Đào tạo nguồn nhân lực cho văn hóa nghệ thuật thời hội nhập

Chủ Nhật, 17/07/2016, 08:28
Hội nhập quốc tế là quy luật tất yếu của sự phát triển. Muốn tồn tại, chúng ta không thể đứng ngoài quy luật đó. Do vậy, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, việc phát triển và nâng cao nguồn nhân lực ngành văn hóa nghệ thuật là vô cùng cấp bách và cần thiết...


Khát nhân lực hòa nhập nhưng không hòa tan

Bước vào thời đại toàn cầu hóa và kỷ nguyên của công nghệ thông tin, thế giới ngày càng phẳng, các nước xích lại gần nhau hơn. Cuối năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập với mục đích hình thành một khu vực kinh tế ASEAN ổn định, thịnh vượng, nâng cao cơ hội hợp tác, khả năng cạnh tranh cao của các quốc gia trong khu vực. Việt Nam là một trong 10 thành viên của AEC. Việc trở thành thành viên AEC mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức đối với các ngành, các lĩnh vực trong đó có lĩnh vực văn hoá nghệ thuật.

Mở cửa, chúng ta đón nhận đa sắc màu từ thành tựu văn hóa nghệ thuật trên thế giới, thu hút nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực màu mỡ này. Những buổi biểu diễn của các ngôi sao quốc tế hàng đầu tại Việt Nam, chương trình hợp tác lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giữa Việt Nam và nước ngoài ngày càng tăng cả về lượng và chất. Các nghệ sĩ trong nước có dịp học hỏi, trau dồi kinh nghiệm để nâng cao trình độ, cống hiến cho nền văn hóa nghệ thuật nước nhà.

Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực của nước ta hiện nay vẫn chưa đáp ứng được cơn lốc hội nhập. Chúng ta chưa đủ nội lực, sức đề kháng để tiếp thu có chọn lọc những trào lưu văn hóa nghệ thuật của thế giới. Thế nên mới có chuyện nhiều tác phẩm điện ảnh, văn học, âm nhạc… và ngay cả nghệ sĩ của Việt Nam bị lai căng, bắt chước nền văn hóa Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc…

Phim hợp tác với nước ngoài là nỗ lực được đánh giá cao của nhà làm phim Việt Nam trong bối cảnh hội nhập (Trong ảnh: Một cảnh trong phim hợp tác Việt – Hàn “Tuổi thanh xuân”).

NSND Kim Cương cho rằng không thể để nền văn hóa nước ngoài lấn át nền văn hóa dân tộc. Bởi không tồn tại khái niệm nền văn hóa này cao hơn nền văn hóa kia. Văn hóa là sự khác biệt, là bản sắc riêng của từng dân tộc làm nên bảng màu phong phú cho thế giới. Văn hóa của một dân tộc xác nhận sự tồn tại của dân tộc đó.

Cố GS.TS Trần Văn Khê từng nói: “Mình sẵn sàng mở cửa cho khách vào thăm nhà để giới thiệu cái hay, cái đẹp của mình với người ta và cũng học hỏi ở người ta nhiều điều mới mẻ. Nhưng khách vào chơi nhà xong thì tiễn họ về chứ không thể để họ ở luôn trong nhà mình, dẹp bỏ luôn bàn thờ tổ tiên của mình để thờ phụng họ”.

Hiện nay, các nước trong khu vực như Campuchia, Philippines, Thái Lan, Singapore… đã có bước phát triển vượt bậc về văn hóa nghệ thuật, tạo ấn tượng sâu đậm với bạn bè quốc tế. Trong khi Việt Nam được đánh giá là quốc gia tiềm năng, kho tàng văn hóa nghệ thuật đặc sắc và phong phú không thua kém các nước bạn song tầm ảnh hưởng vẫn chưa thể đi xa quá ngoài biên giới nước nhà. Các tác phẩm xứng tầm nhân loại, các nghệ sĩ đẳng cấp của Việt Nam được bạn bè năm châu biết đến còn vô cùng khiêm tốn.

Hội nhập quốc tế là quy luật tất yếu của sự phát triển. Muốn tồn tại, chúng ta không thể đứng ngoài quy luật đó. Do vậy, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, việc phát triển và nâng cao nguồn nhân lực ngành văn hóa nghệ thuật là vô cùng cấp bách và cần thiết.

