Điện ảnh Việt và sự tiếp nối của các thế hệ
Hy vọng vào "những tháng năm rực rỡ"
Trong tháng 3, những người làm điện ảnh trong nước đón một sự kiện khá đặc biệt - đó là kỷ niệm 65 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập ngành Điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Có thể nói, ngay từ khi ra đời (ngày 15-3-1953) đến nay, đất nước lần lượt trải qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau nhưng ở thời kỳ nào, điện ảnh cũng thể hiện rõ được vai trò của mình trong đời sống xã hội.
So với các lĩnh vực trong đời sống văn hóa, điện ảnh luôn khẳng định là một trong những lĩnh vực hàng đầu không ngừng đổi mới để phù hợp với hoàn cảnh mới. Chặng đường 65 năm qua, Điện ảnh Việt Nam đã ghi dấu nhiều thành tựu của các thế hệ đi trước.
Trong tâm trí của những nghệ sĩ gạo cội vẫn nguyên nỗi nhớ và sự trân quý về một thời kỳ bộn bề khó khăn, vất vả nhưng tài năng, tâm huyết và lòng yêu nghề vô tư đã làm nên những tác phẩm điện ảnh kinh điển. Từ năm 1959, khi bộ phim truyện đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam "Chung một dòng sông" ra đời cho đến nay, lịch sử điện ảnh Việt Nam đã ghi dấu mốc thành tựu bằng nhiều bộ phim vang bóng được các thế hệ nghệ sĩ vàng chung tay tạo nên như "Vĩ tuyến 17, ngày và đêm", "Chị Tư Hậu", "Em bé Hà Nội", "Bao giờ cho đến tháng Mười"...
Những tháng ngày đầy tự hào và kiêu hãnh ấy của điện ảnh Việt Nam đã làm nên một thế hệ những tên tuổi nghệ sĩ gạo cội như NSND Trà Giang, NSND Thế Anh, NSND Như Quỳnh...
Các thế hệ nghệ sĩ điện ảnh gặp nhau nhân dịp kỷ niệm 65 năm thành lập ngành Điện ảnh Cách mạng Việt Nam. |
Tại lễ kỷ niệm, các nghệ sĩ điện ảnh trên cả nước đã hội tụ và cùng nhau sẻ chia những kỷ niệm gắn liền với cuộc đời làm nghệ thuật của mình và cùng chung một niềm mong muốn ngành điện ảnh ngày càng lớn mạnh, cũng như giấc mơ điện ảnh Việt Nam chạm tới thị trường điện ảnh quốc tế.
Nhìn vào những kết quả đáng tự hào mà điện ảnh Việt Nam đã làm được trong quá khứ, điều không ít nghệ sĩ băn khoăn, trăn trở là thế hệ trẻ sẽ làm thế nào để tiếp tục phát huy những thành tựu ấy. Sự phát triển như vũ bão của cơ chế thị trường đã khiến điện ảnh có những khi rơi vào tình trạng khủng hoảng; sự bùng nổ của những bộ phim thảm họa, câu khách rẻ tiền... đã từng khiến những người yêu điện ảnh hoang mang. Nhưng sau những thăng trầm ấy, những nghệ sĩ tâm huyết với bộ môn nghệ thuật thứ 7 vẫn yêu nghề và nỗ lực theo cách riêng của mình.
Theo báo cáo của Cục Điện ảnh tại lễ kỷ niệm, về sản xuất phim, năm 2014 có 25 phim, năm 2015 tăng trưởng đột phá lên 40 phim và con số này duy trì trong suốt 2 năm 2016, 2017, đạt chỉ tiêu sản xuất phim năm 2020 trong Chiến lược phát triển điện ảnh.
Về phát hành, phổ biến phim, chưa khi nào thị trường điện ảnh phát triển mạnh như hiện nay. Doanh số chiếu phim tăng trung bình trên 20%, đến năm 2017, doanh thu là 3.250 tỷ đồng. Trong đó thị phần phim Việt Nam chiếm khoảng 27%. Số lượng rạp chiếu trong nước tính đến 2017 là 740 phòng chiếu, vượt xa chỉ tiêu trong chiến lược phát triển điện ảnh...
