Khi sân khấu săn tiểu phẩm hài để tồn tại Sân khấu "vật vã" mưu sinh

Thứ Năm, 15/04/2021, 10:24
Sân khấu ngày nay đứng trước nguy cơ, tồn tại hay không tồn tại. Nhiều đoàn nghệ thuật đã phải tự giải thể khi qua thời bao cấp và không chống đỡ nổi khi ra cơ chế thị trường. Sân khấu quanh năm ảm đạm, nhà hát đóng cửa im ỉm thi thoảng đôi ba lần sáng đèn chiếu lệ khi có sự kiện, chỉ đến mỗi kì hội diễn, liên hoan mới tưng bừng đua sắc.


Nhưng, thời gian được đắm mình trong không khí hội hè đình đám ấy cũng chỉ được mấy ngày rồi lại quay về cảnh đìu hiu, vắng lặng. Không được bao cấp, các nghệ sĩ từ những đơn vị nghệ thuật vật vã mưu sinh, chạy đua bằng việc diễn hàng loạt tiểu phẩm hài để bóc ngắn, cắn dài. 

Khán giả bây giờ, công bằng mà nói cũng có thói quen đi xem sân khấu để giải trí là chủ yếu. Vì vậy, để tồn tại nhiều Nhà hát từ Nam chí Bắc đều phải đi "săn" các tiểu phẩm hài mua vui khán giả và cũng được sáng đèn sân khấu. 

Khán giả hiện nay đa phần chỉ thích xem hài kịch.

Một số các đơn vị nghệ thuật nằm ở vị trí đắc địa của Thủ đô, từ Nhà hát Tuổi Trẻ trên phố Ngô Thì Nhậm, đến Nhà hát kịch Hà Nội trên phố Tràng Tiền, tới Nhà hát Chèo Hà Nội phố Nguyễn Đình Chiểu, tiếp theo Sân khấu Lệ Ngọc phố Huế... vẫn thường xuyên duy trì bên cạnh những vở chính kịch, là song song những tiết mục hài kịch. 

Dựng hài kịch kinh phí không lớn, thời gian không nhiều mà khán giả vẫn đều đều đến rạp. Dựng chính kịch, hay còn là kịch luận đề, kịch tâm lý xã hội, mất nhiều thời gian, công sức, tiền của mà hiệu quả khán giả chưa chắc mang lại như mong muốn. 

Có những đơn vị nghệ thuật, vở chính kịch chỉ là để cho diễn viên thêm Huy chương Vàng, Huy chương Bạc sau mỗi kì hội diễn, sau này thêm điều kiện khi xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ sĩ nhân dân. Sau buổi "tàn canh" vở diễn ngốn nhiều kinh phí ấy lại bị "bó xó".

Đã qua rồi thời kì sân khấu một thời vàng son từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Lúc đó những đơn vị Nghệ thuật biểu diễn (Tuồng, chèo, cải lương, dân ca, kịch), từ Trung ương đến địa phương hoạt động tấp nập, những đêm diễn luôn chật kín khán giả. 

Tại ngôi nhà nhỏ trên phố Huế của nhà viết kịch sung sức Lưu Quang Vũ luôn có đến mấy người đại diện của các đoàn nghệ thuật chầu chực sẵn ở đó. Họ đợi nhà viết kịch nổi tiếng viết xong vở mới nào sẽ mang đi ngay để tập. Thời kì rực rỡ đấy kéo dài được hơn chục năm, rồi dần dần sân khấu lại đứng trước nguy cơ thưa thớt dần khán giả.

Nói về nguyên nhân vì sao sân khấu thưa vắng khán giả, đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Sân Khấu Việt Nam ngậm ngùi một nỗi thực tế: 

"Khán giả ngày nay có quá nhiều kênh giải trí để theo dõi. Họ không xếp hàng đi mua vé xem sân khấu nữa vì ở nhà đã có cái tivi tha hồ xem đủ cách kênh. Đầu tiên phải nói đến các chương trình truyền hình, trước đây cả nước chỉ có vài ba đài truyền hình ở các thành phố lớn, sau này địa phương nào cũng có kênh truyền hình riêng, chưa kể là ngay các Bộ cũng thành lập kênh truyền hình của riêng Bộ mình. 

Thêm nữa, mỗi một đài truyền hình còn có nhiều kênh để khán giả thoải mái lựa chọn với những tiêu chí riêng. Hàng loạt các chương trình game show hấp dẫn, phim truyền hình lên ngôi, phim Mỹ, phim hành động nước ngoài với hàng chục kênh khác nhau để lựa chọn. 

