Giáo dục tinh hoa hay vớt váng thành tích?

Chủ Nhật, 24/12/2017, 08:58
Nền giáo dục chính thống đang có một số biểu hiện đi ngược lại mục đích truyền thông và phát triển văn hóa chính thống. Đây là nguy cơ cần ngăn chặn và loại trừ. Trước hết, phải “mời” ngay tác giả của những đề thi ngớ ngẩn, hoặc rẻ tiền, hoặc đánh đố học trò trong sự mông lung, hoặc phi văn hóa… ra khỏi môi trường giáo dục, thi cử...


Đưa showbiz vào đề thi văn: Một sự bắt chước lệch lạc

Nguyễn Hồng Lam

Gần đây, nhà báo hay bị phê bình vì có biểu hiện “viết báo một đằng, viết Facebook một nẻo”.

Quả thật, hiện tượng này có, nhưng không nhiều. Hầu hết nhà báo đều có trang cá nhân. Tuy nhiên, không mấy ai dại dột và kém tự trọng tự “vả” vào bài viết mang quan điểm của mình.

Nói ngược, đặt vấn đề ngược, chửi bới vô tội vạ nhân danh quyền cá nhân, tác giả có thể là bất cứ ai, nhưng thường họ không phải là nhà báo, không bị chế tài, kiểm soát và cũng không tự thấy có trách nhiệm nghiêm túc. Dù nói hay không nói ra, mạng xã hội cũng đang bị xem như một tiếng nói không phải lúc nào cũng cùng chiều với truyền thông chính thống. Những ý kiến ngược chiều trên mạng xã hội thì nhiều khi quá văng mạng, quá hồ đồ, không thể gọi đó là phản biện. Hiện tượng đó ngày càng xuất hiện dày đặc hơn.

Thật đáng ngạc nhiên, khi gần đây môn văn trong nhà trường lại xuất hiện những đề thi kỳ dị. Ở Phú Thọ, học sinh THPT được yêu cầu hóa thân vào Chi Pu trong cuộc đôi co với Hương Tràm... để nói về ước mơ, nghị lực, ý chí đi đến thành công. Ở Đồng bằng sông Cửu Long, Sơn Tùng M - TP cũng nhảy vào đề thi, được xem như một “thần tượng” của sự thành công. Thi học kỳ I, môn văn lớp 8 ở quận 3, TP Hồ Chí Minh, bắt học trò phải bình luận một trang, “liên hệ với cuộc sống” một đoạn ca thán thực trạng xã hội của nhà văn Nguyễn Khải…

Đó là những đề thi mông lung, mơ hồ, không hợp tuổi, có thể không hợp cảnh.

Học sinh ở Việt Nam liên tục phải trải qua những thể nghiệm đổi mới giáo dục

Rộng lượng bỏ qua tính mục đích có vẻ rất tầm phào, tôi nghĩ vẫn còn quá nhiều điều bất ổn về kỹ thuật cần lên tiếng. Làm những bài văn có yêu cầu như thế, học sinh chẳng rèn luyện hay nâng cao kỹ năng cảm thụ văn chương, kỹ năng viết lách tí nào. Những đề văn đó đang hướng học sinh chạy theo kỹ năng viết Facebook với mấy khuynh hướng chính.

Một là khuynh hướng “ném đá” – tức phê bình văn học dung tục. Hai là PR và chạy theo “thần tượng”. Ba là tán phét, buộc học sinh phải nói thuộc làu như đúng rồi về những điều mà các em không biết, không hiểu, trước khi đọc đề thậm chí còn không nghĩ tới. Mà phải viết trong một thời gian rất ngắn.

Hậu quả của việc rèn luyện kỹ năng tư duy và trình bày như thế hẳn chỉ có tác dụng tăng thêm chóng mặt số lượng các Facebooker tầm phào cho tương lai, mong gì có được một đội ngũ phê bình phong phú, đa dạng và sâu sắc?

Nền giáo dục chính thống đang có một số biểu hiện đi ngược lại mục đích truyền thông và phát triển văn hóa chính thống. Đây là nguy cơ cần ngăn chặn và loại trừ. Trước hết, phải “mời” ngay tác giả của những đề thi ngớ ngẩn, hoặc rẻ tiền, hoặc đánh đố học trò trong sự mông lung, hoặc phi văn hóa… ra khỏi môi trường giáo dục, thi cử.

