Lại nói chuyện Việt hóa gameshow nhập ngoại

Thứ Ba, 10/04/2018, 08:20
Thông tin show truyền hình hẹn hò thực tế hấp dẫn và ăn khách nhất thế giới "The Bachelor" sắp có phiên bản Việt hóa thu hút sự chú ý của truyền thông cũng như khán giả. Rất nhiều người tò mò đặt câu hỏi, không biết "The Bachelor" sẽ được Việt hóa thế nào để phù hợp với văn hóa phương Đông, thuần phong mỹ tục Việt Nam khi phiên bản gốc có không ít cảnh hở bạo, sex, thậm chí là bê bối tình dục.


Gameshow hẹn hò đầy cảnh nóng ra sao khi được Việt hóa?

"The Bachelor" phiên bản Việt có tên gọi là "The Bachelor Việt Nam - Anh chàng độc thân". Chương trình được mua bản quyền từ Warner Bros do bốn công ty là Happy Canvas Film, Multimedia JSC, Big Cat Entertainment và Fussion3 Media phối hợp sản xuất.

"Anh chàng độc thân" dự kiến gồm 14 tập phát sóng hằng tuần trên kênh truyền hình HTV7 trong năm 2018 (lịch phát sóng cụ thể chưa được công bố). Mới đây, ngày 29-3 vừa qua, Hoa khôi Lan Khuê chính thức xác nhận là Giám khảo vòng sơ tuyển tại Hà Nội (ngày 8-4) và TP. Hồ Chí Minh (ngày 14-4). Hai giám khảo còn lại vẫn chưa được hé lộ.

Theo format của "The Bachelor", 25 cô gái đại diện cho 25 mẫu hình phụ nữ trong thời đại mới với những tính cách, xuất thân, sở thích khác nhau nhưng đều có điểm chung là luôn chủ động và dám đấu tranh cho tình yêu của mình sẽ tham gia chương trình.

"Vì yêu mà đến" bị đánh giá là phiên bản Việt hóa không thành công của "Phi thường hoàn mỹ".

25 cô gái sẽ tham gia vào cuộc hành trình với nhiều thử thách hấp dẫn với một chàng trai độc thân, có đầy đủ tố chất của một "soái ca" để cuối cùng tìm ra tình yêu đích thực của đời mình. Hiện nay, chương trình đã nhận được gần 200 hồ sơ đăng ký dự thi online, trong đó có nhiều hồ sơ chất lượng của thí sinh Việt Nam hiện sống tại Đức, Mỹ, Australia.

"The Bachelor" ra đời năm 2002 và đã có hơn 22 mùa lên sóng thành công tại Mỹ. Khi mới lên sóng mùa đầu tiên, chương trình ngay lập tức gây sốt, trở thành một hiện tượng trên kênh truyền hình ABC. Đến nay, "The Bachelor" đã được mua bản quyền tại 30 quốc gia trên khắp thế giới, trong đó có một số quốc gia châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản. Điều đáng nói là, bên cạnh việc tạo ra một hiện tượng truyền hình, thu hút đông đảo khán giả trên khắp hành tinh, "The Bachelor" cũng bị chỉ trích nặng nề với hàng loạt bê bối.

Có thể "điểm" qua một vài ví dụ: trong mùa "The Bachelor" 20 (lên sóng năm 2016), người chơi nữ tên là Courtney và nhân vật nam chính không ngần ngại cởi đồ, ân ái bên bờ biển ngay trước ống máy quay hay trong mùa thứ 12 (lên sóng năm 2008), cô gái tên là Stacey đã nhét chiếc quần lót vào túi quần người nam để gây sự chú ý…

Bên cạnh đó, những cảnh thân mật, ôm, hôn, ăn mặc hở hang, phóng khoáng kiểu phương Tây cũng xuất hiện tràn lan trong chương trình. Đó là chưa kể đến những lùm xùm xung quanh việc người chơi tố nhân vật nam chính ép quan hệ tình dục hay có quan hệ "ngoài luồng" với nhà sản xuất.

Rõ ràng, với những gì đã diễn ra ở "The Bachelor" phiên bản gốc, khán giả lo ngại một phiên bản "Anh chàng độc thân" lỗi, không phù hợp với văn hóa Việt là điều hoàn toàn có cơ sở. Thực tế cho thấy, không ít gameshow Việt hóa bị "ném đá" tơi tả vì không truyền tải đúng thông điệp của phiên bản gốc hoặc không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt.

Chia sẻ với báo giới, đại diện chương trình "Anh chàng độc thân" cho biết, khi về Việt Nam, "The Bachelor" chỉ giữ lại format gốc và sẽ thay đổi nhiều chi tiết để phù hợp với văn hóa phương Đông. Đồng thời, đội ngũ biên tập sẽ kiểm duyệt nội dung nhằm đảm bảo không xảy ra scandal ngoài ý muốn. Tuy nhiên, nhiều khán giả cho rằng, những cảnh quay lãng mạn, thậm chí là "nóng" trong gameshow hẹn hò mới là "mồi" ngon để hút truyền thông, tăng rating và các nhà đầu tư không dễ dàng bỏ qua chuyện này. Bên cạnh đó, nếu không có những cảnh quay tình tứ, lãng mạn thì đó cũng không còn là một gameshow hẹn hò nữa.

