K- pop "giãy chết", nhóm nhạc Việt vẫn cố ăn theo
Hết cảnh vạ vật khóc cười vì sao Hàn
Mặc dù có hàng loạt nhóm nhạc đình đám như Seventeen, EXID, APink, I.C.E, Se7en… góp mặt nhưng chương trình MBC Music K-Plus 2017 tại Hà Nội vẫn không bán hết vé. Đêm 25-3, sân vận động Mỹ Đình vắng như chùa Bà Đanh khi số vé dự kiến hơn 40.000 nhưng thực tế chỉ có 1.000 khán giả.
Đêm kế tiếp thả cửa cho khán giả vào tự do hòng lấp vị trí trống trải của khu vực VIP nhưng tình hình không khả quan hơn. Chưa bao giờ một chương trình có nghệ sĩ Hàn Quốc biểu diễn lại vắng tanh đến như vậy.
Nguyên nhân thì có nhiều. Nào là giá vé cắt cổ: Từ 500.000 đến 5 triệu đồng trong khi khán giả chủ yếu là học sinh, sinh viên. Nào là sự cố các ca sĩ Việt Nam như Noo Phước Thịnh, Tóc Tiên… hủy show và tố ban tổ chức làm việc không chuyên nghiệp kiểu "treo đầu dê, bán thịt chó".
Nhưng lý do cốt yếu nhất khiến khán giả thờ ơ chính là sự giảm nhiệt rõ rệt của K-pop trong vài năm trở lại đây. Thất bại phòng vé của MBC Music K-Plus 2017 không phải là minh chứng duy nhất cho sự thoái trào của làn sóng Hallyu ở Việt Nam.
Nhóm Lime trở lại hoạt động trong nước sau hai năm “chinh chiến” ở Hàn Quốc. |
Cách đây vài năm, đêm nhạc có sự góp mặt của mỹ nam Lee Min Hoo cũng thất bại thảm hại, đành phải hủy vì vé ế ẩm. Tương tự, chương trình Super X Festival dự kiến diễn ra tháng 11-2015 đột ngột hủy sớm dù có Psy - ngôi sao đình đám của "Gangnam Style"- làm át chủ bài.
Năm 2015, đêm nhạc Music Bank tại Hà Nội quy tụ hàng loạt nghệ sĩ đẳng cấp như: EXO, GOT7, Sistar… phải ngậm đắng khi vé chỉ bán được một nửa. Đó là chưa kể sự phá sản một số đêm nhạc nhỏ lẻ khác. Hết rồi cảnh chen lấn xô đẩy, hò hét đến ngất xỉu ở các đêm nhạc Hàn. Hết rồi cảnh khóc lóc, vạ vật dưới trời mưa hay nắng nóng chờ đón thần tượng ở sân bay như thời của SNSD, Super Junior, Big Bang, T-ara, Wonder Girls…
Cách đây 10 năm, khi thị trường quen thuộc của K-pop ngày càng khó tính và bão hòa thì Việt Nam là xứ sở mới mẻ để K-pop đổ bộ. Thời đó, giới trẻ mất ăn mất ngủ, phát cuồng vì những mỹ nữ, mỹ nam lung linh hoặc cực ngầu, ăn mặc thời thượng, vũ đạo đẹp mắt và âm nhạc vô cùng bắt tai. Đã vậy, mỗi lần có dịp gặp fan, cách hành xử của họ vô cùng thân thiện. Đời tư thần tượng cũng được chăm chút không tì vết. Ngày đó, số lượng các chương trình ở Việt Nam có sao Hàn khá ít ỏi. Do vậy, cơn khát gặp gỡ thần tượng của công chúng Việt luôn thường trực và chờ dịp giải tỏa.
