Một nền giáo dục ứng thí?

Thứ Sáu, 31/07/2015, 10:10
Chúng ta ngày càng được chứng kiến nhiều hơn những tranh luận xã hội đa chiều trên một hiện tượng xã hội hay một sự kiện nóng nào đó. Nhưng cũng chính từ những tranh luận kể trên, không khó để chúng ta nhận ra một sự thật rằng, ở Việt Nam hôm nay, các ý kiến mang tính lý thuyết thì hằng hà vô số còn những ý kiến đóng góp mang tính thực tiễn, có thể khả thi thực hành lại vô cùng hiếm hoi. Sự thật ấy chỉ ra điều gì?

Chậm một năm học - hỏng một thế hệ

Có thể nói, giáo dục Việt Nam đang trong giai đoạn nước sôi lửa bỏng khi liên tục có những đổi mới, cải cách. Chúng ta từng tự hào rằng giáo dục Việt Nam xếp thứ 12 theo chương trình đánh giá học sinh quốc tế Pisa, nhưng "danh giá" của bảng xếp hạng này như thế nào chắc ai cũng hiểu.

Công bằng mà nói những nhà giáo dục đã và đang có những nỗ lực lớn nhằm cải cách, chấn hưng một nền giáo dục. Nhưng đã đến lúc chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật, giáo dục Việt Nam đang ở đâu? Chúng ta loay hoay đổi mới, loay hoay cải cách, phải chăng vì chúng ta chưa xác định được vấn đề cốt lõi, mục đích của giáo dục là gì? Việc dạy các bộ môn khoa học xã hội như Văn học, Lịch sử, Địa lý đã được coi trọng và nâng cao chất lượng đúng với vai trò giáo dục tâm hồn, nhân cách con người chưa? Hay giáo dục Việt Nam vẫn cơ bản mang bản chất học để thi. Về vấn đề này, Văn nghệ Công an xin được mở rộng diễn đàn trao đổi.

Kỳ thi quốc gia chung năm 2015 là một bước cải cách mạnh mẽ trong đổi mới giáo dục ở Việt Nam.

Chúng ta ngày càng được chứng kiến nhiều hơn những tranh luận xã hội đa chiều trên một hiện tượng xã hội hay một sự kiện nóng nào đó. Nhưng cũng chính từ những tranh luận kể trên, không khó để chúng ta nhận ra một sự thật rằng, ở Việt Nam hôm nay, các ý kiến mang tính lý thuyết thì hằng hà vô số còn những ý kiến đóng góp mang tính thực tiễn, có thể khả thi thực hành lại vô cùng hiếm hoi. Sự thật ấy chỉ ra điều gì?

Dễ hiểu thôi, nhiều thế hệ người Việt đã phải trải qua một nền giáo dục nặng tính lý thuyết và kết hợp với thói quen tâm lý học là vì khoa bảng theo kiểu tầm chương trích cú nên từ đó đã hình thành một xã hội Việt với nhiều trí thức bàn giấy, trí thức ít có sáng tạo hiệu quả thực tiễn cho xã hội. Họ chỉ mạnh duy nhất một thứ: Cãi, cãi và cãi.

Gần đây, cộng đồng lại xôn xao về một bài toán khó lớp 3 ở Lâm Đồng, một bài toán đã được vài tờ báo Anh và Mỹ đưa lên như một câu chuyện lạ. Những gì đọng lại từ đằng sau câu chuyện bài toán lớp 3 ấy là câu hỏi "Để làm gì?". Vâng, đúng cái câu hỏi "Để làm gì?" ấy nó cũng chính là câu hỏi dành cho cả nền giáo dục Việt Nam ở giai đoạn nước sôi lửa bỏng này.

Khi bắt tay vào làm một việc gì đó, con người ta luôn phải hướng đến câu hỏi "Để làm gì?" trước tiên. Nó thể hiện mục đích của hành động và chính từ mục đích của hành động, người ta mới có thể xây dựng được kế hoạch hành động phù hợp. Vậy thì ngành Giáo dục cũng cần phải trả lời câu hỏi "Để làm gì?" đó khi xây dựng một nền giáo dục xương sống cho quốc gia. Nếu ta muốn tạo ra những trí thức nghiên cứu khoa học, chúng ta sẽ chú trọng vào đào tạo kiến thức khoa học. Còn nếu ta muốn tạo ra các thế hệ trí thức thực hành, chúng ta sẽ chú trọng vào đào tạo các kiến thức ứng dụng.

