xúi) nhưng chỉ đọc qua loa vài trang rồi bỏ xó (nếu không bị bắt buộc làm luận văn, thuyết trình) vì sách dạng này khó đọc, khó hiểu.
Thế hệ tôi, các bạn thường dành thời gian lên mạng, lướt net nhiều hơn là đọc sách giấy. Tôi nghĩ các cuốn sách có giá trị cao cần phải được trình bày, thể hiện sao cho phù hợp với số đông độc giả. Chúng cũng cần được PR bài bản, lôi cuốn không kém gì các cuốn sách giải trí thì mới mong thu hút bạn đọc trẻ. Nếu các nhà xuất bản chiếu cố đến dòng sách giá trị, hàm lượng kiến thức cao được một góc như những buổi ra mắt sách ngôn tình, tản văn, du ký… là đã mừng lắm rồi. Bởi những đầu sách này giúp người đọc thu lượm vô số kiến thức bổ ích, thiết thực mà không cần có ai dạy dỗ.
Trong thời đại này, việc quảng bá sách trên mạng xã hội hay YouTube cũng là cách làm rất hay và thu hút đông đảo bạn đọc trẻ - những người luôn ưa chuộng cái mới và tiện ích của công nghệ. Nhà xuất bản hoặc tác giả có thể giới thiệu thông tin thú vị, hay ho về quyển sách qua giọng đọc truyền cảm của một bạn trai xinh gái đẹp nào đó. Hiện tượng “nổi tiếng chỉ sau một đêm” không xa lạ gì với thời mạng xã hội bây giờ. Nhiều sự kiện, gương mặt đã nổi lên bằng cách này trên mạng.
Vì vậy tôi nghĩ làm nên hiện tượng mạng cho các đầu sách giá trị thì có khó gì. Quan trọng là người ta có chịu làm hay không mà thôi. Tương tác với độc giả bằng các buổi giao lưu ký tặng cũng rất hay nhưng không gì nhanh nhạy bằng công nghệ. Do vậy, chúng ta nên tận dụng tiện ích của nó để quáng bá những giá trị đích thực, nâng cao thị hiếu độc giả.
Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam: Xuất bản Việt Nam đang bắt kịp xu hướng thế giới
Phan Thi Uyên (thực hiện)
- Ông đánh giá như thế nào về thị trường xuất bản Việt Nam hiện nay?
+ Mặc dù ngành Xuất bản Việt Nam chưa làm được một thống kê đầy đủ để xác định sự tăng trưởng với những số liệu cụ thể của ngành Xuất bản nói chung và thị trường tiêu thụ sách nói riêng hằng năm, nhưng qua một số kênh thông tin nắm bắt được, tôi cho rằng thị trường sách Việt Nam đang có những chuyển biến rất tích cực.
Cụ thể, sản lượng sách tiêu thụ và doanh thu của các nhà xuất bản, doanh nghiệp phát hành sách có sự tăng trưởng đáng khích lệ. Hai công ty phát hành sách lớn nhất cả nước là Fahasa và Phương Nam Book đều có doanh thu năm sau luôn cao hơn năm trước với tỷ lệ trên dưới 20% và tăng đều trong các năm gần đây. So với hội sách hai năm trước, Hội sách TP Hồ Chí Minh lần thứ 10 – năm 2018 dù có số gian hàng không tăng nhiều nhưng doanh thu bán sách tăng 23%.
Doanh thu của Đường sách TP Hồ Chí Minh năm 2017 tăng gần gấp đôi năm 2016. Những năm trước đây, một tác giả được giới trẻ yêu thích chỉ có số bản in lần đầu cho một tựa sách ở mức 1 vạn đến 2 vạn bản thì nay đã vượt lên con số cả trăm ngàn bản. Có một tác giả trẻ sắp đạt danh hiệu tác giả triệu bản. Đây quả là những con số đầy ấn tượng.
