Phim Việt chật vật ra rạp: Nỗ lực cạnh tranh sòng phẳng

Thứ Hai, 26/09/2016, 08:07
Giới làm phim cho rằng chuyện chèn ép phim Việt xuất phát từ nguyên nhân hầu hết các rạp chiếu hiện đại quy mô hiện nay đều nằm trong tay các ông chủ nước ngoài trong khi các rạp chiếu của Việt Nam thì lại xuống cấp và không hoạt động hiệu quả. Điều này dẫn đến lo ngại ngay cả phim đạt chất lượng tốt cũng không thể sống sót với kiểu phát hành bất hợp lý này huống hồ là phim của những gương mặt mới toanh...


Có phải vụng múa chê đất lệch?

Mai Quỳnh Nga

Vụ ầm ĩ với nhà sản xuất và đại diện phát hành phim “Tấm Cám” (gồm Công ty VAA và BHD) vẫn chưa có hồi kết thì cụm rạp CGV của Hàn Quốc lại tiếp tụng dính tai tiếng với nhà sản xuất phim “Găng tay đỏ” – Công ty Liên Á. Nhà sản xuất này tố CGV đã sắp xếp giờ chiếu không hợp lý ngay từ khi phim ra rạp ngày 2-9.

Cụ thể, các suất chiếu rơi vào mốc 17h (giờ người ta ăn cơm chiều) hay sau 22h (khung giờ khá khuya) nên lượng khán giả không như mong đợi. Vì vậy, phía Liên Á đề nghị rút hoàn toàn phim ra khỏi cụm rạp CGV và ngừng chiếu trên toàn quốc sau đúng 10 ngày chiếu. Bên cạnh những than thở của đại diện nhà sản xuất “Găng tay đỏ”, nhiều khán giả cho rằng do phim nhạt, không đủ sức thuyết phục công chúng nên “ế” chứ không hoàn toàn do lỗi của CGV.

Trước đó, một cuộc họp do đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì nhằm tìm hướng tháo gỡ bất đồng giữa VAA, BHD và CGV đã diễn ra tại TP Hồ Chí Minh. Song các bên vẫn không tìm được tiếng nói chung.

Trong buổi họp báo công chiếu “Tấm Cám”, Ngô Thanh Vân, Giám đốc VAA nước mắt ngắn dài chia sẻ CGV không đồng ý tỉ lệ phân chia doanh thu phòng vé là 50% – 50% nên phim không thể chiếu ở cụm rạp chiếm số lượng lớn nhất trên toàn quốc này. Tính đến nay, CGV có 32 rạp, chiếm 40% hệ thống rạp chiếu ở Việt Nam.

Chính lợi thế này khiến CGV bị nhiều nhà phát hành, nhà sản xuất phim khác cho rằng CGV “độc quyền”, ỷ thế “cá lớn nuốt cá bé”. Hồi tháng 5, 8 doanh nghiệp sản xuất, phát hành phim trong nước (bao gồm BHD, Galaxy Studio, Skyline, Golden Media, Saigon Media, MVP, ER và VAA) đã đệ đơn lên Cục Điện ảnh khiếu nại về việc bị nhà phát hành CGV của Hàn Quốc chèn ép tỷ lệ ăn chia doanh thu phòng vé và hình thức chiếu phim ở rạp.

Cụ thể phim do CGV sản xuất đưa qua rạp khác chiếu thì ăn chia theo tỉ lệ 55%-45%, nhưng phim của đơn vị khác sản xuất đưa vào chiếu ở CGV thì CGV vẫn hưởng 55% doanh thu. Trước năm 2008, các rạp hầu hết đều có tỉ lệ ăn chia bằng nhau. Nhưng vài năm gần đây, CGV luôn đòi cho mình phần hơn.

Vụ việc rơi vào im lặng đến khi phim “Tấm Cám” – được coi là bom tấn của điện ảnh Việt với ekip 100% thuần Việt – hết đường vào CGV và giọt nước mắt của Ngô Thanh Vân rơi thì mọi sự tràn ly. CGV cũng nhanh chóng tố ngược lại BHD, dọa kiện 8 đơn vị đã đệ đơn khiếu nại mình.

Phim “Găng tay đỏ” ngừng chiếu sau 10 ngày ra rạp vì nhà sản xuất cho rằng CGV sắp xếp giờ chiếu bất hợp lý.