Thời đại công nghệ 4.0, chỉ cần có một chiếc laptop bạn có thể kết nối với cả thế giới. Những chương trình thông minh của máy tính với Facebook, Internet báo mạng khiến cho con người khó có thể rời nó, và rồi tất cả những điều đó làm cho sân khấu đứng trước sự lao đao, khó khăn đi dần vào ngõ cụt vì không còn là lự chọn hàng đầu của khán giả".

Bây giờ, hỏi tên diễn viên nổi tiếng, người ta chỉ nhớ đến tên của diễn viên hài: Trấn Thành, Trường Giang, Hoài Linh, Thành Trung. Một số diễn viên nổi lên "phần phật" nhờ công nghệ của truyền thông, nhờ tham gia ngồi ghế nóng trong các game show truyền hình, hoặc may mắn có vai trong một bộ phim truyền hình ăn khách được chiếu vào giờ vàng. 

Những diễn viên đình đám như NSƯT Xuân Bắc, NSND Tự Long, NSND Công Lý, NSƯT Quốc Khánh, NSƯT Chí Trung được khán giả cả nước biết đến cũng nhờ cả vào sự chạy sô game show và xuất hiện xúng xính trong  chương trình "Gặp nhau cuối năm" trên ti vi vào dịp tối 30 Tết. 

Nếu ví điện ảnh, truyền hình là biển cả mênh mông thì trái lại sân khấu chỉ là một cái hồ nhỏ hẹp. Nhưng cái hồ đấy đã từng có lúc rất đẹp như nói đến mùa thu thì không thể không có hồ nước trong xanh, tĩnh lặng. Tiếc thay, hồ nước ấy ngày nay bị xâm lấn và co cụm lại chỉ thành một cái ao. Và lắm lúc là một cái ao bèo. 

Sân khấu rồi sẽ ra sao? Sẽ đi về đâu? Lối thoát nào cho sân khấu hôm nay là vấn đề nhức nhối, một câu hỏi vẫn chưa tìm thấy câu trả lời.

Trông ngóng mòn mỏi chưa thấy một gương mặt xuất sắc - NSND Lê Tiến Thọ (Nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam)

Đời sống sân khấu ngày hôm nay thiếu kịch bản hay, thiếu những nhà phê bình lý luận giỏi. Những nhà lý luận phê bình được đào tạo ở các nước XHCN khi xưa như Liên Xô, Tiệp Khắc, Bungari, Trung Quốc... thì nay đã người còn, người mất. Người còn tuổi cũng đã cao, mắt mờ, xương đau không đủ sức khoẻ để xem một vở diễn kéo dài hai tiếng đồng hồ trên sân khấu. Trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội là cái nôi đào tạo ra những nhà lý luận phê bình sân khấu tương lai thì đội ngũ này lại quá mỏng, èo uột. 

Đời sống đang ăm ắp những điều nhức nhối như vấn nạn tham ô, tham nhũng của những viên quan tham hàng triệu đô, vơ vét bòn rút tiền của của nhà nước đang chờ thi hành án. Cảnh gia đình máu mủ tàn sát chém giết lẫn nhau vì tranh giành đất đai, nhà cửa mất đi mấy mạng người không còn là điều hiếm gặp. Vợ chồng xô xát, con cái hư hỏng hỗn hào. Sự lạnh lùng, dửng dưng của người dân trước cái ác đầy rẫy trong cuộc sống xung quanh ta. 

Dường như, thiếu đâu đó tiếng nói hôi hổi hơi thở đời sống, một tài năng biên kịch sân khấu đích thực. Từ ngày nhà biên kịch nổi tiếng Lưu Quang Vũ mất đi, đến giờ đã qua cả một chặng đường dài 30 năm có lẻ, trông ngóng mòn mỏi mãi mà vẫn chưa tìm thấy một gương mặt xuất sắc để thay thế?! 

Đã có những đêm diễn phải trả lại vé khán giả vì quá ít người xem. Câu trả lời là phải có khán giả, nếu không có khán giả thì sẽ không có sân khấu.

Sân khấu phải tự kiểm điểm mình trước - Nhà biên kịch Lê Quý Hiền (tác giả của vở diễn Huy chương Vàng - Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về Hình tượng người Chiến sĩ CAND lần thứ IV - năm 2020) 

- Hiện nay, có một thực trạng là khán giả có thói quen đến rạp bằng vé mời thì đông, còn để mua vé vào rạp thì người ta thường tìm đến những tiểu phẩm hài. Với chính kịch - kịch tâm lý xã hội lại rất ít khán giả, thực trạng đáng buồn này là do đâu, thưa ông? 