Học người

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống

Sáng nay, GS Trần Đình Sử phàn nàn với tôi về một đề nghị nên học chương trình giáo dục của Nhật. Ông là người có đủ trình độ và thông tin để đánh giá được các kiến nghị kiểu này, vì thế tôi luôn chú ý mỗi khi ông khen hay chê.

Thực tế từ lâu, nhiều người đã phê phán hiện tượng “vọng ngoại”, chạy theo nước ngoài. Cứ đi một nước nào đó về lại hết lời ca ngợi nước ấy. Năm sau đi nước khác lại nước ấy là nhất. Trong giáo dục cũng thế. Người đọc được tài liệu của Hàn thì bảo giáo dục Hàn là nhất, người đọc được chương trình của Nhật thì bảo Nhật là nhất. Hôm qua, một ông điện thoại cho tôi lớn tiếng bảo, sao không theo chương trình của Tây. Rồi một thầy có đọc Trung Quốc lại khuyên nên theo chương trình của Tàu…

Tôi lắng nghe tất cả, thấy ai nói cũng hay, nhưng chung quy lại hình ảnh nồi lẩu vẫn hiện lên và anh chàng “đẽo cày giữa đường” lại lù lù hiện về.

Là người có đi, có đọc, có nghiên cứu về giáo dục một số nước, nhất là về chương trình giáo dục phổ thông, đặc biệt là chương trình và sách giáo khoa môn học Ngữ văn, tôi đã nghĩ nhiều về chuyện học người, học những nước có nền giáo dục phát triển.

Với bối cảnh hiện nay, không học người, “mũ ni che tai”, chẳng biết người ta dạy cái gì và dạy thế nào; chỉ khư khư ôm lấy cái bồ kinh nghiệm, cho dù đó là những kinh nghiệm rất quý đi nữa thì giỏi lắm cũng chỉ là ông đồ gàn. Suốt ngày chỉ vuốt ve và tấm tắc khen cái tràng kỷ tre mòn bóng của nhà mình, rồi lớn tiếng chê bai mấy cái salon, đệm mút, đệm cỏ, đệm bông gòn… là đồ vứt đi.

Chiều ngược lại, cứ thấy người có gì mới lại chạy theo, hớt váng, cắt ngọn, thêm chỗ này, bớt chỗ kia… rồi lớn tiếng nhân danh hiện đại, nhân danh cập nhật khoa học để tụng ca người và quay lại phê phán chương trình, sách giáo khoa (SGK) nước mình… thì giỏi lắm cũng chỉ thành anh nấu lẩu.

Đó là chưa nói, trong cái lĩnh vực chương trình và SGK mênh mông “bể Sở, mây Tần” ấy, việc đọc được, tiếp cận và hiểu được đầy đủ những tài liệu chính thống, những thông tin mới mẻ, đáng tin cậy là rất khó. Đó cũng là chưa nói từ chương trình, SGK đến việc tổ chức dạy học cụ thể của họ thế nào lại càng khó hơn, vì phải đến tận nơi, dự giờ của họ thật nhiều.

Rồi còn biết bao điều kiện đi kèm theo nữa mới thực hiện được chương trình như của họ. Vậy nên, cứ mỗi lần nghe một ông nào đó lớn tiếng khuyên nhủ nên học chương trình của Nhật, Mỹ, Pháp hay một nước phát triển nào đó, tôi rất muốn nói lại rằng: “Chúng tôi cũng rất muốn học theo các nước như ông khuyên, nhưng liệu ông có thay được đất nước này bằng đất nước của người, từ môi trường tự nhiên – xã hội, chính sách, chế độ… đến bát gạo, đồng lương của mỗi giáo viên. Ông có biết mỗi nước có một hoàn cảnh rất khác biệt hay không?”.

Chuyện học tập nước người đã nhiều lần đặt ra như thế và cho đến nay vẫn có ý kiến đề nghị cứ lấy nguyên si chương trình của các nước phát triển về mà dùng, tội gì phải nghiên cứu tốn tiền. Mấy tháng trước đây cũng vừa rộ lên trên truyền thông ý kiến nước ta sẽ “nhập khẩu” chương trình của Phần Lan, một đất nước có nền giáo dục tốt nhất nhì thế giới.

Đúng lúc đó tôi đang dự một lớp tập huấn về phát triển chương trình giáo dục tại Đại học Potsdam (Cộng hòa liên bang Đức). Tôi mang vấn đề có nên nhập khẩu chương trình và sách giáo khoa ra hỏi GS Bernd Meier, một trong những GS có uy tín của Đức về lĩnh vực này. Ông cười và nói: “Học nước ngoài thì rất cần và nên học, nhưng nhập khẩu nguyên si thì không nên”.

