Lại "nóng" chuyện tranh chấp bản quyền ca khúc

Thứ Sáu, 26/07/2013, 09:00
Đã kéo dài mấy tháng nhưng một vụ tranh chấp bản quyền ca khúc vẫn chưa có lời kết: Đó là việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và Công ty Tiếng hát Việt của anh bị nhạc sĩ Trường Nhân chính thức khởi kiện lên Tòa án nhân dân Tp HCM vì lý do sử dụng ca khúc không có sự đồng ý của tác giả...

Ngay sau đêm truyền hình trực tiếp liveshow "Bài hát yêu thích tháng 7" ngày 7/7 vừa qua, dư luận đã ồn ào xung quanh việc ca khúc "Vụn vỡ" (ca sĩ Nguyễn Đức Quang thể hiện) trong chương trình có phần nhạc rất giống với ca khúc trong bộ phim truyền hình Trung Quốc "Thời niên thiếu của Bao Thanh Thiên". Trong khi trước đó, những lùm xùm xung quanh việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bị kiện vì tự ý sử dụng bài hát khi chưa được nhạc sĩ cho phép hay việc một ca sĩ phản ứng lại với thí sinh của chương trình “Giọng hát Việt” đã sử dụng ca khúc độc quyền của mình... vẫn còn chưa lắng xuống. Không phải là một điều quá mới mẻ, nhưng tình trạng tranh chấp bản quyền ca khúc liên tục xảy ra thời gian gần đây đã cho thấy dường như luật sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực nghệ thuật vẫn chưa được các nghệ sĩ trẻ tôn trọng.

1. Sân chơi "Bài hát yêu thích" vốn được khán giả hiểu là nơi để tôn vinh những ca khúc chất lượng của các nhạc sĩ, ca sĩ Việt Nam. Chính vì thế khi ca sĩ Nguyễn Đức Quang biểu diễn ca khúc "Vụn vỡ" tại liveshow tháng 7 đã nhanh chóng nhận được phản hồi của dư luận. Không khó để người nghe nhận ra rằng, ca khúc này có phần giai điệu giống tới 90% với ca khúc "Thôi ta đành quên" mà trước đó ca sĩ Thanh Thảo và Hàn Thái Tú từng song ca và như "anh em sinh đôi" với ca khúc "Chỉ cần có em" được 2 giọng ca Tôn Nam và Na Anh trình bày trong phim "Thời niên thiếu của Bao Thanh Thiên". Trước phản ứng của dư luận, ca sĩ Đức Quang khẳng định, ca khúc "Vụn vỡ" được anh sử dụng độc quyền để biểu diễn và ra sản phẩm tại Việt Nam dưới sự cho phép của Vân A.U - tác giả viết lời Việt cho ca khúc này, hiện đang sinh sống, làm việc tại Australia. Còn phía Ban tổ chức chương trình "Bài hát yêu thích 2013" thì lại cho biết format chương trình không phân biệt ca khúc nhạc Việt hay ca khúc nhạc ngoại lời Việt. Dù vậy, Ban tổ chức cũng yêu cầu ca sĩ Đức Quang cung cấp thêm thông tin và giấy tờ liên quan đến việc sở hữu ca khúc. Nếu không đáp ứng được yêu cầu này, có thể ca khúc sẽ bị loại ra khỏi hệ thống bình chọn. Tuy nhiên, một điều mà khán giả chưa hài lòng là việc "Bài hát yêu thích" được kỳ vọng là sân chơi để tôn vinh những ca khúc chất lượng của các nhạc sĩ Việt Nam, và để đánh giá tài năng của nhạc sĩ phải căn cứ vào cả phần nhạc và phần lời. Nếu chỉ có phần lời của tác giả Việt Nam thì thật khó có thể thuyết phục đó là ca khúc Việt. Chưa kể tới việc nếu những người tham gia căn cứ vào tiêu chí này, lạm dụng ca khúc phổ nhạc nước ngoài thì chắc chắn chương trình sẽ không còn ý nghĩa như ban đầu. Hơn nữa, đây là một chương trình có giải thưởng cho cả nhạc sĩ, ca sĩ. Những ca khúc kiểu này nếu được giải thì chuyện phân chia giải thưởng chắc chắn sẽ vô cùng phức tạp?