+ Sân khấu phát triển hay thụt lùi trước hết nguyên nhân là tại chính đội ngũ người làm sân khấu chứ đừng đổ cho khán giả. Tiên trách kỉ hậu trách nhân. Nghệ thuật cũng như món ăn. Khi cạnh tranh có rất nhiều món ăn được bày ra, vô số hàng được mời chào, đừng có nói giờ nhiều món quá nên hàng tôi bị ế. Tiếp thị anh không có. Nội dung anh không có. 

Khi đã là kinh tế thị trường, mọi cái bày ra bình đẳng như nhau, hợp khẩu vị thì người ta chạy đến. Bây giờ không phải như thưở xưa, đói kém cho ăn cơm nguội cũng được. Ngày xưa, chỉ cần nghe đến có văn công về thì người ta không cần biết diễn vở gì, loại hình nào: tuồng, chèo, cải lương hay kịch nói, ca nhạc, là kéo nhau ùn ùn đi xem. 

Sân khấu trước đây đơn giản, cắm hai cọc tre ở sân vận động là chiều đến người ta nấu cơm sớm rồi kéo nhau ra xem văn công. Bây giờ họ nhiều lựa chọn món ăn tinh thần cho mình chứ. Đây là một sự thách thức của người làm nghệ thuật. Khi người ta đã chọn rồi thì anh phải đáp ứng. Thứ hai là khi xã hội phát triển lên thì nhu cầu thưởng thức đa dạng hơn, cao cấp hơn. Anh không có tìm tòi thay đổi thì anh sẽ ngắc ngoải, tụt hậu. 

- Nhu cầu khán giả bây giờ cần giải trí hơn là đến rạp để tư duy, trăn trở...

+ Khán giả bây giờ cần giải trí. Ok, sân khấu cần giải trí, nhưng không có nghĩa là cả xã hội thích đi giải trí để tiêu bữa cơm chiều. Mà có những người đến với sân khấu là để tìm thấy chính họ ở trong đấy thì phải có những vở chính kịch, kịch luận đề, kịch tâm lý xã hội. 

Sân khấu bây giờ đa phần chạy theo sự dễ dãi. Người ta cứ hay nói là hài kịch chứ thử tìm ra một cái đúng là hài kịch xem nào?! Không có đâu, mà đấy là hề kịch. Đấy là tiểu phẩm nhái giọng hát và cù vào nách khán giả cho người ta cười. 

Cái đấy cũng cần, mình không phản đối hài kịch, hề kịch. Nhưng trong cái tỷ lệ kịch mục đấy nó thuộc về nhà quản lý. Nó thuộc về những người duyệt vở cho ra vở, đầu tư vở đặc biệt sân khấu miền Bắc (sân khấu bao cấp).

- Sân khấu nào sẽ có khán giả đó, người ta vẫn thường phân định rạch ròi kịch Bắc và kịch Nam.

+ Sân khấu miền Bắc có những bất cập, người làm quản lý không điều chỉnh kịch mục, thả nổi, nên dễ nhất là viết mấy kịch giải trí, vô thưởng vô phạt. Nếu kịch mục chỉ nặng về giải trí sẽ mất đi ý nghĩa cao đẹp của sân khấu. Đặc biệt sân khấu miền Bắc thời điểm này bao cấp không ra bao cấp, xã hội hoá không ra xã hội hoá. 

Hiện trạng sân khấu miền Bắc là nửa bao cấp, nửa thị trường. Anh nhận tiền bao cấp mà lại hoàn toàn vận hành theo cơ chế thị trường. Tại sao lại thế? Bởi vì khi bao cấp thì phải bao cấp về kịch mục. Còn kinh tế thị trường thì bỏ tiền ra muốn làm gì thì làm, góp tiền vào với nhau để làm vở được ăn, lỗ chịu. Thế bây giờ lại lẫn lộn giữa bao cấp và thị trường. Thứ hai nữa là bao cấp không đến nơi đến chốn. Bao cấp thì nên đến tận cùng nhưng người ta dành đến 40% kinh phí lại là để quảng cáo. 

Vấn đề nữa là lãnh đạo quan tâm đến cái gì thì phong trào lên theo cái đó. Ông thích thể thao thì thể thao lên. Tiếp theo là do các nhà hoạt động sân khấu - tác giả kịch bản bây giờ yếu. Chính thế nên ở các kì liên hoan sân khấu người ta cứ phải dùng kịch bản cũ vì người hồi xưa (tác giả Lưu Quang Vũ, Xuân Trình...) viết hay hơn.Trong Nam mỗi sân khấu có một đối tượng khán giả riêng. Vì đó là sân khấu xã hội hoá. 

