Chuyện Tết Tây - Tết Ta

Thứ Hai, 11/01/2016, 08:00
Tết Tây thuộc văn hóa dương tính, ưa động, thể hiện rõ ở các hoạt động vui chơi, hội hè sôi nổi. Riêng Tết Ta thuộc văn hóa âm tính, nó thiên về hoạt động trong nội bộ gia đình, dòng tộc, thiên về đạo lý, tình cảm đúng như câu “Mồng Một tết cha, mồng Hai tết mẹ, mồng Ba tết thầy”. Tết Ta gắn với xu hướng sống chậm nhiều chiêm nghiệm. Và dĩ nhiên, điều đó khiến nó lặng lẽ hơn Tết Tây. Ai cho rằng Tết Ta nhạt, hẳn nhiên họ chỉ chú ý đến khía cạnh thực dụng, đến bề nổi mà không nhìn thấy hoặc không hiểu ý nghĩa tâm linh sâu xa, văn hóa truyền thống tốt đẹp...


Truyền thống vẫn sống được trong lòng hiện đại

Hà Quang Minh

Mấy năm gần đây, người Việt ưa tranh luận với nhau xung quanh chuyện có nên bỏ không ăn Tết Nguyên đán mà thay vào đó, tích hợp ăn Tết Nguyên đán theo truyền thống vào dịp Tết dương lịch? Với họ, như vậy sẽ đỡ lãng phí hơn, tăng hiệu suất lao động nhiều hơn khi hai kỳ nghỉ dài đã được tích hợp lại thành một kỳ nghỉ mà thôi.

Để củng cố cho quan điểm này, nhiều người dựa trên cơ sở kinh nghiệm của Nhật Bản, một quốc gia cũng từng ăn Tết âm lịch như người Việt nhưng đã tích hợp vào với Tết Tây từ rất lâu rồi. Nhìn vào sự phát triển của Nhật Bản, họ càng cảm thấy quan điểm ấy có điểm tựa vững chắc hơn. Thêm vào đó, họ còn đưa ra thêm một kiến giải nghe có vẻ rất hợp lý và hợp tình: Thực sự Tết âm lịch là Tết truyền thống của Trung Quốc và người Việt bị ảnh hưởng. Vì vậy bỏ Tết âm lịch đi cũng không có gì là rời xa truyền thống, từ bỏ gốc gác cả.

Chuẩn bị cỗ cúng giao thừa trong dịp Tết Nguyên đán.

Nhưng thực tế, người Việt có dám đoan chắc, bỏ Tết âm lịch đi, người Việt sẽ sử dụng thời gian hiệu dụng như người Nhật hay không? Và, cho dù chúng ta có cách tân đến mấy, kiên quyết nói không với Tết âm lịch đến mấy, nếu về nhà vào dịp cuối năm âm lịch, ông bà, cha mẹ bảo rằng “Con vẫn phải lo cho ông bà/ cha mẹ cái Tết Nguyên đán cho đúng lễ bộ”, liệu chúng ta có dám chối từ? Mấy ai tự hỏi mình, kiên quyết từ bỏ Tết âm lịch đấy, chúng ta có dám từ bỏ luôn thói quen xem bói bằng tuổi âm lịch, đi lễ chùa vào dịp mùng một, ngày rằm âm lịch hay không?

Đấy, tự con người chúng ta đã… âm lịch sẵn rồi. Vậy thì chúng ta đòi bỏ Tết âm lịch bằng cách nào cho đặng?

Suy cho cùng, đúng là văn hóa Việt ảnh hưởng nhiều từ văn hóa của người Hán nhưng cả một nỗ lực thoát ly, chứng minh tính độc lập của mình mấy ngàn năm đã tạo ra một cái Tết Việt dù sao cũng khác biệt với Tết Trung Hoa. Cái giống nhau, có chăng, chỉ là cơ bản về nông lịch, thứ lịch mặt trăng mà thôi.