Thời gian qua cũng ghi dấu lần đầu tiên, một hình thức hợp tác giữa nhà nước, tư nhân được thực hiện với "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" đã mang lại doanh thu khổng lồ: 80 tỷ đồng (gấp 10 lần chi phí ban đầu). Hay gần đây nhất, doanh thu của "Em chưa 18" đứng đầu top 10 phim ăn khách nhất khi đạt 171 tỷ đồng.
Những con số ấy đã cho thấy, điện ảnh là một lĩnh vực văn hóa có thể mang lại nguồn lợi kinh tế không hề nhỏ cho đời sống. Mặc dù bản thân điện ảnh vẫn chứa đựng trong đó những điều đáng buồn như sự lình xình của câu chuyện cổ phần hóa, sự vắng bóng của dòng phim Nhà nước nhưng có lẽ không vì thế mà ta ngừng hy vọng.
Những "kỷ lục phòng vé" liên tục được xác lập đã phần nào xoa dịu đi những trăn trở bấy lâu nay. Mặc dù doanh thu chưa phải là tất cả nhưng rõ ràng, những thành công ấy không phải từ may mắn. Sự bùng phát của các nhà sản xuất phim tư nhân cho thấy sự hấp dẫn và sức sống căng tràn của những thế hệ đạo diễn trẻ. Không ít người trong số họ lần đầu ra mắt tác phẩm đầu tay nhưng đã lập tức thu hút được sự chú ý của giới làm nghề.
Sự thành công của những bộ phim gần đây cho thấy nỗ lực đầu tư và theo đuổi định hướng làm phim nghiêm túc, nhân văn chính là cốt lõi để những bộ phim này đạt được kỳ tích. Thực tế cho thấy, phim ra rạp ngày một nhiều hơn, những phản hồi tích cực từ khán giả - những giám khảo công tâm - chính là thước đo khẳng định thành công của mỗi bộ phim.
Hình ảnh những phòng chiếu đầy ắp khán giả không còn là độc quyền của những bộ phim bom tấn nhập khẩu nữa mà đã thuộc về những bộ phim của điện ảnh Việt mang tới những niềm hy vọng, sự lạc quan thật sự. Gần đây, thương hiệu điện ảnh Việt Nam cũng dần được khẳng định bởi sự chuyên nghiệp và bài bản của các LHP Việt Nam và LHP quốc tế, các tuần phim Việt Nam thường kỳ hoặc nhân các sự kiện văn hóa...
Có lẽ, với mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ, chúng ta nên có những nhìn nhận, đánh giá công bằng khách quan để không bỏ sót bất kỳ sự nỗ lực nào. Bởi ngay lúc này, đã có hàng loạt những dự án điện ảnh tiếp tục ra mắt, mở ra cánh cửa hy vọng vào sự năng động của một thế hệ làm phim mới, tạo nên "những tháng năm rực rỡ" cho điện ảnh Việt Nam.
Đạo diễn Đặng Thái Huyền: Thế hệ trẻ không ngại bước ra khỏi "vùng an toàn"
- Thưa đạo diễn Đặng Thái Huyền, điện ảnh là lĩnh vực chưa bao giờ thiếu vắng sự xuất hiện của những gương mặt trẻ. Các giải thưởng cũng đã gọi tên khá nhiều những đạo diễn mới vào nghề. Để nói về thế hệ của mình, chị có thể nói những điều gì?
+ Thế hệ của tôi có thể nói đang ở độ chín về nghề, chịu khó học hỏi, nghiên cứu các trào lưu điện ảnh trên thế giới; biết tiếp cận các công nghệ làm phim, sản xuất phim hiện đại. Và điều quan trọng là chúng tôi không ngại thể nghiệm, dấn thân để bước ra khỏi “vùng an toàn”, sở trường của mình để có những tìm tòi, trải nghiệm mới, dù biết có thể mình sẽ không có được những thành công như mong muốn nhưng đổi lại, chúng tôi sẽ trưởng thành, vững vàng hơn trong nghề nghiệp và trong các tác phẩm tiếp theo.