Muốn xem kịch giải trí ra sân khấu Phú Nhuận, kịch Hồng Vân, IDECAF Thành Lộc. Muốn thưởng thức kịch tâm lý xã hội đến sân khấu Kim Chi, sân khấu nhỏ 5B. Sân khấu miền Nam làm nhiều món, có phong cách riêng, được định hình sẵn. Sân khấu miền Bắc không có phong cách riêng, nó là lẩu.

- Không phải sân khấu miền Bắc không có vở diễn hay, có những vở chính kịch rất hay nhưng vẫn không có khán giả, lỗi này do đâu? Có phải do khâu tiếp thị quá kém hay do thị hiếu khán giả?

+ Có một thực trạng mà ai cũng nhìn thấy, trong âm nhạc, hát nhạc nhí nhố thì nhiều người đi xem còn nhạc thính phòng Đặng Thái Sơn chơi piano ít người thưởng thức hơn, có khi đến nghe còn ngủ gật. Đấy là một sự thật. Nhưng chỉ chạy theo như thế thì đánh mất đi ý nghĩa...

- Đã có một thời người ta đổ xô đi xem kịch của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Thời đấy nay còn đâu...

+ Kịch Lưu Quang Vũ nhiều người xem thì trước hết kịch của ông phải hay đã. Kịch không hay không ai xem. Trong nghệ thuật là tài năng, chứ không phải đi học, đào tạo thật nhiều, đầu tư cho lắm, cái gì không hay cứ đổ tại tiền. Cho thật nhiều tiền cũng chẳng viết hay được, có khi lại còn dở hơn. Vậy thì không phải là vì kinh tế, không phải là vì hoàn cảnh. 

Bây giờ tác giả thoải mái được viết. Đảng, Nhà nước cho tự do chọn đề tài để thể hiện, thậm chí còn động viên để viết, cho muốn viết gì thì viết, nhưng có viết được đâu. Tôi chưa thấy vở kịch nào viết hay mà bị cấm. Sân khấu muốn hay trước hết phải có kịch bản hay. 

Mấy năm nay có hiện tượng kịch mục đem đi thi chủ yếu là kịch lịch sử.Vậy mà bao nhiêu chuyện xảy ra ở thời hiện đại ngồn ngộn chất liệu của đời sống người ta không viết mà bây giờ lại toàn viết kịch lịch sử. Vì sao?! Vì lười. Sáng tác kịch hiện đại là phải tư duy, phải nghĩ chi tiết này chi tiết kia, quan sát, bắt kịp cuộc sống. Còn anh "nhẩy" vào lịch sử vì đó là những câu chuyện, những chi tiết, tình huống đã có sẵn.  Đấy là anh chỉ minh hoạ lịch sử.

- Thật ra, vẫn có những vở chính kịch được dàn dựng hằng năm tại các nhà hát nhưng diễn để phục vụ hội diễn hay các kì liên hoan là chính. Có vở diễn, diễn xong ở các kì liên hoan hội diễn lại đắp chiếu để đấy...

+ Chuyện đó có thể hiểu thế này.Ví dụ như có một cây cầu, một cái chợ xây lên được duyệt rồi cắt băng khánh thành nhưng không có ai đi lên cây cầu, không có ai đến cái chợ ấy, có nghĩa là anh xây không đúng vị trí, không đúng nhu cầu nên người ta không đến chợ, không qua cầu, thì cái đấy không gọi là chợ hay cầu.  

Sân khấu cũng tương tự, vở diễn được đầu tư cho từ kịch bản, sân khấu, diễn viên cho đến lúc duyệt vở nhưng còn phải đầu tư cho khán giả nữa vì khán giả là một thành phần của sân khấu. Một vở diễn không có khán giả thì không có sân khấu.

Giờ ai cũng có thể trở thành tác giả sân khấu - Nhà biên kịch Chu Thơm (Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật)

- Là một tác giả gắn bó nhiều năm với sân khấu, được nhiều giải thưởng, anh thấy vấn đề nổi cộm của sân khấu hiện nay là gì?