Vậy thì cách nào để có thể dung hòa, để cái âm lịch vẫn có thể tồn tại bên cạnh Công lịch chung mà thế giới đang dùng; để cái truyền thống sống trong lòng hiện đại một cách hài hòa và cái Tết Việt vẫn là Tết truyền thống; cái Tết Tây vẫn là dịp nghỉ lễ vui chơi thư thái mà không phải tranh cãi nhau nhiều, không áy náy nhiều về chuyện kinh tế; năng suất; hiệu quả v.v… đến mức đau đầu như mấy năm vừa qua? Chắc chắn là có cách, và cách làm ấy chính là hiện đại hóa cái Tết, để Tết thành một mùa thực sự của người Việt.

Ai cũng biết, gắn liền với Tết âm lịch là rất nhiều hội làng truyền thống trong khoảng đầu tháng Giêng. Những ngày ấy, suy cho cùng, nó cũng khá tương đồng với mùa lễ của người phương Tây, khi mà sau Lễ Tạ ơn là Giáng sinh, rồi lễ Tặng quà (cộng đồng những nước ảnh hưởng văn hóa Anh quốc) và cuối cùng là năm mới. Và người phương Tây sử dụng mùa lễ ấy của họ như thế nào? Họ biến nó thành kỳ nghỉ đông, kỳ nghỉ dài thứ hai sau kỳ nghỉ hè. Đó là dịp để người ta về với gia đình, đi chơi xa, lấy lại năng lượng để khi quay lại với đời sống thường nhật, họ sẽ có sức lao động tốt hơn.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao chúng ta không quy định luôn kỳ nghỉ hè trong năm nằm trong khoảng thời gian nào, và song song là kỳ nghỉ đông, nhất là khi Tết Tây và Tết Ta rất gần thời điểm với nhau. Kỳ nghỉ đông nếu có ấy sẽ vô cùng lý tưởng bởi nó tạo ra một khoảng thời gian có khả năng thúc đẩy kinh tế thực sự, chứ không phải là làm đình trệ sản xuất, lãng phí tiêu tốn như nhiều người vẫn nói.

Chúng ta vẫn hay than thở với nhau rằng trẻ em nghỉ hè dài quá, đâm ra bố mẹ không thể chú tâm làm việc được trong thời gian các cháu nghỉ hè, dẫn tới việc năng suất lao động cũng ảnh hưởng. Bây giờ, nếu như rút ngắn kỳ nghỉ hè lại, chỉ còn khoảng 1 tháng rưỡi tới hai tháng và có một kỳ nghỉ đông dài hơn, không bị cắt vụn như hai lần nghỉ Tết Tây và Tết Ta như thường lệ, chắc chắn hiệu quả với xã hội sẽ tốt hơn nhiều.

Đồng ý là có thể ở thời điểm đó, có thể sẽ có nhiều người không phải lao động nhưng bù lại, nó lại tạo nền tảng cho ngành dịch vụ phát triển hơn, giúp giá tiêu thụ tăng, dẫn tới luân chuyển dòng tiền trong dân cư tốt hơn. Đặc biệt, nếu dịch vụ được sự hỗ trợ từ những lễ hội truyền thống xung quanh Tết âm lịch để biến kỳ nghỉ đông của Việt Nam thành một thời gian thu hút du lịch mạnh mẽ, chắc chắn hiệu quả dịch vụ sẽ tăng rất cao. Từ đó, nó sẽ có tác động tích cực đến những ngành khác, đặc biệt là các ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng.

Tất nhiên, chúng ta cần phải hiểu rằng kỳ nghỉ đông ấy đồng nghĩa với việc cả xã hội cùng nghỉ đồng loạt. Có những ngành vẫn phải hoạt động, và kỳ nghỉ đông sẽ được chia ra thành từng kế hoạch nghỉ hợp lý của mỗi ngành để duy trì đời sống lao động, giống như ở phương Tây vẫn đang thực hiện. Nghỉ đông phải được hiểu là một mùa nghỉ kéo dài nhưng đơn vị nào thực hiện kỳ nghỉ ở khoảng thời gian nào đều dựa trên tính toán hợp lý với điều kiện sản xuất kinh doanh của mình.