Vậy thì hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay có đủ đáp ứng cho các trí thức khoa học tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu sau khi họ đã tốt nghiệp hay không? Thực chất, điều kiện cơ sở vật chất hạ tầng, điều kiện ngân sách, điều kiện xã hội khó có thể đáp ứng được điều đó và nhiều trí thức khoa học, sau khi hoàn thành các bậc học của mình, đã phải chuyển ngành để mưu sinh. Đơn giản, các điều kiện kể trên không chỉ được mang lại từ chỉ một nguồn tài lực duy nhất là nhà nước mà rất cần sự tham gia của các lực lượng xã hội khác.

Đơn cử như ở lĩnh vực y - dược học chẳng hạn, nguồn tài trợ chủ yếu cho các nhà khoa học nước ngoài nghiên cứu các phát minh mới đều đến từ các hãng dược phẩm lớn. Rõ ràng, ở Việt Nam, trong hoàn cảnh nước còn nghèo, lực lượng xã hội thì èo uột, việc tập trung đào tạo kiến thức khoa học với tham vọng tạo ra các thế hệ trí thức nghiên cứu khoa học là rất khó khăn. Chúng ta cần những thế hệ thực tế hơn, gần với hành động hơn để cải tạo lại hoàn cảnh đất nước song nền giáo dục lại gần như xa rời với cái mục đích "để làm gì?" đầy cấp thiết ấy.

Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, nhiều người đã nhận thấy sự khác biệt rõ rệt giữa học sinh trường quốc tế và học sinh trường công. Và nếu như các trường quốc tế được quyền 100% quyết định giáo trình đào tạo mà không chịu sự kiểm soát của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sự khác biệt kia sẽ còn lớn hơn nhiều. Tất nhiên, sẽ chẳng có một nền giáo dục nào chấp nhận sự vượt tầm kiểm soát của Bộ Giáo dục và Đào tạo cả, nhưng rõ ràng, đường hướng của ngành Giáo dục có cái gì đó đang “lệch pha” với những nhu cầu thiết thực của xã hội, thể hiện qua chính sự khác biệt về quan điểm giữa trường quốc tế với các trường theo hệ thống công lập.

Mỗi kỳ nghỉ hè tới, chúng ta vẫn thấy nhan nhản các chương trình học kỳ quân sự mà nhiều phụ huynh hồ hởi cho con theo học với mục đích muốn con cứng cáp hơn, tự lập hơn. Đó là một tín hiệu tốt của việc xã hội hóa giáo dục nhưng nó cũng chỉ ra rất thẳng thắn rằng, nhà trường không thể tạo dựng ra các thế hệ tự lập, có khả năng ứng phó kịp thời với sự thay đổi của môi trường nên gia đình mới phải nhờ cậy vào các chương trình mang tính hướng đạo như vậy.

Chắc chúng ta vẫn chưa quên chương trình giáo dục mang tên "Thực nghiệm" đã tồn tại vài thập niên dưới cái tên "trường thực nghiệm". Và hãy đặt ra câu hỏi nghiêm túc rằng ngay chính các cái gọi là thực nghiệm đó đã thoát ra khỏi hai chữ "lý thuyết" hay chưa khi nó không thể trở thành một mô hình giáo dục nổi trội và thuyết phục.

Chúng ta đang nhắc đến rất nhiều bốn tiếng "cải cách giáo dục" với những tranh cãi chủ yếu dựa trên lý thuyết hoặc xoay quanh chuyện tiêu tiền ngân sách thế nào cho hợp lý, phải phép. Nhưng có lẽ, chúng ta còn cần thứ lớn hơn "cải cách" rất nhiều. Chúng ta cần một cuộc cách mạng thực sự ở ngành Giáo dục, với những cải tổ, thay đổi triệt để ngay từ bây giờ. Đơn giản, để muộn một năm học nào, chúng ta sẽ làm hỏng một thế hệ đó.

Giáo sư Văn Như Cương: Giáo dục không đơn thuần giảng dạy là xong và hết chuyện

Giáo sư Văn Như Cương.

