Đặc sắc lễ hội ăn "Tết Tây" trên thế giới
Người châu Âu ăn Tết theo lịch dương, bắt đầu từ dịp lễ Giáng sinh cho đến tuần đầu tiên của năm mới. Trong khi đó, toàn bộ dịp Tết Nguyên đán hàng năm của người châu Á thường kéo dài trong khoảng 7 đến 8 ngày cuối năm cũ và 7 ngày đầu năm mới (23 tháng Chạp đến hết ngày 7 tháng Giêng).
Lễ hội ăn Tết Tây trên thế giới vô cùng phong phú và đặc sắc. Sau đây là một vài ví dụ điển hình về phong tục đón Tết Tây của một số nước trên thế giới
* Anh và màn đếm ngược chào đón năm mới
Bài hát chúc mừng năm mới truyền thống ở Anh có tên là "Auld Lang Syne", có nghĩa là "Thời gian trôi qua" được viết bởi nhà thơ Robert Burns vào năm 1788. Mang thông điệp nhắc nhớ mọi người thân trong gia đình yêu thương nhau, cho dù họ còn sống hay đã mất thì hãy luôn giữ hình ảnh của họ ở trong tim. Lễ hội năm mới ở thủ đô Luân Đôn được tổ chức dọc theo bờ sông Thames gần khu vực tháp đồng hồ Big Ben và đu quay khổng lồ London Eye.
Màn đếm ngược chờ đón năm mới diễn ra trong tiếng chuông đồng hồ Big Ben cùng một đồng hồ đếm ngược khổng lồ được đặt ở Shell Center. Đồng thời, đúng vào khoảnh khắc chuyển giao năm cũ và năm mới, pháo hoa sẽ được bắn lên từ đu quay London Eye. Màn trình diễn ánh sáng đa sắc màu trong tiếng nhạc rộn rã chào đón năm mới này là một điểm rất thu hút khách du lịch đến với Luân Đôn. Hàng năm, lễ hội này thu hút gần 500 nghìn người tham gia.
Lễ hội pháo hoa Tết Dương lịch tại tháp Big Ben. |
* Pháp và lễ hội pháo hoa âm nhạc
Đến thủ đô Paris, Pháp vào dịp Giáng sinh và năm mới, du khách sẽ được tận hưởng một không khí lễ hội vô cùng náo nhiệt. Đêm giao thừa, tại đại lộ Champs-Elysées sẽ diễn ra lễ hội pháo hoa và âm nhạc đặc sắc để chào đón năm mới và thưởng thức những món ăn truyền thống trứ danh của đất nước này như gan ngỗng béo (foie gras), hàu, cá hồi hun khói trong chuỗi nhà hàng truyền thống của Pháp… Đêm giao thừa ở Paris rất khó tìm thấy một chiếc taxi, nhưng thay vào đó, tàu điện ngầm sẽ chạy suốt đêm và hoàn toàn miễn phí.
* Australia - người dân đón năm mới tại cảng Sydney
Màn trình diễn vào những giờ cuối của ngày 31-12 hàng năm tại cảng Sydney, Australia là một trong những chương trình hoành tráng nhất thế giới để chào đón giao thừa. Chương trình được bắt đầu từ 6 giờ tối với những pha nhào lộn máy bay ấn tượng; sau đó, màn biểu diễn những điệu nhảy của các bộ lạc Australia để xua đuổi những điều xấu trong năm cũ kết hợp với trình diễn ánh sáng từ màn hình lớn ở tháp cầu cảng Sydney, màn hình này cũng sẽ trở thành đồng hồ đếm ngược khổng lồ chờ đón giao thừa.
Hàng trăm nghìn lượt khách đổ về Cảng Sydney dịp giao thừa hàng năm để tận mắt chứng kiến chương trình bắn pháo hoa vô cùng rực rỡ được bắn ra từ Cảng, từ nhà hát Sydney và từ cầu cảng Sydney trong không khí hân hoan chờ đón năm mới.
* Mỹ - Đón năm mới bằng cách bắn hạ quả cầu pha lê
Truyền thống đón năm mới bằng cách hạ quả cầu pha lê và bắn hoa giấy ở Quảng trường Thời đại (New York, Mỹ) vào đúng thời khắc giao thừa lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1907 sau khi lệnh cấm bắn pháo hoa được ban ra.
Quả cầu ban đầu nặng 700 pound (hơn 300kg), có 100 bóng đèn được thắp sáng và trông nó rất khác với những gì chúng ta thấy ngày nay. Hiện giờ nó được bao phủ bởi 2.688 viên pha lê, thắp sáng bởi 32.000 bóng đèn LED, nặng tới 11.875 pound (hơn 5 tấn) và có đường kính 12 feet (khoảng 3,5m).