Giới làm phim cho rằng chuyện chèn ép phim Việt xuất phát từ nguyên nhân hầu hết các rạp chiếu hiện đại quy mô hiện nay đều nằm trong tay các ông chủ nước ngoài trong khi các rạp chiếu của Việt Nam thì lại xuống cấp và không hoạt động hiệu quả. Điều này dẫn đến lo ngại ngay cả phim đạt chất lượng tốt cũng không thể sống sót với kiểu phát hành bất hợp lý này huống hồ là phim của những gương mặt mới toanh.

 Nhưng hãy nhìn lại bộ phim “Tấm Cám”. Rõ ràng bị hạn chế về rạp chiếu nhưng phim vẫn thắng lớn với 46 tỷ đồng tính từ ngày công chiếu 19-8 đến 30-8. Tất nhiên, con số do nhà sản xuất cung cấp khó mà xác thực nhưng nhìn lại hàng loạt bình luận rôm rả của công chúng trên các diễn đàn, dòng người rồng rắn mua vé và  suất chiếu phải tăng thêm dày dặc ở các rạp thì phần nào con số đó vẫn đáng tin cậy.

Ngoài chất lượng phim được đánh giá là đáng xem, các khâu PR, truyền thông quá tốt cộng hưởng với vụ lùm xùm với CGV đã khiến “Tấm Cám” được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Nhiều người dám chắc nếu chuyện lùm xùm với CGV diễn ra trong lặng lẽ thì “Tấm Cám” vẫn đủ sức làm nên chuyện bởi ngay từ đầu, chỉ mới xem đoạn trailer (clip giới thiệu sơ lược về bộ phim), nhiều người đã nôn nóng đặt vé.

Vàng thật rõ ràng không sợ lửa. Tất nhiên, xét trên mặt bằng chung, nhất là với các nền điện ảnh phát triển trên thế giới, phim Việt vẫn còn nhiều hạn chế vì cơ sở vật chất, trình độ kỹ thuật, kỹ xảo lẫn nguồn kịch bản, diễn viên… khiêm tốn, chất lượng thiếu ổn định.

Nhưng nói vậy không có nghĩa là phim Việt không có gì đáng xem. Bởi đã có nhiều bộ phim làm nên quả bom phong vé như “Tèo em”, “Để Mai tính 1 và 2”, “Quả tim máu”, “Scandal: Bí mật thảm đỏ”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”... Trong đó nhiều phim không chỉ đạt giá trị thương mại mà còn được đánh giá cao ở góc độ chuyên môn như “Quả tim máu”, “Scandal: Bí mật thảm đỏ”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”…

Trong một cuộc chơi sòng phẳng, phim hay, được đầu tư nghiêm túc, đánh trúng vào thị hiếu và nhu cầu của khán giả vẫn có thể ung dung làm nên đại thắng dù bị chèn ép. Bộ phim đó  không cần năn nỉ, ăn vạ bằng chiêu bài “ủng hộ nền văn hóa dân tộc” để níu kéo khán giả. Và chắc chắn, các nhà sản xuất cũng không thể nhân danh điều đó mà ép khán giả thưởng thức những “món ăn” nhạt nhẽo, đầy sạn.

Suy cho cùng, nếu được bảo hộ toàn tập trong nhung gấm, chưa chắc phim Việt đã được lòng công chúng nếu những “tay mơ” vin vào đó mà cho ra lò những bộ phim dở tệ. Giờ vàng cho phim truyền hình đã là một minh chứng sinh động. Chúng ta không thể chấp nhận kiểu múa vụng rồi chê đất lệch. Vì đất nào mà chẳng lệch?

Múa vụng, ngã đau thì may ra mới rút được kinh nghiệm để cải thiện lần sau. Cuộc cạnh tranh nào mà không khốc liệt, nhất là khi chúng ta đã gia nhập WTO với những thỏa thuận thương mại tự do song phương. Quan trọng là chúng ta có đủ sức và sự đoàn kết để tham gia vào cuộc cạnh tranh đó hay không? Để làm được điều đó đương nhiên không thể bỏ rơi các nhà làm phim rồi yêu cầu họ làm phim thật hay và kéo công chúng nườm nượp tới rạp được.

Những nhà làm phim, nhà sản xuất, đơn vị phát hành lẫn các hiệp hội nghề nghiệp và cơ quan nhà nước phải có sự chung tay, góp sức để hỗ trợ điện ảnh phát triển từ khâu đầu vào lẫn đầu ra. Bởi giả dụ số rạp chiếu trên toàn quốc của những ông chủ nước ngoài nhích dần từ con số 40% theo thời gian thì với tình trạng mà các nhà làm phim Việt đang la ó, phim dù có chất lượng tốt đến mấy cũng khó lòng đến được với khán giả.

