Năm mới và sự thức tỉnh của ý thức

Chủ Nhật, 14/02/2021, 07:24
Từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim, trong quan niệm của nhiều người, năm mới luôn mở ra vận hội làm thay đổi số phận. Tất cả đều đến từ sự đón đợi những bất ngờ, may mắn cũng như xua đi cái rủi ro, đen đủi. Nhưng có lẽ, sự thành công không nằm ở sự đón đợi thụ động của chúng ta mà bắt đầu từ sự thức tỉnh từ chính bản thân mình. Sự thức tỉnh của ý thức chính là vị thần may mắn đem đến tài lộc và hạnh phúc...


Qua thời gian, với những bước tiến của khoa học, công nghệ, chúng ta càng cảm nhận rõ hơn sức mạnh trí tuệ của con người trong việc cải tạo môi trường sống, ứng xử với thiên nhiên. Nhưng, cũng theo thời gian, chính con người đang phải loay hoay trước những bài toán về biến đổi khí hậu, hạn hán, lũ lụt… và vô vàn hiểm họa từ chính sự tác động của chúng ta làm mất đi sự cân bằng của tự nhiên. Người ta đã chụp được hình ảnh rác từ đáy đại dương, chứng minh được những căn bệnh ung thư từ môi trường làm việc.

 Hay như gần đây nhất là câu chuyện khắc phục sự cố đổ trộm dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước sạch Sông Đà năm 2019… Tất cả đến từ sự thiếu ý thức dẫn đến những thiệt hại rất lớn về kinh tế, sức khỏe… Một cá nhân thiếu ý thức (bệnh nhân số 1440) nhập cảnh trái phép không tuân thủ quy định về cách ly có thể khiến hàng trăm nghìn học sinh phải nghỉ học, hàng nghìn doanh nghiệp bị thiệt hại kinh tế…

May mắn không chỉ đến từ thành tâm lễ bái mà chính từ bản thân sự thức tỉnh của mỗi người.

Cũng lại câu chuyện về sự giàu có: Nhìn vào khối tài sản của một số tuyển thủ bóng đá… khi họ còn đang rất trẻ, chúng ta nhớ, từng có thời điểm bóng đá Việt Nam xuất hiện tình trạng bán độ và cả những mối nghi ngờ có tiêu cực. Không chỉ kết quả thi đấu của đội tuyển đáng thất vọng, lòng tin của người hâm mộ bị sụt giảm mà các doanh nghiệp tài trợ cũng không thật sự mặn mà, hợp đồng quảng cáo cũng không đến với các cầu thủ nữa. Sự thiệt hại về tinh thần đã đành, mà còn mất đi một nguồn đầu tư rất lớn cho thể thao, một khoản thu nhập lớn với chính các cầu thủ.

Chúng ta đều hướng đến việc cải thiện đời sống bằng những chính sách tốt đẹp. Để thực hiện được mục tiêu đó đã có nhiều bài toán được đặt ra như cải thiện được hạ tầng giao thông, khả năng ứng dụng công nghệ, chuỗi liên kết… Tất cả đều mang tính chiến lược để mở ra cơ hội thoát nghèo, tăng thu nhập cho mỗi người cũng như toàn xã hội. Ngày nay, những tuyến đường cao tốc đã giúp ngắn thời gian di chuyển, hệ thống internet và các ứng dụng đã giúp nâng cao hiệu quả trong giao dịch, quản lý; chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp giúp nâng cao giá trị sản phẩm… 

Như lời ông Võ Khanh, Giám đốc HTX Thương mại Công Bằng (Đà Lạt-Lâm Đồng) đã chia sẻ: “Cà phê của các thành viên được HTX thu mua với giá cao hơn thị trường từ 6.000-7.000 đồng/kg. Nhờ liên kết sản xuất sạch nên HTX đảm bảo được chất lượng lẫn số lượng nông sản để đáp ứng nguồn nguyên liệu cho doanh nghiệp chế biến. Mỗi năm, HTX cung ứng đều đặn khoảng 150 tấn nhân cho doanh nghiệp có trụ sở ở Hà Nội và tiêu thụ thị trường tự do khoảng 300 tấn”.

Trong thời đại kinh tế thị trường, mọi hoạt động của cá nhân đều có sự ảnh hưởng không nhỏ đến cộng đồng. Có lẽ không chỉ trong riêng sản xuất nông nghiệp, thể thao, phòng tránh dịch bệnh mà ở bất kì một hoạt động nào cũng cần đến ý thức liên kết, vì cái chung.

Một nhà cung cấp phân bón giả, một người ném đầu mẩu thuốc lá vào sọt rác trong khu chung cư, một người điều khiển xe cần cẩu để nâng nhấc một cây dầu cao hơn 10m (có báo đăng cây cao 17m) tại một vườn ươm và đã để vướng ngọn cây vào đường dây 500 KV tuyến Di Linh - Tân Định làm mất toàn bộ hệ thống điện miền Nam (năm 2013)… đều trở thành nguy cơ có xác suất cao phá hủy mọi công sức và thành quả của cộng đồng… 

Sự thiệt hại ấy, thêm một lần đẩy chúng ta lại gần với cái nghèo trong khi Chính phủ luôn tìm ra những giải pháp, từng người dân tìm cách sáng chế máy móc để nâng cao năng suất lao động. Tất cả nói lên một điều, sự nghèo nàn đến từ ý thức là một nguy cơ đáng sợ hơn bất kì thảm họa thiên tai, dịch bệnh nào khác.

