Khi nghệ thuật xa rời văn hóa

Thứ Bảy, 25/03/2017, 08:02
Sự dễ dãi trong thị hiếu của cả công chúng lẫn nghệ sĩ đang khiến nghệ thuật biểu diễn ngày càng nhạt nhẽo, rẻ tiền và xa rời văn hóa.


Căn bệnh dễ dãi đang lây lan trên mảnh vườn nghệ thuật

Nguyễn Đức

Bị công chúng và giới truyền thông chỉ trích vì những màn diễn nhạt nhẽo, lố lăng và phản cảm, Trấn Thành đã ngạo mạn tuyên bố: “Nếu thấy chúng tôi diễn hài nhảm, hãy tắt tivi”. Một trang báo mạng đã giải thích, tay MC truyền hình kiêm diễn viên hài đang hút khách này cho rằng khán giả có thể không xem khi thấy các gameshow vô bổ thay vì chỉ trích các nghệ sĩ. Vấn đề là, từ khi nào những kẻ diễn trò hài lố lăng, vô bổ như vậy lại được mặc định là nghệ sĩ vậy?

Rõ ràng, sự dễ dãi trong thị hiếu của cả công chúng lẫn nghệ sĩ đang khiến nghệ thuật biểu diễn ngày càng nhạt nhẽo, rẻ tiền và xa rời văn hóa.

Hành động ngồi "chồm hổm" vào mặt khán giả trên sóng truyền hình của Văn Mai Hương đã gây ra sự phản cảm không nhỏ.

Đầu tiên, đó là là sự dễ dãi trong việc nhìn nhận tư cách nghệ sĩ – người làm nghệ thuật. Một người  không qua trường lớp, chưa từng được đào tạo, chỉ cần vượt qua một cuộc thi, một gameshow truyền hình nào đó nhờ chút tài năng lẻ liên quan đến nghệ thuật biểu diễn, thành quán quân, á quân gì đó của một trò chơi, vậy là các sân khấu ào ào mời diễn.

Ông bầu, nhà tổ chức chương trình nào cũng vì mục đích lợi nhuận, họ cần những danh hiệu để hút khách. Họ không ngần ngại phong ngay danh hiệu nghệ sĩ cho người vô danh trên áp phích quảng cáo. Thời gian từ vịt trời hóa thiên nga chỉ cách một đêm chung kết gameshow. Và khán giả dễ dãi mặc nhiên thừa nhận những danh hiệu dễ dãi đó, bất chấp thành tựu nghệ thuật của “nghệ sĩ” vẫn chưa hề có gì.

Thành nghệ sĩ từ thị hiếu dễ dãi của công chúng văn nghệ chứ không từ quá trình sáng tạo, cống hiến, một lớp “nghệ sĩ” vẫn vô tư biểu diễn những gì có thể được công chúng đón nhận, không cần đến hai yếu tố cực  kỳ quan trọng của nghệ thuật là cảm hứng sáng tạo và tài năng thể hiện. Nghệ thuật đích thực bị hủy hoại  từ đó, rõ nhất là trên sân khấu hài.

Không qua đào tạo, không đủ kiến thức, không nắm vững các cơ chế và kỹ năng sáng tạo, diễn viên mặc sức phô diễn những màn tự nhiên chủ nghĩa mà họ có thể nghĩ ra, bất chấp mọi quy tắc. Sự nhạt nhẽo, lố bịch, dung tục… trong các màn biểu diễn, suy cho cùng đều xuất phát từ khuynh hướng tự nhiên chủ nghĩa đang hoành hành trên sân khấu.

Hoạt kê, yếu tố gây cười chỉ được tạo ra trên cơ chế so sánh lệch chuẩn. Dường như không cần biết đến điều đó, diễn viên trên sân khấu đã tha hồ thay yếu tố này bằng tất cả sự lố lăng rẻ tiền có nguy cơ hủy hoại những vẻ đẹp và giá trị văn hóa.