Nhận thấy thị trường Việt Nam béo bở, các chương trình có sao Hàn ngày càng tăng mức độ. Ngoài các nhóm nhạc đời đầu, hàng loạt nhóm nhạc thế hệ F2, F3 ra đời và càn quét nước ta. Năm 2014, có ít nhất 36 nhóm nhạc ra mắt. Sang năm 2015, con số này đã lên tới trên 100 và tiếp tục tăng lên ở các năm tiếp theo. Được đào tạo ở Hàn Quốc, ca sĩ Liz, trưởng nhóm của nhóm Lime, tiết lộ: Trung bình mỗi ngày, các công ty giải trí Hàn Quốc cho ra lò khoảng 10 ca sĩ và nhóm nhạc nên sự cạnh tranh rất khốc liệt.
Sự xuất hiện dày đặc của thần tượng xứ Hàn làm fan nhanh chóng no nê và đâm chán. Khán giả chưa kịp biết mặt, nhớ tên thì lại phải chứng kiến một nhóm khác trình làng với phong cách na ná, âm nhạc rập khuôn.
Nếu ngày trước, các nhóm nhạc đời đầu để lại nhiều bài hát ăn khách như "Nobody" của Wonder Girls, "Gee" của SNSD, "Sorry Sorry" của Super Junior… thì lứa tiếp theo gần như không có ca khúc nào gây bão khắp châu Á. Sự thân thiện, đời tư trong sáng… của nhóm cũng bị lật tẩy bộ mặt giả dối. Không ít nhóm nhạc tan rã vì mâu thuẫn nội bộ. SNSD chứng kiến sự ra đi ồn ào của thành viên nổi trội nhất: Jessica. Nhóm 2NE1, Wonder Girls, KARA và mới đây nhất là T-ara nói lời chia tay với công chúng khiến các cộng đồng fan lớn cuốn gói theo.
Người hâm mộ thờ ơ dần với sao Hàn còn bởi sao Việt đã biết cách chiều lòng thượng đế. Vài năm trở lại đây, ca sĩ trong nước nhanh nhạy và khéo léo học tập phong cách Hàn Quốc khiến hình ảnh độc quyền của các "ộp pa" bị lung lay. Sơn Tùng M-TP, Đông Nhi, Noo Phước Thịnh… là ví dụ.
Lai phong cách Hàn là cách mà các ca sĩ này chọn lựa để làm mới hình ảnh cũng như gần gũi với khán giả trẻ lâu nay vốn là fan K-pop. Họ có sự thay đổi trong ngoại hình, trang phục đẹp mắt, trẻ trung; âm nhạc đa dạng, bắt tai và chăm chút hơn cho vũ đạo, cho hình ảnh MV chứ không đơn thuần là những bản ballad rền rĩ nhàm chán với cảnh quay đơn điệu.
"Cái chết tức tưởi" của nhóm nhạc Việt cộp mác K-pop
Thành công của nghệ sĩ "pha một chút màu sắc Hàn" trở thành bàn đạp cho những nhóm nhạc mang phong cách "K-pop từ A tới Z" đua nhau ra đời. Có thể kể đến nhóm 365, Lime, Monstar, Lip B, Unit5… Họ được đào tạo, định hình theo mô hình của nhóm nhạc thần tượng xứ Hàn. Các thành viên được chọn lựa từ cuộc thi nghiêm ngặt theo tiêu chí đẹp, độc và giỏi vũ đạo.
Việc quản lý nhóm cũng vô cùng khắt khe, đòi hỏi các thành viên phải tách đời sống thường nhật và dành mọi thời gian rèn luyện, phát triển nhóm. Quy trình đào tạo khép kín nghiêm ngặt từ việc ép cân đến rèn các kỹ năng của một ngôi sao thần tượng tương lai như thanh nhạc, vũ đạo, cách phát ngôn với báo chí, gặp gỡ fan hâm mộ…
Dù được tuyên bố rình rang như một SNSD phiên bản Việt, nhóm YounQ vẫn sớm tan rã vì không có màu sắc riêng. |
Mô hình Hàn Quốc còn khác biệt ở việc phân chia vai trò cụ thể cho từng thành viên, có người chuyên hát, người nhảy, người đọc rap. Ngoài một số nhóm có ekip người Hàn hỗ trợ trong nước, không ít nhóm chịu khó lặn lội sang xứ người để "sao y bản chính" như Lime. Hai năm ở lò luyện xứ Hàn, Lime vừa trở về nước và cho ra mắt MV "Babyboo".
