Khi ngôi sao không còn là "át chủ bài"
- Cơ hội nào cho phim Việt?
- Phim Việt thiếu sự ám ảnh về số phận con người
- Phim Việt "xài" diễn viên rất… "hao"!2
- Phim Việt chật vật ra rạp: Nỗ lực cạnh tranh sòng phẳng
Lâu nay, để câu khách, công thức "ngàn sao hội tụ" khởi xướng từ dòng phim thị trường thập niên 90 của thế kỷ trước được coi là chiêu bài lận lưng của nhiều nhà làm phim. Đặc biệt, ở dòng phim hài nhảm thì công thức này càng được áp dụng triệt để, kiểu như ai cũng góp mặt cho cả làng cùng vui. Từ sao ca nhạc, sao người mẫu, sao hài, hot girl, hot boy, người nổi tiếng ở bất cứ lĩnh vực nào cũng được mời vào phim.
Ngay cả các hiện tượng gây sốt ở gameshow truyền hình, mạng xã hội... cũng không bị bỏ sót. Nên mới có chuyện hồi lực sĩ Phạm Văn Mách gây chú ý khi tham gia "Cặp đôi hoàn hảo 2011" thì đoàn làm phim "Hello Cô Ba" sốt sắng mời anh vào vai, dù chỉ một vai bé tí xíu. Hay hiện tượng mạng Lệ Rơi được o bế trong cả phim "Sơn đẹp trai" lẫn "Trùm cỏ" dù anh không hề có chút xíu kinh nghiệm diễn xuất nào ngoài giọng hát thảm họa nổi đình nổi đám trên mạng.
Và dù được quảng bá ầm ĩ, vai diễn của Lệ Rơi chỉ là tên nghiện phê thuốc hát nhảm xuất hiện tích tắc trên màn hình. Tóc Tiên nổi lên sau chương trình truyền hình thực tế "The Remix - Hòa âm ánh sáng 2015" cũng nhanh chóng "ẵm" vai nữ chính trong "Già gân, mỹ nhân và găng tơ" bên cạnh rừng sao như danh hài Hoài Linh, Trường Giang…
Bộ phim "Đời cho ta bao lần tuổi đôi mươi" quy tụ dàn diễn viên trẻ tươi mới và đầy nội lực. |
Không phủ nhận rằng sự có mặt của những nhân tố "hot" này thu hút một lượng fan đáng kể của họ đến xem thần tượng đóng. Thế nhưng phần lớn các ngôi sao chỉ tham gia đóng phim với tư cách khách mời đặc biệt hoặc nhà làm phim cố tình nhét họ vào để "làm màu" mặc kệ vai diễn có phù hợp hay không.
Nếu làm khách mời thì nhân vật của họ chỉ xuất hiện thoáng chốc làm nền cho diễn viên chính, còn nếu "đá lộn sân" thì với vai nặng ký, họ lại không kham nổi. Hari Won và Quang Đăng là trường hợp tiêu biểu khi hóa thân thành hai nhân vật chính của "Trùm cỏ".
Dù có thêm dàn sao có nghề như Trấn Thành, Việt Hương, Thu Trang hỗ trợ ở tuyến nhân vật phụ nhưng mảng miếng hài quen thuộc của họ đã quá nhàm với khán giả và không thể cứu vãn nổi bộ phim mà nhân vật chính diễn "không cảm xúc", "đơ như cây cơ".
Sự thảm bại trong năm qua của hàng loạt phim được quảng cáo ngút trời là "bom tấn Việt" vì có các "ông hoàng", "bà chúa" phòng vé tham gia đã khiến các nhà làm phim từ lão luyện đến mới chập chững vào nghề phải dè chừng và sàng lọc kỹ lưỡng nếu phải mời ngôi sao.