Phải làm sao để khán giả lựa chọn phim đó vì chất lượng của phim chứ không phải vì bị thúc ép bởi tinh thần dân tộc, bởi xem phim Việt mới là yêu nước hay phải xem phim đó vì khán giả không có sự lựa chọn nào khác bởi nó đã được bảo kê bởi sự chèn ép, độc quyền, ỷ lớn hiếp nhỏ.

PGS.TS Trần Luân Kim, nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam: Đầu tư vào đâu phải am hiểu văn hóa nơi đó

Quỳnh Nga (ghi)

Bất cứ một dân tộc nào trên thế giới này cũng đều quan tâm đến nền điện ảnh của mình. Đặc biệt, người Việt chúng ta rất quan tâm đến bản sắc dân tộc. Trong thời đại hội nhập thì điều đó càng mạnh mẽ và thấu triệt hơn. Cho nên, các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cần phải hiểu điều đó. Tức là anh muốn đến đầu tư ở đâu anh phải am hiểu lịch sử, văn hóa của dân tộc đó và khát vọng của họ là gì thì anh mới có ứng xử phù hợp.

Chúng ta rất hoan nghênh những nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Việc Công ty CGV vào Việt Nam đầu tư đã nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống chiếu bóng của nước ta, từ đó giúp quảng bá rộng rãi hơn nhiều phim Việt. Nhưng đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tranh chấp giữa một số công ty phát hành, nhà sản xuất trong nước và công ty chiếu bóng nước ngoài đầu tư tại Việt Nam.

Cuộc tranh chấp này cần phải được cơ quan nhà nước giải quyết trên cơ sở luật pháp hiện hành của Việt Nam và quốc tế. Chúng ta không hạn chế doanh nghiệp đến nước ta hoạt động kinh doanh nhưng các doanh nghiệp đó phải tuân thủ luật pháp Việt Nam. Luật Điện ảnh của chúng ta ra đời đã khá lâu, và mặc dù các quy định vẫn chưa toàn diện và sâu sát nhưng nó cũng đã khái quát được toàn bộ nền điện ảnh Việt Nam.

Ở khâu phát hành, phổ biến phim có quy định là phim chiếu trên màn hình thì phải đạt một tỷ lệ nhất định nhằm nâng đỡ, bảo vệ nền điện ảnh dân tộc. Nghĩa là anh phải dành một tỷ lệ nhất định để chiếu phim Việt Nam. Hiện nay, ngoài tỷ lệ phim nội địa, một số nước trên thế giới còn quy định giờ màn ảnh, suất chiếu, thậm chí cả thể loại phim nữa.

Văn hóa nghệ thuật là lĩnh vực kinh doanh rất đặc thù, nó liên quan đến nhận thức, thẩm mỹ, cảm xúc của con người cho nên nhà đầu tư không thể tùy tiện. Mỗi dân tộc, mỗi đất nước khác nhau ở chỗ này. Tôi rất hy vọng CGV sẽ thông hiểu vấn đề đó để giải quyết được các tranh chấp và cách tính tỷ lệ phân chia doanh thu phòng vé một cách có lý có tình.

Chúng ta cần đưa ra nguyên tắc và cách hành xử cho các doanh nghiệp. Riêng tỷ lệ ăn chia phòng vé thì khó có thể đưa ra con số nào cụ thể được vì phải dựa trên sự thương lượng giữa hai bên và căn cứ vào chất lượng từng tác phẩm. Nhà sản xuất bỏ tiền làm phim thì phải có tỉ lệ phân chia phù hợp để người ta thu hồi vốn và có lãi.

Ngược lại cũng phải quan tâm đến nhà phát hành vì người ta cũng bỏ tiền ra đầu tư, tu sửa, nuôi sống hệ thống đó. Quyền lợi hai bên phải được quan tâm đúng mức. Người ta thường cho rằng tỉ lệ 50-50 là ổn nhưng có phim thu hút khán giả, có phim không, như vậy thì hai bên phải thương lượng để các bên đều có lợi.

Hiện nay hội đồng duyệt phim có đánh giá chung cho phép được phổ biến hay không, phim nào trẻ em không được xem… chứ còn đánh giá chất lượng phim để mà phát hành thì chưa và nếu làm thì quy trình này khá phức tạp cho nên chúng ta phải đi từng bước.