Đã kéo dài mấy tháng nhưng một vụ tranh chấp bản quyền ca khúc vẫn chưa có lời kết: Đó là việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và Công ty Tiếng hát Việt của anh bị nhạc sĩ Trường Nhân chính thức khởi kiện lên Tòa án nhân dân Tp HCM vì lý do sử dụng ca khúc không có sự đồng ý của tác giả. Được biết, album "Góc khuất" của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng phát hành vào tháng 7/2012 có ca khúc "Chút tình phai" với tên tác giả là Trương Tuấn Huy. Tuy nhiên, tác giả Trường Nhân đã chứng minh được rằng, bài hát "Chút tình phai" mà Đàm Vĩnh Hưng thể hiện chính là ca khúc "Chút tình" do anh sáng tác và đã được Cục Bản quyền cấp chứng nhận bản quyền, ký ngày 30/6/2006. Khi được hỏi về vấn đề này, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã "đánh trống lảng" bằng cách trả lời chung chung rằng anh không phải là một ca sĩ mới vào nghề, lơ mơ và khờ khạo và Công ty "Tiếng hát Việt" cũng không phải là một đơn vị lôm côm để làm những việc thiếu chuyên nghiệp. Sau, anh cho rằng, đây là việc tranh chấp giữa 2 nhạc sĩ, anh chỉ là người thứ 3 chịu liên lụy, và hứa sau khi phát hành hết đợt CD đầu tiên, nếu có tái bản sẽ in tên của nhạc sĩ Trường Nhân. Và anh cũng không quên ẩn ý rằng, nhạc sĩ Trường Nhân đã làm to chuyện như là một cách “đánh đu” vào mình để nổi tiếng!...

My Hoàn (trái) và Thảo Nhi trình diễn ca khúc “Chạy mưa” - ca khúc độc quyền của ca sĩ Nguyễn Đình Thanh Tâm trong chương trình “Giọng hát Việt”.

Còn nhạc sĩ Trương Tuấn Huy, người "cả gan" bán ca khúc không phải của mình sau một thời gian im hơi lặng tiếng đã chính thức xin lỗi. Anh ta cũng thừa nhận chỉ có giấy tờ hợp lệ khi bán ca khúc cho ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, còn giấy chứng nhận bản quyền của anh ta không hợp pháp. Tuy nhiên, nhạc sĩ Trường Nhân không chấp nhận phương án giải quyết của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. Anh bảo, mục đích chính của tôi là lấy lại tên ca khúc, tên tác giả và những quyền lợi hợp pháp khác. Có nhiều ý kiến cho rằng, kéo dài sự việc lùm xùm là một cách PR của cả 3 bên. Nhưng dù thế nào chăng nữa, việc lấy trọn vẹn tác phẩm của người khác làm của mình mang bán để thu lợi nhuận thì thật khó có thể chấp nhận.