Những thông điệp văn hóa – xã hội vắng bóng dần, nhường chỗ cho sự bắt chước ngô nghê, phản cảm, phi văn hóa. Đầy rẫy trên sân khấu hài bình dân là những  yếu tố chọc cười, buộc người ta cười – chứ không phải gây cười, muốn cười – lố bịch của các mô típ trai giả gái, bắt chước người khuyết tật (nói lắp, đi đứng ngả nghiêng), lệch ngôn ngữ vùng miền, văng tục chửi thề sống sượng…v.v.

Tất cả các yếu tố này luôn xuất hiện đậm đặc nhân danh nghệ thuật giải trí, bất chấp nó đang đạp lên thuần phong mỹ tục và các giá trị nhân văn – vốn là mục  đích đề cao của hai chữ văn hóa. Phải xem những màn diễn “bẩn” như thế, một người có văn hóa thật sự hẳn sẽ cảm thấy bị xúc phạm, bị tổn thương ghê gớm.

Một nhà báo từng phải thốt lên: “Trình độ nào thì ngôn ngữ đó. Khi nào Việt Nam mới có cỡ hài như Sạc Lô, dấn thân chống lại các hình thức đàn áp con người kể cả thể chế và cách mạng xã hội giả danh. Vâng, tôi không tắt tivi nhưng sẽ chuyển kênh xem thế giới động vật”!

Khuynh hướng giải trí dễ dãi lấn át các mục tiêu khác của nghệ thuật đã sản sinh và giúp các thể loại nghệ thuật mì ăn liền, rẻ tiền hoành hành. Phim, kịch, ca nhạc và cả văn chương đều đầy rẫy những tác phẩm dễ dãi, non nớt, vô bổ, được định danh là bình dân, là phong cách. Khổ thay, nó lại có tác động lớn đến chiều ngược của quá trình tương tác thẩm mỹ xã hội, làm lệch khả năng tư duy thẩm mỹ, nhận thức văn hóa của rất đông công chúng.

Chống lại sự xuống cấp văn hóa, do đó không chỉ là trách nhiệm của từng cá nhân hưởng thụ sản phẩm văn hóa. Nó cần sự quyết liệt, đúng đắn của những cơ quan quản lý văn hóa. Đáng tiếc, một thời gian quá dài, nhân danh “cơ chế thị trường”, trách nhiệm này đã bị xem nhẹ và thả lỏng.

Thay giá trị bằng giá tiền, số đông nghệ sĩ hiện nay đang chạy theo sự hào nhoáng, lối sống đua theo vật chất đắt tiền. Họ không ngần ngại dát vàng lên tên tuổi. Dù chính điều đó đang khiến họ ngày càng xa rời văn hóa, nhưng khổ thay, nó lại có tác động xã hội lớn trong việc hình thành giấc mơ, truyền cảm hứng cho đám đông vốn dĩ dễ dãi. Xã hội tiêu thụ hình thành, lại trở thành mảnh đất màu mỡ cho sự ôi thiu văn hóa mọc lên, sinh sôi và phát triển. Và khi đó nghệ thuật đích thực, văn hóa đích thực sẽ không còn mấy đất sống.

Chẳng lẽ giá trị văn hóa đích thực chỉ biết ngồi khóc trước sự hoành hành của sự dễ dãi, phản cảm, rẻ tiền? Đó chính là chỉ dấu của một xã hội ốm yếu về mặt tinh thần. Một nguy cơ thật sự!

Nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần: Liệu chúng ta có quảng bá ngược

Xem Kong xong mới thấy Việt Nam giống cô gái đẹp đầy mặc cảm, vừa hoang sơ tiềm ẩn lủi thủi một mình, lại vừa muốn cho cả thế giới biết. Cô loay hoay đủ cách nhưng không mấy hiệu quả.