Tôi gặng hỏi, ông nói tiếp: “Toán học là khoa học chung của toàn thế giới, nhưng giáo dục toán học phải mang màu sắc của mỗi nước. Giáo dục về khoa học tự nhiên đã thế huống chi khoa học xã hội”.

Rồi ông kể cho tôi nghe một ví dụ. Khi mới thống nhất đất nước (1990), nhà nước Đức muốn mang toàn bộ chương trình và SGK của Tây Đức áp đặt cho Đông Đức. Thế là thất bại. Đấy, cùng một đất nước, cùng một dân tộc, cùng nói tiếng Đức, cùng văn hóa Đức… thế mà không được, huống chi hai nước khác biệt ngàn trùng.

Vậy nên cần học người, học các nước phát triển về giáo dục, nhưng chỉ là học xu thế chung, học định hướng tất yếu và vận dụng vào nước mình một cách sáng tạo, phù hợp. Trong lĩnh vực nào cũng thế thôi, không thể cứ thấy người làm được rồi học người theo lối bê nguyên si, áp dụng máy móc, khô cứng vào cho mình. Trong khi điều kiện của mình rất khác người. Ngày xưa, Án Tử người nước Tề nói với vua nước Sở rằng: “Cây quất trồng ở Hoài Nam thì ngọt, nhưng nếu đem sang trồng ở Hoài Bắc thì chua”.

Các nghị quyết của Đảng đều khẳng định giáo dục là sự nghiệp của toàn dân; cũng có nghĩa là toàn xã hội có liên quan, phải cùng chịu trách nhiệm và nhất là phải chung tay góp sức vì giáo dục.

Giáo dục không phải là một ốc đảo. Mình ngành giáo dục cố gắng cho dù hết sức thì cũng chỉ giống như anh chàng tự túm lấy tóc mình mong nhấc mình lên.

Giáo dục đừng quá thực dụng

Nguyễn Thị Hương – Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh

Trong nhiều năm qua, cả trong huấn luyện thể thao lẫn trong giáo dục, cụm từ “đi tắt đón đầu” đã trở nên quen thuộc, được coi như một phương châm. Mục đích của nó là để nâng cao thành tích của ngành giáo dục, của từng trường, từng lớp, từng cá nhân học sinh trong tương quan so sánh với trường, lớp và cá nhân khác.

Ở đâu cũng có trường chuyên lớp chọn, cũng có dạy thêm học thêm, không ngoài mục đích giành điểm số và thứ hạng cao trong các kỳ thi cử. Vô hình, trong giáo dục đang nhắm đến và nở rộ khuynh hướng giáo dục tinh hoa.

Điều này có thể  có ích cho một vài cá nhân, một vài đơn vị trong trường hợp cụ thể. Nhưng cho toàn mục  đích giáo dục, chúng tôi cho rằng giáo dục tinh hoa không giúp ích nhiều cho mục tiêu phát triển giáo dục.

Tất nhiên, đã có cuộc thi sẽ có người chiến thắng, có người giật giải. Năm nào chúng ta cũng có huy chương này nọ trong các quốc thi quốc tế. Vậy nhưng, số lượng báo cáo khoa học, phát minh quốc tế… của chúng ta lại quá nhỏ nhoi, thua xa ngay cả nhiều nước trong khu vực vùng trũng Đông Nam Á.

Trên bình diện chung, coi nhẹ giáo dục phổ quát, đề cao giáo dục tinh hoa, chúng ta đã có bao nhiêu thế hệ học sinh bị buộc phải học lệch, chỉ chạy theo một số môn liên quan đến ngành học ở đại học sau này. Các ngành khoa học xã hội – khó  đáp ứng nhu cầu thực dụng sau này – cứ ngày một trở nên manh mún, teo tóp dần.

Ở phổ thông, trước là môn Sử, giờ đến lượt môn Văn cũng đang bị đẩy dần ra vị trí thứ yếu. Ở Đại học, các ngành thư viện, Hán – Nôm cũng teo tóp dần số tiết, có được học chẳng qua cũng chỉ là cưỡi ngựa xem hoa.

Giáo dục tinh hoa thực chất là một sự hớt váng thành tích. Từ trong nội hàm, ý nghĩa thực tiễn của việc phát hiện và bồi dưỡng nhân tài của nó đã bóp méo thành việc “luyện gà nòi” để giành chiến thắng trong các cuộc thi.