Tục phóng sinh ngày càng bị biến tướng, làm mất đi những nét đẹp truyền thống.

Trong quá khứ, từng có nhiều thời điểm, sự giàu có của ý thức đã giúp chúng ta vượt qua khó khăn. Những quán hàng tự giác trong khu sơ tán, việc tự động trồng thêm nhiều hom sắn để nhân lên những rừng sắn trong chiến tranh. Tinh thần “tiêu thổ kháng chiến” để gây khó khăn cho bước tiến của giặc, dỡ nhà làm đường cho xe qua… đã giúp dân tộc ta chiến thắng những đội quân xâm lược được trang bị hiện đại.

Vậy đã bao giờ, chúng ta tự hỏi, sự thịnh vượng, an khang, tài lộc chỉ đến khi ta loại bỏ được những thói quen xấu, cái nhìn hạn hẹp và gây ra sự thiệt hại hay chưa?

1. Chúng ta dọn dẹp, trang trí tư gia, chọn màu sắc tươi mới, thành tâm lễ chùa… để vươn lên, vượt qua chính mình và cạnh tranh với người khác. Nhưng, không có nghĩa đạp lên tất cả bằng mọi giá. Sống trong một tổng thể, trước hết hãy là một cá nhân hoàn hảo. Chúng ta dành thời gian, tiền bạc để đi du lịch cũng chỉ nhằm mục đích tích lũy tri thức để bổ sung cho sự hiểu biết của mình, làm giàu có cho tâm hồn mình. Vậy bạn học được gì hay đến đó để xả rác? Để tiếp tục vụ lợi kiếm tiền cho những chuyến đi tận hưởng sự sạch sẽ, văn minh ở phương trời xa? Nên nhớ, nếu không gian sống của bạn ô nhiễm về cả môi trường lẫn tinh thần sẽ không có cuộc đổi gió nào đem lại hiệu quả.

2. Không thể có một xã hội tốt đẹp, một năm may mắn nếu chỉ mình bạn thành công. Trong thế giới toàn cầu hóa, mỗi cá nhân như một mắt xích, bạn sẽ phải mất khá nhiều tiền bạc, công sức để khắc phục cho sự mất cân bằng trong môi trường sống. Bạn là người giàu có vì phá rừng, vì xả thải thì chính gia đình, con cháu bạn sẽ phải trả giá cho tội ác đó. Bạn không thể sống khép mình trong một xã hội cần sự giao lưu và kết nối. Hiển nhiên, câu chuyện trọc phú một thời như gia đình Bá Kiến, Nghị Quế sẽ không thể tồn tại trong một xã hội cần hội nhóm, kết nối như ngày nay.

3. Sự thức tỉnh của ý thức chính là bất ngờ lớn nhất, vận hội lớn nhất cũng chính là thách thức lớn nhất. Khi xã hội càng phát triển, chúng ta càng đòi hỏi nhiều thước đo về sự chuẩn mực. Từ quan hệ gia đình đến ứng xử nơi công sở, từ các văn bản được ban hành đến những dòng trạng thái, bình luận tưởng như chỉ tào lao, vu vơ trên mạng xã hội… Càng có nhiều sự giám sát, càng thấy sự ý thức của mỗi cá nhân là điều quý giá. Tự biết mình là ai? Mình đến đâu? Biết cúi đầu, nên dừng lại, biết xấu hổ… tất cả đều trở thành bài học quý giá, thứ tài sản quý giá mà đôi khi ta ngỡ phải thỉnh giáo cao tăng, đọc sách mới ngộ ra được.

4. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng phát biểu: “Nếu toàn dân đồng lòng, toàn dân chống dịch thì nhất định chúng ta sẽ chiến thắng”. Sự đồng lòng ấy phải chăng chính là đòi hỏi mỗi người hãy ý thức bằng một cách khác nhau, vượt qua những thói quen nguy hại, những sai lầm để cùng tới đích, cùng giành chiến thắng. Trên mặt trận kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng hay văn hóa, văn nghệ… đều chỉ có thể ổn định, phát triển và khởi sắc dựa trên sự đồng thuận từ các thành tố. 

Bước sang năm mới, từng cá nhân mỗi người có phút sống chậm, cùng suy ngẫm về cuộc đời mình, về những gì đã làm được, những gì còn ước mơ, khao khát… Tất cả sẽ chỉ có thể đến gần hơn khi chính bạn đã và đang làm tốt hơn công việc của mình, tránh để không trở thành một “tội đồ” phá hoại những thành quả của cộng đồng. 

Hãy cùng nỗ lực, đánh thức ý thức sống văn minh, có trách nhiệm của một người công dân hiện đại để rồi chúng ta sẽ cùng tận hưởng thành quả mà mình đã được góp một phần công sức nhỏ bé. Năm mới của tất cả mọi chúng ta, mở ra cho tất cả chúng ta những cuộc đối đầu tự chiến thắng chính bản thân mình… Sự thức tỉnh ý thức cá nhân để hướng đến một tinh thần đoàn kết của cả dân tộc và cộng đồng.

Mai Phương
.
.