Hài nhảm trên truyền hình: Tại anh, tại ả, tại cả đôi bên?

Thứ Sáu, 12/05/2017, 08:06
Những ngày gần đây, câu chuyện Đài Truyền hình Vĩnh Long đột ngột thay thế MC Trấn Thành bằng MC Thanh Bạch trong một chương trình truyền hình thực tế cho trẻ em là chủ đề được bàn tán rôm rả trên các diễn đàn. Lý do mà nhà đài đưa ra về nguyên nhân của sự việc không thực sự rõ ràng nhưng động thái này đã xới lên một vấn đề được công chúng quan tâm là vì sao hài nhảm có "đất sống" trên truyền hình và ai là người đã "tiếp tay" cho hài nhảm?


Lỗi của Nhà đài?

Theo thông tin từ Đài Truyền hình Vĩnh Long thì quyết định thay thế Trấn Thành ngồi ghế nóng chương trình "Tuyệt đỉnh song ca nhí" là do anh không thích hợp với vị trí này. Việc các phương tiện truyền thông cho rằng nhà đài cấm sóng Trấn Thành do ồn ào đời tư và hài nhảm là không chính xác. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, "sự không thích hợp" mà nhà đài đề cập đến có lý do từ những phát ngôn chưa chín chắn, một số tiểu phẩm hài "có vấn đề" của danh hài này thời gian gần đây.

Nói gì thì nói, quyết định của Đài Truyền hình Vĩnh Long đã ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp của Trấn Thành đang thời kỳ phát triển "như diều gặp gió". Đồng thời, gióng một tiếng chuông báo động vào các chương trình truyền hình thực tế, chương trình hài nở rộ trên sóng truyền hình thời gian gần đây. Trước sự việc của Trấn Thành, trong dư luận có hai luồng quan điểm trái chiều.

Những người ủng hộ quyết định của Đài Truyền hình Vĩnh Long thì khẳng định, đây là quyết định mang tính tiên phong và vô cùng cần thiết để "lập lại trật tự" cho sân khấu hài. Những người theo quan điểm này mong muốn những Đài truyền hình lớn, trong đó có Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh (HTV) cần siết chặt công tác quản lý, kiểm duyệt các chương trình trước khi lên sóng.

Hồi tháng 6/2016, Trấn Thành từng bị phạt hơn 32 triệu đồng vì diễn tác phẩm "Tô Nguyệt Ánh Remix" phản cảm.

Trong khi đó, không ít người, trong đó có cả nghệ sỹ hài ở cả hai miền Nam, Bắc nói rằng, để hài nhảm có "đất" phát triển, lỗi trước tiên thuộc về nhà đài bởi để được lên sóng, chương trình nào cũng phải trải qua sự kiểm duyệt của nhà đài.

Tôi cũng đồng tình cho rằng, các Đài truyền hình cần phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên khi để hài nhảm lên sóng. Các Đài truyền hình, với tư cách là người đặt hàng nhà sản xuất chương trình, đồng thời cũng là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này, là người kiểm duyệt các chương trình trước khi lên sóng.

Các Đài truyền hình hoàn toàn có quyền "dẹp" những chương trình chất lượng yếu kém, không đảm bảo định hướng tuyên truyền thì tại sao, khi hài nhảm đã trở thành xu hướng, trào lưu phát triển rầm rộ thì lại đẩy "quả bóng trách nhiệm" về phía các nghệ sỹ?

Một thực tế không thể phủ nhận là các chương trình hài đã góp phần tạo nên sự sôi động của các chương trình truyền hình, là "công cụ" hiệu quả để các Đài truyền hình thu hút khán giả ngồi trước màn ảnh nhỏ. Lượng khán giả theo dõi chương trình tăng, điều đó cũng đồng nghĩa rằng, lợi nhuận mà các Đài truyền hình thu được từ quảng cáo cũng tăng lên theo cấp số nhân.

Như một vòng quay, khi lợi nhuận quảng cáo tăng lại tiếp tục tạo tiền đề để các Đài truyền hình tìm kiếm, khai thác những chương trình hài mới. Hài mới, trong đó có cả các chương trình tìm kiếm tài năng hài liên tục ra đời trên các cánh sóng, hết phiên bản người lớn đến phiên bản trẻ em, phiên bản nghệ sỹ…

Trong khi đó, số lượng nghệ sỹ hài Việt thực sự tài năng lại có hạn. Có nghệ sỹ vừa làm thí sinh bước ra từ cuộc thi tìm kiếm tài năng đã được mời làm giám khảo tại chương trình khác. Sự phát triển quá nóng của các chương trình hài chắc chắn sẽ dẫn đến những hệ quả đáng tiếc. Đây là câu chuyện đã được báo chí dự đoán từ trước.

Nghệ sỹ hài "vô can"?

Nếu chỉ quy kết lỗi do nhà đài thì có lẽ hơi phiến diện bởi suy cho cùng, chất lượng các chương trình phụ thuộc phần lớn vào nghệ sỹ biểu diễn tác phẩm. Người nghệ sỹ nếu không có tài năng đích thực, cái tâm của người làm nghề thì tác phẩm không thể có chất lượng tốt. Sự bùng nổ của các chương trình truyền hình, những lời mời chào hấp dẫn, hợp đồng "béo bở" từ nhà sản xuất khiến các nghệ sỹ hài khó chối từ.