- Có một suy nghĩ khá phổ biến là mọi người hay so sánh các thế hệ nghệ sĩ và cho rằng, thế hệ trẻ hiện nay chưa tạo ra được những tác phẩm "để đời" như cha ông đi trước. Chị có cho rằng, đó là điều chưa công bằng cũng như chưa thật sự thấu hiểu khi so sánh như vậy?
+ Thật khó để nói cho thấu đáo vấn đề này, bởi trong bất kỳ công việc nào, sự "tôn sư trọng đạo", trân trọng các bậc tiền bối luôn là một chân lý bất biến. Tôi nghĩ, thế hệ đi trước có quyền nhận xét và có quyền kỳ vọng hơn về các lớp thế hệ kế tiếp. Nhìn một cách tích cực, tôi nghĩ đôi khi sự nghiêm cẩn, khắt khe của các tiền bối lại là động lực để chúng tôi phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn thay vì ngồi đó tự ảo vọng.
Chỉ có điều, mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn lịch sử sẽ có các tác phẩm mang hơi thở của thời đại, phản ánh xu thế nghe nhìn của đại bộ phận khán giả vào thời điểm đó. Và phim để đời hay không thì trước mắt phải thuyết phục và lôi kéo được người xem tới rạp, dù chỉ là để cười “một vài trống canh” rồi ra về. Vậy nên, tôi nghĩ mình hãy cứ làm nghề bằng tất cả tâm huyết của mình, tác phẩm được khán giả đón nhận thì “để đời” hay không tự khắc thời gian sẽ có câu trả lời.
- Luôn được đánh giá là một thế hệ đạo diễn thông minh, được học hành bài bản, được tiếp cận với công nghệ làm phim hiện đại, tiên tiến...; vậy còn những khó khăn thực tế của thế hệ đạo diễn như chị là gì?
+ Khó khăn của thế hệ tôi ư? Nghe to tát quá vì tôi chẳng thể biết hết khó khăn của các đồng nghiệp của tôi là gì. Tôi chỉ nói về khó khăn lớn nhất của tôi thôi nhé. Đó là vấn đề kinh tế. Ở nước ngoài, các nhà làm phim có khi mấy năm mới làm một phim, thời gian còn lại họ sử dụng để nghiên cứu, đi du lịch để trải nghiệm cuộc sống, tìm cảm hứng sáng tác vì một phim đủ nuôi sống họ trong nhiều năm dư dả.
Còn những nhà làm phim Việt Nam mà cụ thể là tôi, tôi không thể chỉ sống bằng làm phim mà phải kiếm sống bằng đủ nghề khác: quay MV, quảng cáo; làm phim đặt hàng… lấy nghề tay trái đó nuôi dưỡng niềm đam mê điện ảnh. Đôi khi cuộc sống cơm áo gạo tiền làm thui chột cả đam mê và cảm hứng sáng tạo. Vào thời điểm này, tôi đang ở ẩn, muốn mình tĩnh tại lại, suy nghĩ kỹ về con đường đi phía trước. Tôi không muốn tự mài mòn mình. Trong nghệ thuật, điều đó thật tồi tệ.
- Khi làm nghề, điều gì chị luôn học hỏi ở thế hệ đi trước?
+ Tôi học được ở các bậc tiền bối sự nghiêm cẩn trong công việc. Họ coi điện ảnh là thánh đường mà ở đó không có chỗ cho sự cẩu thả, lười biếng, ngông cuồng, tự mãn. Mỗi một bộ phim là tiếng lòng, là thế giới quan, nhân sinh quan của người làm nghề gửi trong đó. Tôi còn phải học nhiều lắm và luôn thấy mình như một cô sinh viên vẫn chưa được cấp bằng tốt nghiệp.