Ông Nguyễn Văn Nhiêm, Chủ tịch Hiệp hội Phát hành và phổ biến phim Việt Nam: Bình đẳng và lành mạnh hóa trong kinh doanh điện ảnh

Phan Thi Uyên (ghi)

Trong thời gian gần đây nổi lên các vấn đề bức xúc mà đơn cử như 8 đơn vị nhà sản xuất, phát hành phim trong nước khiếu nại về việc CGV chèn ép họ hay việc phim “Tấm Cám” không ra rạp CGV. Ở góc độ làm nghề, chúng tôi rất chia sẻ cảm thông cho việc phim “Tấm Cám” – một bộ phim được đầu tư nhiều tâm huyết bởi ekip thuần Việt – không được chiếu ở hệ thống rạp quy mô nhất toàn quốc.

Hiện tượng này không phải là mới mà nó đã ngấm ngầm diễn ra ở những mức độ khác nhau trong thời gian vừa qua. Không chỉ có 8 doanh nghiệp bức xúc về vấn đề bất bình đẳng trong kinh doanh mà lâu nay nhiều đơn vị khác cũng bức xúc về sự chèn ép này.

Trong thông cáo báo chí của Hiệp hội về vụ việc này, chúng tôi đã đề cập đến sự bất bình đẳng trong tỷ lệ phân chia doanh thu chiếu phim cũng như cách ứng xử chưa phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hóa của Việt Nam của CGV. Điều này đã dẫn đến bức xúc.

Khán giả Việt Nam cũng bức xúc với việc tại sao những doanh nghiệp Việt Nam lại chịu cách ứng xử như vậy. Tám doanh nghiệp khiếu nại CGV đa số là hội viên của Hiệp hội, những đề nghị của họ là chính đáng và đúng mực trên tinh thần bảo vệ và phát triển điện ảnh quốc gia.

Trên thực tế, dù là bước vào thời kỳ hội nhập, đa số các nước có nền điện ảnh phát triển trên thế giới vẫn có những cách thức, quy định khác nhau để bảo vệ nền điện ảnh nước mình như Trung Quốc, Anh, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc… Thiết nghĩ, chúng ta nên tìm hiểu, học hỏi những kinh nghiệm của họ, tìm tòi những điểm phù hợp với chúng ta để vận dụng vào nền điện ảnh Việt Nam.

Trước mắt cũng như lâu dài, vấn đề mấu chốt mà chúng ta phải thực hiện được đó là vấn đề bình đẳng, lành mạnh hóa và đề cao đạo đức kinh doanh trong thị trường điện ảnh. Thời gian vừa qua, vì chưa có định lượng cụ thể nên luôn có sự phân chia tỉ lệ lợi nhuận bất bình đẳng.

Thông qua Hiệp hội, chúng tôi muốn xây dựng một khối đoàn kết để tạo nên sức mạnh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường điện ảnh. Có vậy mới tạo ra một thị trường điện ảnh lành mạnh, phục vụ khán giả đúng nghĩa và có hiệu quả kinh tế để tiếp tục có nguồn kinh phí tái sản xuất, đầu tư nâng cao chất lượng tác phẩm, đáp ứng yêu cầu nghệ thuật. Điều đó cần sự đồng lòng, thống nhất của các doanh nghiệp, hiệp hội, đội ngũ làm nghề… 

Chúng ta phải có sức mạnh nội tại đúng nghĩa thì mới làm được điều này chứ không phải là rêu rao về đối thủ cạnh tranh kiểu như chuyện “cá lớn nuốt cá bé”, chuyện “thôn tính”… Chúng ta phải phát triển trên cơ sở có sự ủng hộ của khán giả, điều này đặc biệt quan trọng trong cơ chế thị trường.

Nghệ sĩ Phước Sang: Để tránh chèn ép,  phải chấm điểm cho phim

Nguyễn Trang (thực hiện)

- Là một nhà sản xuất phim, ông đánh giá như nào về hiện tượng phim Việt bị chèn ép khi ra rạp mà lùm xùm nhất vừa qua là vụ 8 doanh nghiệp “tố” CGV bắt chẹt tỷ lệ ăn chia hồi tháng 5 và mới nhất là xích mích của nhà sản xuất phim“Tấm Cám” và “Găng tay đỏ” với CGV?

+ Tôi cho rằng các nhà sản xuất, phát hành phim Việt Nam hiện nay chưa phát huy được vai trò của mình cũng như chưa đoàn kết với nhau. Do đó, việc cạnh tranh trên thương trường mình sẽ bị “cá lớn nuốt cá bé” là chuyện đương nhiên. Nhưng dù muốn hay không thì cái gì cũng phải đi theo lề lối, nghĩa là có lộ trình đàng hoàng để mình đi theo đó mà đấu tranh, xác định lại chỗ đứng.

