Quảng bá Du lịch qua Điện ảnh: Không chỉ chờ những cơ hội "vàng"

Thứ Sáu, 21/04/2017, 08:25
Gần đây, một tin vui không chỉ của riêng du lịch Ninh Bình mà còn của cả nước khi phim trường bối cảnh phim "Kong - Đảo đầu lâu" là Làng thổ dân vừa được phục dựng và đưa vào làm một điểm đến trong hành trình du lịch Tràng An - Bái Đính. 


Việc một địa danh từng là bối cảnh của một bộ phim bom tấn chắc chắn sẽ thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài nước tới Ninh Bình, tới Việt Nam. Tuy nhiên, để giữ chân du khách, để du khách quay trở lại nhiều lần thì ngành du lịch không chỉ cậy nhờ vào những cơ hội "vàng" này.

Ngay từ khi đoàn làm phim "Kong - Đảo đầu lâu" tới khảo sát bối cảnh tại Việt Nam đã kéo theo không ít tò mò với du khách quốc tế. Thậm chí, ngay cả với du khách trong nước thì đây cũng thực sự là điều bất ngờ. Ngay từ khi đoàn làm phim thực hiện những cảnh quay đầu tiên đến khi phim công chiếu ở Việt Nam và trên toàn thế giới thì "Kong - đảo đầu lâu" đã luôn nhận được sự quan tâm săn sóc của giới truyền thông.

Làng thổ dân trong phim “Kong - Đảo đầu lâu” quay cảnh ở Bái Đính, Ninh Bình đã trở thành một điểm đến trong tour du lịch trong và ngoài nước.

Với khán giả Việt Nam, đây đã không chỉ là một bộ phim điện ảnh thông thường nữa. Sự kiện này thực sự là là một cơ hội vàng, một cú hích với ngành Du lịch Việt Nam. Xem phim, nhiều du khách quốc tế đã thực sự ngỡ ngàng trước vẻ kỳ vĩ, hoang sơ của hang động thiên nhiên Việt Nam. Không ít người Việt cũng trầm trồ hóa ra đất nước mình đẹp thế! Từ khi báo chí nhắc tới phim "Kong - Đảo đầu lâu" thì những con số thống kê đã cho thấy số lượng du khách tới Quảng Bình tăng lên đáng kể.

Tương tự như vậy, ngay từ những ngày đầu năm, nhiều người đã chọn Tràng An - Bái Đính (Ninh Bình) là điểm đến trên hành trình du lịch của mình. Những địa điểm, danh lam thắng cảnh của Ninh Bình và Quảng Bình như đầm Vân Long, Tam Cốc - Bích Động, Tràng An, Hang Chuột, hệ thống hang Tú Làn, đèo Đá Đẽo, hồ Yên Phú, Phong Nha - Kẻ Bàng... qua góc quay của những người làm điện ảnh đã thực sự khiến người xem mãn nhãn. Người xem trầm trồ trước những cánh đồng bát ngát thẳng cánh cò bay ở Ninh Bình, những hang động kỳ vĩ Quảng Bình...

Gần đây nhất, ngôi làng thổ dân - một bối cảnh trong bom tấn "Kong - Đảo đầu lâu" với khoảng 40 chiếc lều đã được Ninh Bình phục dựng nằm cạnh khu danh thắng Tràng An. Những người tham gia trong quá trình xây dựng bối cảnh phim đã được mời để phục dựng.

Kết quả là du khách sẽ được chiêm ngưỡng khoảng 40 chiếc lều hình chóp được dựng bằng tre nứa trên nền đất rộng, trang trí bằng các vật dụng đồng quê quen thuộc như nơm, giỏ bắt cá và cờ phướn màu đỏ. Đại diện Sở du lịch Ninh Bình cho biết, phục dựng phim trường "Kong - đảo đầu lâu" là một trong những hình thức quảng bá di sản, tạo điều kiện cho du khách trong và ngoài nước tham quan, đặc biệt những người đã xem bộ phim này có cơ hội biết đến bối cảnh thực ngoài đời thế nào.

Câu chuyện này lại thêm một lần nữa minh chứng khả năng quảng bá cho du lịch của điện ảnh. Chỉ cần một bộ phim hay, ghi dấu ấn trong lòng khán giả thì ngay lập tức vùng đất được sử dụng làm bối cảnh quay ấy cũng ghi dấu trong tâm trí người xem và sau đó sẽ trở thành niềm mơ ước, khát khao được đặt chân tới địa danh ấy.

Không thể phủ nhận sức mạnh lan tỏa của màn ảnh rộng tới khán giả bởi từ nhìn, từ nghe kể về nó, người ta sẽ muốn đến để tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên. Lịch sử điện ảnh thế giới, khu vực và trong nước đã cho thấy, bối cảnh những bộ phim nổi tiếng đều đã trở thành những địa điểm du lịch hấp dẫn du khách.

Đánh giá đúng tiềm năng quảng bá du lịch của điện ảnh, tuy nhiên thời gian qua, điện ảnh Việt Nam chưa phát huy được thế mạnh này. Nguyên nhân quan trọng nhất vì cơ sở vật chất dành cho điện ảnh của chúng ta còn nghèo nàn, lạc hậu. Việt Nam thiếu vắng những trường quay chuyên nghiệp, hoành tráng để vừa là nơi quay phim, vừa là nơi du lịch như ở Trung Quốc, Hàn Quốc.