Không ít gameshow "Việt hóa lỗi"

Gameshow Việt hóa bị đánh giá là "phá nát" phiên bản gốc phải kể đến "Vì yêu mà đến" lên sóng HTV7 hồi cuối năm 2017, đầu năm 2018 vừa qua. "Vì yêu mà đến" được mua bản quyền từ chương trình "Phi thường hoàn mỹ" - gameshow hẹn hò nổi tiếng bậc nhất Trung Quốc. Khán giả từng xem phiên bản gốc "Phi thường hoàn mỹ" chia sẻ rằng, họ kỳ vọng "Vì yêu mà đến" bao nhiêu thì thực tế càng thất vọng bấy nhiêu. "Vì yêu mà đến" bị đánh giá là truyền tải không đúng thông điệp của "Phi thường hoàn mỹ".

"Phi thường hoàn mỹ" có sự tham gia của hàng loạt nam khách mời điển trai, không liên quan gì đến showbiz. Các cô gái khi đăng ký tham gia chương trình sẽ có cơ hội tỏ tình với người mình yêu thích và nếu thành công, cô gái và chàng trai sẽ bắt đầu hẹn hò. Tuy nhiên, về Việt Nam, khách mời nam lại là những nghệ sỹ có tiếng trong showbiz.

Sự khác biệt văn hóa trong phiên bản gốc của "The Bachelor" đặt ra những thách thức không nhỏ khi Việt hóa.

Nhiều người cho rằng, sự xuất hiện của các ngôi sao trong chương trình thực chất là cách để câu view do họ có lượng fan đông đảo nhưng lại làm chương trình không đúng với tinh thần của phiên bản gốc. Ngoài ra, những màn tỏ tình trong "Vì yêu mà đến" cũng bị chê là gượng ép như học thuộc bài. Vì các khách mời nam là nghệ sỹ nổi tiếng nên cuộc gặp gỡ với người chơi nữ cũng giống như cuộc gặp gỡ giữa fan với thần tượng.

Chương trình "Người giấu mặt" (dựa theo format chương trình "Big Brother" của tập đoàn Endemol" lên sóng hồi tháng 11-2013 trên VTV6) vấp phải sự phản ứng trái chiều từ dư luận. Theo format chương trình, những thí sinh tham gia được bố trí cùng ăn, ở trong một ngôi nhà biệt lập, có camera theo dõi 24/24 giờ. Các thí sinh phải tham gia các thử thách và bị loại dần qua từng tập để tìm ra người chiến thắng cuối cùng. Cũng từ đây, xuất hiện nhiều tình huống "oái oăm", dở khóc dở cười khiến khán giả bức xúc.

Trong một thử thách, các thí sinh được chia thành nhóm và yêu cầu chạy, thể dục để giảm tổng số cân là 18kg. Hai thí sinh nữ đã không ngần ngại lột quần áo khi cân ngay trước máy quay. "Người giấu mặt" hướng đến đối tượng khán giả trẻ nhưng bị đánh giá là thiếu tính giáo dục, định hướng khi hành động, ăn mặc, nói năng, đi lại của các nam thanh, nữ tú, thử thách, trò chơi trong chương trình phản cảm, lố bịch.

Nhiều khán giả lên tiếng cho rằng, những thử thách của chương trình bị "Tây hóa", không phù hợp với lối sống của thanh niên Việt Nam. Trên các mạng xã hội, làn sóng đòi tẩy chay chương trình vì lý do "nhạt, nhảm, vô bổ". Thậm chí, có ý kiến yêu cầu dừng phát sóng chương trình để đỡ "phí sóng" Đài truyền hình quốc gia.

Ngoài ra, một số gameshow cũng bị đánh giá là Việt hóa lỗi từ một số chương trình về âm nhạc có nguồn gốc từ Hàn Quốc như "Giọng ải giọng ai", "Ca sĩ giấu mặt", "Mặt nạ ngôi sao"… Dù phiên bản gốc ở xứ sở Kim Chi rất thành công, được đánh giá cao về sự mới lạ, độc đáo và tính giải trí thì nhưng khi về Việt Nam "bị biến dạng" không còn giữ được tinh thần của phiên bản gốc.

Gameshow truyền hình hiện vẫn là "món ăn" được nhiều khán giả ưa thích. Các nhà sản xuất liên tục "nhập khẩu", đổi món cho khán giả. Tôi cho rằng, trong vài năm tới đây, gameshow truyền hình có format nước ngoài tiếp tục "thống trị" thị trường giải trí Việt. Gameshow ngoại sẽ không đơn thuần là những chương trình tìm kiếm tài năng trong các lĩnh vực nghệ thuật như một vài năm trước mà sẽ chuyển sang khai thác nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội để đáp ứng thị hiếu đa dạng của khán giả.

Có thể, gameshow khai thác các vấn đề về lối sống, đời tư, chuyện tình cảm, những vấn đề thầm kín của con người sẽ xuất hiện nhiều hơn. Đây cũng là lĩnh vực mà sự khác biệt văn hóa giữa phương Đông và phương Tây khá rõ nét. Điều này đòi hỏi các nhà sản xuất phải lựa chọn, Việt hóa các chương trình ngoại một cách kỹ lưỡng, cẩn trọng để tránh tình trạng xuất hiện "rác" văn hóa, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam.

Phạm Thiên Giang
.
.