Nhưng muốn gì thì bản thân mỗi con người phải tự thoát ra khỏi cái lề thói trì trệ của chính mình cái đã. Thực tế, năng suất lao động của người Việt rất kém, ý thức lại càng kém hơn. Như thế, nếu có lao động cả 365/365 ngày mỗi năm đi nữa, hiệu quả mang lại cũng chẳng là bao. Vấn đề không phải là truyền thống có sống được trong lòng hiện đại hay không mà là mỗi chúng ta có thể sống như những con người hiện đại đúng nghĩa hay không mới đúng.

Nhà báo Nguyễn Đức Xuyên - Tổng Biên tập tạp chí Du lịch: Vẫn nên giữ Tết truyền thống

Cẩm Hà (thực hiện)

- Thưa ông Nguyễn Đức Xuyên, hiện nay xuất hiện luồng ý kiến cho rằng nên nhập hai cái Tết vào làm một, có nghĩa là kỳ nghỉ Tết âm lịch sẽ được “nhập” vào kỳ nghỉ Tết dương lịch và bắt đầu nghỉ từ ngày Lễ Giáng sinh giống như các nước phương Tây, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

+ Theo tôi, ở đất nước Việt Nam, nơi vẫn có 70% cư dân sinh sống bằng nông nghiệp và rất coi trọng truyền thống cha ông để lại thì việc bỏ đi cái Tết cổ truyền để ăn Tết dương lịch như phương Tây gần như là một điều khó có thể xảy ra. Nếu có thì chuyện này có thể xảy ra ở khu vực thành thị, cụ thể là TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nơi tập trung phần lớn công chức, viên chức, các khu công nghiệp... Còn lại, với các vùng nông thôn, Tết là dịp để các gia đình đoàn viên, con cái tề tựu, để người nông dân nghỉ ngơi, thăm hỏi họ hàng, lễ tết bề trên... sau một năm lao động vất vả. 

Giờ đây, các vùng quê người dân vẫn không có thói quen nghỉ Tết dương lịch, thậm chí chẳng quan tâm đến ngày Lễ Giáng sinh nếu họ không theo Công giáo, vì thế công việc và nhịp sống vẫn diễn ra bình thường như mọi ngày. Nhưng đến Tết âm lịch, nếu không vì vấn đề mùa vụ, ngày nay do đời sống ngày một khấm khá hơn so với ngày xưa nên nhà nông cũng nghỉ việc đồng áng từ khá sớm để chuẩn bị đón một cái Tết tươm tất hơn năm trước. Vì thế, duy trì ăn Tết truyền thống cũng là cách lưu giữ giá trị văn hóa, nếp sinh hoạt tốt đẹp của Việt Nam đã tồn tại ngàn đời. Một năm 365 ngày, nghỉ 1 tuần lễ cho Tết âm lịch thì cũng tương đương như phương Tây nghỉ lễ Noel và chào đón năm mới. Chúng ta hội nhập với thế giới nhưng không có nghĩa là đánh mất nét riêng đặc sắc của mình.

- Một nước phát triển và trọng truyền thống như Nhật Bản đã đi tiên phong trong việc “gộp” hai kỳ nghỉ Tết vào làm một và đã thành công, thì Việt Nam tại sao lại không thể, thưa ông?

+ Nhật Bản “gộp” thành công không có nghĩa là Việt Nam cũng có thể làm được việc này đâu. Tư duy của người Nhật khác Việt Nam nhiều, nhất là từ sau thế chiến thứ 2, người Nhật Bản có khát vọng xây dựng, thay đổi đất nước, con người vô cùng mãnh liệt và họ thực hiện triệt để lắm. Họ làm việc nhiều, ngủ ít và tranh thủ mọi thời gian để làm việc, học tập. Còn ở Việt Nam vẫn còn tệ nạn “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” cơ mà. Suốt mùa xuân là mùa lễ hội, không chỉ người nông dân rảnh việc đồng áng nô nức đi trẩy hội mà công chức, viên chức cũng bỏ việc công để đi lễ chùa; công đoàn các công ty, cơ quan xí nghiệp cũng tranh thủ tháng Giêng để đưa cán bộ nhân viên đi lễ, đi hội đầu năm, thì việc bàn để bỏ đi cái Tết âm lịch theo tôi thực sự là điều... không tưởng!

