Chống tham nhũng - không được nhụt chí!
- Tăng cường chống tham nhũng
- Bước đột phá trong phòng chống tham nhũng
- Tiết kiệm chi, chống tham nhũng, lãng phí chứ đừng “tận thu” thuế1
- Báo chí với công tác phòng, chống tham nhũng
Dường như sức nóng của lời tuyên bố trên chưa đủ để làm cho phía dưới nóng lên. Do vậy, tại buổi họp nghe báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra của 5 đoàn kiểm tra của Ban Bí thư (kiểm tra 10 tỉnh và 5 cơ quan Trung ương về việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh), khi nói về chống tham nhũng, Tổng Bí thư lại tiếp tục ra một thông điệp mới: “Chống tham nhũng, ai nhụt chí thì dẹp sang bên để người khác làm". Đây có lẽ vừa là mệnh lệnh, vừa là lời cảnh báo mà Tổng Bí thư muốn gửi tới nhân dân, đặc biệt là lãnh đạo cấp ủy, người đứng đầu các đơn vị, địa phương.
Phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó trước hết thuộc về trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, ở không ít nơi rơi vào tình trạng người đứng đầu vì sợ trách nhiệm, ngại va chạm, nên đã né tránh không dám đấu tranh trực diện với khuyết điểm, vi phạm của cán bộ, đảng viên mà mình phụ trách. Họ sợ ảnh hưởng tới thành tích tập thể, ảnh hưởng tới lợi ích cá nhân nên khi có "sự cố", bằng mọi giá bưng bít, ém nhẹm, rất sợ phát huy dân chủ, sợ những ai nói thẳng, nói thật; thực hiện thủ đoạn chia đều cùng nhau hưởng "thành quả thu hoạch không chính đáng", rồi bịt miệng các đối tượng bị cho là nguy cơ rò rỉ thông tin...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Chống tham nhũng, ai nhụt chí thì dẹp sang bên để người khác làm". |
Tinh vi hơn, người đứng đầu thường đứng ngoài cuộc, "giữ bàn tay sạch", để cho tay chân thân tín của mình làm, có động tĩnh gì mình đứng ra tiếp xúc, dàn xếp với cấp trên, với thanh tra, kiểm tra, kiểm toán hoặc cơ quan bảo vệ pháp luật cho nó có tính "vô tư", "khách quan". Với cách làm ấy, họ sẽ dễ bề thuyết phục, đề xuất với các cơ quan chức năng theo chiều hướng có lợi, gỡ tội, chạy tội, giơ cao đánh khẽ để đàn em hạ cánh an toàn... thậm chí lo "hậu sự".
Chính sự bưng bít mà đã có hàng ngàn cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán mỗi năm nhưng các sai phạm phát hiện được chủ yếu là thiếu sót về thủ tục, đầu tư dàn trải, không hiệu quả hoặc là do thiếu kiến thức dẫn đến sơ suất… sau đó, đối tượng chỉ cần khắc phục hậu quả và được xử lý nội bộ, xử lý hành chính là xong, hãn hữu lắm mới chuyển một số ít vụ sang cơ quan điều tra để xử lý hình sự với hành vi tham nhũng.
Thật đáng buồn và đáng lo ngại là rất khó tìm ra các cơ quan, đơn vị, cá nhân phải chịu trách nhiệm về việc xử lý thiếu kiên quyết, thiếu nghiêm minh, kéo dài thời gian xử lý làm nản lòng người đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, khiến lòng dân không yên, dẫn tới tâm lý hoài nghi của nhân dân, vào tính nghiêm minh của pháp luật và hiệu quả của công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, đồng thời tạo điều kiện cho các đối tượng vi phạm tẩu tán, tiêu hủy chứng cứ, tài sản nhằm chạy tội.
Có vụ việc trước bằng chứng rõ ràng của người tố cáo, đã buộc các cơ quan chức năng phải xử lý thì khi có sự can thiệp của người "vô can", sự việc được "biến từ to thành nhỏ", từ vi phạm pháp luật biến thành xử lý nội bộ. Vận dụng các quy định của pháp luật, họ xử lý không nghiêm hành vi phạm tội tham nhũng, xử lý với mức thấp nhất hoặc không xử lý. Việc xử lý còn mang tính nể nang, né tránh, chưa dứt điểm chẳng những không có tính răn đe, ngăn chặn những hành vi tham nhũng của kẻ xấu, mà còn gây mất lòng tin của nhân dân.
Chính vì vậy, đằng sau các cuộc thẩm tra, xác minh, thậm chí là các phiên tòa xét xử công khai, kẻ phạm tội tham nhũng vẫn không "tâm phục, khẩu phục". Tham nhũng lại xét xử tham nhũng; thậm chí tham nhũng nảy sinh trong quá trình xử lý tham nhũng là một thực trạng đang tồn tại trong xã hội hiện nay. Chính từ việc người đứng đầu bao che, dung túng, không thẳng tay, nghiêm khắc với từng sai phạm dù nhỏ của cán bộ, công chức dưới quyền đã trở thành môi trường dung dưỡng cho tham nhũng phát triển.
Cuộc đấu tranh chống tham nhũng đã và đang đạt được nhiều kết quả quan trọng, làm nức lòng nhân dân cả nước. Trong cuộc chiến chống "giặc nội xâm" đầy cam go và quyết liệt này, những người đứng đầu nếu sợ hãi và hèn nhát thì không thể giữ cương vị, vì Đảng và nhân dân không chấp nhận những con người như thế.