Các cuộc thi nhan sắc: Đua nhau lách luật

Thứ Bảy, 23/03/2019, 08:05
Các cuộc thi nhan sắc ngày càng nở rộ để đáp ứng nhu cầu thi thố của mọi giới, mọi lứa tuổi, nghề nghiệp. Nếu theo quy định hiện hành, những cuộc thi thế này sẽ khó có cửa được cấp phép. Thế nhưng, nó vẫn mặc nhiên diễn ra rầm rộ bằng đủ chiêu trò lách luật...


Theo Quy định của Cục Nghệ thuật Biểu diễn, mỗi năm trong nước chỉ tổ chức hai cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia. Quy định này nhằm giảm thiểu các cuộc thi nhan sắc “ao làng” và tình trạng bát nháo danh hiệu hoa hậu, á hậu. Thế nhưng, thống kê sơ bộ, mỗi năm, số lượng người đẹp Việt đăng quang hoa hậu lên tới 30 người và con số không ngừng tăng qua từng năm. Các nhà tổ chức vẫn tung ra đủ dạng cuộc thi hoa hậu mà không hề vướng luật định bằng cách đổi tên gọi và hình thức tranh tài.

Trước đây, cuộc thi có cái tên dài ngoằng “Miss World Vietnam - Đường tới vương miện - Hoa khôi Áo dài Việt Nam” phải đổi tên thành “Hoa khôi Áo dài Việt Nam – Đường tới vương miện Hoa hậu thế giới” thì mới được cấp phép. Bởi nếu để như tên ban đầu, nhiều người sẽ hiểu lầm là cuộc thi “Hoa hậu Việt Nam thế giới”.

Cuộc thi nhan sắc dành cho người chuyển giới “The Tiffany” phải đổi định dạng thành show truyền hình thực tế thì mới được cấp phép.

Định dạng chương trình cũng được thay bằng gameshow truyền hình thực tế. Dù thay đổi tên gọi nhưng hoa khôi vẫn đàng hoàng đại diện Việt Nam để đi thi “Miss World” như thường. Tương tự, “Mrs Vietnam” phải đế thêm dòng chữ lằng nhằng “Người mẫu Quý bà Việt Nam” ở vế sau để được cấp phép. Bởi nếu chỉ để “Mrs Vietnam” thì lại mang nghĩa “Hoa hậu Quý bà Việt Nam” mà trong năm, số lượng các cuộc thi hoa hậu được cấp phép đã chạm trần.

Lúc đầu Hoa hậu Hương Giang Idol dự định tổ chức “The Tiffany 2018” với hình thức một cuộc thi nhan sắc dành cho người chuyển giới. Thế nhưng vì luật chưa cho phép tổ chức cuộc thi này nên cô chuyển định dạng chương trình sang show truyền hình thực tế. Nhật Hà lên ngôi quán quân và được cử đi dự thi Hoa hậu Chuyển giới quốc tế 2019 vừa diễn ra tại Thái Lan. 

Cô lọt vào top 6 chung cuộc. Đầu năm nay, “WLIN - ASEAN Beauty Queen 2019” (Quyền năng phái đẹp ASEAN) cũng phải thay đổi định dạng từ cuộc thi thành chương trình bình chọn, ban giám khảo đổi tên thành hội đồng thẩm định, giải thưởng đổi tên thành quà tặng. Thực tế, chương trình không khác gì cuộc thi nhan sắc với sự tham gia của hơn 30 thí sinh đến từ các nước Đông Nam Á.

Ngoài đổi tên và thay đổi định dạng, một số đơn vị còn tìm cách đưa cuộc thi ra nước ngoài tổ chức. Địa điểm quen thuộc thường là Singapore, Mỹ, Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Philippines... Chiêu thức này giúp tên gọi và hình thức cuộc thi được giữ nguyên vì không phải mất công đi xin phép.

Thậm chí, vì tha hồ tổ chức, muốn làm gì thì làm nên đa phần các cuộc thi này đều có tên cực “kêu”: Hoa hậu Việt Nam thế giới, Hoa hậu Doanh nhân thành đạt thế giới, Hoa hậu Phu nhân thế giới người Việt, Hoa hậu Doanh nhân thành đạt thế giới người Việt, Hoa hậu Quý bà Việt Nam thế giới, Hoa hậu Sắc đẹp phụ nữ, Hoa hậu Sắc đẹp Hoàn mỹ Toàn cầu, Hoa hậu Doanh nhân quốc tế, Hoa hậu Doanh nhân toàn năng châu Á... Vì đây là chiêu để lách luật nên không lạ khi từ dàn thí sinh đến ban giám khảo, ban tổ chức đều là người Việt.

Tuy danh hiệu ở các cuộc thi này thường không được công nhận khi về nước nhưng người đẹp vẫn ồ ạt đi thi. Thậm chí, họ không ngại thi “chui” để kiếm bằng được danh hiệu hòng nuôi ảo vọng nâng thứ hạng trong showbiz.

Việc lách luật của các cuộc thi nhan sắc hiện gây nhiều tranh cãi. Phía ủng hộ cho rằng, quy định của Cục Nghệ thuật Biểu diễn còn quá cứng nhắc và bất hợp lý nên ban tổ chức các cuộc thi buộc phải làm thế để không vướng luật. Quy định mỗi năm trong nước chỉ có hai cuộc thi sắc đẹp cấp quốc gia và những người đẹp đăng quang tại hai cuộc thi trên mới được thi thố ở sân chơi quốc tế đã phần nào hạn chế những ứng viên sáng giá khác.

