Để phim ảnh thực sự trở thành chiếc cầu nối cho ngành du lịch

Thứ Năm, 13/07/2017, 08:01
Viện Tư liệu và Lưu trữ phim ảnh Việt Nam vừa tổ chức Tọa đàm "Làm gì để phim ảnh trở thành chiếc cầu nối cho ngành du lịch?". Những ý kiến tham gia đề cập tới cái được, cái chưa được, những biện pháp cần tháo gỡ cùng những kiến giải mới mẻ, bổ ích nhằm giúp Điện ảnh nước nhà làm được chức năng này…        


Không phải đến bây giờ chúng ta mới biết vận dụng phim ảnh để quảng bá cho đất nước và dân tộc mình. Ngay trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trên mặt trận ngoại giao, chúng ta đã biết sử dụng những bộ phim tài liệu phản ánh về cuộc chiến đấu của quân dân miền Nam đánh trả các chiến lược chiến tranh của Mỹ và quân đội Sài Gòn; phim về phong trào "Ba đảm đang", "Ba sẵn sàng", về chiến công bắn rơi những "Thần sấm", "Con ma" trên miền Bắc… để giành lấy thiện cảm của lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Hãy nhớ tới những bộ phim như "Đường ra phía trước", "Nghệ thuật tuổi thơ", "Những người săn hươu trên đỉnh núi Daksao"… của Điện ảnh Giải phóng, "Người Hàm Rồng", "Một ngày Hà Nội", "Trai thôn Tòng, gái thôn Bạt"… của các cơ sở làm phim Phóng sự - Tài liệu ở Hà Nội.

Bằng tính trực quan sinh động của phương tiện Nghe - Nhìn, và bằng yêu cầu của tính chân thực trong phương pháp sáng tác, những bộ phim này đã khiến bạn bè năm châu bốn biển đồng tình với chính nghĩa của chúng ta. Có thể nói một cách mạnh dạn, trong cuộc chiến tranh 1964 - 1975, bản thân phim ảnh đã mở một mũi giáp công mới lạ trong thế trận hợp đồng nhiều quân, binh chủng của chúng ta.

Nhưng đấy đã là chuyện của hơn nửa thế kỷ trước… 

Phim “Đông dương” với những cảnh quay tuyệt đẹp về Việt Nam.

Ngày hôm nay, điện ảnh nói riêng, phương tiện thông tin đại chúng nói chung đã tiến một bước khá dài, khá xa về phía trước. Bản thân chúng ta cũng hầu như đã nạp đầy lượng thông tin về thiên nhiên, phong cảnh, phong tục tập quán, truyền thống dân tộc của đất nước Việt Nam, con người Việt Nam cho các mạng xã hội. Ngồi ở một xứ sở dù rất xa Việt Nam đi chăng nữa, chỉ cần một cú clik chuột, bữa cỗ Việt Nam sẽ dọn ngay trước mặt khách đủ mọi món sơn hào hải vị. Bởi lẽ đó, làm gì để phim ảnh trở thành chiếc cầu đón khách du lịch, để mở rộng hơn nữa thị trường điện ảnh trong nước…v.v... hiển lộ ra nhiều vấn đề cần được quan tâm đích đáng.   

Nhìn vào những bộ phim các nhà điện ảnh nước ngoài dàn dựng ở Việt Nam từ "Người tình", "Đông Dương", "Điện Biên Phủ", "Người Mỹ trầm lặng"…cho đến "King - Đảo đầu lâu" gần đây chúng ta sẽ thấy nổi lên hai đặc điểm: Loại phim kể một câu chuyện về người Việt mình, diễn tiến dựa trên những sự kiện lịch sử ở nước mình chiếm số lượng lớn. Mượn cái lạ, của hiếm ở nước mình làm nền cho truyện phim ("King-Đảo đầu lâu") còn là chuyện hiếm hoi.

Ai cũng biết, phim giúp người xem cảm nhận đầy đủ, toàn diện về Việt Nam chúng ta nói chung, từ con người, phong tục tập quán đến thời tiết, phong cảnh mới là "món ngon" đích đáng và bền lâu lôi cuốn khách du lịch tới Việt Nam. Bởi vậy, cái chức năng của phim ảnh sẽ làm chiếc cầu đắc lực dẫn khách du lịch nước ngoài tới Việt Nam chúng ta trông cậy ở đâu? Công việc này chính là nhiệm vụ của bản thân phim ảnh được sản xuất trong nước, các nhà biên kịch, đạo diễn phải là người Việt Nam. Không ai kể hay, kể giỏi, kể sâu sắc về Việt Nam bằng chính chúng ta.

Đáng tiếc rằng, phim Việt Nam ngày nay khi thì "nhái" Mỹ, khi thì "nhái " Hàn. Phần lớn các nhà sản xuất đều không đủ can đảm thoát ra khỏi cái công thức câu khách tiền -tình mà lâu nay họ vẫn đeo bám như một tấm bùa hộ mạng. Từ thực tế này, xin hãy gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh: Nếu để mất đi những bộ phim sâu sắc về mặt tư tưởng; nghiêm túc về phương diện  nghệ thuật; nếu để tuột trôi những truyền thống mà nền điện ảnh dân tộc đã đạt được trong những năm tháng chiến tranh và thập niên đầu của thời kỳ mở cửa, tức chúng ta đã tự đánh mất đi cốt lõi văn hóa của điện ảnh nói chung; khả năng giới thiệu và cuốn hút khách du lịch tới Việt Nam bằng phim ảnh nói riêng!

Có thể mạnh dạn mà nói rằng, với bộ phim "Đông Dương" thì các nhà điện ảnh Pháp đã khai thác tương đối đầy đủ cái đẹp, cái hay của vùng đất đồng bằng Bắc Bộ. Về nét lạ, nét riêng của miền Tây sông nước Nam Bộ - cú nạo vét ấy đã xảy ra với phim "Người tình". Bộ phim "King-Đảo đầu lâu" khai thác về vẻ đẹp của biển Hạ Long, và vùng hang động Thiên đường ở Quảng Bình và những con suối, những ngọn núi của khu du lịch Tràng An ở Ninh Bình.

Với phim "King- Đảo đầu lâu" - chiếc gạch nối giữa điện ảnh và du lịch hình như đã được tô đậm nét khi khách du lịch trên thế giới cũng như trong nước đã đổ bộ đến những địa danh nổi tiếng ở Việt Nam xuất hiện trong phim nhiều hơn, mật độ dày đặc hơn. Song cũng cần phải tỉnh táo về những hệ lụy mà phim ảnh đưa lại. Chúng ta không thể vì đồng tiền dồi dào từ những dịch vụ làm phim với nước ngoài mà sẵn sàng để gây "ô nhiễm môi trường văn hóa" của chúng ta.

Hội nhập nhưng vẫn luôn giữ bản sắc, và trân trọng những giá trị của riêng mình, để từ đó nhờ hội nhập mà tôn vinh giá trị của mình lên mới là điều đáng bàn!

Tô Hoàng
.
.