Chương trình chào đón năm mới tại quảng trường Thời Đại không chỉ đơn thuần là một sự kiện chào mừng mà đã trở thành truyền thống nổi tiếng của nước Mỹ. Vào đêm giao thừa, ước tính có khoảng một triệu người đổ về trung tâm quảng trường Thời Đại để đón xem chương trình ca nhạc đặc sắc gồm những ca sỹ và nhóm nhạc nổi tiếng nhất thế giới, và cùng đếm ngược khi quả cầu Năm Mới hạ dần xuống đất, chương trình này thậm chí thu hút hàng tỷ người trên khắp thế giới cùng đón xem.
Và khi đồng hồ chuyển sang con số của năm mới, hàng trăm nghìn quả bóng bay, hoa giấy nhiều màu sắc sẽ được thả xuống trong sự reo hò của người xem. Người Mỹ và khách du lịch trong giây phút ấy đều trao cho những người thân yêu những cái hôn hạnh phúc. Nhiều người bật nắp chai sâm banh lúc giao thừa. Ước tính người Mỹ đã uống hết 360 triệu ly rượu vào thời điểm này.
“Ông năm cũ” ở Colombia. |
* Cuba - Tết cầu được đi du lịch
Nhiều người dân Cuba vẫn theo phong tục hất một xô nước ra ngoài đường lúc nửa đêm giao thừa như một cách để trừ tà, gột rửa đi những điều xấu và đón chờ những điều tốt đẹp trong năm mới. Một phong tục độc đáo khác của người Cuba là mang theo một chiếc vali lớn vừa kéo đi quanh khu nhà mình, vừa vẫy tay chào những người hàng xóm như một ước mong cho một năm mới được đi du lịch nhiều nơi hơn.
Vào sáng ngày đầu tiên của năm mới, đường phố ở Cuba đều vắng vẻ và yên tĩnh, đây cũng là ngày Tết Độc lập của Cuba. Mọi người đều ở nhà nghỉ ngơi vào ngày này sau chuỗi ngày tiệc tùng và kỷ niệm kéo dài từ Giáng sinh.
* Argentina - tết đi bơi tìm may mắn
Các gia đình ở Argentina tập trung để ăn bữa tối đặc biệt vào lúc 11 giờ đêm và chờ cho tới thời khắc giao thừa, mọi người đốt pháo hoa trong khoảng nửa tiếng để chào đón năm mới. Tiếp đó, thanh niên sẽ dự các bữa tiệc năm mới tại câu lạc bộ khiêu vũ đến sáng hôm sau. Vào ngày mùng Một tháng Giêng của năm mới, hầu hết mọi người sẽ đi bơi tại các bể bơi, sông hồ để tìm kiếm may mắn.
* Belarus - trò chơi may mắn tìm chồng
Trong lễ mừng năm mới truyền thống, các thiếu nữ chưa chồng sẽ chơi những trò chơi để xem ai là người sẽ may mắn được cưới trong năm sau. Ở một trò chơi, một nắm thóc được đặt trước mỗi cô gái và họ thả một con gà trống. Con gà trống tiến tới nắm thóc nào trước thì đó sẽ là người đầu tiên đi lấy chồng. Ở một trò chơi khác, một phụ nữ có gia đình sẽ giấu một số thứ xung quanh nhà để các cô bạn chưa chồng đi tìm: Ai tìm được bánh mỳ sẽ lấy chồng giàu, còn ai tìm được chiếc nhẫn sẽ cưới một anh chàng đẹp trai...
* Colombia - đốt "ông năm cũ" trừ tà
Đây là một phong tục đón năm mới ở nhiều thành phố. Nghi lễ này đòi hỏi sự tham gia của toàn thể gia đình. Đây là việc làm rất vui, mọi người thường làm một con búp bê nam đại diện cho năm cũ. Sau đó, họ nhồi vào búp bê nhiều vật liệu khác nhau: có thể là pháo hoa để khi đốt trông đẹp hơn hoặc những thứ họ không muốn dùng nữa, các vật đem lại buồn đau hay gợi sự không vui.
Vào đêm giao thừa, người dân Colombia sẽ đốt con búp bê. Hành động này biểu trưng mong muốn rằng tất cả sẽ được thiêu rụi cùng với năm cũ và nó cũng đồng nghĩa với việc họ muốn quên đi những điều không tốt đẹp đã xảy ra và tất cả sẵn sàng đón nhận năm mới thật vui vẻ. Thông thường, con búp bê mặc quần áo cũ của các thành viên trong gia đình.
* Đan Mạch - tục ném bể dĩa cầu may mắn
Người Đan Mạch tin rằng, trong những ngày đầu tiên của năm, nếu trước cửa nhà có thật nhiều dĩa bể thì đó sẽ là một dấu hiệu tốt cho gia đình. Những chiếc dĩa cũ được để dành trong cả năm để chờ quăng chúng ra trước nhà của bạn bè trong đêm giao thừa. Nếu trước nhà ai đó có càng nhiều dĩa bể, có nghĩa là nhà họ có rất nhiều bạn bè.