Quản lý các cuộc thi nhan sắc: Nới nhưng chưa thoáng?

Chủ Nhật, 22/04/2018, 08:15
Dự thảo thay đổi Nghị định 79 về quản lý hoạt động nghệ thuật biểu diễn vừa được Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công bố và lấy ý kiến đóng góp rộng rãi trên website. Trong đó, quy định về vấn đề người đẹp, người mẫu thi thố ở các cuộc thi nhan sắc quốc tế đã được nới lỏng hơn trước đây.


Lọt top 10 mới được phép đi thi quốc tế

Trong dự thảo tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng, thay đổi Nghị định 79, 4 vấn đề trọng tâm được nêu ra gồm: cấp phép các ca khúc trước năm 1975, cấp phép cho cá nhân người Việt định cư ở nước ngoài về nước biểu diễn, nới lỏng quy định cho người đẹp và người mẫu đi thi quốc tế, bãi bỏ văn bản thỏa thuận sử dụng quyền tác giả trong thành phần hồ sơ đề nghị cấp phép.

Trong đó, việc nới lỏng quy định cho người đẹp và người mẫu đi thi quốc tế được dư luận rất quan tâm vì nó sát với nhu cầu bức thiết hiện nay. Theo quy định hiện hành, các cá nhân được cấp giấy phép tham dự cuộc thi người đẹp, người mẫu quốc tế phải đáp ứng điều kiện đạt danh hiệu chính trong top 3 tại cuộc thi người đẹp, người mẫu trong nước và được một pháp nhân có chức năng hoạt động văn hóa, nghệ thuật đại diện để thực hiện thủ tục cấp phép.

Quy định này bị người trong nghề kêu ca là chưa phù hợp với thực tiễn đất nước, trong bối cảnh phát triển và hội nhập quốc tế. Do trên thế giới có nhiều cuộc thi sắc đẹp khác nhau, mỗi cuộc thi có quy mô, tiêu chí riêng và nhà tổ chức các hoạt động này đều muốn mời đại diện nhiều quốc gia đến tham dự để nâng uy tín cuộc thi, vì vậy họ đều tìm kiếm và gửi thư mời đại diện Việt Nam tham dự.

Dù Nghị định 79 sẽ sửa đổi theo hướng nới lỏng điều kiện cho người đẹp, người mẫu thi quốc tế, nhưng những trường hợp như Hương Giang Idol vẫn gặp khó.

Vì quy định chỉ cho top 3 đi thi quốc tế nên dẫn đến tình trạng bất cập: có nhiều thí sinh không đáp ứng các điều kiện hiện hành nhưng vẫn “thi chui” và sau đó chấp nhận nộp phạt hành chính. Trong số đó, không hiếm thí sinh đoạt giải cao. Vì vậy, việc điều chỉnh Nghị định 79 là vấn đề cần kíp. Quy định điều kiện dự thi cho thí sinh nên theo hướng linh hoạt hơn, mở rộng về số lượng thí sinh được tham dự các cuộc thi quốc tế nhưng vẫn đảm bảo công tác quản lý nhà nước và sự phù hợp với quy định pháp luật.

Cụ thể, quy định mới mở rộng điều kiện để thí sinh dự thi người đẹp, người mẫu quốc tế là chỉ cần nằm trong top 10 của một cuộc thi trong nước. Đồng tình với quy định mới này, bà Nguyễn Thị Thuý Nga, Giám đốc Công ty TNHH Elite Entertainment đánh giá: “Việc mở rộng diện thí sinh được đi thi quốc tế không giới hạn ở mức top 3 như trước (thí sinh ở top 5, top 10 giải phụ ở các cuộc thi lớn vẫn có đủ điều kiện để tham dự) sẽ phù hợp với thực tiễn và tạo điều kiện cho các đơn vị tổ chức cho thí sinh đi dự thi khi có nhiều cơ hội lựa chọn gương mặt nào cho phù hợp”.

Ông Trần Thanh Long, Tổng Giám đốc Công ty Người mẫu PL Model cũng phân tích: “Theo Nghị định, một năm, nước ta chỉ được tổ chức tối đa 2 cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia. Và chỉ có 3 người đoạt danh hiệu cao nhất ở các cuộc thi này mới đủ điều kiện, tiêu chuẩn để được cấp phép đi thi hoa hậu ở nước ngoài. Như vậy số lượng thí sinh sẽ không đủ để đi thi. Trong khi nhiều người đẹp ở top 10 hoặc ở các cuộc thi ngành, đoàn thể, vùng lại có mong muốn được "mang chuông đi đánh xứ người".

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng quy định mới vẫn chưa thông thoáng. Chẳng hạn trường hợp Hương Giang Idol tham gia cuộc thi Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế 2018 là điều làm Cục Nghệ thuật Biểu diễn lúng túng. Bởi tính đến thời điểm này, Việt Nam chưa hề có một cuộc thi sắc đẹp nào dành cho người chuyển giới nên rõ ràng Hương Giang Idol không hề có danh hiệu nào để đáp ứng đủ điều kiện được cấp phép đi thi quốc tế mà Bộ quy định (dù đã mở rộng đến top 10).

Hương Giang cho hay: “Tôi muốn mình được đi thi đàng hoàng nên đã liên lạc với ban tổ chức và được biết họ rất ủng hộ những người đi thi và tôn trọng các điều luật, tuân thủ theo đúng luật pháp, không thi chui. Mong muốn được sự ủng hộ một cách chính đáng, đàng hoàng nên tôi cũng cùng êkip của mình chủ động làm việc với Cục Nghệ thuật Biểu diễn để xin ý kiến và sự cấp phép”.