Nhằm đi tìm giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đủ tài và tâm, vững vàng hội nhập và cạnh tranh với bạn bè thế giới mà không hòa tan bản sắc riêng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng đào tạo văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch theo hướng chuẩn quốc gia và khu vực” (diễn ra tại TP Hồ Chí Minh ngày 5-7) với sự tham gia của đông đảo các nhà nghiên cứu, nhà chuyên môn, nhà quản lý, nghệ sĩ hoạt động văn hóa nghệ thuật....

Hiện nay, hầu hết cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật của nước ta còn lạc hậu cả về nội dung lẫn cơ sở vật chất; đội ngũ giảng viên còn yếu ngoại ngữ, thiếu tính chủ động hội nhập. Số lượng sinh viên các ngành văn hóa nghệ thuật ra trường thất nghiệp không ít. Nhiều người không phát huy được khả năng sáng tạo, giữ gìn bản sắc ngay ở trong nước chứ đừng nói là bước ra thi thố, hợp tác với nước ngoài.

Do đó, chất lượng nguồn nhân lực phải được cải thiện, nâng tầm mà trước tiên phải đảm bảo người tốt nghiệp chuẩn theo “Khung trình độ quốc gia” sẽ triển khai thời gian tới. Theo PGS.TS Hoàng Minh Phúc, Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, “Khung trình độ quốc gia” dựa trên khái niệm chuẩn đầu ra như là cơ sở nền tảng cho trình độ.

Tính đến nay, trên thế giới đã có hơn 130 nước có “Khung trình độ quốc gia” và đa số các quốc gia trong khối ASEAN đã xây dựng và ban hành “Khung trình độ quốc gia” dựa trên khung trình độ tham chiếu ASEAN (AQRF). AQRF có thể xem là thước đo chung để các nước trong khối có thể tuyển dụng lao động qua đào tạo và giúp tạo nên thị trường lao động thống nhất, hiệu quả khi AEC thành lập. Do đó, việc xây dựng “Khung trình độ quốc gia” là một nhiệm vụ và yêu cầu cấp thiết hiện nay đối với Việt Nam. Làm tốt điều này mới có thể hy vọng nhân lực của ngành văn hóa nghệ thuật nước nhà hướng tới chuẩn khu vực, kích thích cạnh tranh lành mạnh, tiến gần đến trình độ thế giới.

PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Phó Giám đốc Nhạc viện TP Hồ Chí Minh: Đào tạo âm nhạc đỉnh cao gặp nhiều trở ngại

Những năm gần đây, chứng kiến sự phát triển khá nhanh và mạnh về đào tạo âm nhạc của một số nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia… khiến chúng ta cần nghiêm túc tự xem xét – đánh giá lại thực tế đào tạo âm nhạc của Việt Nam hiện nay ở nhiều mặt: đầu tư cơ sở vật chất, con người, vấn đề nội dung - phương pháp đào tạo, trình độ hưởng thụ của người dân và những yếu tố hình thành đời sống âm nhạc đất nước, trong đó có trình độ của giới âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam so với thế giới...

Từ khởi đầu là các bậc thầy du học nước ngoài trở về làm hạt nhân cho sự nghiệp đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp, các nhạc viện Việt Nam được thành lập. Trong gần 50 năm tiếp theo, số học sinh, sinh viên trưởng thành từ các nhà trường này đã ghi những dấu ấn ở các giải thưởng âm nhạc quốc tế.

Ở Nhạc viện TP Hồ Chí Minh đã có những em học sinh, sinh viên khi còn đang theo học đoạt giải thưởng quốc tế: Bùi Công Duy, Hoàng Tuấn Cương (Violon); Trương Hoàng Huy, Trần Ngọc Nguyên Trinh, Trần Lê My, Quách Ngọc Quyên (Piano)…

Mặc dù Việt Nam đã có những học sinh, sinh viên đoạt giải thưởng quốc tế về âm nhạc ngay từ khi đang học, nhưng để vươn đến những đỉnh cao âm nhạc chuyên nghiệp quốc tế với những tác phẩm âm nhạc được thế giới công nhận, những nghệ sĩ biểu diễn đẳng cấp khu vực và thế giới… thì hệ thống đào tạo âm nhạc Việt Nam còn có nhiều khoảng cách. Đồng thời, đào tạo của chúng ta đang có dấu hiệu “chững lại” ở các cuộc thi quốc tế… trong khi các nước chung quanh như Thái Lan, Singapore đã có dấu hiệu vượt lên…