- Sau một thời gian lăn lộn với điện ảnh, giờ đây, cái tên Đặng Thái Huyền nhận được sự trân trọng của các đồng nghiệp (trong đó có nhiều đồng nghiệp lớn tuổi), sự kỳ vọng của khán giả và nhiều giải thưởng cũng đã gọi tên... Những điều ấy hẳn không tự nhiên mà có?
+ Không chỉ là nỗ lực, tôi thậm chí đã hy sinh rất nhiều cho niềm đam mê điện ảnh của mình: thời gian dành cho gia đình, cho hạnh phúc cá nhân, sức khoẻ, tiền bạc… mỗi bộ phim hoàn thành là rút cạn toàn bộ tâm trí, nguồn năng lượng của tôi. Nhưng tôi không cho đó là sự hy sinh quá lớn lao, có chăng là tôi tự trách mình chưa đạt tới trình độ cân bằng giữa công việc và cuộc sống tốt hơn như các đồng nghiệp.
Năm nay tôi nhận được hai lời mời về phim điện ảnh, nhưng tôi tự thấy đây là quãng thời gian khó khăn của mình và tôi biết khi cảm hứng chưa tới thì không nên quá cưỡng cầu. Tôi rẽ hẳn sang một hướng khác đó là theo đuổi một dự án phim tài liệu rất thú vị.
Tôi vẫn luôn nói, việc làm phim tài liệu là quãng thời gian tôi rong ruổi trên các cung đường, gặp gỡ các nhân vật đáng mến, chia sẻ với những thân phận trong đời thực và tôi phải kể một câu chuyện mang chính hơi thở của cuộc sống. Đó là cách tôi lấy lại nguồn cảm hứng và sự cân bằng cho bản thân để chuẩn bị cho một phim truyện ngắn vào cuối năm của hãng tôi. Và tôi hy vọng tới lúc đó thì cảm hứng đã quay trở về bên tôi.
- Xin cảm ơn đạo diễn!
Đạo diễn Đức Thịnh: Mang những câu chuyện của đời sống lên màn ảnh
Từ một diễn viên, tôi chuyển sang làm đạo diễn không phải là "tay ngang" vì tôi được đào tạo bài bản ở cả hai lĩnh vực này. Tuy nhiên, với điện ảnh, tôi xác định là "lính mới" nên vẫn tiếp tục học để hoàn thiện nghề đạo diễn của mình. Khi làm sân khấu, cuộc sống của tôi "bình yên" hơn, chuyển sang làm đạo diễn phim vất vả hơn nhiều.
Tôi luôn quan niệm, điện ảnh là một cuộc chơi vô cùng tốn kém nên cố gắng hết sức và không cho phép mình thử nghiệm hay quá nhiều sai lầm. Hơn nữa, tôi cho rằng, làm phim ở Việt Nam hiện nay khá nhiều áp lực và rủi ro. Chính vì vậy, trước khi bắt tay vào một dự án phim tôi phải cân nhắc khá kỹ lưỡng.
Tôi may mắn khi làm 6 phim thì có tới 5 phim có doanh thu tốt. Cũng nhiều người hỏi tôi là có bí quyết gì không, nhưng ai đã từng làm phim thì biết khó có thể nói là có bí quyết hay công thức gì lắm. Ngay cả đạo diễn tài năng của Hollywood cũng thất bại là chuyện thường mà.
Cứ làm nghề một cách hết sức, toàn tâm toàn ý, còn chuyện ra rạp khán giả thích hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Và trong thành công của bất kỳ bộ phim nào không thể thiếu yếu tố may mắn. Tất nhiên, hơn 20 năm trong nghề diễn cũng giúp tôi hiểu được phần nào gu của khán giả để chọc cười đúng chỗ.
Tôi không nghĩ quá nhiều đến sự thành công hay thất bại. Tất cả chỉ là quãng đường. Hết quãng đường này, ta lại chinh phục quãng đường khác. Khó khăn nhất của công việc đạo diễn theo tôi là phải chiến thắng lòng tự ái vốn rất lớn trong họ, để luôn sẵn sàng cập nhật, kết nối những điều mới mẻ đôi khi đến từ những người rất bình thương trong cuộc sống.
