Khi văn hóa, nghệ thuật Việt "rơi" và "tưng"

Thứ Hai, 02/02/2015, 08:00
Khi VTV1 đưa chàng thanh niên Nguyễn Đức Hậu bán ổi ở Hải Dương với nick Lệ Rơi làm "nét son cuộc sống thường ngày", và VTV6 -kênh truyền hình dành cho giới trẻ - đưa cô gái Lê Thị Huyền Anh - biệt danh "bà Tưng" trong chuyên mục "Sống khác",  nhiều khán giả đã không khỏi phân vân và thậm chí không ít người còn tỏ thất vọng. Phải chăng có thể nhìn thấy ở khía cạnh cảnh báo văn hóa nghệ thuật Việt đang đi ngược lại với những giá trị truyền thống, kinh điển khi mà hiện tượng nổi tiếng ảo ở trên mạng lại được các nhà đài xem đó như là một nét son, hay những sự khác biệt đáng được vinh danh của cuộc sống.

Khi thảm họa sống "thoáng" được công nhận?

Năm 2014, ở Việt Nam, có lẽ chỉ người không đọc báo hay không lên mạng xem tin tức, tham gia các trang mạng xã hội mới không biết hiện tượng "Lệ Rơi" và "Bà Tưng". Hai hiện tượng này điển hình cho một xu hướng sống của giới trẻ hiện nay, đúng - sai vẫn còn rất nhiều tranh cãi giữa các nhà xã hội học, thanh niên học, văn hóa học…

Bỏ qua vấn đề thuộc về lối sống cá nhân của hai nhân vật này mà nhìn hai hiện tượng tiêu biểu này ở tầm xa hơn, rộng hơn về văn hóa nghệ thuật Việt Nam hiện tại, khi "rơi" và "tưng" trở thành nhân vật được làm gương mang tính tiêu biểu và đại diện, thì có phải đang có những lệch chuẩn trong quan niệm về văn hóa nghệ thuật trong đời sống cộng đồng?

"Hãy sống thoáng lên" là slogan của cô gái Lê Thị Huyền Anh với biệt danh "Bà Tưng" kèm theo khá nhiều scandal lệch chuẩn truyền thống trong lối sống khi cô trả lời phỏng vấn trên kênh VTC14 đã dấy lên nhiều ý kiến phản đối của công chúng. Chưa hết, vào tháng 7/2014, cô gái này còn tính chuyện làm một sự kiện mang tên "Live show Hot girl Bà Tưng" kèm theo hình ảnh cô ăn mặc "thiếu và hụt" được treo rất hoành tráng ở một số con phố lớn để quảng cáo cho chương trình của cô tại một quán bar ở Hà Nội... , nhưng may mà Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đã kiên quyết yêu cầu gỡ bỏ, không cấp phép biểu diễn nhằm tránh ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội.

Lần khác, cô được mời hiện diện trong một talkshow của YanTV - kênh ca nhạc, nhưng chương trình này đã không vượt qua kiểm duyệt và chưa lên sóng. Xem như giấc mơ vào giới showbiz của cô bị "hụt", nhưng chưa phải là "đứt đoạn" bởi cô vẫn luôn tìm nhiều cách để xuất hiện qua những sự kiện văn hóa, doanh nhân… trong tư cách "khách không mời mà đến". Vậy mà không hiểu lần mò thế nào, cô lại được VTV6 mời như một nhân tố tiêu biểu trong chương trình "Sống khác", như một kiểu gương sống tốt, sống hòa mình, chia sẻ với cộng đồng…

Bà Tưng trong một trải nghiệm với "Sống khác" ở chợ Bến Thành.