Giáo sư Văn Như Cương là một người cả đời tâm huyết với nền giáo dục nước nhà. Ông luôn thẳng thắn trước những vấn đề của giáo dục. Ông cho rằng, chúng ta cứ loay hoay đổi mới, loay hoay cải cách, nhưng chúng ta chưa xác định được mục tiêu của việc học là gì.

- Câu chuyện về kỳ thi quốc gia môn lịch sử, địa lý vắng bóng học sinh, một lần nữa khiến chúng ta giật mình nói lại những câu chuyện, “biết rồi, khổ lắm nói mãi”, chuyện học sử trong nhà trường?

+ Ở đây có 2 câu chuyện, trước hết là việc học sinh không thi sử, cũng có lý do của nó mà lý do sát sườn nhất là vấn đề khoa học xã hội không được chuộng bằng khoa học tự nhiên, không hẳn vì các em không thích mà phải chọn nghề vào đời để kiếm sống. Học lịch sử, địa lý ra không biết làm gì, rất hạn hẹp ngành nghề. Hơn nữa, cái này chúng ta nói mãi rồi nhưng chưa thay đổi được, đó là việc dạy sử, địa trong nhà trường rất khô cứng, nhàm chán, khiến học sinh không hứng thú. Dân ta phải biết sử ta, nhưng thử hỏi học sinh xem, có mấy ai quan tâm đến việc học sử, học để hiểu biết, để trang bị cho mình những kiến thức xã hội, làm nền tảng cho sự hình thành nhân cách của con người. Điều đó rất quan trọng, nhưng ở ta lại thiếu trầm trọng.

- Từ việc học lịch sử, địa lý, những môn khoa học nhân văn, chúng ta có thể suy rộng ra, lỗi hệ thống của một nền giáo dục ưa thành tích, nghĩ đến cái trước mắt trong khi giáo dục là một quá trình dài hơi?

+ Bản thân những môn KHXH rất hấp dẫn, nhất là lịch sử, địa lý, nhưng vì chúng ta đánh mất niềm yêu thích, không quan tâm đến cảm xúc của các em học sinh, khơi gợi sự tò mò, khám phá của các em. Giáo trình khô cứng, nhàm chán. Dù khoa học công nghệ có phát triển đến mấy thì phần cốt lõi, phần nhân văn cũng rất quan trọng. Giáo dục phải chú trọng đến sự phát triển hài hòa đó, giúp tạo ra sự cân bằng trong tâm hồn mỗi con người, từ đó sẽ tạo ra sự cân bằng cho xã hội. Chúng ta đang để mọi thứ lệch lạc đi rất nguy hiểm. Những nguyên do tội phạm gia tăng trong giới trẻ cũng một phần xuất phát từ vấn đề giáo dục...

- Chúng ta liên tục có những quyết sách thay đổi, cải cách giáo dục, mà mới đây nhất là một kỳ thi chung quốc gia. Đây có phải là bước đột phá, thưa ông?

+ Trước hết, nói đến kỳ thi mới nhất, chúng ta mới bước đi một quãng đường thôi, chưa thể nói hay hay dở. Chúng ta nên nhìn lại một cách thẳng thắn rằng chúng ta đã làm được những gì, hạn chế ra sao. Mục đích của kỳ thi này là giảm kinh phí, giảm áp lực cho học sinh, giảm gánh nặng cho toàn xã hội. Nhưng ngay từ việc cho rằng, giảm kinh phí, tránh lãng phí tôi đã không nhất trí rồi. Bởi chúng ta mới chỉ nói đến kinh phí của một cuộc thi thôi. Chúng ta phải tính đến kinh phí đào tạo sau 4, 5 năm nữa, có lãng phí hay không, liệu với kỳ thi chung như vậy, chúng ta có chọn được đúng người để đào tạo không. Bởi nếu không thì nguồn nhân lực đào tạo sau 4, 5 năm nữa lại lãng phí, mà lãng phí rất lớn. Nên chỉ tính tầm nhìn của 1 kỳ thi là rất hạn hẹp.