Các nhóm Việt theo công thức 99,9% Hàn Quốc (nếu hát luôn bằng tiếng Hàn thì con số này là 100%) ra đời ngày một nhiều và chết yểu cũng la liệt theo đúng đà thoái trào của làn sóng Hallyu. Sự tan rã của nhóm 365 - nhóm đầu tiên đi theo mô hình nhóm nhạc Hàn Quốc - và hàng loạt các nhóm khác như X5, YounQ G.Plus, P.S.S, B.O.T, Rainbowboys… tưởng sẽ trở thành cảnh báo đáng sợ cho các nhóm cộp mác K-pop nhưng không hề.
Chẳng lẽ họ không nhận ra rằng nhóm nào kiên trì đeo bám đúng chuẩn Hàn đều lâm vào cảnh "từ chết đến bị thương" vì không có bản sắc riêng mà đơn giản chỉ là bắt chước? YounQ tự xưng mình là SNSD phiên bản Việt hay nhóm P.S.S bị ví như bản sao của 2NE1….
Dù là nam hay nữ, các nhóm này đều được định hình với hai công thức: Một là hình tượng dễ thương, đáng yêu hoặc sexy, ngầu, lạnh lùng. Trang phục, âm nhạc và cách làm MV, vũ đạo… đều là bóng dáng của T-ara, SNSD, Big Bang… ngày mới vào nghề. Không hề ngoa khi khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng nếu thay tiếng Việt bằng tiếng Hàn trong các MV như: "Số nhọ", "Babyboo", "Đừng vội"… thì người ta sẽ nói đích xác đây là MV K-pop.
Hiếm hoi trong số đó, nhóm 365 được coi là thành công. Nhưng cần phải tỉnh táo thừa nhận rằng qua nhiều năm, phong cách Hàn đậm đặc ban đầu trong các sản phẩm âm nhạc của 365 nhạt dần. Có chăng là cách quản lý, hoạt động vẫn theo mô hình Hàn. Điều mà 365 khắc ghi trong lòng người hâm mộ trước khi tan rã vẫn là bản sắc Việt với ca khúc "Bống bống bang bang".
Dù có tiềm lực tài chính rất mạnh, được "chống lưng" bởi những gã khổng lồ nhưng các nhóm này vẫn không thể thoát khỏi vẻ lạc thời khi K-pop không còn làm mưa làm gió. Dù nhạc sĩ Đằng Phương, người định hướng cho nhóm Lime, khẳng định Lime sang Hàn Quốc để học tập và cọ xát thực tế chứ không hoạt động chính thức tại đây nhưng sự trở lại của nhóm khiến không ít người nghi ngờ: Liệu có phải "bít cửa" ở xứ người nên Lime mới quay về? Bởi mục tiêu ban đầu mà nhóm tuyên bố chính là trở thành nhóm nhạc nữ thần tượng vươn ra Đông Nam Á và đặc biệt là thị trường Hàn Quốc.
Học hỏi, chọn lọc cái hay của K-pop để làm mới sản phẩm âm nhạc và phong cách là điều đáng nên làm. Tuy nhiên nó không đồng nghĩa với việc rập khuôn y chang người khác để rồi không còn là chính mình. Vẫn có nhiều khán giả thích nghe nhạc Hàn nhưng không phải vì thế họ sẽ thích các nghệ sĩ nhà mình trở thành bản sao thần tượng của họ. Khổ thay, lại là một bản sao đầy lỗi!