Chỉ số niềm tin

Thứ Năm, 24/12/2020, 11:24
Tuần qua, trong Báo cáo Phát triển con người toàn cầu năm 2020 với tiêu đề "Giới tuyến tiếp theo: Phát triển Con người trong kỷ nguyên con người tác động lên khí hậu và môi trường" do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, Việt Nam đứng ở vị trí 117/189 quốc gia và vùng lãnh thổ.


Việt Nam lần đầu tiên vào nhóm các nước có Chỉ số phát triển con người ở mức cao trên thế giới.

Nhưng cho dù ở mức độ xếp hạng thứ bao nhiêu đi chăng nữa thì trước tiên, chúng ta phải nhìn nhận lại, tự đánh giá lại chính mình để xem người Việt Nam thực sự đã phát triển cao hay chưa?

Dưới lá cờ Đảng quang vinh.

HDI được tính toán dựa trên 3 yếu tố cơ bản: Thu nhập - Chỉ số Tổng thu nhập quốc dân (GNI)/người; Tri thức - chỉ số học vấn và Sức khỏe - thể hiện qua tuổi thọ bình quân kỳ vọng tính từ thời điểm mới sinh. 

Như vậy, một đất nước giàu có chưa hẳn là một đất nước có chỉ số phát triển con người ở mức cao và ngược lại, một đất nước nghèo khó chưa hẳn là đất nước mà con người ở đó không phát triển, mà phải dựa trên nền tảng phát triển kinh tế -  xã hội phải bền vững, không hủy hoại môi trường, sống hài hòa với tự nhiên, con người ít phải lo cuộc sống mưu sinh và với những nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe. 

Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam đề ra mục tiêu phát triển nhưng không để ai ở lại phía sau, và quan trọng là người dân được sống an toàn, thoải mái.

Trong quá trình phát triển, hội nhập, Việt Nam cũng không tránh khỏi những thách thức khi môi trường ô nhiễm, biến đổi khí hậu, hạn hán, lũ lụt diễn ra triền miên, nạn thực phẩm bẩn đe dọa đời sống thường nhật; thực trạng xã hội vẫn còn nhiều vấn đề bất ổn, đó là tình trạng tội phạm, tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình, bạo lực, xâm hại trẻ em; tiêu cực, tham nhũng tuy đã bước đầu được ngăn chặn và đẩy lùi nhưng vẫn diễn biến rất phức tạp…

Về kinh tế, Đảng, Nhà nước Việt Nam đề ra nhiều chính sách cởi mở để khuyến khích người dân và doanh nghiệp làm giàu chính đáng. Đến nay, Việt Nam đã thoát khỏi danh sách các nước nghèo, vươn lên vị trí các quốc gia có thu nhập trung bình và đang nỗ lực phấn đấu để trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. 

Năm 2020, ước tính GDP bình quân đầu người khoảng 3.000 USD; khoảng cách giàu nghèo được kéo giảm, số người nghèo đói ở Việt Nam cũng giảm mạnh, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 2,75%, hộ cận nghèo còn khoảng 4%. 

Đồng hành với phát triển kinh tế thì đời sống văn hóa tinh thần của người dân cũng từng bước được nâng lên. Dẫu cho cuộc sống có thể chưa được như ý muốn nhưng người dân Việt Nam biết tận hưởng những gì đang có trong khi không quên lao động và sản xuất để phát triển mức sống của mình lên cao hơn.

Chính phủ Việt Nam xác định, giáo dục mà tụt hậu sẽ tác động đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nguy cơ rơi vào "bẫy thu nhập trung bình" đang hiện hữu mà rất khó thoát ra và điều này sẽ kéo theo sự chậm phát triển, nghèo nàn, phai nhạt về bản sắc văn hóa, về lý tưởng sống. Chính vì thế, Chính phủ đã tập trung đầu tư nhiều cho giáo dục. 

Mặc dù vẫn còn một số những tiêu cực, như: Thi cử, bạo lực học đường, bệnh chạy theo thành tích, tiền lương giáo viên thấp, các chế độ đãi ngộ thì không có gì đáng kể, nhưng đến năm 2020 Việt Nam đã cơ bản đạt được mục tiêu 98% người dân biết chữ. Trong đó, tỷ lệ người dân tộc thiểu số biết chữ độ tuổi 15 đến 60 là 93,44%.  

Cơ hội tiếp cận giáo dục có nhiều tiến bộ, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách; cơ bản bảo đảm bình đẳng giới trong giáo dục. Chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng lên, góp phần đáp ứng yêu cầu nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Kết quả Tổng điều tra dân số năm 2019 cho biết, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,6 tuổi và số giường bệnh là 32 giường/100.000 dân. Y tế là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ khi là một trong 5 nước đang phát triển có mức độ tử vong bà mẹ và trẻ em giảm nhanh nhất thế giới. 

Qua việc phòng, chống đại dịch COVID -19 cho thấy, Việt nam là một trong số ít quốc gia có mạng lưới y tế hoàn chỉnh, tổ chức rộng khắp tới tận thôn, bản. Y tế Việt Nam luôn có những biện pháp hiệu quả, không những đảm bảo được tính mạng, sức khỏe của nhân dân mà còn khiến thế giới khâm phục bởi những thành công trong kiểm soát, khống chế, điều trị nhiều bệnh nguy hiểm. Ngành y tế đã tiến bộ vượt bậc trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ, làm nên những thành công mang tầm thế giới.

Với mục tiêu phát triển bền vững, không đánh đổi môi trường vì mục đích tăng trưởng, chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, tăng dần chỉ số thu nhập bình quân đầu người, cộng với việc cải cách giáo dục tốt hơn là những hướng đi đúng của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn vừa qua. Xét trên nhiều khía cạnh thì vị trí 117/189 là thành tựu đáng mừng, đáng hãnh diện.

Rất đáng mừng, tuy nhiên nhìn vào tình hình thực tiễn thì chúng ta còn cần phải cố gắng nhiều nữa để thực sự xứng đáng là quốc gia có "Chỉ số phát triển con người cao" trên thế giới.

Cù Tất Dũng
.
.