Thật ra sự hài hước chỉ là phương tiện để giúp bộ phim của tôi tiếp cận khán giả dễ dàng hơn. Tôi luôn muốn đem lại cho người xem sự thoải mái vui vẻ để cảm nhận thông điệp nào đó mà tôi gửi gắm. Năm 2018, tiêu chí của công ty TP. Entertaiment ngoài phong cách hài hước, chúng tôi tập trung nâng tính xã hội cho tất cả các dự án phim của mình. Như phim "Thầy ơi, Em có bầu" của đạo diễn Quốc Duy và "Cháu nội Trạng Quỳnh" do tôi làm đạo diễn. Cả hai bộ phim này đều là phim thương mại, giải trí nhưng có thông điệp mang tính xã hội đậm nét.
Càng những bộ phim gần gũi với khán giả Việt là những bộ phim có khả năng chiến thắng phòng vé cao. Chính vì vậy, tiêu chí của tôi là vẫn sẽ mang những câu chuyện của đời sống lên màn ảnh, thổi vào đó tinh thần lạc quan và cái nhìn tích cực.
Đạo diễn, NSND Lê Hồng Chương, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam: Điện ảnh Việt Nam cần tạo được “sóng lớn"
- Thưa đạo diễn, NSND Lê Hồng Chương, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam đến nay, Điện ảnh Việt Nam trải qua 65 năm thành lập. Ông có thể nhận xét về sự tiếp nối của các thế hệ nghệ sĩ trong sự phát triển của Điện ảnh Việt Nam?
+ Tôi cho rằng, như bất kỳ lĩnh vực nào, Điện ảnh Việt Nam là sự kế thừa liên tục của các thế hệ. Chỉ riêng ở lĩnh vực phim tài liệu đã cho thấy rất rõ điều này. Từ các nghệ sĩ đầu tiên ở miền Nam cầm máy quay đến thế hệ đặt nền móng cho ngành điện ảnh đã là một bước tiến dài. Ngành điện ảnh cũng quy củ hơn từ quay phim, sản xuất đến chiếu bóng. Đó cũng là những nghệ sĩ được tiếp cận, được gửi đi học ở một trong những nền điện ảnh lớn thời kỳ đó là Điện ảnh Xôviết. Họ trở về làm nên thế hệ đạo diễn đầu tiên của Điện ảnh Việt Nam với những bộ phim phản ánh những vấn đề lớn của xã hội như cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.
Thế hệ thứ 2 được ví như thế hệ vàng với những cái tên như NSND Lê Mạnh Thích, NSND Trần Văn Thủy.... Họ là những người có tài năng thật sự, đam mê điện ảnh, không bị bất kỳ mục đích gì chi phối khi vào nghề. Những tác phẩm của thế hệ thứ nhất và thứ hai không chỉ được khán giả trong nước yêu thích mà còn nhận được sự công nhận của bạn bè quốc tế bằng những giải thưởng danh giá.
Có 2 lý do để điện ảnh thời kỳ này có được những thành tựu vang dội, đó là tài năng của các nghệ sĩ và thời đại có những vấn đề nóng lên tới đỉnh điểm. Ngoài ra, đất nước, con người Việt Nam thấm đẫm chất thơ đã làm nên nét riêng cho từng bộ phim.
Sau đó đến thế hệ chúng tôi. Thế hệ được học hành bài bản ở trong nước và quốc tế. Ngoài ra còn có may mắn là ngay từ khi mới vào nghề đã được học hỏi từ các nghệ sĩ đi trước nên có thêm kinh nghiệm. Tuy nhiên, khi ấy, kỹ thuật làm phim đã thay đổi đòi hỏi chúng tôi phải tìm ngôn ngữ mới, cách thể hiện mới. Từ việc phản ánh những vấn đề lớn của đất nước, chúng tôi bắt đầu đi vào đề cập nhiều hơn tới số phận con người. Rồi có những thay đổi trong cách làm phim như ít lời bình hơn, tăng hình ảnh...