- Nhưng Tết đang là cơ hội để người ta nhậu nhẹt say sưa và tai nạn giao thông trong dịp Tết năm nào cũng tăng. Phải chăng, cái Tết cổ truyền đang trở thành một áp lực, một “gánh nặng” với cả người dân và cả chính quyền?

+ Trước hết, phải làm sao để nâng cao dân trí, để cái Tết thực sự là dịp đoàn viên, mang lại cho mỗi gia đình một không khí ấm áp, yêu thương chứ không phải là dịp để say xỉn, nhậu nhẹt tối ngày, cúng lễ, suốt ngày bày vẽ ăn uống mâm cao cỗ đầy... rất mệt mỏi và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, tệ nạn. Việc cúng gia tiên cũng nên gói gọn trong ngày 30, lễ cúng giao thừa và lễ cúng ngày mồng 1 Tết thôi, không nên kéo dài cả 3 ngày, mỗi ngày 2 lần. Vô cùng vất vả và tốn kém không cần thiết. Hiện nay, nhiều gia đình có điều kiện ở thành thị đã làm được việc là sau bữa cơm cúng gia tiên vào sáng mồng 1 Tết, gia đình họ lên đường đi du lịch cùng nhau, kết thúc một kỳ nghỉ Tết ấm áp, tốt đẹp. Như thế cũng chẳng khác gì kỳ nghỉ lễ ở phương Tây, rất văn minh mà vẫn giữ được “nếp nhà”, chẳng phải tốt hơn sao?

- Xin cảm ơn nhà báo Nguyễn Đức Xuyên!

Nghệ sĩ hát xẩm Mai Tuyết Hoa: Để các bạn trẻ thêm yêu văn hóa truyền thống

Thảo Duyên (ghi)

Hiện nay, theo tôi quan sát có không ít người, đặc biệt là các bạn trẻ khá hào hứng với những ngày nghỉ Tết Dương lịch. Họ tổ chức những buổi tiệc gặp mặt bạn bè, người thân hoặc cùng nhau đi du lịch. Điều này có nguyên nhân vì áp lực cuộc sống ngày một căng thẳng, nhu cầu nghỉ ngơi ngày một tăng cao. Hơn nữa, gần đây, chính sách của nhà nước cũng tạo điều kiện cho mọi người có thêm được một kỳ nghỉ dài. Tuy nhiên, dù đời sống hiện đại đến đâu, một số quan niệm của phương Tây đã ảnh hưởng tới suy nghĩ, sinh hoạt của nhiều người nhưng tôi cho rằng Tết cổ truyền vẫn mãi là một ngày lễ thiêng liêng của người Việt.

Đành rằng, việc "ăn Tết, chơi Tết" của người Việt cũng có nhiều thay đổi. Cuộc sống bận rộn cũng khiến nhiều công đoạn của ngày Tết truyền thống được giản tiện. Thay vì tự tay gói bánh chưng, gói giò, nhiều gia đình chọn cách mua sẵn để tiết kiệm thời gian. Nhu cầu "chơi Tết" đang có xu hướng nhiều hơn "ăn Tết" nên ngoài thời gian thăm hỏi ông bà, cha mẹ nhiều người chọn cách lên đường đi du lịch. Đây cũng là một cách để những người trẻ hiện đại có được những giây phúc nghỉ ngơi thư giãn sau một năm bận rộn, vất vả.

Tôi cho rằng, để những thế hệ sau biết yêu và giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp thì mỗi gia đình, cha mẹ hãy biết truyền dạy cho các em trong chính mái nhà của mình. Nếu có điều kiện để trẻ em được tận mắt chứng kiến, tham gia những công đoạn của ngày Tết truyền thống như gói bánh chưng, trang hoàng nhà cửa... là điều rất bổ ích. Tuy nhiên, gia đình không có điều kiện thì tại các thành phố lớn không ít địa chỉ văn hóa thường xuyên tổ chức những hoạt động này để các em nhỏ hiểu hơn về Tết Ta. Cùng với thời gian, việc ăn Tết cổ truyền có thể thay đổi cho phù hợp với đời sống hiện đại nhưng quan trọng là nuôi dưỡng cho các em nhỏ ý thức giữ gìn truyền thống quý báu của dân tộc.

