Ca khúc độc quyền và ứng xử dễ dãi của nghệ sỹ Việt

Thứ Bảy, 17/12/2016, 08:00
“Hiện tượng Sing my song” Lê Thiện Hiếu bị “tố” cướp hit đang là chủ đề được bàn tán xôn xao trên các phương tiện truyền thông những ngày gần đây. Câu chuyện chưa có hồi kết nhưng đã “xới” lên một vấn đề vốn đã tồn tại rất lâu trong showbiz Việt là bản quyền ca khúc và ứng xử của các nghệ sỹ với ca khúc đã được mua độc quyền 


Chuyện thường ngày ở huyện

Xuất hiện và gây bão trong chương trình truyền hình thực tế “Sing my song – Bài hát hay nhất” với ca khúc “Ông bà anh” chưa được bao lâu, Lê Thiện Hiếu bị ca sĩ Thái Quang, top 8 cuộc thi “The Voice – Giọng hát Việt” 2013 “tố” trên facebook cá nhân là đã phát tán bản thu âm ca khúc “Nếu ta còn yêu” (sáng tác Quốc Tuấn) mà anh đã mua độc quyền. Trong khi Thái Quang đang hoàn tất quá trình thu âm ca khúc để phát hành thì “Nếu ta đã yêu” xuất hiện trên khắp các kênh nghe nhạc trực tuyến với giọng hát Lê Thiện Hiếu.

Quốc Tuấn, tác giả ca khúc đã lên tiếng nói rằng, trước khi bán “Nếu ta đã yêu” cho Thái Quang, anh có nhờ Lê Thiện Hiếu thu âm bản demo ca khúc và chia sẻ trên SoundClound. Tuy nhiên, lỗi của Quốc Tuấn là không xóa bỏ bản demo này sau khi ký hợp đồng bán độc quyền “Nếu ta đã yêu” cho Thái Quang.

Sự việc chưa có hồi kết và rất khó có thể trả lời rằng, ai là người bị thiệt hại trong câu chuyện này. Đó là Thái Quang vì ca khúc độc quyền của anh đã bị “cướp” ngay từ khi chưa ra mắt hay Lê Thiện Hiếu vì dính phải lùm xùm không đáng có?.

“Hiện tượng Sing my song” Lê Thiện Hiếu bị “tố” cướp hit“Nếu ta còn yêu” mà ca sĩ Thái Quang đã mua độc quyền.

Nhìn ở một góc độ khác thì dường như, tất cả lại được “hưởng lợi” từ vụ việc này. “Nếu ta đã yêu” bỗng dưng trở thành ca khúc hot và cái tên Thái Quang, Lê Thiện Hiếu được tìm kiếm nhiều hơn. Kéo theo đó là tên tuổi của Quốc Tuấn và cả chương trình “Sing my song – Bài hát hay nhất” cũng gây được sự chú ý của công chúng.

Trở lại câu chuyện về ca khúc độc quyền, có thể thấy rằng, “Nếu ta đã yêu” không phải là trường hợp duy nhất gây nên lùm xùm tranh chấp bản quyền trong giới nghệ sỹ Việt.Với sự xuất hiện của các chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng âm nhạc, không ít ca khúc độc quyền đã bị “sử dụng vô tư”trên những sân chơi này. “Việt Nam Idol” 2010 từng gây nên những luồng dư luận trái chiều khi Uyên Linh sử dụng ca khúc “Đường cong” đã được ca sĩ Thu Minh mua độc quyền của nhạc sỹ Nguyễn Hải Phong.

Không chỉ biểu diễn trong khuôn khổ chương trình “Việt Nam Idol”, Uyên Linh còn mang “Đường cong” biểu diễn trên nhiều sân khấu ca nhạc lớn nhỏ. Khi Thu Minh lên tiếng thì “Đường cong” đã kịp đưa tên tuổi quán quân “Việt Nam Idol” lên một nấc thang mới.

Ca sĩ Thảo Trang cũng từng liên tiếng “tố” Ban Tổ chức Chương trình “Việt Nam Idol” 2013 đã sử dụng ca khúc mà cô mua độc quyền có tên “Nơi ấy bình yên” của tác giả Minh Thụy.Nhóm MTV bức xúc khi ca khúc “Nói chung là... Chuyện thằng say” của nhóm được thí sinh Hồng Phước chọn để trình diễn mà không xin phép, thậm chí là thay đổi lời trên sân khấu “Việt Nam Idol” 2014.

Tương tự như vậy, ngay sau khi trở thành hiện tượng với ca khúc “Nơi tình yêu bắt đầu” trên sân khấu “The Voice – Giọng hát Việt” mùa đầu tiên, Bùi Anh Tuấn bị nhạc sĩ Tiến Minh lên tiếng nói rằng, đã sử dụng ca khúc không xin phép.

Trong khi đó, “Nơi tình yêu bắt đầu” đã được bán độc quyền cho một đơn vị sản xuất phim.Cũng trong chương trình này năm 2013, Hải Yến Idol lên tiếng ca khúc “Những ngày yêu như mơ” (sáng tác Tăng Nhật Tuệ), Nguyễn Đình Thanh Tâm “tố” Ban Tổ chức cho thí sinh sử dụng ca khúc “Chạy mưa” (sáng tác Phạm Toàn Thắng) mà không xin phép.