Chưa xong "tưng" với một nghi vấn PR cho cô gái "Bà Tưng" bước vào showbiz  thì tiếp theo "thảm họa âm nhạc" Lệ Rơi Nguyễn Đức Hậu, chàng trai đam mê ca hát với những clip cover bằng giọng hát vừa ngọng, vừa đớt, vừa sai nhạc đến mức độ kinh khủng khiếp gây bão trên cộng đồng mạng vừa qua lại lên sóng đường hoàng trong vai trò "nhân tố tích cực", nét son của chuyên mục "Cuộc sống thường ngày" trên VTV1 ngày 27/12/2014, gây choáng cho những ai xem nghệ thuật là một con đường nghiêm túc và chuẩn mực, chứ không phải là trò đùa cợt nhảm nhí, và nó còn như một cú đánh mạnh  làm tổn thương các văn nghệ sĩ thực sự, có nhiều đóng góp cho nền nghệ thuật Việt Nam, những người chưa dám mơ một lần được lên sóng truyền hình quốc gia.

Khi cả nước hướng về Biển Đông, "Lệ Rơi" đã được một ekip giấu mặt nào đó cho vào phòng thu chuyên nghiệp ghi âm hai ca khúc "Biển hát chiều nay", "Nơi đảo xa" và tung lên Youtube kiếm view. Chưa hết, còn biết chàng trai này sẽ xuất hiện trong 3 chương trình văn hóa nghệ thuật trên sóng: Một vai diễn nhỏ trong phim "Phụ nữ là số 1" trên VTV3, hai chương trình truyền hình "Thông điệp cuộc sống" trên VTV2 và "Tổ dân phố muôn năm" trên AVG.

Phải chăng văn hóa "Hãy sống thoáng lên" sẽ được cổ vũ với giới trẻ bởi nó đã đường hoàng có "đại diện" trên sóng truyền hình quốc gia?

Phải chăng, trình diễn âm nhạc "tự do" phá nát mọi quy tắc chuẩn mực của âm thanh và nhạc điệu, không theo một quy tắc nào của môn nghệ thuật này được xem là  "văn nghệ quần chúng" cần được tuyên dương và nhân rộng trong cộng đồng?

Hay đang có một xu hướng "down" - giảm thấp trình độ thẩm mỹ công chúng trong thưởng thức văn hóa nghệ thuật?

Văn hóa nghệ thuật Việt đang "rơi" và "tưng"?

Không chỉ 2 hiện tượng trên, việc họ đường hoàng trình diện trên sóng truyền hình quốc gia chỉ là giọt nước tràn ly để cảnh báo ở cấp độ "đỏ" sự "rơi" và "tưng" trong văn hóa nghệ thuật Việt Nam đang xảy ra và ngày càng quá đà.

Trước hết nhìn vào các ngành văn hóa nghệ thuật Việt Nam trong năm qua, có nhiều lắm những "rơi" và "tưng" ở nhiều mức độ, tầm cỡ khác nhau. Đầu tiên về âm nhạc, rõ ràng nhạc "thị trường" đã lấn sân rất sâu các thể loại âm nhạc khác, cho dù trong năm có nhiều chương trình âm nhạc "chất lượng cao" nhưng xem ra không thể đọ sức. Riêng về ca khúc, ví dụ nhìn vào giải thưởng âm nhạc trực tuyến Zing Music Awards công bố những tác phẩm dẫn đầu trong cuộc đua tranh giải năm 2014 (được dựa trên chỉ số Z: xem, nghe, thích, bình luận, chia sẻ trên hệ thống) từ ngày 1/1- 24/12/2014. Theo đó, 3 ca khúc nổi bật nhất: Mình yêu nhau đi (Bích Phương), Trót yêu (Trung Quân Idol) và Gạt đi nước mắt (Noo Phước Thịnh - Tony Việt). 3 MV nổi bật nhất: Cô đơn giữa cuộc tình (Hồ Ngọc Hà), Nơi ấy con tìm về (Hồ Quang Hiếu) và Mình yêu nhau đi (Bích Phương). 3 album được cộng đồng mạng yêu thích nhất: Anh muốn chia tay phải không? (Lương Bích Hữu), Tìm em (Hồ Quang Hiếu) và Trót yêu (Trung Quân Idol). Thị trường âm nhạc trực tuyến: Bốn chữ lắm (Trúc Nhân - Trương Thảo Nhi), Nắm lấy tay anh (Tuấn Hưng), album Mối tình xưa vol 7 (Hồ Ngọc Hà)…

Lệ Rơi trong chương trình "Chàng trai thích hát" của VTV1.