Dù chưa có tiền lệ nhưng vì Hương Giang đã xin ý kiến, tỏ rõ thiện chí, phía Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã hết sức hỗ trợ, hướng dẫn thêm về cách cho cô đi thi. Điều này buộc các nhà quản lý phải xem xét vào dự thảo Nghị định mới.

Dù mở rộng điều kiện dự thi, quy định mới vẫn gây khó những người đẹp đáp ứng đầy đủ tiêu chí của cuộc thi quốc tế, họ có nguyện vọng đi thi hoặc được đích thân ban tổ chức cuộc thi gửi thư mời nhưng bản thân chưa hề có danh hiệu nào trong top 10. Trước khúc mắc này, nhà thiết kế Võ Việt Chung kiến nghị, nếu là đại diện Việt Nam dự thi qua thư mời của Lãnh sự quán, Đại sứ quán thì Bộ nên mở rộng cho thí sinh có điều kiện phù hợp với cuộc thi.

Siết để tránh loạn thi nhan sắc

Trước đây, Cục Nghệ thuật Biểu diễn cũng từng chia sẻ về đề xuất sửa đổi Nghị định 79 theo hướng tạo điều kiện cho những người đẹp tự do có cơ hội “chinh chiến” tại các đấu trường nhan sắc quốc tế. Cụ thể, người đẹp không cần phải được sự cho phép của cơ quan quản lý Nhà nước, không cần phải có danh hiệu trong nước mới được đi thi quốc tế. Điều này có nghĩa, bất kỳ người đẹp nào, nếu có mong muốn tham gia các cuộc thi quốc tế, nếu đủ tiềm lực về tài chính, được ban tổ chức cuộc thi quốc tế mời, thì được tự do tham gia… Đây được coi là phương án 1 của dự thảo. Trong khi phương án 2 là chỉ mở rộng đến top 10.

Diễn viên Phi Thanh Vân bị coi là “thi chui” ở Hoa hậu Doanh nhân Thế giới người Việt 2017 tại Mỹ.

Nhà báo, nhà thơ Dương Kỳ Anh cho biết, ông hoàn toàn ủng hộ phương án 1: “Việc một người đẹp Việt Nam đang không vi phạm pháp luật, có thể tự lo điều kiện ra nước ngoài dự thi nhan sắc với tư cách là công dân thì nên ủng hộ. Những người đẹp đó tự bỏ tiền túi ra đi thi, mang nhan sắc Việt Nam ra quảng bá cho bạn bè quốc tế rồi nếu có thêm giải thưởng nữa càng tốt chứ sao”.

Tuy nhiên, phương án 1 bị hủy bỏ vì vấp phải nhiều ý kiến cho rằng nếu cứ để các người đẹp “thích là thi” thì sớm muộn sẽ xảy ra tình trạng bát nháo, “loạn” danh hiệu. Bởi đã có quá nhiều người đẹp lạm dụng các danh hiệu vào các mục đích thương mại trong thời gian qua. Nếu Cục không cấp phép, thẩm định thì việc những cá nhân không đủ tư cách dự thi đầy rẫy, mang tai tiếng.

Thực tế cho thấy có nhiều người đẹp đoạt giải cao ở nước ngoài nhưng thực chất đó chỉ là sân chơi “ao làng” để kiếm lợi, tìm danh. Gương mặt đoạt giải thậm chí không hề xứng đáng với danh hiệu mình sở hữu. Do vậy, phương án 2 mở rộng đối tượng đủ điều kiện là top 10 được coi là biện pháp quản lý nhà nước trực tiếp nhằm chọn lọc và hạn chế tình trạng “loạn” danh hiệu sắc đẹp gây bức xúc xã hội.

Để gỡ khó cho những trường hợp như Hương Giang Idol, nhà báo Dương Kỳ Anh đề xuất, riêng với những cuộc thi lớn, uy tín như “Hoa hậu Thế giới”, “Hoa hậu Hoàn vũ”, “Hoa hậu Quốc tế”…, các người đẹp đại diện cho nhan sắc Việt Nam dự thi nên được cấp phép, thẩm định kỹ càng để xem có xứng đáng hay không. Bởi mọi lời ăn tiếng nói, hành xử … của người đẹp này ở các đấu trường sắc đẹp lớn trên thế giới đều mang ý nghĩa đại diện cho hình ảnh quốc gia. Các cuộc thi lớn này cũng có tiêu chuẩn rất cao, đòi hỏi khắt khe về thí sinh.

Theo nhiều chuyên gia, hiện nay trên thế giới có quá nhiều cuộc thi sắc đẹp, thậm chí là những cuộc thi mang tính giải trí, giao lưu nghề nghiệp, nên Việt Nam phải có quy định chi tiết. Chẳng hạn, cuộc thi nào phải do cơ quan quản lý cấp phép, cử thí sinh đại diện cho nhan sắc quốc gia tham dự và cuộc thi nào thí sinh được phép dự thi với tư cách cá nhân. Bà Nguyễn Thị Thuý Nga, Giám đốc Công ty TNHH Elite Entertainment góp ý: “Thí sinh đi thi quốc tế vẫn phải nộp hồ sơ đến cơ quan quản lý để xem xét nhân thân và công ty quản lý để có thông tin quản lý”.

Mai Quỳnh Nga
.
.