Bước đột phá trong phòng chống tham nhũng

Thứ Sáu, 23/03/2018, 08:35
Ngày 5-3-2018, tại phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban Tư pháp Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), dự thảo luật đã bổ sung điều 59 quy định về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý. 


Nhiều ý kiến tán thành với việc xử lý thông qua thuế thu nhập cá nhân đối với tài sản, thu nhập không giải trình được một cách hợp lý ở mức 45%, nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng không có căn cứ và đã là tài sản bất minh thì phải bị tịch thu chứ không thể thu thuế; lại có luồng ý kiến phản đối vì thu thuế là khoác áo hợp pháp cho tài sản của quan tham…

Với thực tế của Việt Nam, để chống tham nhũng có hiệu quả hơn, cần tập trung áp dụng các biện pháp triệt tiêu mục đích kinh tế của hành vi tham nhũng và tội tham nhũng. Vì các đối tượng tham nhũng không bòn rút tiền của Nhà nước, của nhân dân để cất giấu hay chỉ để ngắm cho thỏa mãn lòng tham mà họ phải sử dụng vào những mục đích cá nhân như: Mua biệt thự, mua ôtô, sắm các vật dụng đắt tiền, cho con cái du học nước ngoài, đầu tư vào bất động sản, cổ phiếu…

Chống tham nhũng hiện là công việc cấp thiết của toàn Đảng, toàn dân ta.

Để triệt tiêu mục đích kinh tế của hành vi tham nhũng và tội tham nhũng, một số nước trên thế giới đã có luật áp dụng việc thu hồi tài sản tham nhũng không qua hoạt động tố tụng tư pháp; thu hồi tài sản tham nhũng trong lĩnh vực tư; thu hồi tài sản tham nhũng do người có chức vụ, quyền hạn không chứng minh được tài sản tăng thêm; đánh thuế thật cao những tài sản mà người có tài sản tăng thêm không giải trình được nguồn gốc và các cơ quan chức năng cũng không có chứng cứ chứng minh tài sản đó là phi pháp do phạm tội mà có… Pháp luật của Việt Nam chưa có những quy định này.

Tuy nhiên, chúng ta có cả một hệ thống các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, thuế, có quy định về kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức Nhà nước. Sử dụng những công cụ này sẽ rất hữu hiệu trong việc triệt tiêu mục đích kinh tế của hành vi tham nhũng.

Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, thuế sẽ dễ dàng phát hiện ra những sai phạm, thấy ngay được tài sản bị hao hụt, thất thoát. Từ đó, cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan phải giải trình, hoặc tìm cách bù đắp vào những hao hụt do mình gây ra. Khi các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán có kết luận, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại kết luận đó.

Nếu không khiếu nại được thì họ phải nộp trả số tiền thất thoát, vi phạm, nếu họ nộp trả mà không có thêm những sai phạm nữa thì thôi, còn nếu họ không chịu nộp trả thì các cơ quan chức năng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự của họ với hành vi vi phạm về kinh tế, tham nhũng.

Đối với những người bị điều tra về hành vi vi phạm kinh tế, tham nhũng đã chết, nhưng tài sản vẫn còn mà gia đình không nộp trả thì cơ quan, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do người đã chết gây ra có thể khởi kiện người thân, người thừa kế của người đã chết. Trong trường hợp này, không bắt buộc những người được hưởng thừa kế phải trả lại toàn bộ phần thừa kế, nhưng họ phải hoàn trả phần tài sản vi phạm của bị can đã chết để lại trong khối tài sản đó.

Có một cách các nước vẫn làm mà chúng ta có thể áp dụng được vào điều kiện của Việt Nam, đó là buộc cán bộ, công chức Nhà nước có tài sản tăng thêm đáng kể phải tự giải trình, chứng minh nguồn gốc các tài sản đó, cùng các khoản chi tiêu, mua sắm lớn. Nếu họ không giải trình được thì số tài sản thêm đó sẽ bị tịch thu. Như vậy, pháp luật không cần truy tố, bỏ tù cán bộ, công chức mà chỉ cần tịch thu tài sản và sa thải, đuổi việc họ.

Một khi cán bộ, công chức thấy rằng dù có thể tham nhũng, có thật nhiều tiền, khi bị phát hiện tuy không bị đi tù, nhưng có nguy cơ bị tịch thu hết tài sản và sự nghiệp cả cuộc đời cũng bị tiêu tan, lúc nào cũng phải sống trong tâm trạng nơm nớp lo sợ bị kiểm tra, truy xét, mất ăn, mất ngủ để nghĩ cách đối phó với các cơ quan chức năng và một khi có tiền mà không được tiêu, không thể thỏa mãn những ham muốn nhu cầu vật chất, thì tiền cũng chẳng còn ý nghĩa gì mà còn là ẩn họa. Nếu không muốn rước họa vào thân thì họ sẽ phải xem xét, tính toán và phải hạn chế việc tham nhũng để đổi lại sự an lành trong cuộc sống..

Quốc hội đang lấy ý kiến, xem xét để sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng. Mục đích đặt ra là tìm biện pháp cho phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới. Nếu trong các bước đột phá, chúng ta tìm ra giải pháp hữu hiệu triệt tiêu được mục đích kinh tế của hành vi tham nhũng, thì chắc chắn tham nhũng từng bước sẽ bị đẩy lùi.

Cù Tất Dũng
.
.