Còn nói chuyện giảm gánh nặng cho học sinh, nhưng tôi thấy áp lực nhiều hơn đấy chứ. Gánh nặng ấy, hoang mang ấy, không phải chỉ có mấy ngày thi mà bắt đầu trong suốt cả năm học khi liên tục có những thay đổi. Tôi đề nghị chúng ta cần có những nghiên cứu kỹ những mô hình khác nhau, chứ không nên áp  dụng một cách cứng nhắc một kỳ thi chung như thế này, bởi nó sẽ tạo nên thói học lệch, chỉ cần học mấy môn để thi mà thôi. Hãy nhìn thẳng vào sự thật, đúc rút từ cơ sở, kể cả những thất bại hay thành công, sau đó lựa chọn một giải pháp tốt nhất. Đồng ý là có cải cách, nhưng chúng ta cứ thay đổi xoành xạch, khiến cả xã hội bất an, lo lắng. Giáo dục là một hành trình lâu dài, đâu phải ngày một ngày hai. Bên cạnh việc cải cách phải có sự ổn định nữa chứ.

- Một nền giáo dục loay hoay thay đổi, loay hoay cải cách, phải chăng vì chúng ta chưa xác định được mục tiêu của việc học để làm gì?

- Đúng thế. Từ trước đến nay chúng ta chỉ học để đi thi. Vào lớp 1 thì học để thi vào lớp 1, cấp 1 thì học thi vào cấp 2 và cứ thế. Một nền giáo dục ứng thí chứ không phải là một nền giáo dục đào tạo ra những con người có hiểu biết, để làm việc và cống hiến cho xã hội. Học rồi thi, thi rồi học, rồi không có việc làm cũng chẳng sao. Chúng ta không xác định được mục tiêu đào tạo của chúng ta là để làm việc, để hoàn thiện nhân cách con người. Nếu không thay đổi mục tiêu giáo dục, càng hòa nhập với thế giới, chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà vì nguồn nhân lực quá yếu. Đã đến lúc, chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật để có những quyết sách đúng đắn hơn cho nền Giáo dục, đừng chạy theo những thành tích mơ hồ, chẳng để làm gì. Cốt lõi của Giáo dục vẫn là tạo nên những con người có nhân cách.

Nhà văn, dịch giả Đoàn Tử Huyến: Văn chương nói cho cùng cũng là một trong những phương pháp giáo dục con người

Nhà văn, dịch giả Đoàn Tử Huyến.

- Mới đây, clip học sinh trả lời Quang Trung và Nguyễn Huệ là anh em hay bạn chiến đấu và đại thi hào Nguyễn Du chính là ông Quang Trung gây sốt trong cộng đồng. Ông có bất ngờ về điều đó không?

+ Tôi tin rằng những chuyện như ông Quang Trung và Nguyễn Huệ có phải là một người hay không thì trong chương trình giáo dục ở nhà trường ở ta có nói. Chuyện Quang Trung và Nguyễn Du khác nhau như thế nào, bao nhiêu tiết dạy bộ môn Văn học Việt Nam về đại thi hào Nguyễn Du trong chương trình học cũng có hết. Cho nên, có ý kiến cho rằng những kiến thức ấy không được đưa vào chương trình giảng dạy là không đúng. Tuy nhiên, tôi không hề sốc trước clip đang phát tán một cách rộng rãi này. Học sinh không biết Quang Trung - Nguyễn Huệ là chuyện đương nhiên.

- Vì sao lại đương nhiên, thưa ông?

+ Tôi nói đương nhiên ở đây là bởi với một hệ thống giáo dục như thế này thì chúng ta không thể đòi hỏi điều gì hơn. Vấn đề đặt ra ở đây là cách dạy, sự lôi cuốn của hệ thống giáo dục nhà trường, từ đội ngũ giảng dạy trực tiếp đến cách thức dạy như thế nào; chưa kể cách thức cho điểm rồi khi ra trường, học sinh sử dụng những kiến thức đó như thế nào. Ở ta có một thực trạng, đó là thầy nói trò không nghe. Trò không nghe vì thầy dạy chưa hấp dẫn, nội dung khô cứng, vì học không mang lại lợi ích gì; dẫn đến học sinh nghe trước quên sau. Lớn thêm chút nữa, các em đọc ngôn tình, đọc truyện trên mạng, quên hết chuyện lịch sử.