Nền kinh tế thị trường có những quy luật riêng và đã có những điều tiết “đầu vào” cũng như “đầu ra” đối với các ngành đào tạo nói chung và âm nhạc nói riêng. Một số ngành như Thanh nhạc, Piano… trở thành ngành “nóng” (“hot”) bởi thu nhập “khủng” hoặc là chọn lựa “thời thượng” của nhà giàu. Ngược lại một số ngành cần có nhân lực để tham gia đóng góp như ngành biểu diễn các nhạc khí dàn nhạc giao hưởng, nhạc khí dân tộc cho dàn nhạc dân tộc hoặc sân khấu truyền thống… nhưng thu nhập thấp, yêu cầu chất lượng đào tạo cao, nên không có người dự tuyển và theo học. Điều này cũng đồng nghĩa với nguy cơ dàn nhạc giao hưởng sẽ chỉ toàn các cụ ông, cụ bà hoặc nhiều bè đàn không có nhạc công, nhiều tác phẩm không thể dàn dựng… trong khoảng sau 10 năm nữa.

Sau thời gian được đào tạo ở bậc Trung cấp, gần đây, các em muốn phát triển hơn về nghề nghiệp đã đi du học nước ngoài thay vì vào đại học tại các Nhạc viện, Học viện Việt Nam. Nhưng còn cho thấy một vấn nạn là: người giỏi đi du học nước ngoài… và có thể không trở về. Các nhạc viện, học viện chỉ có thể chăm chút cho những sinh viên có năng lực khá hoặc trung bình. Như vậy sẽ khó có thể có những em đạt đẳng cấp cao ở những bậc học đại học và sau đại học. Điều này cũng lý giải hiện tượng chúng ta chỉ có thể đạt những giải cao ở lứa tuổi nhỏ…

Với xu thế “thị trường hóa đào tạo” như hiện nay, đã có khá nhiều trường đại học tư thục hoặc đại học đa ngành mở ồ ạt chuyên ngành âm nhạc với tiêu chí đào tạo mang tính “phổ thông”, yêu cầu đầu ra chỉ ở chừng mực “phổ cập” và mục tiêu là cung cấp người dạy nhạc phổ thông, không đào tạo đỉnh cao hoặc nghệ sĩ chuyên nghiệp nhưng vẫn cấp bằng đại học. Yếu tố đầu vào và những tác động của xã hội hiện nay đã khiến đào tạo đỉnh cao, chuyên nghiệp đứng trước một “cận cảnh” đáng lo ngại.

Trong nhiều năm liền, chương trình, giáo trình các chuyên ngành âm nhạc phương Tây của chúng ta chủ yếu có xuất xứ từ Liên Xô (cũ) và các nước Đông Âu. Chúng ta đã tiếp thu, tổ chức rất tốt theo mô hình này và đạt nhiều thành tựu. Nhưng, hiện nay, với kỹ thuật mới về công nghệ, thông tin tràn ngập và người học có nhiều phương tiện để tiếp cận với các luồng thông tin khác nhau. Nếu chúng ta không liên tục cập nhật, bổ sung, nghiên cứu phương pháp và kể cả những chính sách mang tính giải pháp, hình thức tổ chức đào tạo mới… sẽ khó có thể đào tạo được đội ngũ chất lượng cao mang tầm khu vực hay thế giới như trước đây.

Với chương trình đào tạo hiện nay, nghiên cứu, sửa chữa, điều chỉnh là cần thiết, nhưng định hướng chương trình đào tạo nghệ thuật đỉnh cao hay theo hướng thị trường? Bài toán này cần có sự quan tâm của nhà nước và xã hội…

PGS.TS Nguyễn Xuân Tiên, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh: Đào tạo phải gắn liền với nhu cầu thực tiễn của quốc gia và thế giới

Mỹ thuật Việt Nam từ giai đoạn đổi mới đã có những bước tiến dài trên con đường hội nhập với nền mỹ thuật thế giới. Từ một nền nghệ thuật với chuẩn mực của khuynh hướng Hiện thực Xã hội Chủ nghĩa, mỹ thuật Việt Nam đã đón nhận và tiếp biến tất cả các loại hình mỹ thuật mới từ hiện đại đến đương đại. Trong bối cảnh hội nhập sâu và rộng, chưa bao giờ công tác đào tạo mỹ thuật phải đối mặt với nhiều vấn đề thách thức như hiện nay, để thực sự tồn tại cần phải có sự thay đổi.

