Khi Nobel bị "từ chối"

Thứ Hai, 07/11/2016, 08:00
Cuối cùng thì Bob Dylan cũng đã lên tiếng về giải Nobel dành cho ông, và xác nhận sẽ đến buổi lễ vinh danh để nhận giải sau hơn 2 tuần im lặng. Cho đến lúc này, giải thưởng Nobel sẽ vẫn được xem là giải thưởng quốc tế danh giá nhất hành tinh, khiến cho hàng triệu người trên thế giới này không nguôi khát vọng và mơ ước. Thế nhưng, trong lịch sử 115 tồn tại trên ngôi vị số 1, giải thưởng Nobel đã không ít phen khiến hội đồng trao giải và người hâm mộ dậy sóng bởi những tác giả được giải đã lạnh lùng từ chối.  


Bob Dylan - lập dị hay kiêu ngạo

Khi cái tên Bob Dylan đoạt giải Nobel văn học vừa được Hội đồng trao giải xướng lên cũng là lúc nghệ sĩ già Dylan 75 tuổi đang có buổi biểu diễn tại Las Vegas. Trong khi cả thế giới - những ai yêu văn chương và quan tâm theo dõi giải thưởng Nobel - đang vỡ òa vì những cảm xúc của riêng mình thì Dylan lại dường như có vẻ thờ ơ.

Như không hề liên quan  đến sự kiện trọng đại nhất hành tinh vừa diễn ra thuộc về mình, Dylan vẫn biểu diễn bình thường. Lặng lẽ, im vắng, và khó hiểu Dylan biến mất sau buổi biểu diễn, không ai gặp được ông để phỏng vấn tác giả Nobel văn chương năm 2016.

Thái độ bàng quan của Dylan khiến nhiều người cảm thấy lạ lùng. Ngay cả hôm 14/10, sau một ngày công bố giải Nobel, khi trình diễn ở Coachella, Dylan cũng không hề đả động tới chuyện này. Phải mất đến hàng tuần lễ, Ủy ban trao giải Nobel vẫn không liên lạc được với Dylan, khiến cho một thành viên trong Hội đồng trao giải đã phải thốt lên rằng, Dylan là kẻ ngạo mạn thô bỉ.

Nhà văn Jean-Paul Sartre (1905-1980)-người từ chối giải thưởng Nobel văn học năm 1964.

Bob Dylan  được  đánh giá là người nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng lớn nhất  đến  văn hoá đương đại Mỹ - một nhà viết nhạc  đại tài và ông cũng là người sáng tác thơ, tự truyện. Dylan đã tạo ra một dạng thức thơ mới thông qua các ca khúc bất hủ của nền âm nhạc Mỹ.

Những sáng tác của ông luôn là sự hài hoà đẹp đẽ của chất thơ và nhạc, với nhiều ca khúc bất hủ như Blowin' in the Wind, Like a Rolling Stone, hay Knockin' on Heaven's Door. Sinh ngày 24-5-1941, Bob Dylan không chỉ là một nhà thơ, nhà văn mà còn là nhà soạn nhạc, nhà biên kịch và ca sĩ tài năng. Ông là nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn tới âm nhạc đại chúng nói riêng và văn hóa thế giới nói chung trong 5 thập kỷ qua.

Rất nhiều thành quả lao động của Dylan đã  được công nhận từ thập niên 1960 và giành  được nhiều giải thưởng uy tín như giải Grammy (âm nhạc), Quả cầu vàng (điện ảnh) và Pulitzer (báo chí - văn học)... cho sự nghiệp âm nhạc và văn chương của mình. Ông  được coi là tượng đài văn hóa của thế kỷ 20 và từng được mệnh danh là "lãng tử du ca".