Với một phương châm giáo dục như thế, chúng ta sẽ có thành tích mà sẽ khó có thành tựu; có giải cao (so với chính ta thôi) mà thiếu thành quả khoa học thiết thực, có nhiều công trình nhưng ít cơ hội ứng dụng, bởi giải pháp nghiên cứu chỉ là chuyện trả bài, phô kiến thức, không xuất phát từ nhu cầu thực tiễn. Một hệ thống giáo dục như thế sẽ có nhiều danh hiệu nhưng lại rất ít sản phẩm tạo nên danh dự, có thể giúp chúng ta phát triển và được quốc tế kính nể.

Học thực dụng, dạy thực dụng, phương châm đi tắt đón đầu của khuynh hướng giáo dục tinh hoa đang khiến việc học của học sinh, sinh viên trở nên nặng nề và giáo điều, bị đè trĩu bởi chủ nghĩa kinh viện khoa cử. Việc học không còn là niềm vui, sự hưởng thụ - một mặt hạnh phúc – khiến học sinh thờ ơ với những môn học không đem lại lợi ích thực dụng, xa lạ dần với văn chương, nghệ thuật, lịch sử.

Chỉ số cảm xúc EQ không được bồi đắp, chắc chắn chỉ số thông minh IQ của trí tuệ cũng sẽ khó phát triển. Xa hơn nữa, với một nền giáo dục như hiện tại, sự xuất hiện những đứt gãy văn hóa, lệch lạc về nhận thức, nghèo nàn trong đời sống sáng tạo tinh thần của xã hội sẽ có nhiều cơ hội xuất hiện. Đó sẽ là cơ hội cho lai căng văn hóa xuất hiện và sinh sôi. Không ngăn chặn kịp thời, chúng ta sẽ khó tránh khỏi một thực trạng văn hóa vong bản.

Văn học đang ngày càng mất giá?

GS TS Phạm Quang Long

Vài tháng nay, câu chuyện học Ngữ văn để làm gì đã làm sôi động cộng đồng mạng và cơ quan truyền thông. Một tờ báo đưa tin một cô bé viết rằng, học Văn chả để làm gì ngoài việc viết một cái đơn xin việc cho suôn sẻ. Không ít người đã tung hô chuyện này và chứng minh rằng chuyện học Ngữ văn ở phổ thông cũng na ná như học các môn phụ. 

Rồi lại một ông nghiên cứu sinh ở nước ngoài về Giáo dục học cũng khuyên các nhà làm sách nên đưa "Chí Phèo" của Nam Cao ra khỏi chương trình PTTH. Có khá nhiều người đồng tình, trong đó có cả những người làm chuyên môn trong trường đại học.

Mấy năm trước là môn Lịch sử. Và bây giờ là môn Ngữ văn. Đó là những môn học nền tảng ở mọi bậc học của bất kỳ quốc gia nào, vì nó gắn với truyền thống đất nước, nó giúp cho con người hiểu được mình là ai, đến với cuộc đời này để làm gì và biết yêu cái thiện, ghét cái ác, biết xấu hổ khi không giữ được liêm sỉ, biết phải làm gì để được coi là một người tử tế...Tất nhiên không phải chỉ có hai môn này, nhưng trong đội quân góp phần xây dựng con người thành một nhân cách văn hoá thì hai môn học ấy là chủ lực. Thế mà hai môn này đang theo nhau rơi vào cảnh khốn cùng.

Nguyên nhân bởi đâu?

Tôi không đủ sức giải đáp câu hỏi quá khó này nhưng thấy mình cũng có trách nhiệm, vì cả đời làm công ăn lương đã làm nghề dạy môn Ngữ văn và chắc là có góp phần làm cho môn này mất giá. Nhưng, liệu mọi lý do có nên quy cả cho nhà trường, cho những người làm nghề?

Chúng tôi có lỗi, hiển nhiên, nhưng nếu không chỉ có chúng tôi thì cũng nên xem lại nguyên do của chuyện này. Tôi nghĩ chuyện này chưa gây chết người ngay tức khắc như đói ăn, bệnh tật, tai nạn... nhưng nó di hại cho nhiều đời, nó làm tiêu tan chính khí của một đất nước. Tôi nói thế không phải cường điệu môn mình dạy, mà là người trong cuộc, tôi cảm nhận nguy cơ chuyện này và thấy đau lòng.