Rồi Kong đến như lữ khách lão luyện. Kong gột bỏ bộ cánh bánh bèo của nàng rồi thốt lên ôi nàng đẹp quá. Đẹp từ tổng thể cho đến từng chi tiết. Được thể - nàng - cô gái đẹp đầy mặc cảm ngày nào bừng tỉnh, hồi sức, khóc òa lên. Tôi biết tôi đẹp mà, tôi đã nói tôi đẹp mà không ai chịu tin. Đến hồi con khỉ đột này phát hiện ra vẻ đẹp của tôi...

Khổ thân, báo chí phải nhảy vào đồng tình với Kong, với nàng, tự hào quá, tự khen về vẻ đẹp lung linh huyền bí huyền ảo của nàng, cung cấp cho nàng hàng loạt mỹ từ - qua Kong.

Rồi đến lượt bạn đọc đầy nhiệt huyết, sau khi đọc mấy bài báo trên thấy trúng ý mình nên cũng nhảy vào tăng cú click, khen nàng tươi, dáng nàng đẹp, khen Kong thật là có mắt.

Câu chuyện vẫn chưa dừng lại, những nhà quản lý du lịch Việt Nam - người đóng vai mai mối trong nước - sau bao năm loay hoay tìm cách “phổ biến nàng” ra quốc tế không mấy thành công chợt nhận ra đây là cơ hội để quảng bá nàng, thậm chí đề xuất “tri ân khách hàng Kong” bằng cách đề xuất dựng mô hình khách Kong ngay giữa Thủ đô cho oai. Sau nữa thì mời đạo diễn - cha của Kong - làm đại sứ - một dạng “môi giới quốc tế”. Ờ, biết đâu nhờ cú này mà mình kết hợp “phổ biến vẻ đẹp” của nàng. Vẻ đẹp “không mỹ viện” của nàng mà ế thì hơi khó coi.

Thế rồi đạo diễn - cha của Kong đồng ý làm người quảng bá quốc tế cho nàng. Tuyên bố sẽ bán nhà qua đây đồng cam cộng khổ với nàng, nghe nức lòng làm sao. Nhưng có một băn khoăn là, một người chưa nắm rõ về Việt Nam thì liệu có đảm bảo rằng anh sẽ giới thiệu một hình ảnh Việt Nam thuần chất ra thế giới trọn vẹn?

Nhưng dù sao thì, kết quả, từ bữa công chiếu đến giờ, Kong liên tục thu hút khách Việt Nam. Các suất chiếu vẫn đầy kín rạp. Tại sao ư, đương nhiên là ai cũng muốn biết qua mắt Kong, cô gái đẹp nhà mình xinh đẹp như thế nào, thế là ùn ùn đi xem. Trong đó có tôi. Bất chấp bản thân Kong với các kiểu quái vật, quái thú khổng lồ, đánh đấm ì đùng nhưng về mặt sáng tạo không có gì đáng lưu ý lắm.

 Cha của Kong cũng thật là chịu khó sản xuất quái vật, cứ dăm phút là cho một con to xuất hiện hù chơi, để phá tan hoang vẻ đẹp hoang sơ tiềm ẩn của nàng. Từ nhện khổng lồ, trâu khổng lồ, cào cào không lồ… con gì gì cũng cho khổng lồ hết.

Sau cơn cuồng nhiệt của Kong thì đây là câu hỏi, có thật là Kong sẽ đem khách hàng "tiềm năng" đến Việt Nam thông qua một bộ phim với cái tên “đầu lâu” như thế? Hay các guồng máy của Việt Nam đang vô tư hồn nhiên vận hành hết công suất chỉ để quảng bá không công cho phim Kong tại Việt Nam thay vì với nước ngoài?

 Kong sẽ là bộ phim phá vỡ mọi kỉ lục về doanh thu tại Việt Nam? Tôi tin chắc là như vậy. Trong khi Kong trên thế giới thì sao? Đây là thông tin trên mạng: chỉ trong ngày công chiếu đầu tiên, phim “Người đẹp và quái vật” ước lượng đã đem về từ 165 triệu đến 170 triệu USD, điều mà "Kong: Đảo Đầu Lâu" phải cần đến 3 ngày mới thực hiện được.