Các tác phẩm nổi tiếng của ông như "Blowin in the Wind", "The Times They Are a-Changin"... đã trở thành "thánh ca" trong các phong trào  đấu tranh vì dân quyền và phản chiến.  Đặc biệt, ông cũng từng  đấu tranh chống cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam

Trước  đó, việc im lặng với giải thưởng Nobel văn học của Bob Dylan đã dấy lên nhiều đồn đoán, trong đó báo chí đã nhắc lại một câu chuyện tổn thương trong quá khứ của Dylan mà rất có thể nó đã ám ảnh ông cho tới ngày hôm nay khi ông từng bị ví là kẻ phản Chúa. Sự kiện đó diễn ra vào ngày 17-5-1966, tại nhà hát Free Trade Hall của Manchester diễn ra buổi biểu diễn của Dylan, có ai  đó  đã  hét lớn "Judas!".  "Dĩ nhiên, tiếng hét  đó là dành cho Bob Dylan, ca sĩ và nghệ sĩ guitar, người lữ hành với chiếc kèn harmonica nức nở, luôn trong tâm trạng chán nản và  đôi khi chỉ muốn bỏ âm nhạc để làm thơ.

Mấy chục năm sau, ở tuổi 75, Bob Dylan vẫn ấm ức, vì sao bị gọi như thế, và có lẽ giải Nobel văn chương 2016 cũng khó an ủi  được thi sĩ kiệm lời này. Bob Dylan và Judas? Ông đã phản bội ai? Quê hương? Vợ? Hay cây guitar acoustic?

Trong bài phỏng vấn trên tạp chí Rolling Stone mới đây, ông còn nhắc tới tiếng hét đó và nói: "Làm sao có thể ví tôi với một kẻ phản Chúa và góp tay đưa Người lên câu rút?".Tiếng hét "Judas!" dường như đã thành một cấu thành mặc định trong huyền thoại Bob Dylan, hệt như giai thoại về cú tai nạn môtô biến ông thành con người khác"- một tờ báo đã viết như vậy.

Chưa dứt những tranh cãi

Việc Hội đồng Nobel của Thụy  Điển lựa chọn ông Dylan  đoạt giải Nobel Văn học 2016  đã gây nên cuộc tranh cãi lớn khi nhiều người  đặt câu hỏi liệu các tác phẩm của huyền thoại âm nhạc này có  được coi là văn học, trong khi nhiều người khác phàn nàn Hội đồng Nobel  đã  bỏ lỡ cơ hội  để mang lại sự chú ý cho những nghệ sĩ ít được biết  đến hơn.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến đặt ra rằng khi mà Ủy ban Nobel có thể trao giải Nobel Hòa bình cho Henry Kissinger (nhà ngoại giao, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ từng bị các nhà hoạt động nhân quyền cáo buộc gây tội ác chiến tranh) thì họ cũng có thể trao giải Văn học cho một nhạc sĩ.

Cho  đến nay, hơn hai tuần  đã trôi qua, cuộc tranh cãi về giải thưởng Noebl Văn học của Bob Dylan vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt, trong số đó, phe ủng hộ Dylan nhiều mà phản đối ông cũng không ít. Nhà văn Pháp gốc Moroc Pierre Assouline bày tỏ sự tức giận và mô tả quyết  định của Ủy ban Nobel là "khinh bỉ các nhà văn".

Bob Dylan - Chủ nhân của giải Nobel Văn học năm 2016.

Nhà văn Karl Ove Knausgaard tỏ ra "nước đôi" hơn. Ông nóivới tờ Guardian: "Tôi đang trong tâm trạng rất mâu thuẫn. Tôi đồng tình với cách Ủy ban Nobel đang mở rộng tới các thể loại khác trong văn học. Đây là một hướng đi sáng suốt. Tuy nhiên, tôi lại không thể coi Dylan ngang hàng với Pynchon, Philip Roth, Cormac McCarthy".

Nhà văn  viết truyện kinh dị Stephen King bày tỏ, ông thấy ngây ngất khi biết tin Dylan đoạt giải và nhận thấy  đây quả là tin vui trong "một khoảng thời gian buồn bã và nhớp nhúa". Còn ca sĩ, nhạc sĩ  Robyn Hitchcock viết: "Xin chúc mừng Bob Dylan đoạt giải Nobel Văn học. Ông  đã  đưa tôi và nhiều người khác tới những  đại dương mà chúng tôi chưa hề mơ tới...".

Sara Danius, Tổng thư ký Viện Hàn lâm Hoàng gia Thụy Điển đã so sánh ông với các thi sĩ Hy Lạp cổ đại Sappho và Homer. Còn Tổng thống Obama thì tuyên bố "Dylan là một trong những nhà thơ yêu thích của tôi".