Nghệ thuật là lĩnh vực sáng tạo và để sáng tạo được tác phẩm hay, hấp dẫn, người nghệ sỹ cần có vốn sống, sự trải nghiệm và cả thời gian để tái tạo sức lao động. Dưới áp lực của các Đài truyền hình, nghệ sỹ hài liên tiếp cho ra đời những tác phẩm mới trong thời gian ngắn.

Thiếu đề tài hấp dẫn, sự trùng lặp ý tưởng, tình huống hài gượng ép, cố gây cười bằng mọi giá, "tầm thường hóa" hài kịch là điều tất yếu xảy ra đối với những tác phẩm ra đời theo kiểu "ăn xổi". Đã là hài kịch ăn xổi thì không thể đòi hỏi chiều sâu hay tiếng cười thâm thúy.

Một xu thế phổ biến trong hài kịch trên truyền hình hiện nay là nhà sản xuất mua bản quyền các chương trình có format từ nước ngoài. Việt hóa để chương trình thực sự hấp dẫn, gần gũi với người Việt là câu chuyện dài. Trong làn sóng này, đáng chú ý là việc xây dựng các tác phẩm hài kịch theo kiểu "không kịch bản", "tùy cơ ứng biến".

Những người tham gia diễn xuất không biết trước tình huống kịch và diễn theo khả năng, cách cảm nhận và xử lý tình huống của mình. Đây cũng giống như con dao hai lưỡi với người diễn viên khi xuất hiện trên sân khấu. Một mặt, nó là "lửa thử vàng" để những diễn viên thực sự tài năng, nhạy bén, ứng xử linh hoạt tỏa sáng trên sân khấu. Mặt khác, đây cũng là mảnh đất "ươm mầm thảm họa" với những diễn viên còn "non nghề".

Hài "không kịch bản" giống như "con dao hai lưỡi" thách thức tài năng của người nghệ sỹ. Trong ảnh: một cảnh trong chương trình "Ơn giời, cậu đây rồi" mùa thứ ba lên sóng VTV3 thời gian gần đây.

Nhiều người cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến hài nhảm là hài không kịch bản. Tình huống đột xuất, bất ngờ khó mang lại tiếng cười thâm thúy, sâu sắc vốn được coi là bản chất cốt lõi của hài kịch. Thực tế cho thấy, những chương trình hài tự do phụ thuộc hoàn toàn vào tài năng, khả năng ứng biến của nghệ sỹ cũng là nơi xuất hiện nhiều tiểu phẩm hài nhảm, chất lượng thấp. Có lẽ, hài kịch không tình huống chưa thực sự  phù hợp với thị trường Việt Nam hiện nay khi mà sự phát triển rầm rộ chưa tương xứng với chất lượng nghệ thuật.

Trở lại câu chuyện của Trấn Thành, có thể thấy, quyết định của Đài Truyền hình Vĩnh Long buộc anh phải nhìn nhận lại sự nghiệp của mình. Phải thừa nhận rằng, Trấn Thành là nghệ sỹ trẻ tài năng, đa zi năng, thông minh có lượng fan hùng hậu hàng đầu showbiz.

Những chương trình có sự tham gia của Trấn Thành với vai trò giám khảo, MC hay người chơi đều có sự lôi cuốn, hấp dẫn khán giả. Cái thiếu của Trấn Thành chính là sự tiết chế cảm xúc. Nghệ sỹ cần cảm xúc để thăng hoa nhưng nghệ sỹ giỏi phải biết tiết chế cảm xúc của mình. Một số tác phẩm hài của Trấn Thành bị đánh giá là nhảm, lố do anh không tiết chế cảm xúc, đưa vào đó những tình huống, lời thoại theo kiểu suồng sã, "tự nhiên chủ nghĩa".

Như trên đã nói, nghệ sỹ cần có vốn sống, sự trải nghiệm và khoảng lặng thời gian để tái tạo sức lao động. Với tần suất chạy show kín mít, xuất hiện trên sóng truyền hình dày đặc như hiện nay thì dù có là thiên tài, Trấn Thành cũng không thể có đủ sức lực, trí tuệ để đem đến những tác phẩm nghệ thuật thực sự có giá trị. Nghệ sỹ giỏi, tên tuổi đang có sức hút với công chúng thì việc được các nhà sản xuất "săn đón" là điều dĩ nhiên. Tuy nhiên, để đi đường dài và tạo dựng được chỗ đứng vững chắc trong lòng công chúng thì nghệ sỹ cần phải biết đưa ra những lời từ chối hợp lý, dừng đúng thời điểm.

Một đối tượng nữa không thể không nhắc đến trong câu chuyện về hài nhảm chính là khán giả. Họ vừa là đối tượng thưởng thức nghệ thuật, đồng thời cũng là nhân tố quyết định sự tồn tại của một chương trình nghệ thuật. Nói "không" với hài nhảm không chỉ là việc "không thích thì chuyển kênh" (lời của một danh hài) mà còn việc lên tiếng, kiên quyết tẩy chay những chương trình thiếu tính giáo dục và vô bổ.

Phạm Thiên Giang
.
.