Với rất nhiều người, Tết cổ truyền là những ngày nghỉ ngơi chỉ dành cho gia đình thì với những nghệ sĩ như chúng tôi, những ngày này thường bận rộn hơn. Vừa đảm bảo lịch biểu diễn vừa lo chu toàn ngày Tết trong nhà. Vì đặc trưng công việc nên tôi không chọn cách đi du lịch vào những dịp này. Ngoài thời gian biểu diễn phục vụ khán giả, tôi dành trọn thời gian còn lại để được ở bên cạnh những người thân yêu. Có lẽ, gia đình tôi cũng như bao gia đình người Việt khác, Tết Nguyên đán vẫn là những thời khắc thiêng liêng, quan trọng để đầm ấm bên nhau, để nhắc nhớ tự hào chúng ta là người Việt.

Nước ta còn, Tết Ta còn

Mai Quỳnh Nga

Cuộc tranh luận nên bỏ Tết Ta hoặc ăn Tết Ta theo Tết Tây đã nổ ra mấy năm nay. Đáng lo ngại khi ý kiến ủng hộ ngày càng nhiều, đặc biệt là trước sự thắng thế của Tết Tây những năm gần đây. Mới 7h tối, nhưng điểm vui chơi giải trí, nơi xem bắn pháo hoa đêm giao thừa Tết Tây đã đông nghẹt. Hàng loạt chương trình âm nhạc đếm ngược đón năm mới xuất hiện theo tỉ lệ thuận mỗi năm. Nào ánh sáng laser, đèn led, nào âm thanh khuếch đại với nhạc DJ cùng các ca sĩ nổi tiếng như làm vỡ tung không gian, khiến hàng vạn khán giả phía dưới phát cuồng, lắc lư theo điệu nhạc.

Dạy con cháu gói bánh chưng dịp tết Nguyên Đán.

Giao thừa Tết Ta đâu có kiểu quậy tưng bừng thâu đêm rất… Tây ấy. Coi Táo quân, xem pháo hoa hay cúng mâm cỗ tất niên xong là tắt đèn đi ngủ. Tết Ta bây giờ với nhiều người chỉ là một kỳ nghỉ dài. Họ tận dụng để đi du lịch thay vì miễn cưỡng dọn dẹp nhà cửa, lo cỗ, chúc Tết họ hàng. Trong mắt họ, Tết Ta đang ngày càng nhạt nhẽo, cà kê hơn cả tuần, lại kéo theo hệ lụy về rượu bia, cờ bạc… Thậm chí, một hệ lụy “khủng khiếp” hơn ở tầm vĩ mô: Tết Ta làm phung phí thời gian, tiền bạc lẫn năng suất lao động, khiến cho nền kinh tế trì trệ. Theo họ, ăn Tết Ta theo Tết Tây chỉ dài 3- 4 ngày, như vậy mới mong vực dậy đất nước, mới gọi là hội nhập toàn diện và sâu sắc.

Ca sĩ Đăng Khoa Idol, người sống nhiều năm tại Mỹ, chua chát chỉ ra sai lầm: “Ở các nước phương Tây, Giáng sinh mới ngang bằng Tết Ta, chứ không phải giao thừa Tết Tây. Học sinh, sinh viên được nghỉ 2-4 tuần để về nhà sum họp và đón Giáng sinh cùng gia đình và thăm người thân, tặng quà cho nhau để bày tỏ sự quan tâm. Giao thừa dương lịch chỉ là mốc thời gian quan trọng mà mọi người thích liên hoan mà thôi. Vậy nếu muốn dời lịch Tết Ta cho đúng với giá trị tinh thần các nước phương Tây, để “hội nhập tinh thần quốc tế” thì chẳng phải là phải theo ngày lễ Noel?”.