Nghĩa là, không có điều gì chắc chắn Kong có thể trụ lại dưới chân "người đẹp" trên bảng xếp hạng. Chỉ cần vài “người đẹp” là đạp Kong không ngóc đầu nổi. Và cái ước mơ qua Kong để người ta tìm đến Việt Nam vẫn còn e dè lắm. Người Việt vẫn cứ móc hầu bao cho Hollywood ngày càng nhiều (vì được cổ vũ mà), trong khi cô gái tiềm năng của chúng ta vẫn loay hoay tìm cách quảng bá mình trong tuyệt vọng.

Ca sĩ Thụy Uyên: Giải trí bất chấp chiêu trò phản cảm

Nghệ thuật có các chức năng chủ yếu gồm: nhận thức, giáo dục, thẩm mĩ và giải trí. Trước đây, chức năng giải trí vẫn bị xem là chức năng phụ, thậm chí không được xếp ngang hàng với các chức năng khác mà bị coi là một nhánh của chức năng thẩm mĩ.

Thời kỳ mở cửa, chức năng giải trí được chú trọng và không phủ nhận rằng nó giúp cho nghệ thuật trở nên đa thanh, đa sắc khi trở thành động lực để nghệ sĩ sáng tạo. Tuy nhiên, giải trí bây giờ không đơn thuần chỉ là sự rung cảm, xúc động trầm trồ trước cái hay, cái đẹp mà nhường chỗ cho việc thỏa trí tò mò; sự phấn khích, khoái trá trước những màn ngu dốt được thể hiện công khai giữa bàn dân thiên hạ; hoặc thậm chí là kích thích sự giận dữ, sợ hãi của đám đông... Truyền hình thực tế là nơi thể hiện những điều trên rõ nhất với đủ chiêu trò phản cảm.

Trong âm nhạc, yếu tố giải trí được tận dụng triệt để. Nhiều người bây giờ bỏ qua “giải trí nghệ thuật” để chỉ làm “giải trí thuần túy”, nghĩa là không cần đếm xỉa gì đến cái gọi là chức năng thẩm mỹ, giáo dục, nhận thức mà chỉ tìm mọi cách để thỏa mãn nhu cầu bản năng của mình lẫn công chúng. Nên mới có hàng loạt ca khúc mà lời ca thuộc vào loại rác rưởi, hời hợt, hát mà không nghe ca sĩ hát cái gì. Miễn sao nhạc bắt tai là được dù thứ nhạc bắt tai đó là đồ đi ăn cắp của người khác.

Trong các MV ca nhạc thì cảnh nóng được nhiều ca sĩ ưa chuộng để gây sốc, tạo sự chú ý. Phải công nhận nghệ sĩ trẻ bây giờ rất có tài, hát hay hơn thế hệ cũ rất nhiều, nhưng không ít người bị cuốn theo vòng xoáy của xã hội hiện nay nên sống thực dụng. Có tài năng nhưng họ không chỉn chu về chuyên môn mà chỉ lo chạy theo phong cách sành điệu, chưng diện và lối sống ảo.

Thỉnh thoảng tôi vẫn xem các gameshow ca nhạc trên truyền hình và thấy nó khá nhảm nhí. Ban giám khảo giống như đã được mớm trước nên cho điểm và nhận xét rất tào lao. Nhận xét một đường, cho điểm một nẻo.

Chẳng hạn, một thí sinh nữ hát bài “Lòng mẹ” đầy lỗi sai sót nhưng giám khảo vẫn cho điểm 10 tuyệt đối. Ca sĩ khi xuất hiện trên sân khấu này thì ngoài việc ca hát, họ còn phải diễn những trò không đúng chuyên môn, rồi ban giám khảo cứ thế mặc tình nhận xét kiểu trời mây. Các cuộc thi âm nhạc hiện nay khó có thể mang lại cho nền âm nhạc nước nhà những tài năng thực sự. Tình trạng mua giải, bán giải lộ diện. Và nói chính xác: một nghệ sĩ nào đó tham gia thi mà không chấp nhận mua giải thì xem như tự vả vào mặt mình.