Chính vì vậy, nếu điều kiện kinh phí cho phép, một số đạo diễn đều phải đi thuê phim trường ở nước ngoài. Còn đa số các bộ phim đều được thực hiện tại những nơi dân sinh với phương thức nhờ hoặc thuê. Vì thế, ngay sau khi bộ phim hoàn thành, những người làm phim lại phải trả về nguyên hiện trạng ban đầu cho người dân ổn định cuộc sống. Bối cảnh phim vì thế cũng chỉ dừng lại ở trên phim.

Tuy nhiên, điều cốt lõi nhất để điện ảnh có khả năng quảng bá du lịch, lan tỏa tới khán giả khát khao được đặt chân tới bối cảnh là phải có phim hay. Phim không hay thì có muốn giới thiệu du lịch đến mấy cũng đành bất lực.

Hình ảnh vịnh Hạ Long đẹp cuốn hút trong phim “Đông Dương”.

Lâu nay, phần lớn những bộ phim nổi tiếng góp phần đưa hình ảnh Việt Nam đến với du khách quốc tế đều thuộc về những bộ phim của những đạo diễn nước ngoài, những bộ phim hợp tác như "Đông Dương", "Người tình", "Người Mỹ trầm lặng"... Gần đây nhất là "Kong - Đảo đầu lâu". Những bộ phim thuần Việt tạo nên cơn sốt du lịch chưa nhiều.

Có thể kể tới "Tôi thấy hoa vàng trên cả xanh" đã tạo ra một cơn sốt tới Phú Yên. Hay phong cảnh Đà Nẵng cũng đã xuất hiện trong các phim truyền hình, phim hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc như "Tuổi thanh xuân"...

Nhận thấy tầm quan trọng của điện ảnh trong việc quảng bá du lịch, đưa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tới đông đảo bạn bè quốc tế, các cơ quan chức năng đã có những hoạt động để thúc đẩy thế mạnh này. Tại cuộc họp tổng kết do Tổng cục Du lịch tổ chức đã nhấn mạnh gắn kết du lịch với điện ảnh sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế trong thời gian tới.

Phía Tổng cục Du lịch cũng cho biết, Việt Nam sẵn sàng trải thảm đỏ chào đón các đoàn làm phim nước ngoài tới Việt Nam để tăng cường cơ hội quảng quá du lịch. Cùng với "Kong - Đảo đầu lâu", 2 bộ phim tài liệu là "Phiên chợ vùng cao" và "Mũi Né - vùng biển thức" có độ dài 12 phút, phụ đề song ngữ Anh - Pháp với nội dung quảng bá thương hiệu và sản phẩm du lịch Việt đã được thực hiện.

Hai bộ phim tài liệu này sau khi hoàn thành sẽ được trình chiếu tại tất cả các sự kiện chính thức của quốc gia về điện ảnh và du lịch trong nước và quốc tế các năm tiếp theo như: Tuần phim Việt Nam tại Singapore, Tuần phim Việt Nam tại Hàn Quốc, chương trình phim Việt Nam tại Cuba, Canada, Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương...

Ngoài ra, phim cũng sẽ được giới thiệu trên các website chính thức của Cục Điện ảnh và Tổng cục Du lịch, website Liên hoan phim Việt Nam như một kênh thông tin trực tuyến. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng sẽ phát hành đĩa tặng cho khán giả điện ảnh, các công ty du lịch, các nhà làm phim nước ngoài muốn đến Việt Nam.

Đây là sản phẩm nằm trong kế hoạch của Cục Điện ảnh, đặt hàng các tác giả trong nước thực hiện phim theo thể loại tài liệu, với độ dài chừng 10 - 12 phút để chiếu ở các hội nghị, liên hoan phim quốc tế. Các phim sẽ gắn với sản phẩm du lịch cụ thể như du lịch homestay, du lịch sinh thái, du lịch biển hay các làng nghề truyền thống...

Quảng bá du lịch nhờ điện ảnh là một hướng đi đúng và sẽ mang lại hiệu quả cao nếu có được những bộ phim hay. Tuy nhiên, từ hình ảnh trong phim đến sự hấp dẫn du khách ở ngoài đời thực lại cần sự kết nối bền chặt nữa. Để hấp dẫn du khách và giữ chân du khách lưu trú lâu dài hay quay lại Việt Nam nhiều lần cần thêm những điều kiện nữa như cơ sở vật chất, dịch vụ du lịch chứ không chỉ đơn thuần là bối cảnh phim hay một địa danh nào đó.

Mỗi bộ phim hay là cơ hội vàng để "nền công nghiệp không khói" phát triển. Tuy nhiên, không chỉ có mỗi việc quảng bá là phải có chiến lược phát triển phù hợp từ cách làm du lịch đến cách làm dịch vụ. Không chỉ dừng lại ở việc ăn sẵn vài phim trường cũ hay địa danh mà phải tạo thành một chuỗi du lịch phong phú, đa dạng. Việt Nam vốn đã có sức hút đặc biệt với khách nước ngoài bởi vẻ đẹp bình dị cả về con người lẫn thiên nhiên. Vẻ đẹp ấy lại càng mang tới những giá trị đặc biệt khi nhà Ðiện ảnh và nhà Du lịch bắt tay thật chặt.

Khánh Thảo
.
.