2. Những vụ lùm xùm xung quanh việc vấn đề bản quyền ca khúc không còn quá mới mẻ trong showbiz nhưng dường như việc tuân thủ pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ ít được những người làm nghề chấp hành nghiêm chỉnh, nhất là những ca sĩ trẻ. Ngay sau khi đêm thi thứ nhất vòng "Đối đầu" của Giọng hát Việt 2013 phát sóng, ca sĩ Nguyễn Đình Thanh Tâm - giải nhất “Sao mai - Điểm hẹn” 2012 đã có những chia sẻ bức xúc trên trang cá nhân về việc 2 thí sinh trong đội của Hồng Nhung là Thảo Nhi và My Hoàn đã chọn ca khúc "Chạy mưa" biểu diễn. Ca khúc này của tác giả Toàn Thắng đã được Thanh Tâm mua độc quyền và phát hành dưới dạng MV và single. Chàng ca sĩ nổi tiếng với phong cách "quái" chia sẻ trên trang cá nhân của mình: "Chạy mưa" là bài hát độc quyền của tôi, tôi không mong gì hơn là một lời ngỏ từ chương trình để sử dụng bài hát của tôi như là một phần dự thi của các bạn thí sinh". Huấn luyện viên Hồng Nhung thì khẳng định cô không có lỗi trong chuyện này, vì theo quy định khi huấn luyện viên của The Voice chọn ca khúc nào, họ sẽ gửi danh sách lên Giám đốc âm nhạc để duyệt. Còn Ban tổ chức và Đài Truyền hình Việt Nam sẽ chịu trách nhiệm về những chuyện liên quan đến pháp lý, bản quyền của ca khúc này. Trước đó không lâu, ca sĩ Quốc Thiên cũng rất bức xúc khi Bùi Anh Tuấn hát ca khúc "Lạc" - một sáng tác của Toàn Thắng mà Quốc Thiên đã mua độc quyền - tại một phòng trà. Không chỉ có vậy, theo Quốc Thiên, Bùi Anh Tuấn còn lấy một bài đã thu sẵn trên mạng để đi hát nhiều lần. Hay nhạc sĩ Giáng Son cũng từng tỏ thái độ không hài lòng khi ca khúc "Thu cạn" của cô đã được bán độc quyền cho ca sĩ Nguyên Thảo nhưng vẫn có nhiều người mang ra thi hát trong các gameshow truyền hình thực tế…

Một điều dễ nhận thấy là hầu hết những người bị vi phạm bản quyền đều cho rằng, nếu người hát là khán giả hoặc những người không chuyên hát cho vui thì không sao, nhưng là những ca sĩ hoạt động chuyên nghiệp, đi hát có doanh thu thì không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, nói thì nói vậy chứ chưa có một trường hợp nào vi phạm bản quyền ca khúc được xử lý đến cùng. Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cho biết dù đã thành lập hơn 10 năm nay nhưng ít có vụ việc nào được đưa ra giải quyết công khai, cũng như chưa khởi kiện bất kỳ tổ chức, cá nhân vi phạm nào mà chủ yếu theo con đường kiên trì đàm phán, thuyết phục. Có lẽ, chính thái độ dễ dãi, "hòa cả làng" của những người trong cuộc đã khiến cho những nghệ sĩ trẻ đi sau càng ít ý thức tôn trọng bản quyền.

Một trong những điều khiến việc vi phạm bản quyền ca khúc thường xuyên xảy ra còn là sự bất cập trong chính những quy định. Ví dụ như vụ lùm xùm bản quyền ca khúc trong chương trình "Giọng hát Việt", ông Nguyễn Quang Minh, Giám đốc Cát Tiên Sa thì cho rằng, đây là chương trình phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam nên bản quyền ca khúc trong nước do VTV phụ trách thông qua VCPMC. Tuy nhiên, phía VCPMC lại cho rằng Điều 26 Luật Sở hữu trí tuệ quy định do đặc thù là đài truyền hình quốc gia, có nhiệm vụ phục vụ công chúng cả nước, VTV được hưởng quyền ưu tiên là không phải xin phép trước khi sử dụng, nhưng phải trả tiền bản quyền. Tuy nhiên, luật này cũng không quy định rõ trường hợp độc quyền thì có phải xin phép hay không. Chưa kể hiện nay Việt Nam còn chưa có tòa chuyên trách và thẩm phán chuyên trách về quyền tác giả nên các tổ chức cá nhân lại càng dè dặt khi sử dụng quyền khởi kiện tại tòa

K.T.
.
.