Trên thế giới, hiện có rất nhiều cuộc thi với tiêu chí đa dạng. Số lượng người đẹp đăng quang hai cuộc thi cấp quốc gia không đủ cung ứng và cũng chưa chắc phù hợp với tiêu chí của các cuộc thi quốc tế. Chẳng hạn, việc lách luật để tổ chức cuộc thi nhan sắc cho người chuyển giới của Hoa hậu Hương Giang được nhiều người ủng hộ vì bản thân Nghị định 79 của Chính phủ còn nhiều hạn chế, thiếu sót. “Né luật nhưng chúng tôi thực hiện đúng quy định thì không có gì đáng lên án cả” – người mẫu chuyển giới Quỳnh Vy khẳng định.

Luồng ý kiến khác lại cho rằng, kiểu “thay hình đổi dạng” hoặc “thay địa điểm” để né tránh luật chỉ khiến cuộc thi mất thiện cảm trong mắt công chúng, vì người ta cứ có cảm giác ban tổ chức không đàng hoàng. Thực tế, có rất nhiều cuộc thi lách luật là những cuộc thi “ao làng”, là chợ buôn bán danh hiệu. Trong đó cuộc thi dành cho giới doanh nhân và cuộc thi tổ chức ở nước ngoài thường rơi vào diện này.

Hoa hậu Việt Nam hoàn cầu, Hoa hậu Sắc đẹp Hoàn mỹ Toàn cầu, Hoa hậu người Việt Thế giới, Hoa hậu Doanh nhân Thế giới người Việt... tôn vinh những cô gái lắm thị phi như Ngọc Trinh, Trà Ngọc Hằng, Quế Vân, Thư Dung, Julia Hồ, Phi Thanh Vân...  Cuộc thi Hoa hậu Phu nhân thế giới người Việt 2012 còn bị một thí sinh tố ban tổ chức "gạ" mua giải với ngôi vị á hậu từ 45.000 - 50.000 USD, còn hoa hậu có giá 85.000 USD. 

Siêu mẫu Hà Anh nhận xét, các cuộc thi nhan sắc của người Việt ở nước ngoài giống như đêm nhạc tạp kỹ vì các phần thi quá mờ nhạt, lại diễn trong khán phòng nhỏ hẹp, chưa xứng tầm một cuộc thi hoa hậu. Từng đoạt danh hiệu á hậu tại một trong những cuộc thi trên, người mẫu Phan Như Thảo bức xúc: “Chưa bao giờ tôi muốn sử dụng danh hiệu đó trong sự nghiệp của mình từ khi có được nó, vì với tôi, đó không phải niềm tự hào, mà đó là sự thất bại và một chút sai lầm. Thật sự tôi cảm thấy xấu hổ về việc mình từng là một thí sinh và đoạt giải á hậu trong cuộc thi ấy. Tôi hy vọng mọi người sẽ quên đi và cũng mong muốn đừng có ai ghép tôi vào danh hiệu này".

Cuộc thi “Nữ hoàng Tài năng và Sắc đẹp 2019” bị cơ quan chức năng tạm dừng vì không có giấy phép.

Thậm chí, không ít cuộc thi lách luật và sẵn tiện qua mặt nhà quản lý. Cuộc thi “Nữ hoàng Tài năng và Sắc đẹp 2019” vừa qua bị cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên yêu cầu dừng đêm chung kết bởi không có giấy phép. Trá hình thành buổi tiệc thân mật và không xin giấy phép, cuộc tuyển chọn đại diện thi Hoa hậu Hoàn vũ Quý bà cũng bị dừng nửa chừng.

Cách đây không lâu, Đoàn thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phải cúp điện để làm gián đoạn đêm chung kết “Duyên dáng doanh nhân 2018” ngay trước phần trao giải cho top 3. Trước sự cố này, ban tổ chức thông báo phần trao giải sẽ tiếp tục tại TP Hồ Chí Minh sau khi hoàn thành giấy phép. Ban tổ chức cho rằng, đây là một sân chơi nhan sắc, giao lưu cho các doanh nhân nữ nên chủ quan trong vấn đề pháp lý, trong khi thực tế nó không khác gì cuộc thi hoa hậu, hoa khôi.

Khi Sở vẫn chưa cấp phép thì cuộc thi vẫn diễn ra và quảng cáo rầm rộ, thậm chí họ còn mạnh miệng cho biết được VTV9 truyền hình trực tiếp. Thực tế, đây chỉ là chiêu lừa để dụ các nghệ sĩ nổi tiếng đến dự biểu diễn và trao giải, nhằm tăng uy tín cuộc thi. Cụ thể, đêm chung kết có những gương mặt như NSƯT Nguyễn Chánh Tín, Thân Thúy Hà, Kasim Hoàng Vũ...

Dẹp loạn cuộc thi nhan sắc theo kiểu lách luật này là vấn đề nan giải với cơ quan quản lý. Việc cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xông vào cúp điện để làm gián đoạn đêm chung kết “Duyên dáng doanh nhân 2018” vẫn bị xem là biện pháp bất đắc dĩ và khá muộn màng. Lâu nay, các chế tài xử phạt hành chính vẫn quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Đặc biệt, với các cuộc thi tổ chức ở nước ngoài có quy trình tổ chức lôm côm, thiếu chuyên nghiệp thì cơ quan chức năng vẫn loay hoay tìm biện pháp xử phạt vì đối tượng vi phạm quá nhiều.

Phan thi Uyên
.
.