Thương đau giày xéo Dải Gaza

Chủ Nhật, 13/04/2025, 05:56

Gần 1 tháng kể từ khi nối lại các đợt tấn công nhằm vào Dải Gaza, giới chức Israel bất ngờ cho biết nước này đã đưa ra đề xuất thỏa thuận con tin theo hướng mềm mỏng hơn với Hamas, trong bối cảnh dải đất này đang đối diện nạn đói toàn diện với thực trạng không khác gì “địa ngục trần gian”.

Times of Israel ngày 11/4 (giờ địa phương) dẫn nguồn tin giới chức Israel cho biết, vào tháng 3, Israel yêu cầu Hamas thả 11 con tin còn sống để đổi lấy việc khôi phục lệnh ngừng bắn tại Gaza. Trong khi đó, Hamas cho biết họ sẵn sàng thả 5 con tin còn sống. Trong nhiều tuần, cả hai bên đều từ chối thỏa hiệp thêm và các cuộc đàm phán vẫn bế tắc. Tuy nhiên, sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 7/4, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã đồng ý giảm nhẹ yêu cầu của mình và chỉ yêu cầu Hamas thả 8 con tin còn sống.

Ngoài ra, trong đề xuất của mình, Israel cũng sẽ giảm số tù nhân Palestine - bao gồm cả những người đang thụ án chung thân - được thả để đổi lấy mỗi con tin. Israel cũng sẽ đồng ý cho phép tiếp tục cung cấp viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza và rút quân về nơi họ đã đồn trú ở Gaza trước khi giao tranh bùng phát trở lại vào ngày 18/3. Đề xuất mới trên được kỳ vọng sẽ “phá băng” cho tiến trình đàm phán đã đình trệ nhiều tuần liền, trong bối cảnh trước đó hai bên đều cứng rắn không chịu nhượng bộ.

Tuy nhiên, trái ngược với diễn biến ngoại giao có phần tích cực, tình hình nhân đạo tại Gaza tiếp tục gây lo ngại. Tuyên bố với báo giới tại trụ sở Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế ở Geneva, Thụy Sỹ hôm 11/4, Chủ tịch Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế Mirjana Spoljaric nhấn mạnh tình hình tại Dải Gaza giờ đây không khác gì “địa ngục trần gian”, khi người dân ở nhiều khu vực không thể tiếp cận được nước uống, lương thực và không được cấp điện.

8.jpg -0
Người dân Dải Gaza đối diện cuộc khủng hoảng nhân đạo toàn diện. Ảnh: Reuters.

Người đứng đầu Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế chỉ rõ trong 6 tuần qua, không có bất kỳ một chuyến hàng cứu trợ nhân đạo nào được chuyển vào Gaza và các bệnh viện ở đây chỉ có thể cầm cự được khoảng nửa tháng nữa. Trong khi đó, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết 22 trong tổng số 36 bệnh viện ở dải Gaza đang hoạt động ở mức tối thiểu vì thiếu thuốc men và thiết bị y tế, đặc biệt là thiếu thuốc kháng sinh và huyết thanh.

Trên thực tế, Israel bắt đầu phong tỏa toàn bộ hoạt động chuyển hàng cứu trợ nhân đạo vào Dải Gaza từ ngày 2/3 như biện pháp gây áp lực với phong trào Hamas. Một tuần sau đó, giới chức Israel tiếp tục cắt nguồn cung cấp điện cho Gaza và đến ngày 18/3 chính thức mở lại chiến dịch tấn công quân sự ồ ạt vào vùng đất này. Trước việc Israel đề xuất kiểm soát việc cung cấp viện trợ ở Gaza,Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã bác bỏ đề xuất mới của Israel về việc kiểm soát việc cung cấp viện trợ ở Gaza.

Theo Tổng thư ký LHQ, đề xuất này có nguy cơ "tiếp tục kiểm soát và hạn chế viện trợ một cách vô cảm". Nhấn mạnh dải Gaza là một chiến trường chết chóc và dân thường đang trong "vòng lặp tử thần bất tận", Tổng thư ký một lần nữa kêu gọi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện tất cả các con tin, ngừng bắn vĩnh viễn và tiếp cận nhân đạo đầy đủ ở Gaza. Nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế cũng cực lực lên án động thái của Israel, coi đó là biện pháp trừng phạt tập thể bất công chống lại dân thường vô tội, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có luật nhân quyền.

Trong diễn biến mới nhất, Văn phòng Điều phối nhân đạo LHQ (OCHA) cảnh báo các cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza gây thiệt hại khủng khiếp cho dân thường vốn phải chịu cảnh thiếu hụt lương thực và cướp bóc do lệnh phong tỏa viện trợ, đồng thời nhấn mạnh tính cấp thiết của việc mở lại các cửa khẩu để cho phép các nguồn viện trợ vào vùng lãnh thổ này. Theo OCHA, chỉ riêng ngày 10/4, hàng chục người đã thiệt mạng, trong đó có ít nhất 8 trẻ em, sau khi Israel không kích một tòa nhà dân cư.

Văn phòng này nhấn mạnh xung đột và lệnh phong tỏa của Israel kéo dài hơn 6 tuần đang cản trở người dân tiếp cận viện trợ. Do nguồn cung bên trong Dải Gaza cạn kiệt đã dẫn đến nạn cướp bóc gia tăng trong vài ngày qua, cũng như khiến hơn 60.000 trẻ em bị suy dinh dưỡng. OCHA nhấn mạnh tình trạng thiếu nước nghiêm trọng, thiếu vật dụng vệ sinh gây tác động lớn đến sức khỏe cộng đồng.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức ngày 11/4 tái khẳng định rằng nhà nước Palestine phải được thành lập thông qua đàm phán chứ không phải thông qua sự công nhận đơn phương. Tuyên bố của phía Đức đưa ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông có thể chính thức công nhận nhà nước Palestine vào tháng 6/2025. Động thái này của các nhà lãnh đạo Pháp và Đức được đưa ra trong bối cảnh quốc tế ngày càng có nhiều lời kêu gọi về một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Gaza, nơi Israel đã tiến hành các cuộc tấn công khiến gần 51.000 người thiệt mạng kể từ tháng 10/2023, gây ra cuộc xung đột ngày càng lớn hơn giữa Israel và Palestine.

Hiện nay, 147 trong số 193 quốc gia thành viên LHQ đã công nhận nhà nước Palestine. Tháng 5 năm ngoái, Tây Ban Nha, Ireland và Na Uy đã gia nhập danh sách, nâng tổng số quốc gia Liên minh châu Âu (EU) công nhận nhà nước Palestine lên 10.

Bảo Hân
.
.