Còn thế hệ nghệ sĩ hiện nay được đào tạo bài bản, tiếp thu công nghệ tốt. Cách làm phim của các bạn cũng khá hiện đại. Tuy nhiên, các bạn ấy phải trả lời câu hỏi là cái riêng của chúng ta là gì? Khi giờ đây, những vấn đề của xã hội Việt Nam không còn quá cá biệt nữa, vậy mang cái gì ra thế giới mới là quan trọng?
- Như vậy, vấn đề ông nhắc tới hiện nay là vấn đề bản sắc trong phim Việt?
+ Đúng vậy! Mấy năm tôi ở Pháp, khi mang phim đi liên hoan hay tổ chức những sự kiện văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, tôi nhận thấy khán giả quốc tế ít quan tâm đến dòng phim mà chúng ta hay gọi là phim thị trường. Họ hào hứng với những phim mà khi xem họ thấy đúng là con người Việt Nam, đất nước Việt Nam. Họ quan tâm đến cái riêng của anh, chứ không quan tâm anh giống Hollywood như thế nào (bởi nếu cố bắt chước Hollywood thì cả điện ảnh châu Âu cũng bại luôn).
- Lực lượng làm phim ngày một đông nhưng theo ông nhiều người than phiền chúng ta vẫn chưa có nhiều phim có tiếng vang trên thế giới?
+ Hiện nay vấn đề cốt lõi là chúng ta phải nghĩ ra cái gì đặc biệt. Ngoài ra, điện ảnh còn yếu về lý luận phê bình, trong đó liên quan tới cả báo chí. Đa số các nhà báo mới chỉ được đào tạo về nghiệp vụ báo chí, có thuận lợi là được xem nhiều phim nhưng chưa được bổ túc chuyên sâu về điện ảnh. Việc đánh giá một bộ phim cái gì được, cái gì chưa được ở báo chí nước ngoài làm rất tốt, nhưng ở chúng ta bị xem nhẹ. Vì điều này có ảnh hưởng lớn tới công chúng.
Tuy nhiên, gần đây thẩm mĩ của công chúng đã nâng dần lên. So với 2 năm trước đã bớt đi rất nhiều những phim phản cảm, phim hài nhảm. Ví dụ như bộ phim gần đây nhất tôi xem là "Tháng năm rực rỡ" khá sạch sẽ, không có chi tiết phản cảm nhưng tiếc lại là phim remake, thiếu cái riêng của Việt Nam.
- Nhìn vào đội ngũ những người làm điện ảnh hiện nay, ông có lạc quan không?
+ Tôi không quá lạc quan nhưng tôi vẫn luôn hy vọng một dân tộc đã không bị đồng hóa trong cả ngàn năm thì sẽ vẫn giữ được hồn cốt, bản sắc của mình. Những người làm Điện ảnh Việt Nam đã bắt đầu chuyên nghiệp dần lên. Họ đầu tư tiền bạc, công sức vào các dự án điện ảnh một cách nghiêm túc chứ không phải chơi để đó. Một loạt đạo diễn Việt kiều về nước. Họ là những người được học hành nghiêm túc về kỹ thuật làm phim và cách thu hút khán giả. Thị trường điện ảnh cũng đang ngày càng phát triển.
Tuy nhiên, thế hệ trẻ hiện nay vẫn thiếu một "dòng". Rõ ràng, không thể một người tạo nên một nền điện ảnh, mà để điện ảnh ghi dấu ấn với thế giới phải có một con sóng lớn. Những con nước nhỏ góp vào sẽ tạo nên sóng lớn. Phải có những sản phẩm đặc biệt của những người đặc biệt. Nhưng không thể đốt cháy giai đoạn được mà cần thời gian.
Và quan trọng nhất là chúng ta có thể học được về công nghệ, kỹ thuật làm phim, nhưng điều quan trọng hơn là bạn kể câu chuyện gì, trái tim, khối óc của các bạn thể hiện trong tác phẩm thế nào... Đó mới là điều thế hệ hiện nay phải tìm câu trả lời.
- Xin chân thành cảm ơn ông!