Giám khảo “diễn sâu” cũng không cứu được gameshow tụt dốc

Thứ Sáu, 21/07/2017, 08:00
Sau 5 tập lên sóng, "The Face Vietnam- Gương mặt thương hiệu" 2017 gây được sự chú ý của nhiều khán giả không phải vì chất lượng chương trình mà xoay quanh phát ngôn gây sốc, những tranh cãi nảy lửa của ba huấn luyện viên: Lan Khuê, Minh Tú, Hoàng Thùy. Trong giai đoạn bão hòa truyền hình thực tế, giám khảo, huấn luyện viên mới là "vai diễn chính" để thu hút khán giả.


Tạo sức hút cho chương trình bằng "vai diễn" của Ban giám khảo

Cũng như "Gương mặt thương hiệu" mùa thứ nhất, huấn luyện viên và những cuộc tranh luận để bảo vệ "gà" của đội mình luôn gây sự tò mò lớn cho khán giả. Trước khi "Gương mặt thương hiệu" 2017 lên sóng, nhiều khán giả đã dự đoán sẽ có "nhiều kịch hay" để xem vì dàn huấn luyện viên năm nay "ngang tài ngang sức" và ở cùng một độ tuổi như nhau.

Công bằng mà nói, Lan Khuê, Hoàng Thùy, Minh Tú đã làm tốt "vai trò gây sốc", tạo độ nóng cho chương trình. Sau mỗi tập lên sóng, trên mạng xã hội lại xuất hiện hàng loạt ảnh chế với những phát ngôn hài hước của các huấn luyện viên. Huấn luyện viên Hoàng Thùy còn được cư dân mạng đặt cho biệt danh "Tiến sĩ ca dao tục ngữ" vì những lần nói chuyện với thí sinh bằng ca dao tục ngữ của cô.

"The Face Vietnam- Gương mặt thương hiệu" 2017 gây chú ý vì phát ngôn gây sốc, những tranh cãi nảy lửa của ba huấn luyện viên.

Trong tập 3 của chương trình, khi Lan Khuê quyết định loại Khánh Linh, một thành viên của đội Minh Tú với lý do năng lượng bên trong yếu, khả năng không đi được đường xa, Khánh Linh quá giống với một nhân vật khác, không một nhãn hàng nào lựa chọn bản sao giống với một nhân vật đã có (Khánh Linh bị cho là giống với hotgirl Tâm Tít). Minh Tú không ngần ngại nói rằng: "cái sự bạn đang nói xúc phạm người khác. Ở đây đừng làm hoa hậu thân thiện, đừng làm Miss 10+1" (ám chỉ Lan Khuê từng lọt top 11 Hoa hậu Thế giới 2015 nhờ sự bình chọn của khán giả).

Sau đó, Minh Tú còn nói câu đầy thách thức với Lan Khuê: "cứ chờ coi đã, bôi cái môi thâm đó rồi hãy nói chuyện với chị". Theo nhiều thông tin thì Minh Tú còn có phát ngôn gây sốc khác là "cởi cái quần độn mông ra rồi nói chuyện với chị" nhưng câu nói này bị cắt khi phát sóng trên truyền hình.

Nhiều khán giả cho rằng, những tranh cãi nảy lửa với nhiều cung bậc cảm xúc của bộ ba huấn luyện viên Lan Khuê, Hoàng Thùy, Minh Tú đã biến "The Face" thành "The Mart" (nói nôm na là thành cái chợ). Những phát ngôn của Minh Tú bị cho là "học đòi" theo cách nói của các chương trình phiên bản nước ngoài nhưng khi vào Việt Nam thì "lố" và không thể chấp nhận.

Chương trình "Thần tượng Bolero" mùa thứ hai mới kết thúc và cho đến thời điểm này, những tranh cãi về người giành ngôi vị cao nhất của chương trình vẫn chưa hạ nhiệt. "Thần tượng Bolero" 2017 được đánh giá là có nhiều giọng ca đồng đều nhưng thiếu gương mặt nổi bật. Chính vì thế, nhân tố gây chú ý của chương trình nằm ở đội ngũ huấn luyện viên: Ngọc Sơn, Đàm Vĩnh Hưng, Quang Lê, Lệ Quyên. Bốn huấn luyện viên này là những người đã rất thành công ở dòng nhạc bolero và trước khi chương trình lên sóng, khán giả kỳ vọng "Thần tượng Bolero" sẽ có một mùa thành công và chất lượng.

Để chương trình thêm "rôm rả", huấn luyện viên Quang Lê và Đàm Vĩnh Hưng không quên nhắc lại chuyện từng "tuyên chiến với nhau" trên mạng xã hội. Trong khi đó, "Giáo sư âm nhạc" Ngọc Sơn - một ca sĩ hát bolero theo kiểu truyền thống được coi là "ngôi sao ghế nóng" của mùa giải năm nay có những màn "diễn sâu" khiến khán giả bất ngờ.

Nhiều tác phẩm bolero được làm mới, kết hợp đủ phong cách, vũ đạo, beatbox… như "Nỗi buồn gác trọ" (biểu diễn thí sinh Mai Hường, đội huấn luyện viên Lệ Quyên), Thành phố buồn (biểu diễn thí sinh Chu Hoàng Tuấn đội huấn luyện viên Đàm Vĩnh Hưng), "Về dưới mái nhà" (biểu diễn thí sinh Triều Quân, đội huấn luyện viên Lệ Quyên) được các huấn luyện viên hào hứng cổ vũ.