Do đó, cần phát huy hơn nữa vai trò của Hội Điện ảnh, Hiệp hội Phát hành và phổ biến phim Việt Nam… để tập hợp các cá nhân, đơn vị làm phim, đơn vị phát hành đấu tranh theo pháp luật. Mình phải biết thế mạnh của mình là cái gì, thế mạnh của người ta là gì để phát huy hơn nữa cái mình có mà người ta không có. Như vậy chúng ta mới không bị chèn ép nữa.

Ngoài ra, có nên chăng chúng ta phải có sự bảo hộ tác phẩm điện ảnh ở sân nhà như quy định bao nhiêu phim Việt, bao nhiêu phim nước ngoài chiếu ở rạp…? Bởi hiện nay chúng ta chưa phát huy rõ điều đó.

- Nhưng rất nhiều ý kiến cho rằng chúng ta đã gia nhập WTO thì khó có thể thực thi chính sách bảo hộ cho điện ảnh mà phải dựa trên sự cạnh tranh sòng phẳng. Hơn nữa, cũng có lo ngại chính sách bảo hộ sẽ như vỏ bọc khiến điện ảnh Việt ỷ lại và càng chậm phát triển chứ không thực sự trưởng thành?

+ Theo luật doanh nghiệp, luật cạnh tranh thì đơn vị phát hành thích chiếu phim đó thì chiếu, không thích thì từ chối, họ không sai. Nhưng ngẫm kỹ, để làm một bộ phim ra tấm ra món, các nhà sản xuất như trong nước phải đầu tư trung bình khoảng 500 nghìn đô la trong khi phim nước ngoài nhập về Việt Nam dù là phim rất hay cũng chỉ cỡ 100 nghìn đô la. Vậy mà tỉ lệ ăn chia doanh thu cho phim Việt là 40-60 hay 50 – 50 thì nhà sản xuất Việt Nam quá thiệt thòi.

Phải thừa nhận rằng nhiều bộ phim nước ngoài hay thật nhưng phim đó đã được chiếu nhiều nơi rồi, họ có nhiều thị trường lớn mạnh và thị trường Việt Nam với họ chỉ rất nhỏ. Trong khi phim Việt Nam thì đầu tư nhiều, trang thiết bị, kỹ xảo lại không bằng người ta mà lại trông cậy hoàn toàn vào thị trường trong nước nên dễ lép vế.

Quan trọng là làm sao phim Việt Nam sống được trên đất Việt Nam thì những người làm điện ảnh như chúng tôi mới tồn tại và sống chết với nghề được. Và nhờ vậy chúng tôi mới có thể giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

- Tôi nghĩ khi bị chèn ép, chúng ta nên nhìn lại mình, phải dựa vào sức mạnh nội tại của chính mình để vượt lên chứ không thể trông chờ hoàn toàn vào sự bảo hộ của nhà nước? Nếu cạnh tranh công bằng thì vì bài toán doanh thu, phim dở bị rạp từ chối hay sắp xếp giờ xấu thì chẳng có gì phải ngạc nhiên?

+ Tất nhiên, chất lượng của phim cũng là yếu tố quan trọng thuyết phục nhà phát hành. Duyệt về thuần phong mỹ tục, về vi phạm pháp luật… trong phim là chuyện đương nhiên và bấy lâu nay nước ta vẫn làm. Nhưng như vậy chưa đủ, chúng ta cần phải có số điểm cụ thể cho phim để khi phát hành, phim sẽ không bị ai chèn ép. Bởi điểm số thể hiện chất lượng của phim.

Vì hiện nay, chuyện đánh giá phim 10 người trăm ý do đánh giá theo cảm tính. Có người xem phim “Tấm Cám” thấy hay chấm 10 điểm nhưng cũng có người chê chỉ chấm 3 điểm nên sắp xếp tỉ lệ ăn chia không phù hợp gây ra bức xúc. Vì vậy, chúng ta nên có sự thống nhất, có tiếng nói chung về việc cho điểm phim để dựa vào đó mà quyết định tỷ lệ ăn chia, bố trí giờ chiếu.

Chẳng hạn phim anh được Hội đồng duyệt phim cho điểm cao thì sẽ có quy định bắt buộc tôi phải chiếu cho anh giờ vàng, phim dở thì chiếu giờ không đẹp lắm… như Hàn Quốc đã từng làm.

Chứ còn bây giờ làm phim thì mạnh ai nấy làm, làm xong lại mạnh ai nấy phán thì chết. Mọi hàng hóa khác đều có thể kiểm tra được chất lượng của nó, riêng điện ảnh thì chưa có ai xác định được chất lượng. Không phải cứ phim nào đầu tư nhiều tiền là phim đó hay.

- Xin cảm ơn ông! 

PV
.
.