Sang tới điện ảnh, có lẽ không cần nhắc lại, vì chỉ khoét thêm nỗi đau cho ngành Điện ảnh Việt Nam mà đỉnh điểm là "sự kiện" phim "Sống cùng lịch sử". Những phim thuộc đơn đặt hàng của Nhà nước, nhất là các phim có nội dung tuyên truyền lịch sử cách mạng thì bán vé không ai mua, chỉ khi chiếu miễn phí thì mới có người xem. Trong khi những phim "thị trường" thì toàn doanh thu "khủng", các phim lần lượt vượt nhau số lượng vé bán ra qua các tuần chiếu đầu tiên, các rạp chiếu tăng hết công suất.

Hỏi trong năm qua, có tác phẩm múa nào được trình diễn và công chúng biết đến như một tác phẩm múa "chất lượng cao", sống lâu bền và được nhân rộng đến các đoàn ca múa nhạc chuyên nghiệp, hoặc là tác phẩm "sách giáo khoa" cho khoa múa các trường nghệ thuật? Hay chỉ có những sân chơi mang tính gameshow trên truyền hình với các thể loại múa mang tính giải trí cao, ít có tính nghệ thuật như một tác phẩm. Hoặc chỉ là những điệu múa minh họa cho các chương trình sân khấu hóa lễ kỷ niệm, mà chất lượng nghệ thuật vẫn chỉ ở tầm "văn nghệ quần chúng" theo các motip từ mấy chục năm trước.

Mỹ thuật Việt Nam cho đến khi bước sang năm thứ 15 của thế kỷ 21, vẫn cứ như một một sân chơi khá chơi vơi, thất thường, chưa định hình tác phẩm theo xu hướng, thể loại nào để vừa "đậm đà bản sắc dân tộc" vừa hội nhập toàn cầu, có vị trí trong nền mỹ thuật thế giới. Những tác phẩm đoạt giải trong năm, hay ngay cả bộ sưu tập gồm 599 tác phẩm tiêu biểu do Hội Mỹ thuật Việt Nam lựa chọn từ năm 2010-2014 cũng không có tác phẩm nào "qua" được những "cây cao bóng cả" từ hơn nửa thế kỷ trước như "Nghiêm, Liên, Sáng, Phái", hay "Trí, Vân, Lân, Cẩn" của Trường Mỹ thuật Đông Dương.

Ngành Nhiếp ảnh cũng vậy, có ai nhớ và biết những tác phẩm ảnh nghệ thuật Việt Nam của năm 2014 gây ấn tượng mạnh mẽ, mang cảm xúc sâu sắc đến công chúng? Ngay cả một triển lãm các tác phẩm đoạt giải ảnh nghệ thuật quốc gia năm 2014 cũng mang đi "vùng xa" tuốt tận Lâm Đồng triển lãm, trong khi những tỉnh, thành có ưu thế mạnh về nhiếp ảnh như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thì không ai biết bộ ảnh đó như thế nào, chỉ xem vài bức ảnh đoạt giải cao được đăng trên truyền thông, mà hài hước nhất là những bức ảnh đó lại bị "soi" khá kỹ, với những nhận xét về "nghề" rất nghịch, gần như đó là những tác phẩm kém chất lượng cả về kỹ thuật lẫn nội dung…

Sau khi Nghị quyết Trung ương 9 ra đời, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo nhằm mục đích đưa nghị quyết này đi vào cuộc sống, vận động văn nghệ sĩ có "tâm", có "tầm" tạo ra nhiều tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, mang dấu ấn thời đại. Thế nhưng, mục đích tốt đẹp này sẽ khó thực hiện hiệu quả khi hoạt động văn hóa nghệ thuật như hiện tại với quá nhiều gian nan trắc trở, chưa kể còn bị truyền thông tiếp tay cho nó "rơi" và "tưng" bởi những thứ phù phiếm, kém giá trị.

Hoài Hương
.
.