Ngoài "Trùm cỏ", các phim thảm họa khác có thể kể đến như "Hy sinh đời trai". Phim của đạo diễn Lưu Huỳnh huy động tới 30 ngôi sao đủ lĩnh vực của showbiz Việt như: danh hài Tấn Beo, ca sĩ Phi Nhung, ca sĩ Hồ Ngọc Hà, người mẫu Tây Andera, người mẫu Linh Chi, diễn viên Lý Hùng, Thái Hòa, Thương Tín, Bình Minh…
Dù chỉ xuất hiện chớp nhoáng như hầu hết các ngôi sao khác trong bộ phim nhưng Hồ Ngọc Hà lại được lăng xê đậm đặc nhất trong chiến dịch PR, thậm chí hình ảnh cô trên poster còn to vật vã, át hẳn nhân vật chính khiến khán giả cứ ngỡ Hồ Ngọc Hà là nữ chính. Hay mới đây nhất, "Fan cuồng" trở thành "bom xịt" trong khi nhà sản xuất cứ yên bụng vì đã có "ông hoàng phòng vé" Thái Hòa nhận vai chính bên cạnh dàn sao như Đinh Ngọc Diệp, Johnny Trí Nguyễn, Huy Khánh…
Chuyện phim lãng xẹt thì đến "ông hoàng", "bà chúa" cũng bó tay. Phim hành động "Truy sát" của Trương Ngọc Ánh cũng thảm bại vì quá dở.
Trong khi đó, các phim có rất ít bóng dáng ngôi sao như "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", "Yêu", "12 chòm sao - Vẽ đường cho yêu chạy", "Scandal 2: Hào quang trở lại", "Cô hầu gái", "Bao giờ có yêu nhau"… lại thành công rực rỡ không chỉ ở mặt thương mại mà còn ở mặt nghệ thuật.
Dù đã "làm mưa làm gió" phòng vé và gặt hái nhiều giải thưởng chuyên môn quan trọng trong năm 2015 và đầu năm 2016, mới đây nhất, "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" của đạo diễn Victor Vũ lại giành giải Biểu dương đặc biệt của Ban giám khảo Liên hoan phim Hà Nội 2016 cho phim dài. Riêng dàn diễn viên lạ lẫm của "12 chòm sao - Vẽ đường cho yêu chạy" đã nhanh chóng hút hồn khán giả trẻ vì câu chuyện dễ thương, trẻ trung và hiện đại xoay quanh tình yêu của người trẻ nơi phố thị.
Chính đạo diễn Victor Vũ cũng phải thốt lên "I love this movie" (tạm dịch: Tôi yêu phim này) khi đánh giá "12 chòm sao - Vẽ đường cho yêu chạy". "Cô hầu gái" thì tăng thêm phần rùng rợn, thót tim và ma mị với diễn xuất nhập tâm của Nhung Kate với dàn diễn viên Tây xa lạ.
Chính thành công của những bộ phim trên càng giục giã các nhà làm phim bây giờ chọn người phù hợp vai diễn và có nghề hơn là xài chiêu "điểm mặt ngôi sao". Diễn viên hợp vai thậm chí là những gương mặt mới toanh, là sinh viên trường điện ảnh mới tốt nghiệp, chưa từng xuất hiện trước công chúng nhưng có nét diễn thuyết phục.
Công thức xưa bây giờ chỉ để những đạo diễn thiếu nội lực lựa chọn. Bởi kinh phí mời ngôi sao khá đắt đỏ, trong khi hiệu ứng mang lại cho phim không như mong đợi. Chẳng hạn như từ năm 2011, hầu như Tết năm nào cũng có vài ba phim có sự tham gia của danh hài Hoài Linh. Nhưng không ít phim trong số đó trở thành thảm họa như "Già gân, Mỹ nhân và Găng tơ" hay trước đó là phim "Hello Cô Ba". Chưa kể, bây giờ nghe phim nào quy tụ cả vòm sao thì khán giả lại đâm dị ứng, nghĩ ngay rằng nhà làm phim đang "dụ" họ.