Chúng ta liên tục đổi mới chương trình đào tạo suốt mấy chục năm nhưng dường như cứ loay hoay chuyện đổi mà không thấy mỗi lần đổi ấy đem lại những cái mới nào, những tiến bộ gì, những ích lợi gì? Làm theo cách không giống ai, đi học khắp nơi, tốn bao nhiêu tiền của, công sức nhưng kết quả thế nào, cả xã hội đã biết. Chỉ những người không hiểu biết hoặc nhắm mắt lại mới dám khẳng định những thay đổi ấy đúng hướng, tiền của, công sức bỏ ra hiệu quả, đổi mới thành công.

Xã hội lo lắng, bất an vì những sai lầm của giáo dục bởi giáo dục liên quan đến mọi nhà, mọi người. Ngoài những môn Ngữ văn, Lịch sử ra còn nhiều ngành khác, môn khác mà bằng chứng là mấy năm nay, nhiều trường đã phải đóng cửa một số ngành. Những người dạy hai môn này thấy học sinh, sinh viên chán học và học những ngành này ra trường khó xin việc vô cùng.

Thời kinh tế thị trường, các ngành trên với các ngành văn hoá, triết học, ngôn ngữ, các ngành liên quan đến nghệ thuật truyền thống... lộ hết sự yếu thế với các ngành kinh tế, luật, du lịch, tài chính, ngân hàng, ngoại ngữ, bác sĩ, dược sĩ, thuế vụ v.v...

Nhưng, chẳng lẽ những ngành học và những nghề không làm ra nhiều tiền, không thấy "tiền tươi thóc thật" thì bỏ mặc cho nó trôi nổi hoặc cũng bắt nó phải hạch toán lỗ lãi theo cơ chế thị trường? Nó ít tác dụng trong cơ chế thị trường nhưng nó góp phần giữ hồn cốt cho một dân tộc, một đất nước, vì mất văn hoá sẽ mất tất cả. Đây không phải là nói quá lên mà là điều có thực, ai cũng nói, thậm chí nói hay, nhưng làm thế nào để thoát ra khỏi thảm trạng này thì ít người quan tâm thực sự.

Là một người đứng lớp, tôi xin kể chuyện đau lòng này: Năm ngoái tôi dạy cho một lớp Sư phạm Ngữ văn. Lớp có 80 sinh viên. Tôi thấy tư duy văn chương của các em yếu quá mới hỏi có bao nhiêu em thi vào ngành này? Có 15 em giơ tay. Số còn lại thi vào Tin học, Kinh tế, Du lịch, Quốc tế học, Báo chí v.v... Họ trượt các ngành muốn học nhưng đủ điểm vào Sư phạm Văn. Đỗ rồi, chả lẽ không học? Họ đỗ là do điểm Toán, Ngoại ngữ cao nên không thích học Văn và cũng không có khả năng học môn này. Biết chuyện, chỉ còn thở dài cho ngành mình đã theo đuổi một đời. Như người đi lạc. Như người vỡ mộng.

Dù ai nói rằng văn chương hết thời rồi nhưng tôi không tin thế. Những gì làm cho con người trở thành tử tế không bao giờ cũ. Nó chỉ nhất thời mất giá khi cái vô sỉ tạm thời thắng thế liêm sỉ; sự độc ác, dối trá đang tạm thời thắng cuộc.

Nhưng tôi tin có ngày gió sẽ đổi chiều, bởi con người nếu không cảnh giác và bừng tỉnh sẽ sớm phải trả giá cho những sai lầm nhất thời. Tôi cũng hiểu rằng cần đổi cả chương trình và cách dạy, nhưng xin có một kiến nghị đừng biến văn chương thành cái gì không phải là nó. Văn chương mãi mãi vẫn là văn chương và không bao giờ là vô bổ với con người. Dù có ít người học Văn nhưng không vì thế mà biến nó thành một môn na ná văn chương, đừng đuổi văn chương đích thực ra khỏi chương trình với lý do nó lạc thời.

Đến đây tôi lại nhớ chuyện của Sekhop. Nhà văn Sekhop chỉ toàn viết về những cái vụn vặt, đời thường, nhàm chán nhưng lại làm cho người ta sau khi đọc tác phẩm của ông đều khao khát vươn tới những điều tốt đẹp. Ông cười buồn khi có người hỏi lý do, ông bảo: "Các ngài hãy nhìn lại mình đi. Các ngài sống chán lắm, tầm thường lắm, các ngài ạ".

Liệu môn này, có "cùng tắc biến, biến tắc thông" không? 

PV
.
.