Thực ra, sự xuống cấp về văn hóa trong các gameshow là lỗi của cơ quan quản lý, bởi công chúng và nghệ sĩ chỉ theo quy luật cung cầu. Trước đây tình trạng này ít vì tất cả các chương trình mang tính chất văn hóa còn gói gọn trong tính chất thuần Việt.

Về sau, công nghệ thông tin phát triển, nền nghệ thuật Việt Nam theo các gameshow nước ngoài, điều đó tốt nhưng bởi mưu cầu lợi tức nên các nhà sản xuất trong nước đã cho ra đời những sản phẩm hời hợt, rẻ tiền và kém chất lượng. Việc chạy theo trào lưu một cách quá đà cũng gây nên sự nhàm chán. Ví dụ như giờ đi đâu, mở gì cũng nghe nói về bolero, về việc giả gái, giả trai tràn lan... Những gameshow chỉ còn tập trung vào mảng giải trí chứ không còn là sân chơi chuyên môn, văn hóa, tri thức.

Phan Thi Uyên (ghi)

Nhà báo  Hoàng Linh (Báo Tuổi Trẻ): Sự tệ hại của những nghệ sĩ học làm sang

Trong lúc cả thế giới lên án, bài trừ việc xài các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã hoặc động vật bị nuôi nhốt, săn bắt vì có thể làm ra những sản phẩm tiêu dùng giá trị cao thì cả showbiz Việt đang rất “nhoi” vì những chiếc túi làm từ cá sấu bạch tạng.

Khởi xuất câu chuyện từ nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường khi anh treo dòng status ngụ ý Ngọc Trinh mua chiếc túi Hermès Himalayan Crocodile Birkin vài tỉ đồng chỉ để đi chợ Bến Thành.

Ngay sau đó, ông bầu Khắc Tiệp, Ngọc Trinh cũng như những mỹ nhân sở hữu Birkin đều lên tiếng. NTK Đỗ Mạnh Cường chủ động xóa dòng chia sẻ của bản thân và để lại bình luận bên dưới status của Ngọc Trinh là: “Em ăn nói cho đàng hoàng và cẩn thận nhé Trinh. Xưa nay anh không động chạm gì đến em và vẫn nói tốt về em. Chuyện lần này anh cũng chẳng động chạm gì đến em và mọi người hết, nếu có thì đó là sự hiểu nhầm của mỗi người. Anh nói ngắn gọn vậy thôi, em tự hiểu và tự suy nghĩ”.

Thói hợm hĩnh chưa dừng lại, truyền thông tiếp tục đăng tải hình ảnh ca sĩ Lê Quyên đi tập với túi cá sấu bạch tạng và còn nói đây là một trong số 7 mỹ nhân Việt sở hữu túi cá sấu bạch tạng.

Thế là showbiz Việt dậy sóng, săn lùng cho bằng được túi cá sấu bạch tạng, không có tiền thì mua hàng fake.

Trong bài phỏng vấn với Vogue mới đây, đại diện JaneFinds, nhà bán lẻ túi xách Hermès lớn nhất thế giới, đánh giá Hermès Himalayan Crocodile Birkin là chiếc túi được "thèm muốn nhất thế giới", "cực kỳ hiếm hoi và khó mua". Thứ nhất, giá mua có thể lên đến 300.000 USD. Với chiếc đắt nhất, toàn bộ phần khung được dát vàng trắng 18 carat. Khóa kéo có 68,4 gram vàng trắng 18 carat, nạm 40 viên kim cương trắng, tổng cộng 1,64 carat. Toàn bộ chiếc túi được làm bằng da cá sấu bạch tạng, loài cực kỳ quý hiếm trên thế giới. "Năm 2014, toàn nước Mỹ có 50 con cá sấu Nam Mỹ bạch tạng. Da mỗi con chỉ sản xuất được 2 chiếc túi", đại diện JaneFinds nói.