Nhà trường đã đổi mới phương pháp dạy - học, phương pháp đánh giá kết quả của người học theo hướng khơi gợi tính tích cực, chủ động của sinh viên. Đồng thời, đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy và học trong toàn bộ các hình thức đào tạo, các bậc học; vận động giảng viên tích cực sử dụng các trang thiết bị công nghệ hiện đại. Việc mở các mã ngành mới để nâng cao trình độ và có sức thu hút người học, có nhu cầu xã hội cao được trường đặc biệt quan tâm.

Chúng tôi cũng chú trọng giao lưu quốc tế, trao đổi giảng viên, sinh viên với các trường đại học quốc tế như: Trường Đại học Silpakorn (Thái Lan); Học viện Mỹ thuật Quốc gia Lào; Trường Đại học Koomim, Hàn Quốc;  Đại học Tokyo, Nhật Bản; Đại học Taylors Malaysia; Trường Đại học Mỹ thuật Hoàng gia Campuchia…

Tuy nhiên, trình độ Anh văn của cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên còn nhiều hạn chế nên nhà trường chưa có nhiều chương trình và dự án hợp tác quốc tế về đào tạo và nghiên cứu khoa học quan trọng. Do đặc thù của giảng viên văn hoá nghệ thuật, giỏi về chuyên môn nhưng hạn chế về ngoại ngữ đã khiến cho giảng viên ít có điều kiện cập nhật và mở rộng kiến thức chuyên môn hoặc trao đổi, đào tạo và hợp tác nghiên cứu khoa học với đối tác nước ngoài.

Muốn đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo mỹ thuật theo hướng chuẩn quốc gia và khu vực, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế thì tư duy đào tạo phải khác trước. Dù muốn đổi mới công tác đào tạo mỹ thuật thế nào chăng nữa thì theo tôi vấn đề “Đào tạo gắn liền với nhu cầu thực tiễn của cuộc sống” ở trong nước, trong khu vực và trên thế giới vẫn là tiền đề then chốt, là chìa khóa mở ra chân trời mới cho mọi hoạt động mỹ thuật ở Việt Nam.

Cụ thể, chúng ta phải từng bước xây dựng các trường đại học mỹ thuật đào tạo theo mô hình dạng CDIO (Conceive - Design - Implement - Operate) (Ý tưởng - Thiết kế - Thực hiện - Vận hành) với dạng “Xưởng trong trường”, “Nhà máy trong trường” hay “Viện nghiên cứu ứng dụng trong trường”… Đào tạo theo cách tiếp cận CDIO sẽ đem lại các lợi ích sau: Thứ nhất, gắn đào tạo với nhu cầu của người tuyển dụng, từ đó giúp thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo của nhà trường và yêu cầu của xã hội về nguồn nhân lực. Thứ hai, giúp người học phát triển toàn diện với các “kỹ năng cứng” và “kỹ năng mềm” để nhanh chóng thích ứng với môi trường làm việc luôn thay đổi. Thứ ba, các chương trình đào tạo sẽ được xây dựng và thiết kế theo một quy trình chuẩn.

PGS.TS Trần Thanh Hiệp, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội: Con đường để văn học nghệ thuật ra thế giới là con đường trở về chính mình

Một câu hỏi đặt ra là trước đây chúng ta thường nói đào tạo nhân lực điện ảnh - truyền hình để góp phần xây dựng một nền điện ảnh - truyền hình Việt Nam mang đậm đà bản sắc dân tộc liệu có mâu thuẫn với yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho nhu cầu phát triển của đất nước đồng thời hướng tới nhu cầu hội nhập? Thoạt nhìn, hai mục tiêu trên có vẻ mâu thuẫn với nhau nhưng thực ra về bản chất chuyên môn nghề nghiệp thì không hề mâu thuẫn.

Đào tạo người làm phim đáp ứng nhu cầu hội nhập đó là yêu cầu cao hơn. Chúng ta phải đào tạo được người làm trong lĩnh vực điện ảnh - truyền hình có kiến thức sâu và năng lực chuyên môn giỏi. Anh không giỏi chuyên môn thì làm sao có thể làm ra tác phẩm hay mang đậm đà bản sắc dân tộc? Để làm nên một tác phẩm điện ảnh - truyền hình đậm đà bản sắc dân tộc, người nghệ sĩ không chỉ cần nền tảng văn hóa dân tộc mà còn phải biết tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, biết làm chủ giá trị tinh thần của thế giới.