Không nói trẻ con mà đến cả những người lớn chúng ta, khi được hỏi Lê Lợi và Lê Thái Tổ là ai, chắc chắn cũng có nhiều người chẳng biết đâu. Cho nên, việc các em không biết ông Nguyễn Huệ và ông Quang Trung là một thì cũng không nên đổ hết mọi “tội lỗi” lên đầu các em. Nếu trong 100 em mà có 20 - 30 em như thế thì chưa hẳn là vấn đề. Nhưng khi 100 em mà cả 100 em đều không nắm được như thế thì không phải lỗi ở bản thân các em nữa mà nó nằm ở hệ thống giáo dục.

- Chúng ta liên tục cải cách và đổi mới đấy chứ?

+ Chúng ta đang hô hào và thực hiện cải cách nhiều quá. Nhưng theo cảm tưởng của tôi, tôi thấy những thay đổi ấy cứ quanh đi quẩn lại những chuyện cũ và những tồn đọng vẫn chưa được giải quyết. Thực ra, chả cần nghĩ làm gì cho mệt. Cũng chả cần ngồi suy nghĩ, vẽ ra cái này, vẽ ra cái kia. Chỉ cần đi xem các nước khác giống mình người ta làm giáo dục như thế nào. Đó là tôi chưa nói đến những thành tựu của những nước lớn để lại nữa.

Tôi cũng không hiểu nhà trường hiện nay đang dạy cái gì. Khối lượng kiến thức đổ lên đầu học sinh quá nặng nề và không cần thiết. Điều đó chỉ làm cho học sinh khốn khổ, mất tự do. Các em không có thời gian và không gian mà sống đúng với độ tuổi của mình.

- Thế còn ý kiến cho rằng đối tượng phạm tội ngày càng trẻ hóa và có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây với những môn khoa học xã hội trong nhà trường không được chú trọng có mối liên quan đến nhau thì ông nghĩ sao?

+ Tôi thấy cũng khó mà trả lời một cách rành rẽ về câu hỏi này. Nhưng tôi có cảm tưởng chung, đó là văn chương chúng ta hiện nay già và cũ quá. Trong khi đó, tội phạm xã hội ngày càng trẻ hóa, thậm chí có nhiều vụ đối tượng là vị thành niên. Ví dụ điển hình nhất là vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước vừa rồi, đối tượng mới 24 tuổi. Tôi thử đặt câu hỏi, nếu văn chương trẻ trung hơn, cách dạy văn trong nhà trường uyển chuyển hơn thì có giảm bớt thực trạng đó không khi những giá trị cốt lõi của văn chương là nhân văn được các em tiếp nhận và cảm thụ rồi định hình dần nhân tính, nhân cách? Văn chương, nói cho cùng cũng là một trong những phương pháp giáo dục con người.

Còn việc các môn khoa học xã hội không được chú trọng thì tôi lại phải nói một cách sòng phẳng về tính mục đích của việc học. Họ thấy học văn, học sử chả được tích sự gì thì học để làm gì. Vì thế, họ không đầu tư, chú trọng cho nó cũng là điều dễ hiểu. Ngoài học để học còn vì mục đích tìm được một công ăn việc làm. Mục đích của việc học phổ thông là đậu đại học, mục đích học xong đại học chung quy cũng lại là để có một công việc tốt. Theo tôi, chuyện tính toán ấy là cần thiết với mỗi cá nhân. Họ có quyền lựa chọn học cái gì để mang lại lợi ích cho mình.

Còn vì sao lại có suy nghĩ và tâm lý như vậy, tôi thấy ở đây chúng ta lại phải quay về câu chuyện hệ thống giáo dục. Nhà nước đã tạo điều kiện ít nhất về mặt công ăn việc làm cho những người ham mê học sử, định gắn bó lâu dài với các môn khoa học xã hội chưa? Chúng ta đã biết kết hợp giữa say mê cá nhân và lợi ích của việc học chưa? Giáo dục không đơn thuần là giảng dạy là xong và hết chuyện. Giáo dục còn phải đảm bảo tính lâu dài và tạo công ăn việc làm. Đó là một thứ giáo dục có trách nhiệm. Hiện tại chúng ta chưa làm được điều ấy.

Kỳ thi quốc gia chung năm 2015 là một bước cải cách mạnh mẽ trong đổi mới giáo dục ở Việt Nam.

Hà Quang Minh - Việt Nguyễn - Đậu Dung (thực hiện)
.
.