- Nhiều người cho rằng những con số ngất ngưởng đáng mừng tăng theo từng mùa hội sách, từng năm tổng kết đường sách hay sự phát triển rầm rộ của hoạt động phát hành, PR sách… không hẳn tỉ lệ thuận với việc nâng cao khuynh hướng thẩm mỹ, nâng cao văn hóa đọc. Bằng chứng là các đầu sách bán chạy hiện nay vẫn tập trung vào dòng ngôn tình, tản văn, du ký…
+ Tôi thừa nhận các dòng sách văn học như tản văn, du ký, lãng mạn nhẹ nhàng... có sức hút các độc giả trẻ mạnh nhất trên thị trường sách hiện nay, nhưng chúng ta cũng không vội đánh giá đó là chạy theo thị hiếu thấp kém, dễ dãi hay âu lo cho là văn hoá đọc xuống cấp. Sự thành công của những tác giả trẻ như Hamlet Trương, Iris Cao, Tony buổi sáng hay Anh Khang là nhờ sự đồng cảm tự nhiên, nhẹ nhàng giữa tác giả và độc giả về những vấn đề của lớp trẻ với nhau.
Các dòng sách khác như bổ sung kiến thức, kỹ năng sống, nghiên cứu lịch sử, văn hoá, văn học cổ điển, nhân vật hay các loại sách quản trị, kinh tế của các tác giả có uy tín vẫn bán chạy và tái bản nhiều lần. Điều này chứng tỏ các loại sách này vẫn có đối tượng bạn đọc đón nhận tích cực.
- So với các xu hướng xuất bản của thế giới, Việt Nam chúng ta đang đứng ở đâu?
+ Trên đà đất nước ta đã và đang hội nhập với thế giới ngày càng sâu rộng, hoạt động xuất bản cũng bắt kịp với trào lưu xuất bản thế giới một cách nhanh chóng. Đó là nhờ cung cách làm ăn ngày càng chuyên nghiệp của các nhà xuất bản (nhất là giới tư nhân làm sách rất năng động), cộng với sự thuận lợi của mạng Internet, công nghệ số hiện đại phát triển.
Ngành Xuất bản có những bước phát triển vượt bậc không chỉ bởi nội dung đề tài ngày càng đa dạng, hiện đại mà ngay cả chất lượng hình thức, kỹ thuật làm ra cuốn sách cũng tiếp cận được với những tiến bộ kỹ thuật thế giới.
- Cơ hội và thách thức của ngành Xuất bản Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là gì? Chúng ta cần chuẩn bị ra sao để đón đầu cơ hội cũng như vượt qua những thách thức đó?
+ Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đi kèm với cuộc cạnh tranh khốc liệt và làm thay đổi vai trò của các nhà xuất bản truyền thống lớn trên thế giới như Hachette Book Group, Penguin Random House... Nó thay đổi bởi sự lên ngôi của các trang mạng xã hội, các nhà xuất bản tên tuổi như Google, Amazon, Apple, Facebook... cho đến hình thức người viết tự xuất bản, tự giới thiệu tác phẩm của mình nhờ sự tiếp sức của “người khổng lồ” Amazon – Kindle (31% sách điện tử là sách tự xuất bản được Amazon bán trên Kindle với dịch vụ đọc sách không giới hạn, và Amazon trả nhuận bút cao gấp đôi, thậm chí gấp ba).
Khi đó vấn đề bản quyền là một thách thức rất lớn giữa tác giả và nhà xuất bản truyền thống. Việc Amazon vào Việt Nam và thực hiện chính sách cạnh tranh như trên với các nhà xuất bản Việt Nam là tương lai không xa. Đó sẽ là thách thức vô cùng khó chịu với các doanh nghiệp xuất bản Việt Nam.
Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng sẽ tiếp tục làm thay đổi vai trò của sách điện tử so với sách in trên giấy. Mấy năm trước đây, sách điện tử ra đời thành xu thế vượt trội rồi lại thất thế, nhưng chắc chắn một thời gian nữa sẽ là sự trở lại của sách điện tử. Người ta đã tính đến sự chuyển đổi để thích ứng với thời đại mới, đó là sự ra đời của dịch vụ “in theo nhu cầu”.
Ở Việt Nam, do độ trễ của một thị trường xuất bản chậm phát triển hơn nên chưa thấy những thách thức trên diễn ra gay gắt như ở các nước phát triển. Do đó các doanh nghiệp xuất bản mang tính truyền thống của ta vẫn còn “ung dung tự tại”. Các nhà sách lớn vẫn nườm nượp khách nên cũng chưa thật sự quan tâm đến những thách thức hoặc có những giải pháp thích ứng nào trong giai đoạn hiện nay.