Vì thế không lạ khi nhiều bộ phim dịp cuối năm, ngoài đề tài mới và tràn ngập hơi thở thanh xuân, các đạo diễn, nhất là đạo diễn trẻ đã không còn để tâm nhiều đến các sao Việt. Trẻ trung, sôi động nên họ muốn thử nghiệm sự mới mẻ, những sáng tạo đột phá chứ không muốn "sống bám" vào ngôi sao.
Cảnh trong phim "Sút" của đạo diễn Việt Max. |
Dự kiến khởi chiếu vào ngày 25-11, "Sút" có thể coi là bộ phim điện ảnh đầu tiên của Việt Nam khai thác đề tài bóng đá. Sau thành công của "Yêu", đạo diễn Việt Max được khán giả tin cậy khi thực hiện bộ phim về niềm đam mê cháy bỏng của người trẻ với sân cỏ. Tên tuổi diễn viên cũng khá mới, tươi trẻ và nhiều nội lực như: Nhung Kate, Hà Hiền, Huy Me, Củ Tỏi, Gin Tuấn Kiệt, Tùng Min…
Hiệu ứng của "Em là bà nội của anh", "Bao giờ có yêu nhau" "12 chòm sao - Vẽ đường cho yêu chạy" như góp thêm lửa vào trào lưu làm phim ngôn tình. Chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Gào, "Cho em gần anh thêm chút nữa" có sự tham gia của Jun Vũ và Đình Hiếu, hai gương mặt không lấy gì làm nổi bật về độ nổi tiếng nhưng về biểu cảm, diễn xuất thì họ thừa sức lay động công chúng.
Từng đóng "Xin lỗi, anh chỉ là thằng bán bánh giò", Đình Hiếu đã khiến người xem xúc động với cách diễn xuất tự nhiên, tình cảm của mình. Còn Jun Vũ thì xinh xắn, đáng yêu khi từng hóa thân hoàn hảo thành cô nàng cung Song Ngư lãng đãng, mơ mộng trên mây trong "Vẽ đường cho yêu chạy". "Đời cho ta bao lần tuổi đôi mươi" là dàn diễn viên nhiệt huyết, tươi mới như Quỳnh Anh Shyn, Tú Vi, Băng Di, Trần Trung… Họ sẽ kể những câu chuyện tuổi trẻ đầy hoài bão và ước mơ.
Nếu có ngôi sao trong các phim này thì số lượng cũng vô cùng khiêm tốn và bắt buộc họ phải tròn vai của mình chứ không phải "cưỡi ngựa xem hoa". Họ cũng được giấu kỹ chứ không đem ra làm "mồi câu" như nhiều phim trước đó đã áp dụng. "Bạn gái tôi là sếp" chỉ có Miu Lê là tỏa sức nóng khi cô đảm nhận vai nữ chính còn anh chàng Việt kiều Đỗ An lại là "lính" mới. Thế nhưng, bằng cách diễn xuất duyên dáng, giàu cảm xúc, anh đã thuyết phục hoàn toàn đạo diễn khó tính Hàm Trần.
Góp mặt trên màn ảnh rộng dịp cuối năm còn có: "4 năm, 2 chàng, 1 tình yêu", "Chờ em đến ngày mai", "Sứ mệnh trái tim"… Tất cả đều là sản phẩm của tuổi thanh xuân, phản ánh đời sống, ước mong, tâm tư của khán giả trẻ - đối tượng chính đến rạp. Nó mang luồng gió mát lành vào thị trường điện ảnh, hứa hẹn mang lại những món ăn tinh thần bổ ích và cảm xúc thăng hoa.
Thế mới biết, một bộ phim không cần ngôi sao đang hot, không cần hài nhảm, cảnh nóng, scandal hay PR đao to búa lớn nhưng vẫn đủ sức níu kéo khán giả đến rạp nếu nó được thực hiện một cách nghiêm túc, lành mạnh và đầy sáng tạo vì nghệ thuật.