Có thể bị từ chối nhưng Nobel vẫn vĩnh viễn thuộc về người đoạt giải

Ủy ban Nobel cho biết họ không chấp nhận bất cứ sự từ chối giải thưởng nào từ trước  đến nay, và với bất kỳ tác giả nào  được giải Nobel, có thể vì những lí do cá nhân họ có quyền từ chối giải thưởng và không có mặt trong buổi lễ vinh danh mình. Song giải Nobel khi đã trao cho ai thì nó vĩnh viễn thuộc về người đó. Tuy nhiên, về tiền thưởng thì lại là chuyện hoàn toàn khác.

Theo quy  định,  để  nhận  được khoản tiền thưởng lên  đến hàng triệu USD, người  đoạt giải nhất thiết phải có bài thuyết trình với chủ  đề "liên quan  đến tác phẩm được trao giải" không quá 6 tháng sau ngày diễn ra lễ trao giải Nobel.

Với trường hợp của Dylan, ông có thể chọn cách tổ chức một chương trình hòa nhạc thay cho một bài thuyết trình. Trước đó, sự im lặng của Bob Dylan khiến cho báo giới rộ lên những thông tin  đồn đoán thì bà Sara Danius, Tổng Thư ký Viện Hàn lâm Thụy Điển lại chia sẻ: "Rồi Dylan sẽ lên tiếng. Dù huyền thoại âm nhạc có thừa nhận nó hay không thì Viện Hàn lâm vẫn tổ chức đại tiệc và danh hiệu vẫn thuộc về ông. Sẽ thật vui nếu như Dylan muốn tới Stockholm và nhận giải".

Như vậy, dù Bob Dylan không tham dự lễ trao giải, không nhận giải thưởng hiện vật đi kèm, Bob Dylan vẫn là nhà văn  được vinh danh trong giải Nobel Văn chương 2016. Nhận định của bà Sara Danius là chuẩn xác khi cuối cùng Bob Dylan cũng  đã lí giải về sự im lặng kéo dài của mình là do ông quá bất ngờ và chưa chuẩn bị tinh thần  để  nói về sự kiện vĩ đại vừa thuộc về mình.

Nếu tới Stockholm  để nhận giải Nobel Văn học thì  đây không phải là lần  đầu tiên Bob Dylan  được diện kiến và nhận giải từ tay Vua Thụy  Điển Carl XVI Gustaf. Vào năm 2000, ông đã nhận giải Âm nhạc Polar do Vua Carl XVI Gustaf trao tặng.

Trong suốt 115 năm qua, có 6 chủ nhân đã từ chối nhận giải thưởng, trong số đó có nhà văn, nhà triết học hiện sinh, nhà biên kịch, tiểu thuyết gia Pháp Jean-Paul Sartre. Ông từ chối giải Nobel Văn học năm 1964.

Trước khi công bố giải, ông đã viết một bức thư nói rõ lý do không nên xem xét mình trong danh sách trao giải Nobel nhưng vì nhiều nguyên nhân, bức thư đã đến sau khi Ủy ban Nobel công bố thông tin này. Tuy nhiên, vài năm sau đó Sartre rơi vào cảnh khó khăn, luật sư của ông đã gửi thư tới Ủy ban Nobel yêu cầu gửi tiền thưởng cho nhà văn, nhưng đã bị từ chối.

Trước đó, vào năm 1958, nhà văn Xô Viết Boris Pasternak, tác giả tiểu thuyết bất hủ "Bác sĩ Zhivago", cũng đã từ chối nhận giải Nobel Văn học. "Nhìn về ý nghĩa của giải thưởng với xã hội mà tôi đang sống, tôi buộc phải từ chối giải thưởng này. Mong các vị không phật ý với sự tự nguyện từ chối của tôi" - Pasternak đánh điện gửi Viện Hàn lâm Hoàng gia Thụy Điển.

Bên cạnh đó, một số nhà văn cũng đã vắng mặt trong lễ trao giải với những lý do khác nhau. Điển hình, Harold Pinter và Alice Munro đã vắng mặt tại lễ trao giải do vấn đề sức khỏe.

Ở Việt Nam nhà ngoại giao Lê Đức Thọ cũng đã từ chối nhận giải Nobel Hòa Bình năm 1973 với lý do ở Việt Nam hòa bình chưa được lập lại.

Sophir Kim ( tổng hợp)
.
.