+ Sân khấu hiện nay nổi trội nhất là có quá nhiều tác giả. Đấy không hiểu là điều đáng mừng hay đáng lo. Có một điều lạ là ai cũng có thể trở thành tác giả sân khấu. Ngày xưa, các đồng chí lãnh đạo đơn vị nghệ thuật thường là tự viết xong rồi nhà hát nơi các đồng chí đang công tác tự dựng, rồi tự nhà hát duyệt. Đồng chí tự duyệt của đồng chí. Vấn đề của sân khấu bây giờ là viết cái gì? Viết như thế nào?. Có quá nhiều người kêu sân khấu tư duy cũ quá, người ta ngại động chạm đến những vấn đề nhạy cảm.

- Hiện nay, tác giả chạy theo xu hướng thời đại, khán giả thích xem hài, nên các nhà hát dành riêng ra những tiết mục hài kịch. Cứ cái đà này, theo anh, sân khấu có tự làm nghèo đi khán giả?

+ Có lẽ do cuộc đời nhiều người thấy bức bối quá cho nên người ta cần tiếng cười. "Một nụ cười bằng 10 thang thuốc bổ". Và bây giờ rõ ràng rằng nói những cái gì đao to búa lớn quá, thích dạy dỗ thì không ai xem. Ở Sài Gòn có những năm người ta làm kịch ma, kịch đồng tính, kịch quái dị, nhưng rồi thì cũng bão hoà. 

Bây giờ cũng có sân khấu mà yếu tố văn học được đưa lên hàng đầu. Sân khấu vẫn mong ước có một kịch bản văn học hay. Nhưng liệu các tác giả có làm được không đấy là thách thức rất lớn. Vì giờ ai cũng trở thành tác giả, nhà biên kịch. Mà viết chiều theo thị hiếu của khán giả, chiều theo như thế nào cũng là cả vấn đề.

- Lấy hài kịch nuôi chính kịch là thực tế đang diễn ra tại các đơn vị nghệ thuật, điều nghịch lý đấy với người làm nghề như anh có thấy xót xa cho sân khấu?

+  Sân khấu không phải lúc nào cũng cần đùa vui. Vấn đề là cái hài ấy phải vào đúng lúc, đúng chỗ. Chứ từ đầu đến cuối hài thì không gọi là hài nữa rồi. Cả một sân khấu lúc nào cũng hài thì lại thành đùa nhả. Đùa nhả thì kinh khủng, không thể cười được. Bởi vì bây giờ nếu không xác định được thì sân khấu sẽ méo mó. Bây giờ khán giả họ thẩm định rất giỏi, không thể lừa bịp được họ. Những cái giả của sân khấu người ta biết ngay. Nên sân khấu người ta cứ bảo cũ là vì thế.

- Vấn đề ở khâu kịch bản, cả cách nhìn của những tác giả sân khấu hiện nay...

+ Môn đăng hộ đối ngày xưa khác, bây giờ khác. Ngày xưa là nhà ngói cây mít. Ngày nay là biệt thự nhà vườn. Bây giờ vẫn cứ viết chuyện giời ơi đất hỡi từ ngày xửa, ngày xưa thì làm sao mà thuyết phục được ai? Cuộc sống nhiều thay đổi mà biên kịch vẫn viết cũ kỹ thế thì chết. Đấy là cả một vấn đề. Sân khấu tại làm sao trì trệ là bởi vì chưa tìm được ánh sáng, chưa gãi đúng chỗ ngứa của khán giả. Nhà hát Tuổi trẻ tại sao vẫn đỏ đèn được vì đề tài vui vẻ, mang tiếng cười dân gian sảng khoái. 

Trong thành phố Hồ Chí Minh sân khấu nào sẽ có khán giả ấy. Nhưng sân khấu chính kịch bây giờ cũng có nguy cơ đóng cửa. Xu thế đám đông thích xem hài. Ví dụ như điện ảnh, phim "Bố Già" vừa rồi doanh thu mấy trăm tỷ. Nói như đạo diễn Lê Hoàng: "Phim cực dở nhưng xu thế đám đông, người chê thì ít hơn người khen, cứ kéo ùn ùn đến rạp". Cả một thành phố mà người lớn, trẻ con cứ đi xem Trấn Thành. 

Còn tác giả sân khấu thì cố gắng làm sao ít nhất là xem một vở kịch người ta nhớ được dăm bảy câu thoại hay. Nhưng mà giờ đến với sân khấu người ta nhớ câu thoại thì lại chỉ nhớ những câu hài như: "Hà Nội không vội được đâu", "Nếu anh muốn cưới vợ hiền/ Alo nhấc máy gọi liền cho em", "Cỗ nào chẳng có thịt gà. Đàn ông không có đàn bà mất vui".

Trần Mỹ Hiền (thực hiện)
.
.