Các huấn luyện viên rời ghế nóng, lên sân khấu nhảy nhót tưng bừng như những "hoạt náo viên" thực thụ. Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng thậm chí còn nằm dài trên sân khấu để cổ vũ màn biểu diễn của các thí sinh trong khi các huấn luyện viên khác cũng hào hứng không kém.

Xem các chương trình truyền hình thực tế, nhiều khi khán giả sững sờ vì hành động "khó đỡ" của ban giám khảo, huấn luyện viên. Trong gameshow "Thách thức danh hài", Trấn Thành không ít lần quỳ lạy để bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình với tài năng của thí sinh.

Trong chương trình "Việt Nam 's Next Top Model 2016", giám khảo Lý Quý Khánh cũng có hành động quỳ trước mặt giám khảo Thanh Hằng để xin vé cho một thí sinh đi tiếp… Những màn diễn sâu của nhiều huấn luyện viên, ban giám khảo bị đánh giá là quá đà nên trở nên rất phản cảm.

"Có bột mới gột nên hồ"

Truyền hình thực tế, gameshow không thể thiếu "chiêu trò" để thu hút khán giả. Trong bối cảnh truyền hình thực tế nở rộ, thiếu vắng những tài năng đích thực thì giám khảo, huấn luyện viên trở thành "trung tâm" để tạo sức hút cho chương trình. Thực chất thì giám khảo, huấn luyện viên cũng chỉ là một "vai diễn". Nếu nhà sản xuất tìm được "diễn viên" có lượng fan đông đảo, có khả năng "diễn xuất" tốt thì khả năng chương trình gây được sự chú ý càng cao.

Những màn diễn lố của giám khảo có "cứu" được chất lượng các chương trình truyền hình thực tế đang tụt dốc?

Xuất phát từ lý do đó mà tiêu chí chọn giám khảo, huấn luyện viên các chương trình truyền hình thực tế, gameshow có thay đổi. Giờ đây, chuyên môn không còn là yếu tố quyết định một người có xứng đáng ngồi vào ghế nóng hay không mà thay vào đó là sức hút của chính giám khảo, huấn luyện viên. Thế mới dẫn đến tình trạng "chéo ngoe" là, có những giám khảo, huấn luyện viên ngồi ghế nóng chấm hát, nhảy múa… lại có chuyên môn ở một lĩnh vực nghệ thuật khác.

"Cuộc cách mạng" trong đội ngũ giám khảo, huấn luyện viên truyền hình thực tế thời gian qua là sự xuất hiện của những gương mặt trẻ cả tuổi đời lẫn tuổi nghề. Sẽ không có gì đáng nói nếu đó những người trẻ thực sự xứng đáng, đủ "tâm", đủ "tầm" để làm công việc "cầm cân, nảy mực".

Tuy nhiên, thực tế diễn ra cho thấy, những nghệ sỹ trẻ đang được khoác lên mình tấm áo quá rộng vì ngoài việc hoạt ngôn, có lượng fan đông đảo, họ còn thiếu về trình độ chuyên môn và kinh nghiệm xử lý các tình huống khi ngồi trên ghế nóng.

Trên sân khấu truyền hình thực tế, chúng ta thường xuyên bắt gặp những nhận xét chung chung về chuyên môn, những lời khen tặng "có cánh", tập trung đánh giá hình thể, trang phục… của thí sinh, những màn đấu khẩu, diễn quá đà của giám khảo.

Một câu hỏi đặt ra là, những màn diễn lố của giám khảo có "cứu" được chất lượng các chương trình truyền hình thực tế đang tụt dốc?. Câu trả lời là không. "Có bột mới gột nên hồ". Sự hấp dẫn của chương trình phải nằm ở chính tài năng của các thí sinh chứ không phải ở sự hoạt ngôn của ban giám khảo, huấn luyện viên.

Các chương trình truyền hình thực tế, gameshow, trong đó phần lớn là những chương trình tìm kiếm tài năng cần phải trở về với mục đích cốt lõi của mình là tìm kiếm tài năng. Theo đó, nên tập trung vào việc khai thác tài năng của thí sinh thay vì "chuyển hướng" sự quan tâm của khán giả đến ban giám khảo, huấn luyện viên. Nếu không có định hướng cụ thể thì sớm hay muộn, chương trình cũng sẽ bị hụt hơi, không thể đi được đường dài.

Nhiều người nói rằng, nghề giám khảo, huấn luyện giống như con dao hai lưỡi và nghệ sỹ ngồi ghế nóng cũng mạo hiểm như "đi trên dây". Truyền hình thực tế, gameshow nở rộ mở ra cơ hội lớn với các nghệ sỹ mà các thế hệ nghệ sỹ trước đây không có được. Xuất hiện trước hàng triệu khán giả xem truyền hình nên nghệ sỹ có cơ hội để kết nối với khán giả, gần gũi hơn với công chúng nhưng đồng thời, nếu làm không tốt vai trò của mình, nghệ sỹ lại tự làm xấu đi hình ảnh trước công chúng.

Xét cho cùng thì yếu tố chuyên môn của giám khảo mới là yếu tố chinh phục khán giả và thí sinh. Với các nghệ sỹ, cần cân nhắc kỹ lưỡng khi quyết định nhận lời làm giám khảo, huấn luyện viên và lựa chọn ứng xử đúng mực, phù hợp khi ngồi "ghế nóng".

Phạm Thiên Giang
.
.