Còn nhớ cái ví cầm tay bình dân chỉ 11 đô la nhưng đã được cả thế giới nghiêng mình kính phục của bà Ho Ching, vợ Thủ tướng Singapore trong chuyến viếng thăm Nhà Trắng. Chiếc ví được thiết kế bởi một học sinh người Singapore học trường Pathlight, ngôi trường dành cho người tự kỷ đầu tiên ở đất nước này.

Ngôi trường chỉ bán được 200 chiếc ví trong suốt 4 tháng vừa qua, nhưng họ đã bán được 200 cái ngay trong một ngày sau khi hình ảnh của bà Ho Ching được chia sẻ rộng rãi, đại diện trường chia cho biết.

Bà Ho Ching đã mang ví tại lễ đón ở Nhà Trắng, nơi Tổng thống Barack Obama và đệ nhất phu nhân Michelle Obama chính thức chào đón ông bà Thủ tướng Singapore. Hiệu trưởng của trường Pathlight, Linda Kho, cho biết nhà trường không hề biết bà Ching sẽ mang chiếc ví đến Washington, sau khi bà mua nó tại một sự kiện gây quỹ gần đây. "Chúng tôi đã rất bất ngờ và vinh dự khi được bà chọn mang chiếc ví cầm tay trong chuyến viếng thăm chính thức của mình. Nó đã mang đến điều tuyệt vời cho thành viên Chương trình Phát triển tài năng (ADP) của chúng tôi", bà nói với BBC.

Những người đàn ông quyền lực nhất thế giới như Tổng thống Mỹ cũng hết sức giản dị, như trường hợp Bill Clinton.

Nhà thiết kế được mệnh danh là giáo hoàng trang phục tổng thống Martin Greenfield đã thò đầu vào tủ quần áo (đang có) của Tổng thống xem ngài ăn mặc thế nào. Và Martin đã bị… thất vọng tràn trề. Khi mới vào Nhà Trắng, Bill Clinton chỉ có vài chiếc áo khoác da, vài bộ vest rẻ tiền, một chiếc áo khoác xấu xí đến mức Martin Greenfield muốn vứt nó ngay đi, và rất rất nhiều bộ quần áo thể thao bằng nỉ.

Không những Martin Greenfield mất nửa tiếng để đo 27 thông số trên cơ thể Tổng thống, ông còn phải dạy Bill Clinton từ đầu cách thắt nơ bướm, mặc áo đuôi tôm, và chỉnh độ dài của dây đeo quần. Vốn tính hài hước, Bill Clinton không quên trêu chọc Martin Greenfield về những lá thư ông từng nhét vào túi của Eisenhower. Cuối buổi gặp gỡ, Bill còn đưa cho ông số fax để “nếu cần nói gì thì cứ nhắn thẳng”. Trong 8 năm làm Tổng thống, Bill Clinton đã mặc tổng cộng gần 30 bộ vest do Martin Greenfield chế tác.

Ca sĩ Dương Triệu Vũ có phát biểu rất hay về vấn đề này: "Nên đánh giá một con người hay chính bản thân qua những gì mình làm và sự hữu ích cho xã hội, chứ không phải cái gì móc lên người".

Đáng tiếc, giới nghệ sĩ của chúng ta có quá ít người nhận thức được điều đó. Họ vẫn đua nhau lao theo – cả trên sân khấu lẫn trong đời thực – những điều phù phiếm, sang chảnh, cực đắt về giá tiền nhưng lại rất nghèo nàn về giá trị. Văn hóa đang bị chính các nghệ sĩ rời xa.

PV
.
.