Nếu xét theo bản chất văn hóa, Tết Tây rõ ràng thuộc văn hóa dương tính, ưa động, thể hiện rõ ở các hoạt động vui chơi, hội hè sôi nổi. Riêng Tết Ta thuộc văn hóa âm tính, nó thiên về hoạt động trong nội bộ gia đình, dòng tộc, thiên về đạo lý, tình cảm đúng như câu “Mồng Một tết cha, mồng Hai tết mẹ, mồng Ba tết thầy”. Tết Ta gắn với xu hướng sống chậm nhiều chiêm nghiệm. Và dĩ nhiên, điều đó khiến nó lặng lẽ hơn Tết Tây. Ai cho rằng Tết Ta nhạt, hẳn nhiên họ chỉ chú ý đến khía cạnh thực dụng, đến bề nổi mà không nhìn thấy hoặc không hiểu ý nghĩa tâm linh sâu xa, văn hóa truyền thống tốt đẹp.

Tết Ta là miền tâm thức, hoài niệm đã ăn sâu và vun bồi cho tâm hồn người Việt. Với kẻ tha hương, miền hoài niệm ấy càng mãnh liệt. Đưa tay đón giọt mưa xuân, nghe hơi lạnh thấm da, nôn nao nhớ mùi khói bếp cay xè bên nồi bánh chưng chiều 30. Nhớ cánh đào hồng phớt, nụ mai vàng e ấp trong lá biếc. Nhớ phong bao lì xì của ba mẹ mừng con thêm một tuổi. Nhớ tấm áo mới đi khoe khắp đường làng, ngõ xóm… Tết của đoàn viên vun bồi thêm tình cảm gia đình, lòng biết ơn nguồn cội. Thiêng liêng lắm bao mùa Tết lặng lẽ nghe bước chậm rãi của thời khắc giao mùa, nghe “những người muôn năm cũ” tìm về…

Có người bảo ăn Tết Ta theo dương lịch thì vẫn giữ được truyền thống cha ông, nghĩa là còn bánh chưng, còn phong bao lì xì, còn chúc Tết, còn đoàn viên sum họp… Họ không biết rằng, kiểu ăn Tết như thế khác nào đem bánh quy chấm với mắm tôm. Việt Nam có nền kinh tế nông nghiệp lúa nước, mọi hoạt động sản xuất đều tính theo chu kỳ mặt trăng. Thật tréo ngoe khi Tết của lịch âm với các phong tục, tập quán văn hóa riêng biệt chuyển sang nhập với Tết lịch dương (tính theo chu kỳ mặt trời). Mọi thứ sẽ rối như canh hẹ. Hoa đào, hoa mai chỉ nở trong tháng Giêng âm lịch, lấy đâu kịp mà chơi xuân cho tháng Một lịch Tây. Rồi ngày 23 tháng Chạp âm lịch đưa ông Táo về trời sẽ tính như thế nào (chẳng lẽ lại nhằm ngày 25-12 Noel ?!), chưa kể những lễ hội dân gian được tổ chức sau Tết Nguyên đán phải căn ke ra sao? Có nực cười không khi ăn Tết theo lịch dương mà nhang khói cho tổ tiên ông bà, mời ông bà – vốn người cõi âm – về ăn Tết?… Vậy nên dù  ăn Tết Ta theo dương lịch thì Tết Ta cũng đã bị khai tử, có chăng chỉ là sự tồn tại của một sản phẩm văn hóa lai căng.

Tết Tây là sản phẩm của hội nhập, ta đón nhận nó như một người khách đến thăm nhà. Nói như cố Giáo sư Trần Văn Khê: “Mình sẵn sàng đón tiếp khách nồng hậu, nhưng xong rồi thì mời khách về chứ không thể để họ nhảy lên bàn thờ và thay thế tổ tiên ta được”. Đâu phải cứ hội nhập là đem các giá trị văn hóa truyền thống của cha ông để hiến tế? Đất nước khó khăn, thói bê tha rượu chè cờ bạc… là do cơ chế quản lý, do ý thức của mỗi con người mà ra, sao lại đổ lỗi cho ngày Tết?

Trước ý kiến bỏ Tết Ta, nhạc sĩ Dương Thụ cũng từng rất hoang mang. Nhưng ông vẫn tin: “Không có ngày tận thế như đồn đoán thì cũng không thể có chuyện Tết Ta không còn nữa. Nói theo kiểu ông Phạm Quỳnh: Tiếng Việt còn thì nước ta còn. Nước ta còn thì Tết Ta còn”.

.
.