Đào tạo nhân lực điện ảnh - truyền hình có khả năng hội nhập quốc tế, hướng tới chuẩn quốc tế thực tế đó là nhu cầu sống còn của sự phát triển điện ảnh dân tộc. Điện ảnh - truyền hình là loại hình ngoại nhập. Các phương tiện làm phim, truyền tải phim, trình chiếu, máy quay, thiết bị âm thanh… đều nhập ngoại. Ngôn ngữ điện ảnh là ngôn ngữ quốc tế.

Nói tới hội nhập quốc tế trong lĩnh vực đào tạo nhân lực làm phim điện ảnh - truyền hình không thể không nhắc đến sự phát triển sôi động của thị trường điện ảnh Việt Nam. Theo thống kê, thị trường chiếu bóng ở Việt Nam tăng trưởng mỗi năm 30%.

Việt Nam được coi là một trong 10 thị trường chiếu bóng tăng trưởng ngoạn mục nhất thế giới. Khi các hãng phim tư nhân Việt Nam thành lập, không ít bộ phim đã có sự tham gia của các nhà chuyên môn điện ảnh nước ngoài trong các khâu: quay phim, dựng phim, làm kỹ xảo, âm thanh… Sự cạnh tranh có yếu tố nước ngoài đã xuất hiện ngay trên sân nhà. Không ít sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành họa sĩ hoạt hình của trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội thay vì tìm cơ hội làm phim ở các cơ sở của nhà nước đã đầu quân cho những ông chủ nước ngoài.

Đã có những phim truyện trong đó các nghệ sĩ Việt Nam tham gia sáng tác bình đẳng với nhà làm phim nước ngoài. “Tọa độ chết” là phim hợp tác Việt Nam – Nga, “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông” là phim hợp tác Việt Nam – Trung Quốc. Gần đây nhất có thể kể đến phim “Người cộng sự”  (Việt Nam – Nhật Bản), “Tuổi thanh xuân” (Việt Nam – Hàn Quốc)…

Nói đến những điều trên không phải để khẳng định rằng trình độ làm phim của Việt Nam hơn trình độ của các nước trong khu vực. Với những nước điện ảnh - truyền hình chưa phát triển không nói làm gì nhưng với không ít nước trong khối ASEAN, tính chuyên nghiệp của một số nhà làm phim Việt Nam có phần còn thua kém họ.

Vậy để đào tạo những người làm phim, chúng ta lấy chuẩn nào? Chuẩn quốc tế hay chuẩn khu vực? Tôi nghĩ, theo hướng chuẩn quốc gia và khu vực thì có lẽ hợp hơn bởi đào tạo người sáng tạo nghệ thuật có đặc thù rất lớn. Phim điện ảnh - truyền hình không đơn giản là sản phẩm hàng hóa mà nó là sản phẩm của văn hóa tinh thần. Một tác phẩm điện ảnh hay mang hồn cốt dân tộc, nó không chỉ có thể đến với người xem các nước ASEAN mà còn có thể đến được các liên hoan phim danh giá trên thế giới, quảng bá cho đất nước Việt Nam. Bởi thế, khi đổi mới chương trình đào tạo điện ảnh theo hướng chuẩn quốc gia và khu vực thì cũng phải có tầm nhìn của thế giới.

Nhà điện ảnh Việt kiều Lê Lâm, giáo sư dạy điện ảnh của Trường Điện ảnh Idhec (La Fémic) của Pháp, người đã ngồi ghế giám khảo giải Cánh diều vàng 2016 và giám khảo Liên hoan phim quốc tế tại Hà Nội năm 2014 khi trả lời phỏng vấn đã nhận xét “Phim Việt Nam 10 năm qua ngày càng bị Mỹ hóa”, “Phim Việt Mỹ hóa cả về nội dung lẫn thẩm mỹ điện ảnh”, “xu thế Mỹ hóa dễ tạo ra thị trường điện ảnh toàn các sản phẩm tiêu dùng”.

Những ý kiến nhận xét của ông rất đáng để chúng ta suy nghĩ. Có nhà văn đã nói rất đúng rằng con đường để văn học nghệ thuật ra với thế giới là con đường trở về với chính mình. Như vậy trong việc đào tạo những người làm phim, trong việc đổi mới chương trình đào tạo, vấn đề bản sắc văn hóa dân tộc không thể không được đặt ra. 
Mai Quỳnh Nga
.
.