Tuấn Hưng là ca sĩ sở hữu nhiều ca khúc hit hàng đầu showbiz. Có lẽ, cũng chính vì thế mà không ít lần, Tuấn Hưng phải lên tiếng về việc ca khúc bị người khác sử dụng “vô tư”.Hồi đầu năm 2016, ca sĩ Thu Phương đã hát ca khúc “Nắm lấy tay anh” (sáng tác Tú Dưa) đã gắn liền với tên tuổi Tuấn Hưng.

Ngay lập tức, Tuấn Hưng đã “nhắc khéo” nhạc sỹ ca khúc và ca sĩ Thu Phương trên mạng xã hội.Trước đó, trong chương trình “X-Factor – Nhân tố bí ẩn” 2014, thí sinh Quang Đại đã sử dụng hit “Tìm lại bầu trời” của Tuấn Hưng mà không có bất kỳ liên hệ nào với tác giả ca khúc là Khắc Việt và Tuấn Hưng. Khắc Việt và Tuấn Hưng bày tỏ sự bức xúc trên mạng xã hội không chỉ vì “Tìm lại bầu trời” bị sử dụng “chùa” mà còn do phần thể hiện của thí sinh Quang Đại quá tệ, “phá nát” ca khúc hit được rất nhiều bạn trẻ yêu thích.

Ngoài ra, có thể “điểm danh” thêm một số vụ vi phạm bản quyền, quyền độc quyền ca khúc trong showbiz Việt xảy ra thời gian gần đây như ca sĩ Thanh Duy “tố” Ban Tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 đã sử dụng ca khúc độc quyền của anh là “Tonight” (sáng tác Trần Đại Nhân và Trấn Thăng Long) trong đêm chung khảo cuộc thi khu vực phía Nam mà không xin phép, Gameshow “Bạn có thực tài” lên sóng trên kênh HTV7 đầu tháng 7 vừa qua sử dụng ca khúc “00:00” của tác giả Phậm Trần Phương mà không một lời hỏi han…

Quang Đại trình diễn ca khúc hit “Tìm lại bầu trời” của ca sĩ Tuấn Hưng trên sân khấu “X – Factor - Nhân tố bí ẩn” 2014.

Ứng xử sao cho phải phép

Vi phạm bản quyền, thiếu tôn trọng quyền độc quyền ca khúc là tình trạng phổ biến, xảy ra từ lâu trong showbiz Việt. Đến thời điểm này, khi truyền hình thực tế nở rộ trên các kênh sóng thì việc ca khúc bị “sài chùa” dễ phát hiện và bị công chúng lên án mạnh mẽ hơn. Có rất nhiều cách ứng xử khác nhau của nghệ sĩ Việt khi xảy ra tranh chấp ca khúc độc quyền.

Khi Thu Minh lên tiếng về ca khúc “Đường cong”, Uyên Linh đã dừng biểu diễn ca khúc và gửi lời xin lỗi đến ca sĩ “đàn chị”. “Xin lỗi” hoặc đổ lỗi do sơ xuất là cách làm phổ biến của các nghệ sỹ khi bị phát hiện vi phạm ca khúc độc quyền. Tuy nhiên, cũng có nghệ sỹ chọn cách ứng xử khác.

Trước “lời nhắc khéo” của Tuấn Hưng, Thu Phương lên tiếng “đáp trả” đàn em, đại ý rằng, nhiều ca khúc của cô cũng bị người khác sử dụng không xin phép nhưng cô vẫn cảm thấy vui, hạnh phúc, không băn khoăn, suy nghĩ gì. Cách trả lời “lấp lửng” của Thu Phương khiến không ít khán giả cho rằng, ca sĩ gốc Hải Phòng đang cố tình biện minh cho sai phạm của mình.

Khi phát hiện ca khúc độc quyền của mình bị xâm hại, các nghệ sỹ thường giải quyết theo kiểu “nội bộ”, thiếu hành động kiên quyết để làm rõ trắng đen vụ việc. Ngoài việc lên tiếng trách móc trên mạng xã hội, có nghệ sỹ đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng nhờ can thiệp nhưng với mục đích chính là “đánh động” đối phương. Vì vậy, phần lớn những vụ việc lùm xùm ca khúc độc quyền kết thúc bằng những lời xin lỗi chiếu lệ hoặc rơi vào quên lãng.

Thực tế cho thấy, chưa có vụ tranh chấp liên quan đến ca khúc độc quyền nào được các cơ quan chức năng thụ lý, giải quyết đến cùng. Theo một số chuyên gia thì hiện chưa có một khái niệm cố định về “ca khúc độc quyền” mà mới chỉ xác định việc “độc quyền” được thỏa thuận như thế nào, phạm vi độc quyền ra sao theo hợp đồng giữa tác giả và người được sử dụng độc quyền tác phẩm. Theo đó, tác giả hoặc ca sĩ phải công bố giao dịch của mình về ca khúc độc quyền. Nếu không công bố quyền sở hữu độc quyền ca khúc, tác giả cũng như ca sĩ chưa làm đúng luật và đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến ca khúc độc quyền bị “sài chùa” xảy ra.

Chưa hiểu cặn kẽ các quy định của pháp luật, cùng với đó là thái độ thiếu dứt khoát, có thể nói là dễ dãi của nghệ sỹ Việt đã tạo tiền lệ xấu cho việc vi phạm bản quyền cũng như quyền sở hữu ca khúc độc quyền. Khi vấn đề thực thi tác quyền, bảo hộ ca khúc độc quyền dựa vào tinh thần tự giác, lòng tự trọng, quan điểm “hòa cả làng” của nghệ sỹ thì có lẽ, tình trạng vi phạm bản quyền vẫn tiếp tục là câu chuyện chưa có hồi kết...

Tường Phạm
.
.